Fraxchain có giúp thay đổi vị thế của Frax Finance?

Ngày 16/6, Frax Finance – dự án chuyên mảng stablecoin thuật toán thông báo phát hành blockchain Layer 2 của mình mang tên Fraxchain vào cuối 2023. Điều này khiến giá FXS tăng mạnh hơn 10% chỉ trong chưa đầy 1 ngày. Nhưng liệu Fraxchain có giúp thay đổi vị thế của Frax Finance về lâu dài không?

Tổng quan về Frax Finance 

Frax Finance được biết đến như một dự án chuyên mảng stablecoin nhưng để cạnh tranh tốt hơn, Frax Finance đã mở rộng phạm vi sản phẩm sang cả chiều ngang lẫn ngành dọc.

Sản phẩm chủ chốt của Frax Finance chính là Frax stablecoin được neo giá bằng USD. Ngoài ra, Frax Finance cũng phát triển FPI stablecoin với giá trị neo bởi chỉ số CPI của Mỹ.

Một số sản phẩm ngành dọc, không liên quan stablecoin của Frax Finance là:

Frax Ether: LSD cho phép người dùng nhận tài sản tổng hợp frxETH khi stake ETH. Hiện Frax Ether đang có mức APY ở 5.13%, cao hơn Lido ở 4.3%.

Frax ETH V2 cũng đang được phát triển, tạo ra thị trường cho vay ETH ngang hàng, phi tập trung, bất khả tri cho các node operators.

Frax Share (FXS): Token quản trị, có thể được stake dưới dạng veFXS để quản lý các giao thức cơ sở hạ tầng và stablecoin của hệ sinh thái Frax Finance.

Fraxswap: AMM giúp thực hiện các giao dịch lớn, cân bằng tài sản thế chấp, điều chỉnh nguồn cung stablecoin.

Fraxlend: Nền tảng cho vay phi tập trung, cho phép người dùng vay và cho vay các token ERC-20.

Fraxferry: Cho phép chuyển token trong Frax Protocol đến nhiều blockchain, hoạt động tương tự như cầu nối xuyên chuỗi.

Tìm hiểu thêm: Chiến lược phát triển của Frax Finance và sự lớn mạnh của Frax Wars

Dù đã phát triển trong 3 năm và trải qua một mùa uptrend, Frax Finance vẫn chưa có sản phẩm nào thực sự nổi bật.

FRAX stablecoin gặp khó khăn khi cạnh tranh cùng stablecoin DAI. FraxSwap chưa có nhiều người dùng như Uniswap. LSD Frax Ether khá lép vế khi đứng cạnh Lido. Fraxlend chưa tạo ra nhiều tiếng vang như AAVE hay Maker. Fraxferry cũng chưa được biết đến nhiều như Synapse hay Multichain.

Vốn hóa của FRAX stablecoin chỉ bằng 1/4 so với DAI stablecoin. Nguồn: DeFi Llama

Như vậy, để tạo nên một khác biệt, Frax Finance cần có những sản phẩm, chiến lược khác biệt. Và Fraxchain có thể chính là điều mà Frax Finance cần.

Giới thiệu tổng quan về Layer 2 Fraxchain 

Fraxchain là Layer 2 được Frax Finance phát triển, dự kiến ra mắt vào quý 4 năm 2023.

Theo chia sẻ của Sam Kazemian – nhà sáng lập Frax Finance, Fraxchain sẽ là một hybrid rollup kết hợp những điểm mạnh của Optimistic Rollup, Zk Rollup cùng thiết kế Sequencer hoạt động luân phiên.

Kết hợp Optimistic Rollups và ZK Rollup

Các Layer 2 thông thường tập trung phát triển sử dụng một loại công nghệ. Chẳng hạn, Arbitrum, Optimism, Boba, Fuel Network, Cartesi đều sử dụng công nghệ Optimistic Rollups. Starkware, zkSync, Aztec Network, Scroll hay Loopring đều chỉ sử dụng công nghệ ZK Rollups.

Với cạnh tranh với các Layer 2 đang có trên thị trường và trở nên khác biệt, Fraxchain sử dụng kết hợp cả hai công nghệ Optimistic Rollups và ZK Rollup, điều chưa từng xảy ra trong thị trường crypto. Đây đều là 2 giải pháp Layer 2 tốt nhất hiện nay.

So sánh các giải pháp Layer 2 hiện tại. Nguồn: Coin98 Insights

Cho phép Sequencer hoạt động luân phiên

Sequencer (node giúp sắp xếp giao dịch trên Layer 2 và gửi chúng lên Layer 1) trong Fraxchain được vận hành bởi người được chọn thông qua bỏ phiếu quản trị, giúp tăng tính phi tập trung lên mức tối đa. Vị trí này cũng được đấu giá và chuyển giao luân phiên, nếu 1 Sequencer bị buộc ngưng hoạt động, Fraxchain cho phép Sequencer tiếp theo tiếp tục sắp xếp giao dịch từ nơi mà Sequencer trước đó dừng lại một cách liền mạch.

Tính năng này khiến Fraxchain khác với những Layer 2 khác trên Ethereum, thường phụ thuộc vào 1 Sequencer duy nhất. Điều này đảm bảo các giao dịch được thực hiện liên tục, nhanh chóng.

Cách hoạt động điển hình của Layer 2 sử dụng 1 Sequencer. Nguồn: Coin98 Insights 

Ngoài ra, Fraxchain còn tương thích với EVM, giúp các nhà phát triển dễ dàng tích hợp ứng dụng phi tập trung vào Fraxchain, tăng tính ứng dụng của Layer 2 này. Phí gas trên Fraxchain sẽ được thanh toán bằng frxETH. Những người nắm giữ FXS sẽ nắm quyền quản trị Fraxchain. Người dùng cũng có thể chuyển giao, kết nối tài sản của mình vào Fraxchain thông qua Fraxferry.

Các khoản phí được tạo ra sẽ có thể được đốt một phần để giảm nguồn cung hoặc chuyển về mạng chính Ethereum để phân phối giữa những người stake FXS, khuyến khích người dùng stake FXS.

Tại sao Frax Finance lại ra mắt Fraxchain?

Nếu xu hướng phát triển của DeFi 2021 là Layer 1 thì đến 2023, Layer 2 đã chiếm lĩnh thị trường. Phần lớn các giao thức, sàn giao dịch đều phát triển Layer 2 của riêng mình, sử dụng nhiều công nghệ, tính năng khác nhau.

Đây cũng là điều tất yếu của thị trường khi Ethereum blockchain không đủ khả năng thực hiện khối lượng giao dịch lớn khiến phí gas đôi khi tăng đến mức vô lý. Để có thể khiến thị trường crypto trở nên phổ biến hơn, các giao thức cần có đủ khả năng xử lý khối giao dịch khổng lồ.

Thị trường crypto đã chững chạc hơn so với năm 2020, lượng người dùng cao hơn, lượng người dùng đã biết đến crypto nhưng chưa sử dụng cũng đã cao hơn năm 2020 rất nhiều. Do đó, nhu cầu cho các giao thức Layer 2 đã tăng cao phù hợp với thị trường. Đây có thể là một trong những lý do Frax Finance phát triển Layer 2 Fraxchain của mình.

Thay vì sử dụng ETH làm phí giao dịch, Fraxchain sẽ sử dụng frxETH làm phí giao dịch. Điều này, giúp tăng nhu cầu sử dụng của frxETH. Các sản phẩm của Frax Finance như Fraxswap, Fraxlend, Fraxferry cũng sẽ được sử dụng nhiều hơn trong Fraxchain để giao dịch, di chuyển tài sản qua lại.

Tuy nhiên, trong khi các Layer 2 khác tập trung vào tính năng, người dùng, chất lượng sản phẩm thì Fraxchain lại tập trung vào tính phi tập trung và trải nghiệm cái mới. Đặc biệt, việc kết hợp cả Optimistic Rollups và ZK Rollup là điều chưa có Layer 2 nào thực hiện. Nó mang tính rủi ro khá cao khi tính khả thi của việc này là chưa được xác nhận.

Lịch trình phát triển cụ thể của Fraxchain chưa được Frax Finance công bố. Nếu không có chiến lược phát triển cụ thể, Fraxchain sẽ khó có thể thành công.

Kết luận

Sự ra mắt của Fraxchain đánh dấu động thái quan trọng của Frax Finance nhằm củng cố vị thế của nó trong thế giới DeFi. Bên cạnh Fraxchain, Frax Finance còn đang lên kế hoạch nâng cấp Frax V3, ra mắt Frxgov và nâng cấp FrxETH V2. Thế nhưng, chiến lược và sự thành công của Fraxchain vẫn là điều cần theo dõi trong thời gian dài.

Nhà sáng lập 3AC trở lại thị trường trong sự cười nhạo và chỉ trích

Su Zhu và Kyle Davis, hai nhà sáng lập của quỹ đầu tư Three Arrows Capital (đã phá sản) đang trở lại thị trường với dự án mới. Tuy nhiên, hầu như không ai đón nhận và ủng hộ bộ đôi này.

Chuyện gì đang diễn ra?

Quy ẩn một thời gian sau khi quỹ đầu tư Three Arrows Capital sụp đổ, 2 founder tai tiếng Su Zhu và Kyle Davis bắt tay với 2 nhà sáng lập của CoinFLEX, kêu gọi 25 triệu USD để bắt đầu xây dựng sàn giao dịch có tên GTX.

Theo lời giới thiệu từ dự án, GTX mang một “lý tưởng cao đẹp”, ra đời để lấp đầy vết thương cho các chủ nợ là nạn nhân trong các vụ sụp đổ của FTX, Celsius, BlockFi và Mt.Gox… 

Cụ thể, các nạn nhân (và đang là chủ nợ) của FTX, Celsisus… thay vì chỉ giữ số nợ tới ngày nhận đền bù (chưa rõ khi nào), sàn GTX cung cấp cho các chủ nợ hai lựa chọn khác: bán lại số nợ để đổi lấy tiền mã hóa USDG – một dạng tài sản tín dụng hoặc dùng để giao dịch đòn bẩy.

Sản phẩm GTX cung cấp cho người dùng. Ảnh chụp từ tài liệu của GTX.

Sự xuất hiện của GTX có lẽ đã không trở nên rầm rộ nếu founder của sàn không phải hai gương mặt Su Zhu và Kyle Davis, cùng với đó là một “pitch deck” (file giới thiệu dịch vụ của mình cho khách hàng, đối tác) kém thuyết phục, bị “ném đá” không tiếc.

Tìm hiểu thêm Su Zhu và Kyle Davies là ai?

Bê bối và những lùm xùm trong quá khứ với Three Arrows Capital chưa giải quyết triệt để, Su Zhu và Kyle Davis bị cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cáo buộc, điều tra về vi phạm pháp lý tiềm ẩn, theo Bloomberg.

Không chỉ founder của Three Arrows Capital dính tai tiếng, CoinFLEX cũng từng gặp vấn đề về tài chính và nộp đơn xin tái cấu trúc vào tháng 8/2022 sau khủng hoảng crypto, khiến công ty này buộc phải trì hoãn việc rút tiền.

Ngoài tâm điểm chú ý về Su Zhu và Kyle Davis, cái tên GTX cũng là thứ được cộng đồng bàn tán bởi nó gần giống với tên FTX. Có lẽ vì chữ cái G đứng sau chữ cái F, và GTX tự xưng là ra đời để khắc phục hậu quả của FTX.

Tuy tỏ ra thân thiện, nhưng cái tên GTX vẫn mang lại nỗi ám ảnh vì gần giống với FTX. Với phản ứng của cộng đồng, sàn lên tiếng xác nhận chưa phải là tên chính thức và sẽ thay đổi.

GTX chưa ra mắt đã bị cười cợt, chỉ trích thậm tệ

Ngay từ khi thông tin sàn GTX xuất hiện, Su Zhu đã liên tục nhận những lời châm biếm từ dư luận của những nhà đầu tư, những người đứng đầu dự án trong ngành và cả giới truyền thông.

Lời giới thiệu đầu về GTX.

Trong bảng trình bày về dự án GTX, Su Zhu ước tính giá trị thị trường nợ mà anh ta nhắm tới có giá trị 20 tỷ USD, và “sứ mệnh” của sàn này là mở rộng lĩnh vực hoạt động từ thị trường nợ cho đến crypto, cổ phiếu và nhiều hơn nữa. Những vòng tròn không đồng tâm này gợi nhớ đến phong cách mở màn của series điệp viên 007. 

Mổ xẻ file giới thiệu của GTX, Financial Times không ngại ngần ví von FTX như xác chết khổng lồ và là nguồn thức ăn của những dự án kiểu GTX. 

@foobar, một nhà đầu tư nổi tiếng hơn 100,000 người follow trên Twitter mỉa mai Su Zhu và Kyle Davis.

Tyler, một trader có hơn 60,000 người theo dõi đã bàn tán trong một bài viết trên twitter:

CHADLY – một nhà đầu tư khác trên twitter ngụ ý những Quỹ đầu tư vào GTX là những Quỹ đầu tư thực tập sinh.

Thậm chí có những nhà đầu tư chẳng hạn như Garlam, dành hẳn thời gian để châm biếm từng trang một trong phần trình bày về dự án của GTX với những nội dung tương tự.

Garlam còn mỉa mai mô hình hoạt động của sàn GTX như việc “tôi dùng gậy đánh vào mặt bạn và sau đó bán gói thẩm mỹ”.

Satvik Sethi, một nhà đầu tư có tên tuổi đã nhận ra một vấn đề bất thường nằm ở vòng gọi vốn của sàn GTX. Cụ thể, Satvik nói “Điều hài hước nhất là họ thậm chí còn chưa có công nghệ hay đã hoạt động ngoài thị trường nhưng chẳng hiểu sao lại được xem là ở vòng gọi vốn seed ground”.

Thông thường, một startup gọi vốn sẽ có những những giai đoạn tương ứng thứ tự các vòng:

  • Vòng Pre-Seed: Đây là lúc dự án đang nằm ở ý tưởng.
  • Vòng Seed: Ý tưởng lúc này đã thành hình và đưa vào hoạt động.
  • Series A: Mô hình hoạt động dự án đã được chứng minh.
  • Tiếp đến là các vòng Series B, C, D,… nếu dự án cần thêm tiền để phát triển.
  • Do đó, với những gì đang có trong tay, lẽ ra GTX phải ở vòng Pre-Seed.

Đến thời điểm viết bài, số lượng người châm chọc Su Zhu và GTX vẫn chưa dừng. Ngoài những lời dè bỉu trên, có những người cho thấy rõ sự mất niềm tin đối với sự xuất hiện của Su Zhu và Kyle Davis.

“Founder của Quỹ đầu tư đã phá sản – Three Arrows Capital muốn ra mắt sàn crypto mới. Tôi sẽ không bao giờ tin vào Su Zhu và Kyle”, trang Twitter của Whalechart.org với hơn 200K người theo dõi, thể hiện quan điểm thẳng thắn.

Một nhà đầu tư khác tin GTX là viết tắt của Grand Theft Exchange – Sàn giao dịch của những tên trộm vĩ đại và kêu gọi mọi người đừng rời bỏ Binance, Bitget và Bitmex.

Không chỉ vậy, CEO của Wintermute, nhà tạo lập thị trường nổi tiếng giới Crypto đã tuyên bố trên Twitter như một lời răn đe, cảnh báo đến những cộng đồng trong thị trường nói chung.

Nếu bạn đầu tư vào sàn của CoinFLEX và 3AC, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc làm ăn, hợp tác với Wintermute trong tương lai – CEO của Wintermute.

Có một điểm thú vị nằm trong bản giới thiệu về GTX. Su Zhu đã thành thật khai ở dòng cuối:

“Three Arrows Capital từng thắng gấp 40 lần trong thị trường Forex và 80 lần trong thị trường Crypto trước khi Quỹ phá sản năm 2022”

Trước sự thành thật này, không rõ Su Zhu liệu có lấy lại được thiện cảm với dư luận hay không. Tuy nhiên, người đăng bức ảnh này – ALFIE vừa bị Su Zhu chặn tài khoản.

Qua những lời bàn tán, chỉ trích, có thể thấy những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong thị trường Crypto đều đang khước từ và quay lưng lại với Su Zhu và Kyle Davis, cũng như cười nhạo vào cách mà GTX xuất hiện. 

Đây cũng là thực tế phũ phàng khi một founder trong ngành crypto khó có cơ hội thứ hai nếu mắc phải sai lầm lớn và đánh mất hoàn toàn niềm tin, sự tôn trọng từ cộng đồng.

Phân tích Báo cáo tài chính (BCTC) Q3/2021 của Coinbase

Coinbase là công ty Crypto hiếm hoi ra mắt báo cáo tài chính. Cùng phân tích BCTC Q3/2021 của Coinbase để tìm ra các insights nhé!!!

Coinbase là sàn giao dịch hàng đầu trên thị trường Crypto, và là công ty Crypto hiếm hoi ra mắt báo cáo tài chính, giúp chúng ta hiểu hơn về ngành này.

Ở bài viết này, mình sẽ không chỉ nói về Coinbase (coin), mà sẽ nói thêm về các Insight chúng ta rút ra được trong báo cáo tài chính của Coinbase, có thể là nhu cầu thị trường, tâm lý đầu tư, các CEX thu nhập như thế nào,….

Anh em tham khảo để có thêm góc nhìn trong đầu tư.

Báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính là bảng báo cáo gồm nhiều số liệu về tất cả hoạt động của 1 công ty trong Quý hoặc trong năm, được bộ phận kiểm toán và chủ tịch công ty xác nhận.

Báo cáo tài chính bao gồm 4 thành phần chính:

  • Bảng cân đối kế toán.
  • Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
  • Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  • Thuyết minh Báo cáo tài chính.

3 bảng đầu tiên bao gồm nhiều số liệu, cho chúng ta biết tài chính của công ty như thế nào, kinh doanh đang lời lỗ, tăng trưởng hay giảm đi so với giai đoạn trước.

Bảng thuyết minh sẽ đi sâu vào các số liệu trên, giúp ta hiểu tại sao lại ra con số đó. Ví dụ, lợi nhuận tăng mạnh, nhưng tăng mạnh do đâu, nguồn này có ổn định không? Bảng thuyết minh sẽ cho ta biết điều đó.

⇒ Tổng lại, báo cáo tài chính cho ta biết được phần lớn về sức khỏe tài chính và hoạt động kinh doanh của 1 công ty.

Lưu ý khi đọc Báo cáo tài chính: 

Báo cáo tài chính là hoạt động được yêu cầu theo pháp luật, và được báo cáo theo 1 quy chuẩn. Nhưng quy chuẩn không thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi ngành nghề, vì vậy, một số công ty có thể thay đổi số liệu mà vẫn hợp với quy chuẩn.

Vậy nên khi đọc BCTC, anh em đừng chỉ nên đọc về Doanh thu hay Lợi nhuận, mà phải tìm hiểu kỹ những thông số còn lại, nếu anh em không thể đọc BCTC, có thể tham khảo góc nhìn từ các chuyên gia, như vậy anh em sẽ có được góc nhìn khách quan hơn để tham gia đầu tư. Đừng để các“phù thủy của những con số” làm anh em lạc lối.

Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về đối tượng chính trong bài này – Coinbase.

Coinbase là gì? Các sản phẩm chính của Coinbase

Coinbase (hay Coinbase Inc) là một công ty cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm bảo mật khác nhau trong thị trường tiền điện tử, bao gồm: ví lưu trữ, sàn giao dịch, staking, saving,… được thành lập bởi Brian Armstrong và Ben Reeves vào năm 2012.

Mục tiêu của Coinbase là xây dựng nên một hệ thống tài chính mở, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và dễ tiếp cận hơn cho người dùng thông qua nền kinh tế tiền điện tử – Crypto Economy.

Sự nổi tiếng của Coinbase đến từ việc tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư lớn chính thống tại USA. Coinbase cũng là sàn giao dịch CEX đầu tiên được IPO với định giá lúc lên sàn lên đến $200 B.

Các sản phẩm chính của Coinbase

Là một sàn giao dịch hàng đầu, Coinbase cũng mở rộng các dịch vụ của mình, các sản phẩm trong hệ sinh thái Coinbase bao gồm 5 sản phẩm chính:

  • Coinbase Exchange: Đây là sản phẩm chính của Coinbase, hỗ trợ các hoạt động giao dịch.
  • Coinbase Custody: Coinbase Custody là sản phẩm lưu kí tài sản, bảo đảm tài sản cho các quỹ đầu tư lớn trên thị trường. Trên nguyên tắc, các Quỹ đầu tư sẽ không được nắm quyền sở hữu hoàn toàn tài sản mà phải nhờ lưu ký ở một bên khác, để bảo đảm độ an toàn và bảo mật cho tài sản đó. Coinbase Custody tương tự với dịch vụ lưu ký chứng khoán của các ngân hàng.
  • Coinbase Wallet: Ví phi tập trung của Coinbase, giúp người dùng kết nối vào các Protocol DeFi
  • Coinbase Prime: Sản phẩm dành riêng cho các tổ chức được ra mắt vào giữa Q3 vừa rồi, bao gồm các dịch vụ Custody, Trading, Phân tích, Giải pháp tài chính, Công cụ đầu tư,… giúp các Tổ chức tham gia đầu tư vào Crypto dễ dàng hơn.
  • Coinbase Cloud: Bộ sản phẩm giúp các nhà phát triển xây dựng và tích hợp với các sản phẩm Crypto một cách hiệu quả và tối ưu hơn.

⇒ Đây là một hệ sinh thái rất lớn và đặc biệt tất cả các sản phẩm đều tuân theo quy định của pháp luật, đem lại sự tiện nghi và an tâm cho người dùng.

Những thông số nổi bật trong báo cáo tài chính của Coinbase

Người dùng

Lượng người dùng hàng tháng (MTUs) của Coinbase trong Quý 3/2021 đạt 7.4 triệu người, giảm 1.4 triệu (-16%) so với Q2. Tuy nhiên, điểm tích cực là người dùng đã tham gia vào nhiều sản phẩm của Coinbase hơn, không chỉ đơn thuần là giao dịch.

Dưới đây là bảng so sánh người dùng:

Biểu đồ so sánh người dùng của Coinbase

Trong Quý 3, số người chỉ hoạt động giao dịch Coinbase đã giảm chỉ còn 50%, trong những những người chỉ tham gia các sản phẩm khác ngoài giao dịch đã tăng lên khoảng 20%.

Doanh thu

Đầu tiên, có thể thấy doanh thu của Coinbase đi xuống rõ rệt, từ $2,033 M xuống còn $1,234.7 M, giảm gần 40% sau nhiều quý tăng trưởng.

Doanh thu của Coinbase bao gồm 2 nguồn:

  • Doanh thu từ phí giao dịch.
  • Doanh thu từ phí đăng ký và dịch vụ.
Doanh thu của Coinbase qua từng Quý

Doanh thu từ phí giao dịch: Chiếm hơn 88%.

Trong Q3/2021, doanh thu từ phí giao dịch giảm mạnh ở cả người dùng cá nhân và người dùng tổ chức. Theo Coinbase, điều này xuất phát từ việc thị trường ảm đạm vào tháng 7, sau đó, trong tháng 8 và tháng 9 có sự cải thiện lại rõ rệt, tuy nhiên cũng không kéo doanh thu của Quý cải thiện.

Theo một số nguồn khác mình đọc được, dịch vụ của Coinbase trong Q3 thường xuyên thiếu ổn định, không thể giao dịch, điều này góp phần khiến doanh thu trong Q3/2021 xuống như vậy.

⇒ Sự ổn định ở các sàn CEX đóng vai trò quan trọng, khi thị trường biến động là lúc nhiều người muốn giao dịch nhất, nếu sàn CEX không đảm bảo cơ sở hạ tầng và bị lỗi vào những thời điểm này, họ sẽ mất đi rất nhiều doanh thu, đồng thời người dùng cũng sẽ đi sang sàn khác để giao dịch.

Ở điểm này, mình thấy FTX là sàn ổn định nhất, mình chưa gặp trường hợp giật lag nào ở FTX.

Doanh thu từ phí đăng ký và dịch vụ: Chiếm khoảng 12%.

Điểm tích cực là doanh thu từ phí đăng ký và dịch vụ đã tăng khoảng 40% trong Q3/2021. Dù chiếm một một tỉ lệ nhỏ trong doanh thu, nhưng điều này cho thấy việc phát triển thêm nhiều sản phẩm đã đem lại một kết quả tốt.

Doanh thu tăng phần lớn đến từ “Blockchain Rewards”, khả năng cao đến từ phần thưởng ETH 2.0 – dịch vụ mà Coinbase ra mắt gần đây. “Blockchain Rewards” cũng là phần doanh thu tăng trưởng đều trong thời gian gần đây, cho thấy được tiềm năng phát triển trong tương lai.

⇒ Tổng kết lại, doanh thu Coinbase có sự đi xuống rõ rệt sau vài quý tăng mạnh, tuy nhiên điểm tích cực đến từ các sản phẩm phụ của Coinbase.

Chi phí

Kinh doanh sàn CEX không đơn giản chỉ tạo ra cái sàn và thu phí, còn phải nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng chục triệu người, cũng như chi phí cho nhân sự, các khoản này khiến Coinbase mất hàng trăm triệu USD đến hàng tỉ USD mỗi Quý.

Chi phí cho Q3/2021 của Coinbase là khoảng $1 Tỉ USD, trong đó nổi bật là “Chi phí phát triển công nghệ” và “Chi phí quản lí điều hành” chiếm hơn gần $600 M (60%).

Chi phí của Coinbase qua từng Quý

2 khoản chi phí này tăng đều trong suốt một năm nay và không hề giảm, bất chấp thị trường ảm đạm vào Q3.

⇒ Coinbase đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, khiến các khoản chi phí cố định tăng cao.

Chi phí cố định cũng là những chi phí bỏ ra vì mục đích dài hạn, đảm bảo nhu cầu cho người dùng và không quan tâm nhiều đến ngắn hạn. Do đó, trong dài hạn, khi thị trường tăng trưởng mạnh trở lại, mình tin lợi nhuận của Coinbase sẽ tăng nhanh.

Ngoài ra, trong bảng chi phí có một dòng là “Phí giao dịch” (Transaction Expense) chiếm một phần cũng không nhỏ (16%). Anh em sẽ thắc mắc Tại sao sàn CEX mà lại tốn phí giao dịch?

Chi phí giao dịch Staking ETH 2.0

Theo Coinbase, đó là chi phí giao dịch và phân phối phần thưởng từ ETH 2.0, con số lên đến gần $200 Triệu USD, cho thấy hoạt động này được hưởng ứng rất nhiều.

Điều đó cho thấy, phát triển các tính năng staking rất được lòng các nhà đầu tư, giúp họ kiếm thu nhập thụ động. Đây là điều mà Binance đang làm tốt, họ có nhiều sản phẩm staking, cả Staking cố định và Staking không cố định.

Lợi nhuận

Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không giảm nhiều do phải đầu tư vào chi phí cố định, vậy nên lợi nhuận của Coinbase trong Q3 giảm đáng kể là điều dễ hiểu, chỉ còn 400 Triệu USD, bằng 1/4 so với Quý trước đó.

Tỷ suất lợi nhuận (profit margin) của Coinbase đạt: 406/1235 = 32.8%.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế (EBITDA) của Coinbase đạt: 618/1235 = 50%.

Nếu so sánh chỉ số này với các công ty tài chính truyền thống (khoảng 10% – 20%), thì đây vẫn là 1 con số cao, dù Quý này Coinbase kinh doanh xuống cấp.

Điều đó có nghĩa, sàn giao dịch CEX là một ngành tỷ suất lợi nhuận khá tốt. Đó thậm chí là giai đoạn Coinbase bỏ ra nhiều chi phí cố định để phát triển cơ sở hạ tầng, khi hoàn tất xây dựng hoặc xây dựng ít đi, tỷ suất lợi nhuận của Coinbase hoàn toàn có thể đạt lên mức 50% – 70%.

Phân tích các hoạt động khác của Coinbase

Hoạt động Listing và Custody

Coinbase nổi tiếng là giao dịch an toàn và tuân thủ pháp luật, các dự án được hỗ trợ bởi Coinbase đồng nghĩa với việc tiếp cận được với dòng vốn lớn từ tài chính chính thống. Do đó, các hoạt động Listing và Custody của Coinbase cũng rất được quan tâm.

Trong năm 2020 và 2021, dù thị trường trải qua rất nhiều giai đoạn bùng nổ và suy thoái, nhưng việc hỗ trợ Listing và Custody của Coinbase diễn ra khá đều.

Listing chậm nhưng ổn định, ưu tiên về độ an toàn và tính pháp lý với yêu cầu khắt khe, anh em đọc thêm “04 tiêu chí quan trọng để được list trên Coinbase” để hiểu thêm. Điều này nâng tầm danh tiếng của Coinbase, các dự án được tin niêm yết trên sàn Coinbase được pump rất cao và ít bị xả sau đó.

Một điều nữa, dự án đã list Coinbase rồi thì rất ít khi bị delist.

*Số lượng listing và Custody các dự án của Coinbase qua từng Quý

Q3/2021 là thời kỳ bùng nổ listing trên Coinbase, đặc biệt là trong tháng 8, Coinbase tổng cộng đã niêm yết 27 dự án trong Quý 3, thuộc nhóm ngành DeFi.

Có thể sau 1 giai đoạn tháng 7 kinh doanh không tốt, Coinbase đã ngay lập tức thay đổi chiến lược listing nhiều hơn để giành lại thị phần, và thực sự Coinbase đã làm được, volume giao dịch trong tháng 8 và tháng 9 đã tăng trở lại.

Các dự án được list trên Coinbase. Nguồn: Coin98 Insight

Lĩnh vực đầu tư – Coinbase Ventures

Coinbase Ventures là cánh tay cho mảng đầu tư của Coinbase. Cũng như hoạt động Listing, hoạt động đầu tư của Coinbase Ventures cũng rất kỹ lưỡng, đó là lý do Coinbase đầu tư nhiều vào các dự án CeFi (18%).

Ngoài CeFi, danh mục đầu tư của Coinbase cũng phân bổ cho các nhóm ngành là xu hướng chính trong thời gian gần đây:

  • Protocol + Web 3 Infrastructure: 29%.
  • DeFi: 24%.
  • Platform + Developer Tools: 15%.
  • NFT/ Metaverse: 9%.
  • Các dự án khác: 5%.
Danh mục đầu tư của Coinbase hiện nay

Bên cạnh đầu tư để hỗ trợ các dự án Crypto, Coinbase cũng đầu tư vào các công ty kỹ thuật, giúp Coinbase phát triển hệ sinh thái. Chẳng hạn, Coinbase đã đầu tư và mua lại Bison Trails vào năm 2021, công ty này sau đó đã phát triển 1 trong những sản phẩm chính của Coinbase – Coinbase Cloud.

Các sản phẩm mới

Trong Q3/2021, Coinbase đã ra mắt nhiều sản phẩm hay ho như Coinbase Prime, Coinbase Cloud, Coinbase Wallet. Sắp tới, Coinbase dự kiến sẽ tung ra thị trường thêm nhiều sản phẩm nữa, đa dạng hóa nhu cầu sử dụng của người dùng ⇒ Coinbase đang cố gắng bắt kịp xu hướng.

Một số sản phẩm nổi bật sắp tới của Coinbase có thể kể đến như:

  • Coinbase NFT: Sàn giao dịch NFT cho phép anh em mint, giao dịch, mua bán các loại NFT trên đó. Vậy là sau Binance và FTX, Coinbase đã bắt đầu xây dựng sàn NFT của mình.
  • 24/7 Customer Support: Dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7 trên điện thoại và tin nhắn sẽ được ra mắt vào Q4/2021.
  • Payroll: Coinbase sẽ phát triển các dịch vụ thanh khoản, giúp người dùng nạp rút các khoản fiat một cách dễ dàng hơn.
  • Nâng cấp giao dịch giao dịch: Để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, Coinbase sẽ có bản nâng cấp giao dịch UI/UX kèm với đó là nhiều tiện ích như Staking & Earn, đem lại nhiều trải nghiệm khi giao dịch trên Coinbase.

Đánh giá về Coinbase và ngành CEX

Coinbase là sàn CEX cũng như là dự án Crypto hiếm hoi công bố các hoạt động kinh doanh của mình, do đó, khó có một khuôn mẫu để so sánh với Coinbase. Ở đây mình sẽ đánh giá dựa trên những quan điểm cá nhân và suy nghĩ về Coinbase.

Đầu tiên, Coinbase đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn vào Crypto.

Dòng vốn từ các công ty lớn vào Crypto là điều rất dễ thấy, các Quỹ lớn không đầu tư nhiều cũng đầu tư ít để đa dạng hóa danh mục của họ, chống lại những biến động mà lạm phát gây ra. Việc phát triển các sản phẩm tuân thủ theo pháp luật sẽ mở ra cánh cổng để các Quỹ tham gia vào Crypto.

Thứ hai, Coinbase đang hướng đến một hệ sinh thái nhiều sản phẩm. 

Đây có thể xem là xu hướng mà các CEX đang nhắm đến, giúp họ vượt trội so với phần còn lại:

  • FTX: Sàn chuyên cho Trader cũng đa dạng hóa sản phẩm của họ, không chỉ là Spot và Futures, còn có Leverage token, OTC, Options,…
  • Binance: Sàn chuyên cho Retail – các nhà đầu tư nhỏ lẻ, sản phẩm của Binance sẽ mang hướng đại trà hơn, dễ sử dụng hơn như Fixed Staking, Flexible Staking, NFT Marketplace, Option 1 chiều,…
  • Coinbase: 1 phần sẽ đi theo hướng của Binance phục vụ các nhà đầu tư nhỏ như Staking, NFT Marketplace,… 1 phần sẽ phục vụ cho Tổ chức, phát triển các sản phẩm như Coinbase Custody, Coinbase Prime, Coinbase Cloud,…

Với hướng đi này, Coinbase, Binance và FTX đang vượt trội hơn hẳn các sàn giao dịch khác.

Cuối cùng, ngành CEX là ngành có biên lợi nhuận tốt.

Biên lợi nhuận 50% – 60%/năm là biên lợi nhuận rất cao mà rất ít ngành có thể đạt được, điều đó phản ánh sức hút của thị trường Crypto, dần dần dòng tiền sẽ đổ về đây để tìm kiếm cơ hội.

Kết luận

Trên đây là những phân tích và góc nhìn mình học được sau khi đọc về BCTC Q3 của Coinbase, anh em nghĩ sao về sàn Coinbase hay ngành CEX nói chung? Hay có token sàn nào anh em đang chú ý? Hãy để lại bình luận của anh em bên dưới để chúng ta cùng trao đổi và thảo luận.

Đừng quên đăng ký và tham gia các nhóm, channel của Coin98 Insights dưới đây để được thảo luận cùng các admin và nhiều member khác trong cộng đồng:

Đây là những gì tôi đúc kết sau khi đọc hơn 300 trang báo cáo từ các quỹ lớn

Một năm 2022 đầy biến động chính thức khép lại, một chặng đường mới tiếp tục được mở ra. Sau bao sóng gió và những vết thương mà Fed cùng các dự án trong thị trường tiền mã hóa để lại, các tên tuổi lớn trong thị trường dường như đều đang nhìn về một hướng.

Tôi là nhà đầu tư vói gần 3 năm trong thị trường tiền mã hóa. Tôi dành phần lớn thời gian nghiên cứu thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền mã hóa nói riêng thông qua các bài phân tích từ những người nổi tiếng cho tới những ông lớn khác trong ngành.

Với những dịp đặc biệt như cuối năm, không thể nào tôi bỏ qua được những báo cáo của các tên tuổi lớn trong ngành. Bài viết này là những điều mà tôi đã đúc kết được sau khi đọc hơn 300 trang các bài nghiên cứu, dự phóng về năm 2023 của các Ngân hàng và Quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới.

Quỹ lớn cũng chật vật

Không giống 2020 – 2021, thay vì một năm đại khởi sắc, 2022 lại là năm với hàng loạt biến cố xảy ra với thị trường tiền mã hóa.

Vụ hack chấn động của tựa game Việt Nam – Axie Infinity mất hơn nửa tỷ đô tài sản ($624M). Kế đến, Terra (LUNA & UST) và FTX, hai đế chế tỷ đô đứng trong Top của thị trường sụp đổ trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người, dẫn đến một chuỗi domino đổ vỡ trong thị trường.

Quỹ đầu tư nổi tiếng Three Arrows Capital tuyên bố phá sản vì Terra. Voyager Digital phá sản vì khoản nợ 1 tỷ đô và các dự án cho vay lớn khác như Celsius, BlockFi cũng đã ngã xuống. 

Một mớ hỗn độn xuất hiện. Tính đến thời điểm viết bài, không ít những tên tuổi khác trong thị trường vẫn đang trong tình thế “Ngàn cân treo sợi tóc”.

Tất nhiên, không phải chỉ thị trường tiền mã hóa, kinh tế thế giới cũng trải qua một năm “bầm dập” với làn sóng sa thải nhân sự kể từ khi sức nóng lạm phát tăng cao, buộc Fed bắt đầu phải vào cuộc với những đợt tăng lãi suất. Điều đó khiến không chỉ tôi mà cả thị trường tài chính đều phải hồi hộp nín thở mỗi lần Fed ra quyết định.

Tôi đã thử “điều tra” về tình hình làm ăn của các Tổ chức và Quỹ đầu tư và đây là một số thông tin tôi gom nhặt được:

  • Hashed, Quỹ đầu tư tiền mã hóa tiếng tăm từ Hàn Quốc mất 3.5 tỷ đô từ vụ Terra – cái mà Economic Times gọi là “vụ thảm sát” trong thị trường tiền mã hóa.
  • Hashed không cô đơn, Quỹ đầu tư Delphi Digital không tiết lộ con số cụ thể nhưng đồng LUNA chiếm 13% danh mục đầu tư của họ. Nhìn vào số phần trăm cũng đủ thấy họ mất mát cỡ nào.
Hashed và Deplhi Digital thiệt hại bởi sự sụp đổ của Terra
 
  • Ngoài ra, Binance từng đầu tư 3 triệu đô vào LUNA nhưng sau “vụ thảm sát” đó, CZ (CEO Binance) còn vỏn vẹn 2000 đô.
  • Multicoin Capital cay đắng hơn khi dính đòn từ khủng hoảng thanh khoản do đợt sập FTX cuốn đi 55% tài sản.
Quỹ đầu tư BlackRock cũng nếm đòn trong năm 2022

Tuy không phải nạn nhân của bất kỳ vụ sụp đổ nào kể trên nhưng phần tài sản mà tôi “cất làm của” đều đã bị vạ lây theo nhịp sóng của thị trường. 

Quả là một năm khó quên!

Trải qua một năm với nhiều biến động và mất mát, những tổ chức quỹ đầu tư đang trong tâm thế như thế nào để đón năm mới 2023?

Những tên tuổi lớn đang nghĩ gì về 2023?

Khép lại 2022 đầy sóng gió, tôi đã dành nhiều thời gian chiêm nghiệm những diễn biến trên thị trường để tìm hướng đi cho bản thân trong năm mới và tất nhiên với một thói quen đọc các bài nghiên cứu, tôi không thể bỏ qua được các bài báo cáo và dự phóng từ các tên tuổi lớn trong thị trường tài chính.

Các bài báo cáo gốc sẽ có nhiều từ ngữ chuyên ngành khó hiểu với một số người nên tôi sẽ tóm tắt lại nội dung cốt lõi mà những tổ chức đó đã nêu ra.

Link chi tiết các bài báo cáo tôi sẽ để ở phần cuối cùng của bài viết, sẽ là một điều tuyệt vời nếu các bạn chịu khó bỏ thời gian ra để xem chi tiết hơn họ đang nghĩ gì về các thị trường tài chính.

BlackRock

Báo cáo đầu tiên tôi quan tâm là từ BlackRock, Tổ chức quản lý quỹ lớn nhất thế giới với hơn 10 nghìn tỷ đô có một cái nhìn ảm đạm dành cho 2023 và không kỳ vọng thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ (Bull Market) sẽ quay lại trong 2023 cùng lời nhắn nhủ tập quen sống với thời kỳ lạm phát trên 2%.

Nguyên văn từ Blackrock:

Thời kỳ kinh tế và lạm phát ổn định đã không còn. Biến động lớn hơn về kinh tế Vĩ mô và thị trường đang diễn ra. Suy thoái được cảnh báo khi các ngân hàng đang ra sức kìm hãm lạm phát. Điều này khiến chúng tôi giảm tỷ trọng cổ phiếu ở thị trường phát triển. Chúng tôi kỳ vọng trở nên tích cực hơn với những tài sản rủi ro trong 2023 vào một thời điểm nào đó không phải bây giờ. Và đến lúc đó, chúng ta cũng không thấy được thị trường tăng trưởng mạnh mẽ như trong quá khứ. Đó là lý do cần phải thay đổi chiến thuật đầu tư.

Goldman Sachs

Thay vì tự tin một năm 2023 phục hồi trước những dấu hiệu Fed đang hạ lãi suất, Goldman Sachs kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu khiêm tốn ở mức 1.8% do các thách thức từ suy thoái ở Châu Âu và một giai đoạn không êm đềm do Trung Quốc mở cửa trở lại.

Tuy nhiên có một sự thật thú vị, dự báo từ Goldman Sachs khiêm tốn nhưng lại ở mức kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu cao hơn những ngân hàng còn lại.

Có vẻ như những người trong cuộc – những nhóm đứng đầu nền kinh tế tài chính ai nấy cũng đều giữ phong thái khá bi quan.

Kỳ vọng tăng trưởng của Goldman Sachs so với ngân hàng khác

JP Morgan Chase

Tiếp theo, tôi đã lần đến báo cáo của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ – JP Morgan với một câu nói nằm ngay ở trang đầu tiên tóm gọn cho cả bài.

Ngắn gọn và súc tích!

Dự đoán từ ngân hàng JP Morgan cho năm 2023

Sau khi có được những góc nhìn đến từ 3 ông lớn trong thị trường truyền thống, tôi đã tìm đến những cái tên trong thị trường tiền mã hóa. Thứ nhất, để xem họ đang kỳ vọng 2023 có giống với những ông lớn truyền thống hay không. Thứ hai, tôi muốn xem rằng đâu sẽ là mảng mà họ hướng tới trong năm 2023 này.

Coinbase

Tương tự JP Morgan, Quan điểm của Coinbase được thể hiện ngay trang đầu của bài báo cáo:

Cụ thể hơn, khi tôi đọc đến trang số 5 trong bài báo cáo, Coinbase tin rằng những điều tồi tệ trong thị trường vẫn chưa kết thúc, ít nhất là vài tháng nữa trong 2023 bởi ảnh hưởng từ các sự kiện đổ vỡ trong năm 2022.

Ngoài ra, đọc báo cáo của Coinbase, tôi nhận thấy một quan điểm rất thú vị và tôi đã “gật gù” về nó:

“Nhiều nhà đầu tư dài hạn nhận thấy tính chu kỳ của thị trường. Thay vì rời bỏ ở những lúc chán nản như vậy thì bây giờ họ đang củng cố kiến thức và cố trụ để chuẩn bị cho tương lai”.

Thế mới nói, cuộc chơi bây giờ sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều vì ai cũng đang cố gắng trở thành “Sói già”.

Bên cạnh những suy đoán về tình hình thị trường, Coinbase cũng đưa ra dự đoán khác như:

  • Những hoạt động cho vay nhắm vào tổ chức sẽ có xu hướng phát triển mạnh.
  • NFT sẽ trưởng thành hơn với nhiều tính năng và công dụng.
  • Xu hướng chuyển thành tiền mã hóa của các tài sản bên ngoài đời thực (RWAs).
  • Trải qua mùa tăng trưởng điên cuồng với nhiều dự án không chất lượng, thời gian tới nguồn vốn sẽ đổ về các dự án với thiết kế mô hình hoạt động Tokenomics chất lượng.

Delphi Digital

Quỹ Delphi Digital phóng tầm nhìn 2023 là giai đoạn tích lũy. Xu hướng tăng nếu sớm nhất có thể xảy ra giữa năm 2023. Còn xác xuất cao hơn sẽ diễn ra vào 2024 – 2025.

Bên cạnh đó, mảng game tiềm năng nhưng 2023 không phải là năm dành cho chúng. Thay vào đó, những dự án thuộc lớp cơ sở hạ tầng (infrastructure) sẽ là điểm sáng của năm.

Những điều tôi rút ra sau khi đọc hàng loạt báo cáo

Sau khi đọc qua hàng loạt các báo cáo trên của các Quỹ đầu tư lớn từ mảng truyền thống cho tới trong thị trường tiền mã hóa, tôi đã nhận thấy những điểm chung đáng chú ý giữa họ.

Gần như ai cũng đều nhìn vào 2023 phần lớn đều là năm của sự tích lũy, thị trường chưa thể nào khởi sắc ngay được sau những “vết thương” mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính những dự án trong thị trường tiền mã hóa đã và vẫn còn đang gây ra.

Với góc nhìn cá nhân, tôi đồng ý với suy nghĩ này. Trong lịch sử, để đưa lạm phát về mức 2%, Fed đã mất khoảng 2 năm. Bây giờ, mọi thứ biến chuyển có thể sẽ không lâu đến như vậy nhưng điều quan trọng vết thương nào cũng cần thời gian để chữa lành.

Bên cạnh đó, như Coinbase có nói, khác với giai đoạn thị trường đi xuống trước. Thay vì ai nấy cũng rời bỏ, bây giờ họ đều ra sức củng cố kiến thức và cố trụ lại giữa mùa đông khắc nghiệt vì niềm tin thị trường phát triển mỗi lúc một mạnh mẽ hơn. 

Ai nấy cũng đều cố gắng trở thành “sói già”. Vì thế, câu nói của BlackRock dường như không sai kể cả khi dùng trong trường hợp này “Đó là lúc cần thay đổi chiến thuật đầu tư”.

Nếu tôi ỉ i, lười biếng lúc này, có lẽ sự dằn vặt sẽ theo tôi suốt đời. 

Hiểu rõ về những công nghệ giúp Blockchain hoạt động tốt hơn, nghiên cứu về NFT sâu hơn và những kỹ năng phục vụ cho việc đầu tư như phân tích Onchain, phân tích cơ bản chắc chắn sẽ là thứ mà tôi ưu tiên làm trong năm 2023.

Về chuyện đầu tư trong năm nay, sau khi đọc qua các báo cáo, tôi giữ tâm thế là một năm không vội vã, cứ bình tĩnh đãi cát tìm vàng.

Tất nhiên, thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền mã hóa nói riêng không bao giờ chịu ngồi yên để dễ đoán. Nếu có những biến chuyển bất ngờ, chắc chắn chiến thuật của tôi cũng sẽ thay đổi. Đó là sự linh hoạt tất yếu mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải có.

Phần này mang tính quan điểm cá nhân. Tôi muốn lưu ý tới các bạn đọc giả chỉ nên tiếp nhận với tâm thế là những chia sẻ thay vì là một lời khuyên đầu tư.

Nguồn báo cáo của các Tổ chức: BlackRockGoldman Sachs, JP Morgan ChaseCoinbaseDelphi Digital

Góc nhìn của các ông lớn về thị trường crypto năm 2023

Tham khảo các nhận định và dự đoán từ các bên nghiên cứu thị trường, quỹ đầu tư, các sàn giao dịch sẽ giúp những nhà đầu tư nhỏ lẻ có cái nhìn tổng quan về thị trường.

Thị trường crypto sẽ hồi phục hay tiếp tục giảm sâu? Các quỹ đầu tư sẽ rót vốn vào mảng nào trong 2023? Nền kinh tế sẽ có diễn biến ra sao trước mức lạm phát như hiện nay? Độc giả có thể tìm ra câu câu trả lời thông qua góc nhìn của những nhà đầu tư lớn trong thị trường. 

Bài viết chia sẻ góc nhìn về thị trường crypto trong năm 2023 từ các quỹ đầu tư do đội ngũ Coin98 Insights tổng hợp.

Sàn giao dịch tập trung 

Coinbase 

Coinbase có cái nhìn lạc quan về thị trường trong năm 2023, đặc biệt là Bitcoin, Ethereum và các ứng dụng của NFT. 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Coinbase nhận định trong năm 2023, những tài sản có cấu trúc token bền vững, hệ sinh thái trưởng thành và có thanh khoản cao như Bitcoin, Ethereum sẽ là lựa chọn hàng đầu cho các nhà đầu tư. NFT sẽ được sử dụng rộng rãi hơn thông qua các tiện ích như nhận dạng ID, bán vé, token hóa tài sản trong thế giới thực hay áp dụng trong logistics. 

Dù thị trường crypto có độ biến động cao cùng khối lượng giao dịch giảm, nhiều tổ chức tài chính truyền thống đã ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động của mình và hợp tác với nhiều đối tác mới. Stablecoin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhà đầu tư định giá tài sản và giữ tài sản onchain trong thời kỳ biến động của thị trường.

Crypto.com 

Crypto.com cũng có cái nhìn lạc quan về thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực GameFi và Soulbound tokens. 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Crypto.com nhận định số lượng chủ sở hữu crypto toàn cầu có thể đạt mức 600-800 triệu người vào 2023, tùy điều kiện thị trường. Trong lĩnh vực GameFi, nhiều dự án đạt chất lượng AAA sẽ xuất hiện, đem lại trải nghiệm mới cho người chơi với hiệu suất cao. 

Soulbound Tokens (SBTs) sẽ có nhiều ứng dụng hơn và có thể là một nhân tố tiềm năng thúc đẩy thị trường phát triển. Việc áp dụng SBTs có thể hướng cộng đồng đến một xã hội phi tập trung (DeSoc). 

Ngoài ra, tính năng bảo mật và giáo dục trong lĩnh vực blockchain sẽ mở rộng và phát triển trong năm 2023. Các lĩnh vực khác bao gồm cơ sở hạ tầng, bản nâng cấp Ethereum Shanghai, ứng dụng của dự án DeFi, ZK proofs sẽ tiếp tục được thị trường chú ý. 

Huobi 

Đầu năm 2023 sẽ là một năm tiêu cực với thị trường trước khi khởi sắc vào cuối năm. Đặc biệt, Layer 2 và ZK sẽ là mảng thu hút được nhiều sự chú ý. 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Huobi dự đoán thị trường crypto sẽ chạm đáy đầu năm 2023. Các ông trùm trong Web2 như Twitter sẽ tiếp tục phát triển theo hướng Web3 và giới thiệu mô hình SociaFi mới. Layer 2, mạng ZK và Dapps sẽ phát triển mạnh mẽ.

Nhu cầu lưu trữ tài sản on-chain sẽ tăng nhanh. Nhiều quy định on-chain sẽ được phát hành và tài sản điện tử sẽ được nhiều quốc gia chấp nhận làm phương thức thanh toán hoặc được ủy quyền làm tiền pháp định.

Các trang nghiên cứu thị trường crypto

Messari  

Nền tảng phân tích Messari cho rằng thị trường đang trong giai đoạn mùa đông tiền số và là thời điểm tuyệt vời để phát triển. Xu hướng NFT, DeSo, Ethereum, DAO và Web3 sẽ tiếp tục được chú ý. 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Messari có góc nhìn lạc quan khi nhận định “mùa đông tiền số” đã ở đây và giờ là thời điểm tuyệt vời để xây dựng dự án. Sự phát triển và hiện diện của crypto trong tương lai là điều chắc chắn dù việc thanh lọc đã và đang diễn ra. Đặc biệt, khi thị trường vĩ mô phục hồi, thị trường crypto sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ. 

Một số nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường được Messari gợi ý theo dõi bao gồm CZ, Brian Armstrong, Patrick MCHenry, Sheila Warren, Citizen Jopurnalists, Anatoly Yakovenko… 

Nhiều sự kiện đã diễn ra khiến việc xây dựng một hành lang pháp lý cho crypto trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Xu hướng NFT và DeSo sẽ phát triển vượt trội, điển hình như dịch vụ hỗ trợ đăng ký tên miền ENS hay công nghệ ChatGPT. Các Layer 1 và hệ sinh thái Ethereum sẽ tiếp tục phát triển và nhận được nhiều chú ý. 

Xu hướng DAO và Web3 cũng phát triển nổi bật, đặc biệt trong mảng ví giữ tài sản, quản lý nhân sự và hoạt động, trách nhiệm pháp lý, quản lý quỹ… Ở lĩnh vực DeFi, các dự án thế chấp, vay mượn, quản lý tài sản, kiểm duyệt… chiếm phần lớn thị trường. 

Delphi Digital 

Công ty phân tích này cho rằng thị trường crypto diễn ra tiêu cực vào đầu 2023 và tích cực về cuối năm. Đặc biệt, Ethereum và DeFi sẽ là những nhân tố chính thúc đẩy thị trường. 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Năm 2022 là một năm thanh lọc cho thị trường crypto khi trước đó nhiều xu hướng bị thổi phồng giá trị một cách quá mức, hoạt động đầu cơ xảy ra ồ ạt khiến thị trường crypto vượt xa giá trị của nó vào 2021. Các đợt điều chỉnh lớn của crypto là cần thiết cho sự phát triển trong dài hạn. 

Năm 2023 sẽ là giai đoạn tích lũy, tạo tiền đề cho chu kỳ tiếp theo. Nếu lịch sử lặp lại, thị trường sẽ có khả năng hình thành đáy vào Q1/2023 trước khi đi vào xu hướng tăng giá vào giữa 2023. Thị trường sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong khoảng thời gian 2024 – 2025 khi khẩu vị rủi ro và đầu cơ mạnh mẽ trở lại. Trong đó, thị trường crypto và chứng khoán sẽ tiếp cục có mối tương quan tích cực. 

Những dấu hiệu cho thấy sự tích cực của thị trường bao gồm sự nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ổn định thanh khoản ròng của FED, sự suy yếu của USD hay các điều kiện nới lỏng tài chính gần đây. 

The Block 

The Block có cái nhìn lạc quan về tương lai của thị trường. Các lĩnh vực DeFi, Web3, NFT, Gaming và Metaverse sẽ tiếp tục phát triển bên cạnh cơ sở hạ tầng. 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

DeFi

Việc triển khai các ứng dụng DeFi trên cùng chain làm giảm chất lượng trải nghiệm người dùng khi những ứng dụng này yêu cầu không gian block lớn hơn. Những blockchain dành riêng cho ứng dụng DeFi sẽ giúp cải thiện điều này.

Tài sản điện tử sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong thị trường truyền thống, dù nhiều thể chế truyền thống vẫn đang do dự về việc tích hợp blockchain vào hoạt động của mình khi chưa có đủ khung pháp lý cụ thể. DeFi có thể mở ra một kỷ nguyên mới của tài chính mở, tạo điều kiện cho việc giao dịch xuyên biên giới, gần như ngay lập tức cùng sự minh bạch.

Web3

Các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng đóng vai trò mật thiết trong sự phát triển của Web3, đặc biệt trong việc giúp người dùng có trải nghiệm Web3 dễ dàng, an toàn và tiết kiệm.

Trải nghiệm người dùng thường là bước cuối cùng để mở khóa việc áp dụng rộng rãi Web3. Việc áp dụng hàng loạt sẽ mang lại lợi ích cho cả người dùng và nhà sản xuất thông qua việc tăng doanh thu, tính thanh khoản và hiệu ứng kết nối mạng, đây đều là những động lực chính của toàn bộ nền kinh tế Web3.

NFT

Nếu 2021 là năm của PFP NFT (Profile Picture NFT), thì năm 2022 là năm mở rộng của thị trường NFT. Đặc biệt sau khi các dự án GameFi, metaverse xuất hiện. Thế nhưng, năm 2023 lại là một năm thử thách cho những dự án NFT với sự thanh lọc diễn ra mạnh mẽ. 

Các dự án NFT sẽ cần phải điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi của thị trường với những sáng kiến, thử nghiệm mới. 

Gaming & Metaverse

Việc tích hợp công nghệ blockchain vào trò chơi là trở ngại mà nhiều nhà phát triển trò chơi truyền thống gặp phải. Điều này ngăn cản các nhà phát triển mở rộng quy mô hoạt động của mình. Do đó, vấn đề cơ sở hạ tầng vẫn là một vấn đề bức thiết trong lĩnh vực GameFi. 

Hoạt động phát triển metaverse vẫn còn chậm. Mối quan tâm đến metaverse gần đây đã tăng lên sau khi Facebook đổi tên thành Meta vào cuối 2021. Người dùng hy vọng rằng VR sẽ thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số phát triển. Trong đó, các tài sản mã hóa, bao gồm cả NFT và tiền điện tử sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế này. 

Quỹ đầu tư liên quan tới crypto

A16z 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Quỹ đầu tư mạo hiểm A16z đưa ra những ý tưởng đột phá sẽ phát triển trong 2023 là công nghệ ZK knowledge, Multi-Partutation, Post-Quantum Crypto, trò chơi on-chain, token không thể chuyển nhượng (Soulbound) và năng lượng phi tập trung.

VeradiVerdict 

VeraditVerdict dự đoán trong năm 2023, DeFi sẽ tiếp tục phát triển trong khi CeFi được củng cố. Công nghệ ZK knowledge sẽ được chấp nhận rộng rãi cùng nhiều tính năng mới. Các tổ chức sẽ tăng cường mã hoá tài sản, nhiều công ty sẽ xuất hiện để tận dụng dữ liệu chuỗi khối. 

Công cụ dành cho nhà phát triển sẽ tiếp tục phát triển khi các kỹ sư blockchain liên tục tìm kiếm những cách dễ dàng và hiệu quả để triển khai các dự án Web3. Bên cạnh đó, ứng dụng của NFT sẽ được mở rộng. 

Arca 

Arca nhận định crypto sẽ được chấp nhận và sử dụng rộng rãi hơn trong tương lai. Các chính phủ trên thế giới sẽ tiếp tục khuyến khích blockchain phát triển. Các công ty truyền thống sẽ tham gia thị trường crypto nhiều hơn.

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Arca cũng cho rằng những khu vực có thị trường tài chính kém phát triển sẽ tăng cường áp dụng tài sản crypto. Các tiện ích của tài sản crypto sẽ giúp thúc đẩy việc người dùng sử dụng lâu dài. Thị trường TraFi sẽ bắt đầu mất thị phần vào DeFi. Các trường đại học hàng đầu sẽ cung cấp những khóa học về công nghệ blockchain. 

Bên cạnh đó, các chính phủ trên thế giới sẽ tiếp tục khuyến khích áp dụng blockchain với các phương thức tài trợ và thúc đẩy giáo dục. Các công ty Web2 sẽ tiếp tục sử dụng NFT để củng cố mối quan hệ với khách hàng. Ngành công nghiệp trò chơi sẽ tiếp tục áp dụng Web3. 

Các công ty TradFi sẽ tập trung vào việc token hóa các tài sản truyền thống, đặc biệt là ở các thị trường tư nhân. Ngoài ra, các công ty dịch vụ tài chính truyền thống sẽ tiếp tục công bố kế hoạch tham gia hệ sinh thái blockchain trong mùa đông tiền điện tử này. 

New Order 

New Order tin tưởng vào sự phát triển của DeFi, Ethereum và thị trường NFT trong năm 2023.

Xem toàn bộ báo cáo tại đây

New Order là một Venture DAO (quỹ đầu tư phi tập trung) được dẫn dắt bởi cộng đồng, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực DeFi. Quỹ này cũng đã đưa ra các dự đoán về thị trường crypto cũng như xu hướng đầu tư chủ đạo trong năm 2023:

  • Công nghệ ZK-Rollups sẽ không thu hút được sự chú ý do chưa có đủ sự chuẩn bị về mặt sản phẩm.
  • Các ứng dụng Layer 3s trên Ethereum (các app-chain được xây dựng trên Layer 2) sẽ trở thành đối thủ của Cosmos, vốn là nơi tập hợp của nhiều app-chain riêng biệt.
  • Đồng thời, mục tiêu Interchain Security của Cosmos sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cộng đồng Cosmos Hub không đồng ý với Atom 2.0 Vision.
  • Vấn đề quan trọng cần được giải quyết trong 2023 là Exclusive Orderflow (EOF), các vấn đề liên quan tới thứ tự giao dịch và MEV trên Ethereum.

Về DeFi, New Order dự đoán các loại wrapped assets (WETH, WBTC…) sẽ giảm dần mức độ được sử dụng và thay thế chúng là các loại tài sản cross-chain native (USDC, EUROC…) và các omnichain token (LayerZero). 

Các DeFi dapp lớn sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và gia tăng thị phần trong năm 2023. Với sự ra đời của nhiều app-chain, một cấu trúc thị trường độc quyền của các dapp hàng đầu sẽ dần được hình thành.

Về NFT, quỹ đầu tư này dự đoán sẽ có nhiều hình thức hedging (phòng ngừa rủi ro) và đầu cơ mới được tạo ra nhờ giao dịch phái sinh NFT, cùng với đó là nhiều hình thức tăng thanh khoản mới cho thị trường này.

VanEck

VanEck dự đoán thị trường nửa cuối 2023 sẽ tích cực trở lại. Các quốc gia, nhà đầu tư tổ chức sẽ tham gia nhiều hơn vào thị trường crypto.

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

VanEck là một công ty quản lý tài chính, hỗ trợ các quỹ hoán đổi danh mục và quỹ tương hỗ cho người dùng trên toàn cầu. Công ty này cũng đưa ra các dự đoán khá cụ thể về thị trường crypto năm 2023:

  • Giá BTC sẽ giảm về 10,000 – 12,000 USD vào Q1/2023 khi các thợ đào phá sản, đây sẽ là mức giá thấp nhất của mùa đông này.
  • Từ nửa sau của 2023, VanEck dự đoán thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Lạm phát sẽ giảm dần, thoả thuận ngừng bắn có thể được đồng ý tại Ukraine, từ đó làm vấn đề liên quan tới năng lượng hạ nhiệt, Bitcoin trở về mốc 30,000 và thị trường tăng trưởng trở lại.
  • Các nhà đầu tư tổ chức sẽ token hoá hơn 10 tỉ USD các loại tài sản thực (real world asset) lên blockchain.
  • Brazil sẽ vươn lên trở thành quốc gia thân thiện với crypto nhất. Các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ có thể sẽ thêm Bitcoin vào quỹ đầu tư quốc gia.
  • Twitter có khả năng tích hợp với một phương tiện thanh toán crypto nào đó, tương tự như cách WeChat Pay hoạt động.
  • Một stablecoin phi tập trung mới sẽ xuất hiện và đạt được mức vốn hoá hơn 1 tỉ USD. (có thể là GHO của Aave).
  • Lượng người chơi các thể loại game Web3 hàng tháng sẽ tăng từ 2 triệu lên 20 triệu do sự xuất hiện của các game xếp hạng AAA. Việc các công ty liên tục tuyển nhân sự làm game, các quỹ đầu tư rót vốn hơn 9 tỉ USD cho các dự án game Web3 trong năm vừa qua cho thấy điều này là khả thi.

Khác 

DeFiLlama 

Bảo mật là mảng các thành viên DefiLlama quan tâm nhất trong 2023, trong đó nổi bật là dự án Aztec.

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Các thành viên trong đội ngũ DefiLlama đã đưa ra dự phóng về xu hướng trong năm 2023. Dưới đây là các mảng được đề cập:

  • Công nghệ bằng chứng không kiến thức (ZK proof) 
  • Bảo mật và quyền riêng tư được các thành viên nhắc tới nhiều nhất. Các ứng dụng kết hợp DeFi với quyền riêng tư (ví dụ như Aztec) cũng được các thành viên chú ý nhất.
  • Các dự án Real Yield (tạo ra doanh thu thực lớn hơn lượng phát thải token).
  • Các dự án cung cấp chiến lược farming kiếm lợi nhuận từ Delta Neutral.
  • Các dự án cung cấp giải pháp Uncollateralized Lending (khoản cho vay không bảo đảm)
  • Prediction markets (các thị trường dự đoán)
  • Các dự án crypto gaming

Cointelegraph 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Cointelegraph – trang tin tức hàng đầu của thị trường crypto cho rằng nửa đầu năm 2023 thị trường sẽ tương đối ảm đạm, tuy vậy, sẽ có nhiều xu hướng mới xuất hiện, những dự án Web2 quan tâm nhiều hơn tới Web3:

  • Các khoản đầu tư mạo hiểm vào crypto sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023, trong đó tỉ trọng đầu tư của các quỹ sẽ tập trung vào các nền tảng Layer 1, Layer 2 và bridge.
  • Các thương hiệu, công ty lớn ở thị trường truyền thống sẽ tiếp tục tiếp cận thế giới Web3 qua cánh cổng NFT. Ngoài ra, chi phí để các dự án thu hút người dùng Web3 sẽ tăng lên, do đó các dự án cần tập trung vào chất lượng sản phẩm. 
  • Cointelegraph dự đoán các sản phẩm Web3 mới sẽ sử dụng mô hình kinh doanh truyền thống nhưng có thêm các yếu tố blockchain. Về mảng game, các dự án phát triển sẽ tập trung vào tính ổn định và bền vững.
  • Stablecoin trong năm 2023 sẽ có nhiều công dụng hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ thị trường, góp phần giúp crypto được chấp nhận nhiều hơn.
  • Do vấn đề về những vụ hack, sự kiện sụp đổ lớn xảy ra trong năm 2022 các nhà lập pháp sẽ tập trung vào các quy định cho thị trường crypto.
  • Nhiều dự án tiếp tục phát triển cho dù thị trường giảm, năm 2023 có thể sẽ chứng kiến những dự án tạo ra xu hướng mới, mở ra chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Các dự án về quản trị, blockchain riêng tư sẽ được chú trọng phát triển.

Quỹ đầu tư truyền thống 

Ngoài các dự đoán về thị trường crypto, nhận định về nền kinh tế vĩ mô cũng vô cùng quan trọng, là nền tảng cho các cơ hội đầu tư trong năm 2023. Dưới đây là nhận định của các quỹ đầu tư truyền thống.

Goldman Sachs 

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm và năm 2023 là khoảng thời gian các quốc gia phục hồi phát triển kinh tế. Mọi thứ sẽ không quá tồi tệ và kịch bản lãi suất “hạ cánh mềm” được kỳ vọng ở nhiều quốc gia.

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Các chuyên gia từ Goldman Sachs kỳ vọng mức tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chỉ ở mức 1.8% do sự phục hồi của Hoa Kỳ lại tương phản với sự suy thoái kinh tế ở các nước châu Âu và quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ còn gặp nhiều thách thức.

Goldman Sachs cũng dự đoán Hoa Kỳ sẽ tránh được suy thoái trong gang tấc khi Chỉ số giá PCE đo lường mức độ lạm phát giảm từ 5% xuống 3% vào cuối 2023 cùng với việc tỉ lệ thất nghiệp tăng nhẹ. Về lãi suất, FED sẽ tiếp tục tăng 125bp, mức lãi suất cao nhất sẽ rơi vào khoảng 5 – 5.25% và không có dấu hiệu suy giảm trong 2023.

Kinh tế của khu vực các quốc gia EU và Vương Quốc Anh khả năng cao sẽ bước vào suy thoái, chủ yếu là do thu nhập thực tế bị ảnh hưởng từ hóa đơn năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là một đợt suy thoái nhẹ do các nước EU đã cố gắng cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga. 

Rủi ro suy thoái sâu, lạm phát kéo dài đã giảm, các chuyên gia kỳ vọng các đợt tăng lãi suất chỉ kéo dài đến tháng 5 với mức cao nhất là 3% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Về Trung Quốc, quốc gia này có khả năng chỉ tăng trưởng chậm trong nửa đầu 2023 do việc mở cửa trở lại vào tháng 4 gây ra sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 khiến nền kinh tế cần thận trọng. Đến nửa cuối 2023, Trung Quốc sẽ tăng tốc khi đã ổn định việc mở cửa trở lại. 

Quan điểm về Trung Quốc trong dài hạn của các chuyên gia là vẫn cần thận trọng do thị trường bất động sản trượt dài và tiềm năng tăng trưởng chậm hơn.

Một số ngân hàng trung ương ở Trung/Đông Âu và Mỹ Latinh đã bắt đầu tăng lãi suất trước các quốc gia phát triển khác. Những quốc gia này chưa có dấu hiệu giảm lãi suất rõ ràng, tuy nhiên hoạt động vẫn ổn định và lạm phát hiện đang giảm ở một số quốc gia, đặc biệt là Brazil. Các quốc gia Trung/Đông Âu đang ở tình trạng khó khăn hơn do lạm phát cao và các chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn đang diễn ra.

JPMorgan 

Các chuyên gia từ JPMorgan có chung quan điểm với Goldman Sachs về các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhẹ trong năm 2023. JPMorgan cũng chú ý đặc biệt tới trái phiếu và một vài nhóm cổ phiếu.

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Các chuyên gia từ hãng dịch vụ tài chính lâu đời JPMorgan cũng đưa ra những dự đoán về tổng quan nền kinh tế trong 2023.

  • Kịch bản chính từ các chuyên gia của JPMorgan là các nền kinh tế phát triển rơi vào suy thoái nhẹ trong năm 2023.
  • Cho dù hiện tại lãi suất vẫn đang ở mức cao hơn so với mục tiêu của các trung ương, các chuyên gia cho rằng lãi suất sẽ điều chỉnh do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường lao động suy yếu, áp lực chuỗi cung ứng được giảm bớt và châu Âu có thể xoay sở để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng.
  • Việc bán tháo trên diện rộng trên thị trường chứng khoán đã làm cho một số cổ phiếu có tiềm năng thu nhập cao được giao dịch ở định giá rất thấp. Các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều cơ hội trong các cổ phiếu liên quan đến khí hậu và các thị trường mới nổi. Ngoài ra họ cũng quan tâm đặc biệt tới trái phiếu trong năm 2023.

Morgan Stanley 

Morgan Stanley cho rằng trong năm 2023 nền kinh tế sẽ chịu tổn thất trong ngắn hạn để phát triển trong dài hạn, đồng thời họ vẫn có niềm tin với cổ phiếu trong dài hạn.

Xem toàn bộ báo cáo tại đây.

Morgan Stanley – một trong những thể chế tài chính lớn nhất Hoa Kỳ, đưa ra dự đoán về 2023 theo từng lĩnh vực.

Theo góc nhìn của các chuyên gia thuộc Morgan Stanley, đường cong lợi suất đảo ngược gợi ý về việc nền kinh tế phát triển chậm vào một thời điểm nào đó trong năm tới. Tăng trưởng chậm và tỉ lệ mất việc làm đáng kể có thể là kết quả của cuộc chiến chống lạm phát, những tổn thất ngắn hạn sẽ mở đường cho những lợi ích dài hạn cho nền kinh tế. 

Các chuyên gia cũng nhận định một cuộc suy thoái sâu sẽ khó xảy ra trong điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ như hiện tại. Đồng thời tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm, kết hợp với sự suy giảm đáng kể của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Sự phục hồi của thị trường tín dụng và cho vay có khả năng thúc đẩy hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập, qua đó tăng giá trị và lợi nhuận tiềm năng cho các nhà đầu tư REIT (Quỹ tín thác bất động sản).

Nhiều xu hướng gần đây cũng tỏ ra tích cực với hoạt động tín dụng, bao gồm các dấu hiệu lạm phát được điều chỉnh của Mỹ, nhu cầu về năng lượng ở châu Âu phần nào được giảm nhẹ và khả năng mở cửa trở lại ở Trung Quốc, làm cho giá năng lượng thấp hơn.

Các chuyên gia từ Morgan Stanley vẫn luôn cho rằng cổ phiếu sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể hơn trong dài hạn vì chúng mang lại quyền sở hữu đối với sự sáng tạo và năng suất của hàng trăm nghìn người lao động có kĩ năng.

Báo cáo Thị trường Crypto 2021 – Insights

Báo cáo Thị trường Crypto 2021 của đội ngũ TMH Insights sẽ giúp anh em có góc nhìn tổng quát về những gì đã diễn ra trong năm 2021, cũng như đưa ra các dự đoán cho thị trường trong năm 2022.

2021 chắc chắn là một năm đáng nhớ với tất cả những anh em tham gia thị trường crypto, với những bài học hay những khoản lợi nhuận kiếm được.

Để giúp anh em có một góc nhìn tổng quát về những gì đã diễn ra trong năm 2021, cũng như đưa ra các dự đoán cho thị trường trong năm 2022, và chuẩn bị một cách tốt nhất cho những gì sắp diễn ra để tìm cơ hội đầu tư, Coin98 Insights gửi tới anh em bản report thị trường năm 2021.

Mong rằng bản report này sẽ giúp anh em chuẩn bị tốt với những gì sắp diễn ra trong năm 2022.

Sự kiện nổi bật trong thị trường năm 2021

Trong năm 2021 vừa qua, có rất nhiều sự kiện xảy ra liên quan tới sự tăng trưởng chung của thị trường crypto: từ việc Bitcoin ETF trading được thông qua, EIP-1559 được thực hiện, với việc tham gia vào crypto của các công ty, tổ chức lớn, hay đất nước đầu tiên chấp nhận sử dụng BTC,…

Sau đây là một vài con số tăng trưởng đáng chú ý của thị trường crypto trong năm vừa qua:

  • Số lượng dự án trên thị trường (theo Coingecko): Tăng 200% so với 2020, đạt 11 ngàn dự án.
  • Lượng TVL tăng hơn 400 lần toàn thị trường: Từ 600 triệu đô lên 230 tỉ đô.
  • Lượng stablecoin gia tăng gần 4 lần.
  • Lượng người dùng DeFi tăng gấp 460 lần so với cuối năm 2020.
  • Coin nền tảng của các hệ sinh thái lớn tăng trưởng mạnh, với mức ROI của FTM, LUNA, MATIC, SOL lần lượt là khoảng 20, 16, 15, 14 ngàn phần trăm.
  • Vốn hóa toàn bộ thị trường gia tăng mạnh mẽ: Mức tăng trưởng hơn 380% tính từ đầu năm 2021 tới cuối năm, từ mức 600 tỉ đô lên mức 2,000 tỉ đô toàn thị trường.

Thị phần BTC đã giảm mạnh, chứng tỏ dòng tiền vào thị trường không chỉ để đầu tư BTC mà còn đầu tư vào nhiều ngách phát triển khác trong thị trường. Stablecoin trên thị trường gia tăng mạnh với sự trỗi dậy của nhiều loại stablecoin mới, các hệ sinh thái, các ngách ứng dụng trên thị trường lần lượt tăng trưởng và thu hút sự chú ý của những nhà đầu tư.

Các công ty, tổ chức lớn cũng dần chấp nhận tích trữ và sử dụng BTC như một tài sản để phân chia rủi ro cho tài bộ portfolio của họ. Microstrategy, Tesla, chính phủ Ukraine, hay Grayscale,… là một trong những cái tên lớn nhất trong tập hợp những tổ chức mua BTC trong năm vừa rồi.

Quỹ đầu tư trong thị trường năm 2021

Sức nóng của thị trường gọi vốn trong thị trường crypto năm qua là vô cùng lớn. Hơn 1,300 dự án được đầu tư bởi các quỹ lớn nhỏ khác nhau trong thị trường năm 2021. Hơn 30 tỉ đô được đầu tư vào các dự án – con số lớn hơn 4 lần so với năm 2018.

Càng về cuối năm 2021, số dự án được đầu tư càng nhiều, số tiền đầu tư càng lớn, hứa hẹn một năm 2022 đầy bùng nổ trong thị trường gọi vốn.

Trong số các dự án được đầu tư, phải có tới một nửa số dự án là được đầu tư vào từ seed round, số seed round được đầu tư nhiều nhất là vào tháng 11, khi số dự án nhận đầu tư seed round chiếm 80% số deal toàn thị trường, chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn chủ yếu đầu tư vào các dự án mới hơn là các dự án đã hoạt động lâu.

Càng vào cuối năm, thị trường gọi vốn diễn ra càng sôi động với nhiều thương vụ được công bố.

Đỉnh điểm là vào tháng 11, gần 5 tỉ đô gọi vốn được công bố trên thị trường – cao gấp gần 10 lần tháng thấp nhất là tháng 2. Đó cũng là tháng có nhiều thương vụ nhất – 139 thương vụ, chỉ cao hơn tháng 5 đúng 7 thương vụ nhưng số tiền lại nhiều hơn gấp đôi.

Điều này chứng tỏ vào cuối năm, các dự án được đầu tư nhiều hơn về số lượng tiền đầu tư.

Các quỹ đầu tư hàng đầu thị trường trong năm qua gia tăng việc đầu tư về cả số lượng dự án và số tiền đầu tư. Trong những quỹ lớn hàng đầu thị trường:

  • a16z đầu tư vào nhiều dự án nhất với 56 thương vụ.
  • Polychain Capital đầu tư 55 dự án.
  • Spartan và Parafi đầu tư 52 và 50 dự án – tức là khoảng trung bình 4 dự án mỗi tháng.

Càng về cuối năm, thị trường gọi vốn càng sôi động, báo hiệu một năm 2022 còn sôi động hơn cho các quỹ đầu tư.

DeFi năm 2021

2021 là một năm bùng nổ dành cho DeFi. TVL trên các hệ sinh thái gia tăng mạnh mẽ, TVL gia tăng không chỉ ở một hệ mà ở rất nhiều hệ khác nhau. 5 hệ sinh thái có TVL lớn hơn 10 tỉ đô, 16 hệ sinh thái có TVL lớn hơn 1 tỉ đô.

Các hệ có sự tăng trưởng mạnh về TVL thì cũng có sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ về giá token nền tảng – SOL, LUNA, AVAX, MATIC, BNB,…

Để tìm cơ hội đầu tư vào DeFi trên các hệ sinh thái, có lẽ lựa chọn tìm cơ hội ở các hệ sinh thái lớn mà DeFi chưa phát triển là lựa chọn tốt cho những nhà đầu tư. Để tìm được những hệ sinh thái này, chỉ số Marketcap token nền tảng/ TVL trên hệ là một chỉ số quan trọng.

Kết thúc năm 2022, chỉ số này trên Near đang cao nhất, chứng tỏ DeFi trên Near đang kém phát triển nhất so với marketcap của Near, từ đó có thể thấy tiềm năng của DeFi trên Near chưa được khai phá như những blockchain còn lại. Thorchain đứng số 2 trong danh sách, sau đó là BSC, Harmony, và Solana.

Tuy tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021, nhưng DeFi 1.0 cho thấy rất nhiều yếu điểm về tính không hiệu quả của thanh khoản, khả năng mở rộng, khả năng bị tấn công cao và tính tập trung của các dự án. Bởi vậy, DeFi 2.0 ra đời để giải quyết các vấn đề trên, mang tới nhiều cách giải quyết mới sáng tạo và đột phá.

Để giải quyết khả năng mở rộng, các ứng dụng DeFi đã và đang mở rộng ra các giải pháp Layer 1 và 2 khác nhau. Để giải quyết vấn đề liquidity kém bền vững qua farming, các dự án làm về sở hữu thanh khoản đã ra đời.

Để giải quyết vấn đề tập trung hóa của các dự án, các DAO đã cải tiến và nâng cấp quá trình hoạt động để minh bạch hơn với cộng đồng. Và để TVL được sử dụng hiệu quả hơn, nhiều giải pháp như giải pháp quản lý LP hay mở khóa tài sản thế chấp đã ra đời.

Riêng về nhánh giải quyết độ thiếu hiệu quả của thanh khoản trong thị trường, đã có rất nhiều dự án với các giải pháp khác nhau: mở khóa các tài sản thế chấp, Protocol-Owned-Liquidity, quản lý LP hiệu quả,…

Dần dần, thị trường DeFi có nhiều sáng tạo hơn trong quý 4 cuối năm, chứ không chỉ là mở rộng các ý tưởng đã có sẵn theo chiều ngang lên các chain khác nhau – một dấu hiệu vô cùng tốt cho thị trường.

Từng nhánh vấn đề lại có các giải pháp khác nhau, và trong chính những giải pháp đó cũng vẫn luôn có những vấn đề tồn đọng và chưa được giải quyết.

Bởi vậy, DeFi 2.0 chưa phải điểm tới của DeFi, mà chỉ là bước đệm để DeFi tiếp tục phát triển và tăng trưởng trong năm tới. Bởi vậy, việc hiểu được những vấn đề của thị trường và tìm ra những dự án giải quyết sớm những vấn đề đó là vô cùng quan trọng đối với những nhà đầu tư.

Trong những nhánh DeFi 2.0 bên dưới, anh em nghĩ nhánh nào sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022? Còn những vấn đề gì của DeFi chưa được thị trường nhìn thấy? Hãy chia sẻ và bàn luận với chúng mình nhé!

NFT và Gaming năm 2021

2021 chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các dự án NFT và gaming trên nhiều nền tảng. Sau sự bùng nổ và tăng trưởng mạnh mẽ của Axie Infinity vào tháng 5/2021, các game bắt đầu tăng trưởng mạnh, các dự án về game được tạo ra nhiều hơn và các quỹ cũng dành nhiều sự chú ý của mình cho các game hơn.

Các dự án về game đã có một mùa tăng trưởng vô cùng nóng, các dự án top đã có mức tăng trưởng ATH so với giá đầu năm lên tới 45 ngàn phần trăm – gấp đôi mức 20 ngàn phần trăm của các blockchain layer 1 có mức tăng trưởng tốt nhất (tức tăng 450 lần).

Sự tăng trưởng của thị trường game cũng mang tới thị trường một sector mới – Guild Game. Mở đầu là Yield Guild Games, sau đó rất nhiều guild được tạo ra với mục đích kết nối giữa những người sở hữu NFT nhưng không chơi game với những người mong muốn chơi game mà không sở hữu NFT.

Bởi có dòng tiền rõ ràng, sự tăng trưởng nhanh chóng, các guild này nhanh chóng có định giá lên tới hàng tỉ đô, tuy nhiên các guild hiện tại vẫn còn gặp nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, như việc thiếu các game chất lượng để tạo scholarship, hay việc khó khăn trong quản lý các scholarship.

Xử lý được những vấn đề này, gaming guilds có thể sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Các dự án mảng NFT/ Gaming vẫn còn gặp nhiều vấn đề. Các game hiện tại trên blockchain vẫn còn ở giai đoạn đầu, chưa có nhiều game thật sự chất lượng, và cần thêm thời gian để phát triển trong thời gian tới về cả gameplay các game lẫn cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Không chỉ game, mà các bộ NFT collectibles cũng tăng trưởng nhanh chóng, với dẫn chứng là sự bùng nổ về volume giao dịch NFT trên Opensea vào thời gian quý 3 và 4 năm 2021. Trong một thời gian ngắn, liên tục các bộ NFT ra mắt trên nhiều nền tảng khác nhau và không có giá trị sử dụng, chỉ có giá trị về mặt sưu tầm.

Đây là một trong những vấn đề lớn nhất của các bộ NFT trong thời gian gần đây. Để giải quyết vấn đề này, các dự án khi tạo ra NFT cần phải có khả năng sử dụng riêng biệt dành cho các NFT, thay vì chỉ là một bức ảnh trên mạng để sưu tầm.

Metaverse cũng là một trong những sector cũng nhận được nhiều sự chú ý. Metaverse là một thế giới ảo cho phép con người có được sự tự do làm những gì mình muốn với cơ sở hạ tầng được cung cấp.

Tuy nhiên, hiện tại Metaverse mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển, chưa có ứng dụng nào đạt được tới tầm Metaverse, và cần anh em tiếp tục theo dõi trong năm tới đây.

DAO năm 2021

Các dự án phát triển, kèm theo đó là sự phát triển của các cộng đồng đứng sau quản trị và phát triển các dự án. Các DAO trong năm vừa qua có sự tăng trưởng mạnh về cả số lượng và chất lượng các DAO, số tài sản được các DAO quản lý, cũng như các ứng dụng cơ sở hạ tầng hỗ trợ các DAO vận hành.

Có lẽ điểm nhấn của mảng DAO trong năm qua là sự thành lập của Constitution DAO – một DAO được thành lập lên để cùng đấu giá một trong 13 bản sao Hiến Pháp của Hoa Kỳ. Tuy thương vụ đấu giá không thành công, nhưng đây cũng là một bước tiến lớn trong mảng DAO, khi một cộng đồng có chung mục đích là có thể cùng tạo nên một DAO để chung tay thực hiện mục đích đó.

Các DAO cũng có các bộ phận với nhiều nhiệm vụ khác nhau, và đều hướng tới mục đích chung của cả DAO đề ra. Nếu anh em muốn làm trong thị trường crypto, thì việc tìm kiếm cơ hội ở các DAO trong năm tới là cơ hội lớn và không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, các DAO hiện tại vẫn còn gặp nhiều vấn đề về mặt quy chế pháp lý, cách vận hành, cơ sở hạ tầng và rủi ro smart contract. Trong năm tới, DAO sẽ cần tiếp tục cải thiện các vấn đề trên để bùng nổ trong năm 2022.

Để các DAO tiếp tục phát triển trong năm tới, những vấn đề trên cần phải được giải quyết. Tuy đây là một trong những mảng khó kiếm được cơ hội đầu tư, nhưng hiểu được cách vận hành và hoạt động của các DAO sẽ giúp anh em có góc nhìn toàn diện hơn về thị trường để tìm kiếm các cơ hội đầu tư sau này.

Các trend trong năm 2021

Trong 2021, các trend liên tục gối nhau: từ trend IDO trong đầu năm 2021. tới trend memecoin, rồi tới sự bùng nổ của các ứng dụng game, các ứng dụng định hướng metaverse, rồi tới sự phát triển mạnh mẽ của DeFi 2.0, cũng như trend Airdrop kéo dài suốt năm.

Các trend kéo dòng tiền di chuyển nhanh giữa các hệ sinh thái và các category khác nhau, mang lại ROI cao cho những nhà đầu tư nhìn ra xu hướng sớm.

Trend airdrop là trend dài nhất, diễn ra trong cả năm 2021 và diễn ra mạnh mẽ nhất vào cuối năm, với nhiều dự án đã tung ra airdrop khủng cho người dùng dự án. Airdrop lớn nhất toàn thị trường là airdrop của dYdX, rồi tới Ethereum Name Service và ParaSwap, với giá trị tổng airdrop lớn nhất lên tới gần 2 tỉ đô.

Tuy nhiên, càng về cuối năm, điều kiện để trúng các airdrop càng khó khăn hơn, bởi tình trạng “cày” airdrop của những người đi sử dụng sản phẩm để săn airdrop. Ngoài ra, các dự án cũng sử dụng airdrop như một cách để marketing dự án của mình, cũng như thu hút tệp khách hàng của các ứng dụng khác về với ứng dụng của mình.

Có lẽ cuộc chơi retroactive đã thay đổi, anh em nghĩ sao về cuộc chơi này trong năm tiếp theo?

Anh em nghĩ rằng trong năm 2022, những trend nào sẽ là trend tiếp theo? Xu hướng nào sẽ dẫn dắt thị trường trong năm mới này?

Sự phát triển của các blockchain layer 1 và các giải pháp layer 2 trong năm 2021

Sự tăng trưởng mạnh của thị trường khiến Ethereum không thể đáp ứng được khả năng mở rộng mà thị trường yêu cầu. Từ đó, các giải pháp layer 1 và layer 2 mới được cộng đồng vô cùng chú ý và ưa chuộng trong năm 2021. Các blockchain layer 1 thay phiên nhau tăng trưởng: từ BSC, tới Solana, Avalanche, Terra, Polygon và nhiều blockchain khác,…

Các giải pháp layer 2 cũng không kém cạnh, dẫn đầu là các giải pháp Optimistic Rollups như Arbitrum, Optimism hay Boba Network.

Để có sự tăng trưởng mạnh mẽ của các giải pháp Layer 1, phần nhiều nhờ tới các gói kích thích hệ sinh thái của các blockchain. Hơn 13 gói kích thích đã được tung ra thị trường trong năm vừa qua với tổng giá trị khoảng 9.6 tỉ đô, giá trị các gói kích thích giao động từ 100 triệu đô tới 5 tỉ đô.

Gói kích thích lớn nhất là gói trị giá 5 tỉ đô của Hedera Hashgraph vào giữa tháng 9, sau đó tới gói 1 tỉ đô của BSC và gói 800 triệu đô của Near. Tháng 9 là tháng có nhiều gói kích thích được công bố nhất, với 6 gói kích thích tổng trị giá hơn 6 tỉ đô.

Năm tới, các layer 2 trên Ethereum sẽ nhận được nhiều sự chú ý của thị trường, với sự quan tâm sẵn có dành cho các giải pháp Optimistic Rollups như Arbitrum, Optimism hay Boba Network, cũng như sự mong đợi của cộng đồng dành cho các giải pháp ZKRollups.

Các giải pháp Optimistic Rollups đã có một năm tăng trưởng bùng nổ, với hệ sinh thái mở rộng nhanh chóng cũng như lượng TVL trên nền tảng. Không có lí do gì ngăn cản các giải pháp này tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, khi sự quan tâm dành cho các giải pháp này ngày càng lớn về cuối năm, và có nhiều đồn đoán rằng Arbitrum và Optimistic Ethereum sẽ ra mắt token trong năm tới.

Cuộc chiến giữa các layer 1 và layer 2, hay thậm chí cuộc chiến giữa các giải pháp Optimistic và ZK cũng sẽ vẫn diễn ra khốc liệt, bởi mỗi giải pháp lại có những ưu nhược điểm riêng biệt.

 Anh em hãy cùng đội ngũ Coin98 theo dõi sát thị trường để tìm cơ hội đầu tư nhé!

Tổng kết

2021 là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường crypto – một năm rất dài với nhiều sự phát triển, nhiều xu hướng, nhiều blockchain mới và nhiều sự luân chuyển của dòng tiền. Coin98 hân hạnh được cùng anh em đồng hành trên thị trường crypto, để chứng kiến những thời khắc huy hoàng của thị trường trong năm 2022 – một năm đầy hứa hẹn mới này.

Anh em có thể đọc bản report đầy đủ tại đây: c98.link/Coin98Insights-CryptoMarketReport2021v1

Cập nhật thị trường gọi vốn hai tháng đầu năm 2023

Thị trường gọi vốn đầu năm 2023 có điểm nhấn gì đáng chú ý. Xu hướng đầu tư của các quỹ có điểm gì thay đổi sau sự sụp đổ của nhiều tổ chức lớn. Cùng Coin98 Insights tìm hiểu trong bài viết.

Thị trường gọi vốn tiếp tục ảm đạm

Theo DefiLlama, thị trường gọi vốn trong hai tháng đầu năm 2023 sụt giảm so với cùng kỳ trong năm 2022 về số vốn đầu tư.

Số vốn cam kết đầu tư và số lượng dự án theo tháng giai đoạn 2022-2023. Nguồn: DefiLlama

Xu hướng giảm chung bắt đầu từ giữa năm 2022 cho tới nay sau các sự kiện liên quan tới Terra.

Tổng số vốn huy động trong tháng 2/2023 tăng ~42% so với tháng 1. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng trở lại của hoạt động gọi vốn.

Số vốn gọi trung bình trong năm 2023 kém hơn 69.1% so với trung bình năm 2022 (thời kỳ các dự án gọi rất nhiều vốn).

Có thời điểm trung bình mỗi dự án gọi tới hàng chục triệu USD. Nguồn: DefiLlama 

Tuy nhiên, số lượng dự án lại có xu hướng gia tăng trở lại. Điều này cho thấy rằng crypto vẫn duy trì được sự quan tâm từ giới đầu tư. Bên cạnh đó, mức định giá đang cũng đang trở nên hợp lý hơn chứ không còn quá “điên rồ” như giai đoạn đầu năm 2022 (thể hiện qua xu hướng giảm của số lượng vốn gọi được).

Mức định giá giảm cũng là nền tảng để nhà đầu tư cá nhân có thể kiếm được lợi nhuận. Từ đó, mức độ hứng thú với crypto sẽ dần trở lại.

Đâu là mảng được nhà đầu tư chú ý?

Tỷ trọng tính theo số vốn gọi của dự án thuộc các mảng khác nhau trong 2 tháng đầu năm 2023. Nguồn: DefiLlama

Nếu tính L1 và L2 thuộc Infrastructure thì mảng này đang chiếm 37.5% trên tổng số vốn huy động được. Mảng Infrastructure cũng chứng kiến dự án với mức định giá cao nhất (trong các dự án công bố hai tháng đầu năm 2023) là Quicknode với 800 triệu USD.

Trong xu hướng giảm hiện tại, cơ sở hạ tầng là nơi đón nhận dòng tiền. Tuy nhiên, trong quá khứ các token thuộc các nền tảng này thường không mang lại lợi nhuận quá cao cho nhà đầu tư. 

Các dự án DeFi, NFT và Gaming chiếm tỷ trọng lần lượt 6.6%, 6.9% và 9.6% (tổng cộng 23.1%) trên tổng số vốn gọi. Tuy nhiên xét trên tổng số lượng dự án thì 3 mảng này lại chiếm tổng ~40%.

Tỷ trọng tính theo số lượng dự án thuộc các mảng khác nhau. Nguồn: DefiLlama

Đáng chú ý hơn, dù số lượng vốn gọi trong mảng Game & NFT có sự sụt giảm lớn (từ mức đỉnh 1.8 tỷ USD trong Q4/2021 xuống chỉ còn ~200 triệu USD trong Q1/2023) nhưng tỷ trọng tính theo vốn của các dự án này vẫn được duy trì.

Tỷ trọng tính theo vốn gọi và số lượng dự án của mảng Gaming & NFT so với tổng số vốn huy động. Nguồn: DefiLlama

Tuy nhiên trên khía cạnh nền tảng cơ bản, Gaming và NFT hiện vẫn chưa có điểm đột phá. Do đó, dù việc huy động vốn đối với mảng này vẫn được duy trì nhưng chúng ta cũng cần xem xét kỹ lưỡng hơn để chọn ra được dự án có tiềm năng trong dài hạn.

Hoạt động đầu tư của một số quỹ nổi bật

Một số cái tên uy tín đã giải ngân trong hai tháng đầu năm 2023 bao gồm Binance Labs, a16z, ParadigmMulticoin Capital

Số lượng dự án các quỹ tham gia đầu tư trong hai tháng đầu năm 2023. Nguồn: DefiLlama

Vào 21/2, Coindesk đã đưa ra thông tin về việc Binance Labs giải ngân vào dự án Polyhedra Network.

Đây là dự án cơ sở hạ tầng cho nền tảng Zk-rollup đang rất nóng trong thời gian gần đây.

Đối với Paradigm, một quỹ đầu tư nổi tiếng trong các dự án có airdrop lớn (như Uniswap, Optimism, dYdX, Gitcoin) hay gần đây nhất có Blur, chỉ giải ngân vào 1 dự án cũng hoạt động trong lĩnh vực Zk-rollup.

Tuy nhiên đây là dự án cung cấp giải pháp phần cứng nên chúng ta khó có thể kỳ vọng vào khả năng có airdrop.

Trong các dự án còn lại của các quỹ a16z và Multicoin Capital có một dự án gọi được 32 triệu USD tại vòng Seed (một con số ấn tượng trong giai đoạn này) là PLAI Labs.

Dự án hoạt động trong mảng Gaming được dẫn dắt bởi a16z. PLAI cũng có đề cập tới từ khoá “AI” rất nóng trong thời gian gần đây. Do đó, đây có thể là cái tên chúng ta cần chú ý tới trong mảng Gaming.

Coinbase đứng trước bờ vực phá sản: Tin đồn sẽ trở thành sự thật?

Lại một thông tin tiêu cực khác đối với thị trường crypto, Coinbase đã ra mắt báo cáo tài chính Q1 không mấy khả quan. Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng có rủi ro về việc Coinbase sẽ phá sản.

Vậy chi tiết sự việc này ra sao? Nó có ý nghĩa như thế nào? Mình sẽ cùng anh em tìm hiểu xem góc nhìn hiện tại của CeFi đối với thị trường crypto trong 30 câu ngắn gọn.

Một quý đáng thất vọng của Coinbase

1. Coinbase đã công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh sụt giảm, theo đó công ty đã lỗ 430 triệu USD trong Q1/2022.

Toàn bộ các thông tin về báo cáo tài chính Q1 2022 của Coinbase anh em có thể tham khảo tại đây.

2. Khối lượng giao dịch, Monthly Transacting Users (MTUs) giảm lần lượt 44% và 19% đã cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của thị trường crypto cũng như sự cạnh tranh của các đối thủ khác (Binance US, FTX US, Crypto.com…) đối với Coinbase.

3. Giá cổ phiếu Coinbase (Ticker: COIN) theo đó đã giảm 16% trong phiên giao dịch ngày 10/5/2022, và mất 86% giá trị kể từ khi đạt ATH.

4. Có khá nhiều nguyên nhân giải thích cho việc này: Sự suy giảm trên nhiều phương diện (người dùng, volume giao dịch, doanh thu từ các dịch vụ đi kèm) kèm theo vấn đề cạnh tranh tranh, FED tăng lãi suất, sự sụt giảm chung của thị trường crypto.

5. Khi nhìn vào chỉ số Revenue Per User có thể thấy được sự Bearish đối với Business của Coinbase. Ngoài ra, một Insight khá thú vị có thể suy ra đó là Transaction Revenue Per User của Coinbase đã chạm mức đáy (bằng với mức trong mùa đông Crypto 2018-2019) ⇒ Có vẻ như một mùa đông giữa tháng 5 đang diễn ra.

6. Không chỉ mình Coinbase, dưới tình hình kinh tế vĩ mô sau quyết định của FED trong cuộc họp tháng 05/2022, toàn bộ thị trường cổ phiếu cũng chứng kiến sự sụt giảm (đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ).

Chỉ số NASDAQ mất 33% giá trị kể từ ATH

7. Tuy chịu “số phận” là như nhau nhưng đã có rất nhiều các tin tức được đưa ra nhằm công kích trực tiếp tới Coinbase cũng như thị trường crypto như: Coinbase có khả năng phá sản, người dùng có khả năng mất tiền khi lưu trữ trên sàn Coinbase…).

Phản ứng của Coinbase

8. Kết quả kinh doanh giảm sút nhưng Coinbase vẫn kiên định với tầm nhìn tiếp tục xây dựng thị trường crypto lớn mạnh hơn nữa, một vài nước đi có thể kể tới như:

  • Phát triển sản phẩm Derivatives: Thông qua acquire FairX, một sàn giao dịch phái sinh (đã có giấy phép hoạt động).
  • Đẩy mạnh phát triển NFT.
  • Xây dựng các sản phẩm tiếp cận với người dùng crypto: Các dịch vụ tương tác với Dapps, smart contract, staking, ví Coinbase Wallet…

9. Đối với khả năng Coinbase phá sản, CEO Brain Armstrong đã khẳng định trong một Tweet rằng hiện nay rủi ro này là không có, việc cảnh báo người dùng về rủi ro phá sản chỉ là một yêu cầu đến từ SEC đối với các công ty crypto niêm yết.

10. Trong trường hợp Coinbase phá sản, người dùng (để tài sản crypto trên sàn giao dịch) sẽ được xem như một chủ nợ nhưng không có đảm bảo (unsecured creditor) ⇒ Sẽ là người nhận được khoản thanh toán cuối cùng khi Coinbase thanh lý tài sản (bao gồm Token của người dùng để trên sàn).

11. Tuy mình không rành lắm về bảng cân đối kế toán tiêu chuẩn nước ngoài, nhưng khi nhìn vào Coinbase, mình vẫn chưa thấy rủi ro phá sản ở đây.

12. Tiền và tương đương tiền cộng với USDC của Coinbase sau Q1 2022 là $6.3B vẫn lớn hơn tổng nợ của Coinbase (total liabilities) sau khi đã trừ đi khoản mục Custodial funds due to customers vì đây chỉ là các tài sản crypto của khách hàng được Coinbase lưu trữ hộ ⇒ Chưa thấy rủi ro phá sản.

13. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường tài chính nói chung và crypto nói riêng không mấy tích cực (do các ảnh hưởng từ vĩ mô) thì Coinbase sẽ phải đối mặt với những quý vô cùng khó khăn trong thời gian tới.

Chúng ta thấy được điều gì đối với sự kiện này

14. Đầu tiên có thể nhìn nhận được rằng, crypto là một ngành có sức cạnh tranh rất khốc liệt kể cả ở các Protocol, hệ sinh thái (thông quan Liquidity Mining, Vampire attack…) cho đến các công ty trên thị trường tài chính truyền thống như Coinbase.

15. Khi IPO, các nhà đầu tư trên thị trường CeFi coi Coinbase như một Index phản chiếu thị trường crypto, do đó sự sụt giảm về giá cổ phiếu và dự phóng kết quả kinh doanh cho thấy góc nhìn Bearish đến từ các nhà đầu tư truyền thống.

16. Định hướng sẽ phát triển tập trung vào thị trường NFT của Coinbase cho mình thấy được rằng đây là một Sector có nhu cầu rất lớn đặc biệt đối với thị trường Mỹ cũng như tham vọng trong việc đưa NFT phổ cập rộng rãi hơn tới cộng đồng.

18. Ngoài NFT, các dịch vụ tích hợp trực tiếp với DeFi cũng được Coinbase tập trung xây dựng ⇒ Nước đi cho việc tiếp tục ủng hộ và xây dựng một cầu nối giữa CeFi và DeFi.

19. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Coinbase đã khá “thoáng” trong việc chi tiêu ngân sách của công ty phục vụ mục tiêu R&D về mặt công nghệ.

20. Thật vậy, nguồn ngân sách R&D đã giải ngân là $570M – chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí vận hành mặc cho xu hướng chung của thị trường không ủng hộ Business của công ty ⇒ Một nỗ lực xây dựng không ngừng nghỉ.

21. Một Insight khác cho thấy được sự “đầu hàng” của các nhà đầu tư cá nhân khi mình nhìn vào thống kê khối lượng giao dịch trên Coinbase.

22. Theo đó, trong Q1 2022, khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân (retail) giảm 58.2% so với Q4 2021, trong khi Institution chỉ ghi nhận giảm 36.7%.

22. Bên cạnh những điều trên, thông qua sự kiện này, mình cũng cần phải lưu ý thêm với anh em khi đọc các thông tin trên các kênh truyền thông, khi báo cáo tài chính của Coinbase được đưa ra, kèm với thông tin về bản công bố rủi ro khi phá sản, đã có khá nhiều báo chí “giật tít” đưa ra các tiêu đề khiến người đọc hiểu sai (Coinbase có thể phá sản, Users có thể mất tiền).

23. Mà như mình đã phân tích bên trên, rủi ro phá sản của Coinbase là chưa có tại thời điểm này, nên khi đọc các thông tin anh em cần phải tìm hiểu kỹ vì thường báo chí cũng có thể được sử dụng là công cụ khuếch đại cảm xúc của anh em ⇒ Điều này là rất tệ trong thị trường tài chính.

24. Cho nên, chúng ta cần giữ một cái đầu lạnh trong quá trình đầu tư, đặc biệt là đối với thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

Bear Market và sự thiết lập lại bàn cờ

25. Theo góc nhìn của mình, crypto hiện nay chưa thu hút được nhiều dòng tiền mới từ bên ngoài, do đó sẽ dẫn đến việc các công ty, hệ sinh thái, protocols sẽ tiến vào trạng thái PvP để chiếm thị phần.

26. Ai dành chiến thắng sẽ là tâm điểm của thị trường và là nơi thu hút dòng tiền đầu tiên trong mùa tăng trưởng tiếp theo ⇒ Bàn cờ sẽ được thiết lập lại.

27. Một điều tiêu cực trong Bear Market đó là chúng ta khó có thể kiếm tiền nhưng khi suy nghĩ một cách tích cực, đây là khoảng thời gian để chúng ta chậm lại, ngẫm lại những sai lầm của bản thân trong quá khứ, học thêm những điều mới để chuẩn bị tốt nhất khi Uptrend cập bến.

28. Một điều tích cực khác chúng ta có thể nghĩ đến trong mùa Bear là giá càng giảm thì lợi nhuận tiềm năng (potential profit) của chúng ta sẽ càng cao.

29. Và tất nhiên không phải là đồng nào cũng sẽ quay trở lại được đỉnh cao của nó, lịch sử crypto đã chứng minh trong 1 khoảng thời gian dài chỉ có 2 đồng luôn giữ nguyên vị trí trong Top 10 đó là BTC ETH ⇒ 8 cái tên còn lại luôn thay đổi.

30. Công việc của chúng ta sẽ là tìm ra được đâu sẽ là dự án tiếp theo lọt vào Top 10 kể trên, khi tìm ra được thì khả năng cao sẽ là cơ hội để anh em thay đổi vị thế.

Tổng kết

Mình hy vọng bài viết đã cung cấp cho anh em những góc nhìn và nhiều Insights từ sự kiện Coinbase công bố báo cáo tài chính Q1 2022. Đây là một thời điểm nhạy cảm đối với crypto do đó khi tham khảo những thông tin trên phương tiện truyền thông, chúng ta cần phải có những đánh giá khách quan để hiểu được bản chất của vấn đề.

Bên cạnh đó, dù trong giai đoạn khó khăn của thị trường nhưng mình vẫn tin tưởng vào một tương lai dài hạn. Và phần thưởng xứng đáng sẽ đến với những người kiên nhẫn chờ đợi thời cơ.

Nếu anh em có bất kỳ thắc mắc cũng như câu hỏi nào, hãy để lại bình luận ở phía bên dưới để cùng Coin98 thảo luận nhé.

Báo cáo Thị trường Crypto nửa đầu năm 2022

Nửa đầu năm 2022 là một trong những giai đoạn tiêu cực nhất với thị trường crypto trong vòng 2 năm gần đây. LUNA, một trong những hệ sinh thái lớn nhất thị trường crypto sụp đổ, bên cạnh đó nhiều tổ chức native trong crypto rơi vào tình trạng “buộc phải bán”, hoạt động giao dịch và giá giảm sâu…

Kiến thức trọng tâm:

  • Chính phủ Mỹ triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ để rút lượng tiền dư thừa ra khỏi nền kinh tế.
  • Thị trường Crypto có tương quan cao với nền kinh tế Mỹ, dao động tương tự như các loại tài sản có rủi ro cao. Vì vậy, khi chính phủ Mỹ triển khai chính sách thắt chặt tiền tệ, thị trường crypto có xu hướng giảm mạnh hơn các thị trường tài chính khác.
  • Tình hình kinh tế vĩ mô tồi tệ cộng thêm việc thị trường crypto đang trong tình trạng không có các câu chuyện chất lượng để thu hút dòng tiền mới vào thị trường. Các sự kiện tiêu cực như sự sụp đổ của Terra, Three Arrows Capital, Celsius và nhiều tổ chức lớn nhỏ khác đã khiến thị trường crypto rơi vào tình trạng giảm giá sâu.
  • Các xu hướng mới trong tương lai sẽ hình thành trên những vấn đề cũ còn tồn động và chưa giải quyết được trong mùa bull run vừa qua. Tiêu biểu là vấn đề về việc mở rộng blockchain.

Đây là bài viết bao quát từ thị trường Vĩ mô đến thị trường Vi mô và đã được đội ngũ Coin98 Insights chuyển hóa thành video. Bạn có thể xem ngay tại đây nhé.

Tổng quan kinh tế & chính trị trong nửa đầu năm 2022

Do ảnh hưởng của Covid-19, FED đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, “bơm” khoảng 4,600 tỷ USD vào thị trường với mục đích kích thích nền kinh tế phát triển trở lại sau thời kỳ phong tỏa do dịch bệnh.

Lãi suất thấp tạo ra một nguồn vốn “giá rẻ”, góp phần tạo thanh khoản dồi dào cho các tài sản tài chính. Đây là môi trường lý tưởng để các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ hay thị trường crypto. Điều này làm cho ROI trung bình của hoạt động đầu tư trên thị trường hầu hết đều là dương:

  • ROI của BTC đạt 1,700%, total market cap tăng 2,000%.
  • ROI vàng hơn 40%.
  • Stock với mức tăng 110%.

Tuy nhiên, dưới tình trạng lạm phát cao do nới lỏng tiền tệ và xung đột chính trị nên các ngân hàng trung ương bắt buộc phải thắt chặt định lượng (QT), rút lượng tiền dư thừa ra khỏi nền kinh tế.

Đây là tổng quan những nét chính về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính nói chung trong giai đoạn 2020 – 2022. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng điểm qua các sự kiện nổi bật ảnh hưởng tới tình hình vĩ mô trong nửa đầu năm 2022.

Xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine

Cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế nói chung. Khi các lệnh trừng phạt lên Nga từ phía phương Tây tác động lên giá dầu, lương thực và các loại hàng hoá cơ bản khiến chúng tăng trưởng.

Từ đó gây ra các vấn đề rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế như gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, chi phí gia tăng… buộc FED và các ngân hàng trung ương phải có kế hoạch tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, giá dầu Brent đã tăng ~46.6% kể từ đầu năm tới cuối tháng 6. Trong đó có thể kể tới mức tăng giá đột biến 30% kể từ khi tổng thống Nga, Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine vào ngày 24/02.

Tuy đã có sự hạ nhiệt (giảm ~14% kể từ đỉnh lập được trong tháng 3) nhưng đứng trước các rủi ro từ nhiều yếu tố (tình hình chính trị, các nước OPEC không thể đáp ứng nâng sản lượng dầu…), tương lai đối với giá dầu vẫn còn khá bất định.

Bên cạnh giá dầu, cuộc chiến cũng đã góp phần đẩy giá lương thực lên cao (đặc biệt ở khu vực châu Âu) khi Nga và Ukraine là hai quốc gia với sản lượng xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Cũng như dầu thô cũng là một đầu vào sản xuất quan trọng cho ngành nông nghiệp.

Từ đó, mức sống của người dân trên phạm vi toàn cầu chịu áp lực rất lớn từ các mục đích chính trị của các quốc gia buộc họ phải thắt chặt chi tiêu. Số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy tốc độ tăng trưởng chi tiêu của người dân nước này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021 cho tới nay.

Do giá cả hàng hoá gia tăng, đời sống gặp nhiều khó khăn nên người dân nói chung sẽ phải chi tiêu nhiều hơn cho những nhu cầu cơ bản. Dẫn đến các khoản tiết kiệm và đầu tư theo đó có xu hướng giảm và điều này ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường tài chính khi không có thêm các dòng tiền mới từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nền kinh tế gặp khó khăn

Chiến tranh và xung đột chính trị đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo từ World Bank, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi ngang trong giai đoạn 2022 – 2024 với mức tăng trưởng GDP trong khoảng 3%.

Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 được World Bank điều chỉnh giảm đi 1.2% (so với dự báo từ tháng 1 khi chưa xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine).

Chi tiết báo cáo của World Bank các bạn có thể tham khảo tại đây.

Tình hình kinh tế hiện nay được nhiều chuyên gia so sánh với thời kỳ những năm 1970 khi tình trạng đình lạm diễn ra.

Thời điểm những năm 1970, cú sốc nguồn cung dầu cũng đã gây ra tình trạng giá cả hàng hoá gia tăng kéo theo tăng trưởng kinh tế suy giảm. Trong năm 2022 chúng ta cũng đang chứng kiến một sự kiện tương tự xảy ra.

Tuy vậy, vẫn có những điểm tích cực do các chính phủ đã có dữ liệu lịch sử trước đó để có thể điều chỉnh các chính sách tài khoá và tiền tệ phù hợp để không quá ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, một tác động khác khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đó là các ngân hàng trung ương lớn tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi đó, nguồn vốn sẽ quay trở về các đồng tiền mạnh ở những nền kinh tế phát triển khiến các nước đang phát triển (có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn) không có đủ nguồn lực để phát huy hết tiềm năng vốn có.

Cũng theo dự báo từ World Bank, số liệu lạm phát trên toàn cầu sẽ bắt đầu hạ nhiệt từ quý 3 năm 2022 trở đi và dần ổn định ở mức 2%-3% từ năm 2023.

Tuy nhiên, tình trạng kinh tế vẫn khó có khả năng sẽ tăng trưởng ổn định trở lại từ 2023.

Theo như biểu đồ phân phối dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu, kịch bản tăng trưởng GDP cơ sở trong năm 2023 là 3% với 50% tỷ lệ sẽ dao động trong khoảng 1.6-4%.

Do đó, dù theo kịch bản cơ sở, chúng ta vẫn khó có thể chứng kiến sự tăng trưởng trở lại trong năm 2023 cũng như tiềm ẩn rủi ro tiếp tục suy giảm, nhưng nếu các chính phủ có thể chấm dứt được xung đột cũng như có chính sách phù hợp thì bức tranh sáng hơn đối với kinh tế toàn cầu vẫn có thể diễn ra.

Chính sách tiền tệ từ FED

Sau cuộc họp tháng 12 năm 2021, FED đã đưa ra quyết định sẽ bắt đầu thắt chặt tiền tệ kể từ đầu năm 2022 với lãi suất đến cuối năm được FED lên kế hoạch ở mức ~0.9%.

Tuy nhiên cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã tác động và làm thay đổi hoàn toàn quyết định này. Tình trạng lạm phát cao đã khiến FED phải tăng lãi suất lớn hơn nhằm đối phó với tình cảnh hiện tại.

Lạm phát ở Mỹ tiếp tục ở mức cao, số liệu mới nhất về lạm phát của Mỹ (cập nhật vào ngày 10/6) đạt 8.6%, mức ghi nhận cao nhất kể từ năm 1981 cho tới nay.

Tình trạng lạm phát tăng cao kể từ sự kiện giữa Nga và Ukraine đã khiến FED bắt buộc phải có kế hoạch nâng lãi suất sốc hơn nhằm kiềm chế giá cả hàng hoá.

Biểu đồ Dot Plot trong cuộc họp mới nhất của FED tại kỳ họp tháng 6 đã làm rõ hơn quan điểm này.

Cụ thể, dựa trên các chỉ số cùng các dự báo về lạm phát, tăng trưởng GDP và thất nghiệp, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra mức lãi suất dự kiến trong năm 2022 của FED dao động trong khoảng 3.1-3.9%. Con số này đã tăng gấp 3-4 lần so với kỳ họp cuối năm 2021 và dẫn đến gây ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết các thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, crypto…)

Về kế hoạch cắt giảm bảng cân đối kế toán, theo Bloomberg, FED dự kiến sẽ thu hẹp tài sản đi khoảng 5,000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026, trong đó:

  • 600 tỷ USD trong 2022.
  • 1,000 tỷ USD trong 2023.
  • 3,000 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2026.

Tuy nhiên, theo biểu đồ Dot Plot ở bên trên, FED có khả năng sẽ lại nới lỏng tiền tệ trở lại kể từ năm 2024 trở đi để kích thích nền kinh tế sau thời kỳ khó khăn như hiện tại. Do đó, có thể con số mục tiêu 5,000 tỷ USD thu hẹp sẽ không được thực hiện.

Mặt khác, nới lỏng tiền tệ trở lại đi kèm với bảng cân đối kế toán của FED không bị thu hẹp sẽ là một môi trường thích hợp hơn cho sự tăng trưởng của các tài sản như chứng khoán, bất động sản, crypto…

Diễn biến tiêu cực của các loại tài sản

Dưới các tác động của lạm phát, kinh tế đi xuống và chính sách thắt chặt tiền tệ từ phía FED và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, các loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, vàng, trái phiếu, crypto… đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Đối với thị trường cổ phiếu, chỉ số S&P 500 (đại diện cho 500 công ty có vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán Mỹ) đã ghi nhận mức giảm ~21% kể từ ATH và ~19.88% kể từ đầu năm cho tới nay.

Tình hình kinh tế khó khăn, dòng tiền bị rút, lãi suất gia tăng khiến chi phí của các doanh nghiệp gia tăng cũng như doanh thu suy giảm. Đây là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu có mức sụt giảm như hiện tại.

Thị trường trái phiếu trước nay luôn được coi là lớp tài sản an toàn và ít rủi ro, dưới tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô, cũng bị bán tháo.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục duy trì xu hướng tăng, cho thấy áp lực bán tháo trái phiếu đang diễn ra dưới tác động của việc tăng lãi suất và các hoạt động bán trái phiếu của FED để thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Ngược lại với chứng khoán, thị trường bất động sản vẫn đang duy trì ở mức cao (đối với giá nhà) là hậu quả từ môi trường lãi suất thấp trước đó. Chỉ số giá nhà tại Mỹ tuy đã tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn đang ở mức cao. Thậm chí tốc độ tăng trưởng trong năm 2021 còn lớn hơn giai đoạn tiền bong bóng nhà đất năm 2004.

Bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia như New Zealand, Canada, Australia… cũng đang được OECA cảnh báo ở mức cao.

Thị trường nhà ở luôn có những rủi ro do các vấn đề về vay nợ và thanh khoản gây rủi ro cho nền kinh tế. Trên thực tế, vẫn có những quốc gia đang có tình hình bất động sản rất nóng.

Giá nhà tăng còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và tiết kiệm của người dân khi họ phải chịu chi phí cho việc lưu trú cao hơn.

Diễn biến giá vàng trong năm 2022 có điểm nhấn trong sự kiện xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine với mức tăng 13.6% trong vòng 1 tháng kể từ đầu tháng 2 đến tháng 3.

Tuy vậy, sau đó giá vàng đã hạ nhiệt trở lại do các tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt, tính từ đầu năm cho tới nay, vàng gần như không có sự thay đổi về giá chỉ tăng 0.2%.

Như vậy, khi nhìn vào các yếu tố vĩ mô có thể thấy khi nền kinh tế đi xuống, thu nhập và tiết kiệm của người dân bị suy giảm thì các tài sản tài chính khó có thể tăng trưởng. Tuy vẫn có một vài lớp tài sản có sự tăng giá như bất động sản hay hàng hoá, lương thực nhưng chúng không phải là các yếu tố tích cực đối hơn nữa còn gây ra những rủi ro nhất định cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, những tài sản được coi là rủi ro cao như crypto đã không còn nhận được sự hứng thú từ những nhà đầu tư. Hơn nữa, tình hình kinh tế đi xuống cộng với chi phí gia tăng cũng ảnh hưởng tới các tổ chức crypto lớn trên thị trường, từ đó gây ra các tác động tiêu cực như sa thải nhân viên, thiếu thanh khoản, gánh nặng do sử dụng đòn bẩy, … gia tăng khiến nhiều tổ chức đang đi đến bờ vực phá sản.

Tổng kết tình hình kinh tế vĩ mô & chính trị trong nửa đầu năm 2022:

  • Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine diễn ra là một biến cố ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, chi phí cho các hàng hoá cơ bản tăng khiến tiết kiệm và đầu tư suy giảm.
  • FED và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thực hiện thắt chặt định lượng dẫn đến thanh khoản trên thị trường kém dồi dào hơn.
  • Trong bối cảnh đó, các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, vàng … đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng tăng nhưng sự tăng trưởng này tiềm tàng rủi ro cho nền kinh tế.

Tóm lại, dường như các nhà đầu tư trên thị trường đã “priced in” dựa trên các biến số vĩ mô đã phân tích bên trên. Nhưng vẫn còn đó nhiều rủi ro phía trước, yêu cầu các động thái phòng thủ danh mục đầu tư trong giai đoạn này tiếp tục phải được đề cao.

Thị trường crypto nửa đầu năm 2022

Các điểm nhấn chính tác động tới thị trường

Từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã có mức giảm 57.8%. Kéo theo đó là sự sụt giảm vốn hoá toàn thị trường khoảng 70% kể từ ATH (tương đương với hơn 2,000 tỷ USD).

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kể tới những sự kiện nổi bật đóng góp chính vào sự đi xuống nói trên như:

  • Sự kiện UST (stablecoin của hệ sinh thái Terra) mất peg đã khiến Luna Foundation Guard phải bán báo BTC trong Treasury của mình để trợ giá cho UST (chi tiết tại đây).
  • Sự kiện Celsius với hậu quả dẫn tới tình trạng thanh lý tài sản trên các Lending protocol (chi tiết tại đây).
  • Sự kiện Three Arrows Capital có nguy cơ phá sản và những khúc mắc đằng sau đó (chi tiết tại đây).

Sự sụp đổ của Terra (LUNA) và hệ sinh thái của nó gây tổn thất nặng nề cho các bên liên quan. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một thống kê tổng quan về tổn hại của Terra (LUNA), hệ sinh thái và những bên đã chịu tổn thất xung quanh UST.

Sự kiện này tạo ra một áp lực bán trên thị trường crypto (OTC, secondary market…), các bên bị ảnh hưởng có xu hướng xu hướng giảm bớt tỷ trọng các vị thế với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Thông qua các lending & debt protocol, “tiền” được tạo ra thêm, việc thua lỗ khi đầu tư vào Terra (LUNA) & hệ sinh thái xung quanh UST làm nổi bật rủi ro thanh toán cho các bên liên quan.

Sự kiện Luna & UST kích hoạt domino fall cho các bên như Celsius, Three Arrows Capital… Đây hoàn toàn là những tổ chức không phải nhỏ trên thị trường.Vì thế, khi họ gặp khó khăn sẽ kéo theo rất nhiều bên liên quan. Do đó, còn quá sớm để kết luận sự ảnh hưởng trên đã kết thúc.

Nhìn chung, các điều kiện vĩ mô đang không thuận lợi cho thị trường crypto. Kết hợp với yếu tố không có nhiều sản phẩm mới đột phá đã khiến những rủi ro về thanh khoản và sự sụt giảm về nhu cầu kích hoạt sự đi xuống của thị trường.

  • Rủi ro thanh khoản: Biểu hiện ở các Staked assets (như stETH), các deal từ thị trường sơ cấp (dẫn tới tình trạng thiếu thanh khoản của Three Arrows Capital), LUNA không đủ thanh khoản để giữ Peg cho UST…
  • Nhu cầu thị trường sụt giảm: Điều này càng làm trầm trọng hơn khiến tình trạng thanh lý có thể xảy ra mà không có thanh khoản khiến giá sụt giảm mạnh (biểu hiện rất rõ trong sự kiện Solend chiếm quyền quản lý ví người dùng).

Quản trị rủi ro kém là nguyên nhân chính dẫn tới những hệ luỵ kể trên. Điều này cũng cho thấy, những tổ chức lớn quản lý hàng tỷ USD khi bước vào thị trường này vẫn chưa đánh giá được hết các rủi ro tiềm tàng.

⇒ Thị trường crypto tuy đã phát triển (với đỉnh vốn hoá đạt 3,000 tỷ USD) nhưng vẫn còn rất non trẻ.

Bên cạnh đó, việc các cá voi nắm giữ lượng lớn Bitcoin trên thị trường hiện nay như Microstrategy, Tesla hay El Salvador đang ghi nhận lỗ càng làm cho tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực. Đặc biệt đối với những bên chịu áp lực nợ vay như Microstrategy, khi lượng BTC họ nắm giữ bị thanh lý sẽ có nhiều khả năng khiến giá giảm mạnh do hiện nay thanh khoản trên thị trường crypto là khá mỏng.

Nhìn chung, có những nhận định cho rằng nếu không có các sự kiện gây hiệu ứng dây chuyền như Terra (LUNA), Celsius hay Three Arrows Capital , nhiều khả năng chúng ta vẫn có thể thấy Bitcoin giữ được mốc giá 35,000 USD – 40,000 USD trong hiện tại.

Sự đánh đổi giữa tăng trưởng và bảo mật

Bên cạnh đó, tình trạng các dự án bị tấn công trong nửa đầu năm 2022 đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới sự đánh đổi giữa tăng trưởng nóng và bảo mật.

Theo dữ liệu được ghi nhận được từ The Block, nửa đầu năm 2022 là giai đoạn thị trường chứng kiến nhiều sự kiện hack/exploit với giá trị tài sản lớn nhất.

Tổng giá trị thiệt hại từ các vụ tấn công được ghi nhận trong nửa đầu năm 2022 là khoảng 1.6 tỷ USD.

Theo dữ liệu ghi nhận được, có tới 4 trên 6 tháng có giá trị tài sản thất thoát ở mức trên 200 triệu USD. Chi tiết hơn, có tháng 2 và tháng 3 ghi nhận mức thiệt hại tăng vọt bởi hai vụ hack lớn trong mảng Bridge (Wormhole và Ronin Bridge).

Thống kê các vụ tấn công theo hệ sinh thái cho thấy các blockchain Non-EVM và EVM Compatible có mức thiệt hại lớn hơn. Cụ thể, các vụ việc liên quan tới Ethereum chỉ chiếm 17.7% giá trị trong khi đó các blockchain Non-EVM và EVM Compatible chiến lần lượt là 29.9% và 52.4%.

Tìm hiểu thêm: EVM là gì?

Tuy trong năm 2021, các blockchain Layer 1 (Non EVM và EVM Compatible) đều có mức lợi nhuận rất tốt nhưng khi mùa tăng trưởng đi qua, các hệ sinh thái này bộc lộ ra nhiều điểm yếu về vấn đề bảo mật.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới niềm tin của người dùng đối với các protocol trong hệ sinh thái. Đồng thời khiến thanh khoản của thị trường crypto mỏng hơn càng làm tồi tệ thêm trong tình cảnh Bear Market.

Tóm lại, thị trường crypto trong nửa đầu năm 2022 có những nét chính dưới đây:

  • Thị trường nói chung diễn biến tiêu cực và không có nhiều “đất” để tăng trưởng do tác động tiêu cực từ phía vĩ mô.
  • Sự ảnh hưởng dây chuyền của các sự kiện như Terra, Celsius, Three Arrows Capital… gây áp lực báo tháo trên thị trường. Những sự kiện này cũng cho thấy sự chưa hoàn thiện trong khâu quản trị rủi ro của các tổ chức crypto.
  • Các vụ hack/exploit liên tiếp xảy ra là hệ quả của việc đánh đổi giữa tăng trưởng nóng mà chưa xem trọng về bảo mật.

Mặt khác, bear market là một bài “stress test” để tìm ra những cơ hội đầu tư mới với tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Phân tích mảnh ghép quan trọng trong thị trường crypto

Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ tập trung phân tích từng mảnh ghép của thị trường crypto trong nửa đầu năm 2022, bao gồm các nội dung sau:

  • Sự thay đổi của câu chuyện chính: Tập trung Rollup thay vì các Alt-L1.
  • Thị trường DeFi suy thoái.
  • NFT tiếp tục nổi bật trong việc thu hút người dùng.
  • Hạn chế và giải pháp của DAO.

Tập trung Rollup thay vì các Alt-L1

DeFi trên Ethereum bùng nổ vào Q1/2021 khiến cho giá gas trung bình trên Ethereum biến động mạnh trong khoảng 100-300 Gwei. Với giá Gas như vậy, phí giao dịch trung bình cho các hoạt động DeFi cơ bản như approve, swap và thêm thanh khoản thường vượt quá 100$.

Các Alt-L1 là các giải pháp thay thế tạm thời trong tình trạng các giải pháp mở rộng quy khác chưa sẵn sàng hoạt động. Một số Alt-L1 đáng chú ý trong năm 2021 bao gồm:

  • EVM: BSC, Polygon PoS Chain, Fantom, Harmony, Avalanche C-Chain.
  • Non-EVM: Terra, Solana, Near.

Tổng quan, các hệ sinh thái Alt-L1 thường cạnh tranh với nhau xung quanh các vấn đề như phí giao dịch thấp, thông lượng cao, độ trễ thấp, khuyến khích hệ sinh thái (tài trợ & trợ cấp). Tuy nhiên qua thời hoạt động, các Alt-L1 đều bộc lộ những hạn chế nhất định. Cơ bản, chúng đánh đổi một hoặc một số đặc tính quan trọng như tính bảo mật, tính phi tập trung để đổi lấy phí rẻ và khả năng mở rộng tức thời.

Nếu như câu chuyện trong năm 2021 xung quanh việc “Alt-L1 đã giải quyết vấn đề mở rộng quy mô blockchain, Ethereum sharding & rollup là quá ít, quá muộn”.

Bước qua 2022, câu chuyện đã thay đổi đáng kể, “các Alt-L1 không thể mở rộng quy mô, hầu hết đều có vấn đề về cấu trúc, sharding & rollup là khả thi nhất để mở rộng quy mô blockchain trong thời gian tới”.

Mặc dù sharding & rollup có những ưu điểm vượt trội nhưng chúng vẫn có những hạn chế nhất định liên quan đến thời gian và chủ quyền, sự kiện dYdX thông báo dự án sẽ chuyển sang Cosmos-based chain là một ví dụ điển hình.

Rất khó để nói giải pháp hay hướng phát triển nào phù hợp với thị trường trong 6-18 tháng tới. Tuy vậy, chúng ta có thể chắc chắn, những câu chuyện xung quanh chủ đề “tăng hiệu suất của blockchain” vẫn là một trong những câu chuyện chính cho bull run tiếp theo.

Thị trường DeFi suy thoái

Trước năm 2020, DeFi market chủ yếu phát triển trên Ethereum, DeFi Ethereum dominance chiếm hơn 95% TVL.

Trong giai đoạn này, chúng ta chứng kiến sự phát triển theo cấp số nhân của thị trường DeFi trên Ethereum. Một số DeFi primitives protocol đã ra mắt và phát triển mạng trong thời gian này và trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của DeFI trên Ethereum. Một số dự án tiêu biểu bao gồm;

  • On-chain liquidity: Uniswap.
  • On-chain lending: Compound, Aave.
  • Debt market: Maker DAO.

Bước sang năm 2021, thị trường DeFi trên Ethereum không còn là trung tâm của câu chuyện. Sự phát triển của DeFi chủ yếu mở rộng theo chiều ngang và trọng tâm nằm ở các Alt-L1 (EVM Chain & non-EVM Chain). Tuy nhiên, các blockchain khác chủ yếu là fork lại hướng phát triển của thị trường DeFi trên Ethereum, không có các đột phá mới được tạo ra trên thị trường.

DeFi trên BSC:

  • Uniswap (Ethereum) ⇒ Pancakeswap (BSC).
  • Compound, Aave (Ethereum) ⇒ Venus (BSC).

DeFi trên Polygon PoS Chain:

  • Uniswap (Ethereum) ⇒ Quickswap (Polygon).
  • Compound, Aave (Ethereum) ⇒ Aave (Polygon).

Hướng phát triển này đưa Total TVL của cả thị trường crypto vượt 300 tỷ $ trong năm 2021. Tuy nhiên, sự phát triển theo hướng không lành mạnh của thị trường DeFi, cộng với những tác động tiêu từ kinh tế vĩ mô khiến thị trường DeFi rơi vào đình trệ.

Total TVL của cả thị trường đi ngang trong suốt Q1/2022. Sự kiện sụp đổ của hệ sinh thái Terra là ngòi nổ kích hoạt cho sự kiện “domino fall” của thị trường crypto.

Hiện tại, DeFi market đang trong giai đoạn co hẹp, các hoạt động chỉ tập trung vào một vài nhánh hàng đầu trên thị trường:

Stablecoin

Q2/2022, vốn hóa thị trường stablecoin có sự sụt giảm lớn, nó đã giảm gần 50 tỷ USD (gần 25%) khi so với mức ATH đạt được trong năm 2022. Trong phân khúc stablecoin, chúng ta có thể phân chia chúng thành hai loại chính:

  • Fiat-backed stablecoin: BUSD, USDC, USDT,…
  • Crypto-backed stablecoin: MIM, FRAX, UST, FEI,…

Sự sụt giảm của thị trường stablecoin đến từ cả hai nhóm. Vốn hóa của nhóm fiat-backed stablecoin sụt giảm đáng kể nhưng vẫn chiếm hơn 90% thị phần. Sự sụt giảm của fiat-backed stablecoin cho chúng ta thấy tác động tiêu cực của các chính sách tiền tệ vĩ mô tới thị trường crypto.

Sự sụt giảm lớn được ghi nhận ở nhóm crypto-backed stablecoin. Điều này có thể thấy rõ thông qua mức sụt giảm nguồn cung của một số crypto-backed stablecoin hàng đầu so với mức ATH của chúng vào Q2/2022:

  • UST mất peg, vốn hóa thị trường giảm hơn 99%.
  • MIM giảm 92.94% nguồn cung.
  • DAi supply giảm 25.41% nguồn cung.
  • FRAX giảm 48.15% nguồn cung.

Một trong những demand chính thúc đẩy sự tăng trưởng của crypto-backed stablecoin là nhu cầu sử dụng đòn bẩy trên tài sản mà mình nắm giữ thông qua các debt protocol & lending protocol trên thị trường DeFi.

Sự sụp đổ của hệ sinh thái Terra, Three Arrows Capital và những tác động tiêu cực từ kinh tế vĩ mô khiến cho rủi ro thanh khoản trong thị trường crypto trở nên trầm trọng hơn. Các nhà đầu tư cũng bắt đầu giảm đòn bẩy trên số lượng crypto assets mà mình nắm giữ để tránh rủi ro thanh lý.

Khi mà một trong những nhu cầu chính thúc đẩy sự phát triển của crypto-backed stablecoin không còn mạnh mẽ, sự sụt giảm nguồn cung của crypto-backed stablecoin là điều có thể lý giải.

Decentralized Exchanges (DEX)

DEX là một mảnh ghép quan trọng và là nơi tạo ra thanh khoản cho thị trường. Thanh khoản dồi dào là cốt lõi cho sự phát triển của mọi thị trường tài chính. DEX được phân chia thành 2 nhóm lớn là: AMM và Order Book.

Trong đó, phần lớn các DEX trên các chain đang triển khai theo mô hình AMM. Tuy nhiên, DeFi market đang trong giai đoạn co hẹp và hoạt động chỉ tập trung vào một vài một vài chain hàng đầu trên thị trường như Ethereum & BSC.

Uniswap là AMM hàng đầu trong thị trường DeFi. Nó cho phép người dùng swap tài sản của họ thông qua pool thanh khoản (LP) được đóng góp bởi người dùng. Giá cả của các tài sản trong pool được xác định bằng một thuật toán được xác định trước là x*y = k.

Uniswap là một trong những protocol mở đầu cho xu hướng phát triển của DeFi trên Ethereum. Tính đến nay Uniswap đã trải qua 3 giai đoạn phát triển chính;

  • 2017 – Uniswap V1, cho phép tạo pool của với ETH (ERC20-ETH).
  • 2020 – Uniswap V2, điểm nổi bật của bản nâng cấp này là cho phép người dùng tạo Pool thanh khoản giữa 2 token bất kì với nhau (ERC20-ERC20).
  • 2021 – Uniswap V3, bản nâng cho phép Uniswap sử dụng vốn tối ưu hơn (capital Efficiency). Một số tính năng bổ sung nổi bật bao gồm: cung cấp thanh khoản tập trung, mức phí linh hoạt, smart order routing,…

Pancakeswap là native AMM trên BSC. Nó đang là DEX có khối lượng giao dịch cao nhất trên BSC. Tính năng cốt lõi của Pancakeswap được fork từ Uniswap v2. Bên cạnh đó, dự án cũng đã phát triển thêm nhiều tính năng bổ sung như Syrup Pools, IFO, Lottery, Team Battle… Để khuyến khích người dùng cung cấp thanh khoản và giao dịch trên Pancakeswap.

Curve Finance là AMM được thiết kế tối ưu cho việc giao dịch stablecoin hoặc crypto assets có giá trị tương đương nhau (e.g sBTC,renBTC,wBTC…). Curve Finance là một trong dự án cung cấp nhiều đổi mới ở khía cạnh thiết kế kinh tế cho native token dự án, tiêu biểu như ve model.

Ngoài một số AMM nổi bật ở trên, thị trường đang tồn tại một vài ý tưởng sáng tạo về thiết kế AMM, chúng có thể là điểm sáng cho sự phát triển của AMM trong tương lai. Ba dự án tiêu biểu bao gồm:

Crocswap (AMM chạy trên một hợp đồng thông minh duy nhất):

  • Thông thường, mỗi pool thanh khoản của AMM được quản lý bằng một hợp đồng riêng biệt. Crocswap đề xuất ý tưởng xây dựng AMM chạy trên một hợp đồng duy nhất. Trong hợp đồng này sẽ có nhiều cấu trúc dữ liệu nhẹ đại diện cho các nhóm thanh khoản riêng lẻ.
  • Ngoài ra, thiết kế này cũng mang lại lợi thế về gas fee khi giao dịch và cân bằng thanh khoản. Thiết kế này cho phép Crocswap mở ra nhiều ứng dụng tiềm năng cho AMM.

Muffin (AMM cung cấp nhiều mức phí cho một nhóm):

  • Một số AMM như Uniswap có mức phí cố định là 0.30% trong khi các AMM khác cung cấp 1 hoặc 2 mức phí cho mỗi nhóm.
  • Nếu người dùng muốn có nhiều mức phí hơn thì bạn phải tạo một nhóm mới. Muffin cung cấp cho LP quyền kiểm soát chi tiết hơn đối với vị thế của họ. Muffin đã tạo ra mô hình nhiều mức phí cho mỗi nhóm thanh khoản.
  • Trong một pool thanh khoản, có thể có tới 6 mức phí. Tùy thuộc vào trạng thái của thị trường, LP có thể chọn phạm vi giá và mức phí mà họ muốn cung cấp thanh khoản.

YieldSpace (AMM tùy chỉnh dùng để thanh khoản cặp token fytoken/token để tạo nên các thị trường lãi suất cố định):

  • YieldSpace là một đường cong tùy chỉnh với biến số t để phù hợp cho việc thanh khoản cho cặp token fytoken/token để tạo nên các thị trường lãi suất cố định.
  • Trong đó, t là một biến số thời gian, t càng lớn có nghĩa là thời gian đáo hạn càng lâu. Khi ngày hết hạn đang đến gần, t tiến dần về 0.
  • Đây là công thức tổng quan của YieldSpace:

Thị trường cho vay & đi vay

Bên cạnh DEX, thị trường cho vay và đi vay cũng là nền tảng cho sự phát triển của DeFi, thị trường này được tạo bởi hai nhóm dự án lớn bao gồm các Lending Protocol & Debt Protocol. Các giao thức này cung cấp các chức năng vay và cho vay bằng cách cho phép người dùng tiếp thúc với một pool tài sản chung (Peer to Pool).

Trong nửa đầu năm 2022, hoạt động vay và cho vay của thị trường DeFi giảm mạnh biểu hiện qua total TVL và tổng dư nợ của thị trường khi so sánh với đầu Q1/2022.

  • Total TVL 18.55 tỷ $, giảm 64.67%.
  • Tổng dư nợ (Total outstanding loans) 10.3 tỷ $, giảm 63%.

Trong đó, Maker, Aave, Compound là ba thị trường hàng đầu trong lĩnh vực lần lượt có dư nợ là:

  • Maker market 6.3 tỷ $.
  • Aave market 1.75 tỷ $.
  • Compound market 0.8 tỷ $.

Thị trường cho vay và đi vay hiện tại được thúc đẩy chính bởi các dự án có thiết kế tương tự nhau (Peer to Pool model). Một trong những điểm hạn chế của mô hình này là chúng tạo ra các khoản vay có lãi suất thả nổi có độ biến động cao.

Mức độ không chắc chắn và dao động của lãi suất thả nổi trong thị trường DeFi không có lợi cho việc lập kế hoạch tài chính dài hạn và đầu tư có đòn bẩy, gián tiếp cản trở sự phát triển của DeFi đến quy mô thị trường lớn hơn. Đây có thể là điểm mấu chốt cho sự phát triển tiếp theo của thị trường cho vay và đi vay với xu hướng xung quanh các thị trường lãi suất cố định.

Liquid Staking

Để vận hành một validator trong các PoS blockchain thường khá khó khăn. Ngoài những yêu cầu về kỹ thuật, dự án thường yêu cầu staking & bonding một lượng token có giá trị kinh tế tương đối lớn. Lượng token này được khóa trong mạng và không thể được sử dụng bên ngoài.

Liquid Staking là giải pháp cho vấn đề này, khi người dùng staking token của họ vào một Liquid Staking protocol, người dùng sẽ nhận được một số lượng staked token tương ứng, đại diện cho số lượng token mà họ đã stake trong hệ thống. Các staked token này có thể được sử dụng để giao dịch, cho vay hoặc cung cấp thanh khoản để thu thêm lợi nhuận.

Nhóm dự án Liquid Staking chủ yếu phát triển trên Ethereum. Sự phát triển của chúng được thúc đẩy bởi sự phức tạp của việc vận hành một Ethereum validator. Nó yêu cầu người dùng chạy các phần mềm chuyên dụng, staking 32E, phần cứng máy tính tối thiểu.

Việc khởi chạy đã khó, việc quản lý, đảm bảo node hoạt động ổn định để tránh tình trạng bị slashing còn khó hơn. Nhìn chung, không nhiều người có đủ những yêu cầu đó.

Liquid Staking cung cấp giải pháp cho vấn đề trên, nó phân chia người dùng thành 2 thành phần chính;

  • Depositors: Người góp vốn (ETH).
  • Node operators: Người góp sức để vận hành node.

Các yếu tố kỹ thuật được đảm nhận bởi node operators. Trong khi yếu tố về vốn được duy trì bởi depositors, cả hai nhóm trên sẽ hợp tác với nhau để khai thác block reward trên Ethereum và chia lợi nhuận với nhau.

Hiện tại, hai người chơi dẫn đầu lần lượt là Lido và Rocket Pool.

Lido sử dụng 29 node operators chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cách tiếp cận này làm nảy sinh một vấn đề mới là rủi tập trung (Centralized), khi 29 Node operators kiểm soát ⅓ voting power trên Ethereum.

Rocket Pool hứa hẹn một giải pháp Liquid Staking phi tập trung hơn, bằng cách yêu cầu mỗi staking node được vận hành các node operator phải staking 16 ETH. Điều này là để ràng buộc lợi ích của các node providers với hệ thống, tránh tình trạng các node providers hành động theo hướng không mang lại lợi ích chung cho mạng lưới. 16 ETH còn lại huy động từ depositors.

Tuy nhiên, điều này khiến giải pháp của Rocket Pool khó mở rộng hơn Lido vì không phải node operators nào cũng có số lượng lớn ETH để vận hành, với việc The merge có thể xảy ra vào tháng 9 năm nay, câu chuyện xung quanh chủ đề liquid staking có thể trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

NFT tiếp tục nổi bật trong việc thu hút người dùng

NFT là viết tắt của Non-fungible Token, là loại token có tính độc nhất và không thể bị thay thế bởi những token khác. Năm 2021 là một năm bùng nổ của thị trường NFT và đã có rất nhiều câu chuyện đổi đời được viết lên từ đó. Vậy điều này có tiếp tục trong năm 2022?

Tổng quan về thị trường NFT nửa đầu năm 2022

Q1/2022 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường NFT. Trong Q2 do tác động của xu hướng chung, thị trường NFT có sự sụt giảm về các chỉ số như giá cả và khối lượng giao dịch. Tuy nhiên NFT đã chứng minh được tiềm năng của mình và thu hút được nhiều dự án phát triển trong lĩnh vực này.

Ví dụ gần đây có thể kể đến việc sàn giao dịch sàn AMM lớn nhất hiện nay Uniswap đã mua lại Genie, một dự án tổng hợp NFT trên nhiều NFT marketplace. Arbitrum thông báo về nhiệm vụ hàng tuần có phần thưởng là NFT. Zapper thông báo về việc lấy NFT là trọng tâm và rất nhiều dự án khác cũng đang ứng dụng NFT trong sản phẩm của mình.

NFT có một tỷ lệ chú ý lớn trên toàn cầu. Số lượng tìm kiếm từ khoá “NFT” trên Google vượt qua các từ khoá quan trọng như “ETH” và “blockchain”.Giữa năm 2021 đến Q1/2022 là khoảng thời gian tăng trưởng mạnh của NFT.

Sự bùng nổ của NFT đã làm ngòi nổ cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực xung quanh. Nổi bật nhất trong số đó bao gồm:

  • NFT Collectibles (NFT dạng sưu tầm).
  • NFT Gaming.
  • Các hệ sinh thái NFT và các mảnh ghép trong hệ sinh thái.

NFT Collectibles 

Ứng dụng lớn đầu tiên của NFT là tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Với các đặc tính đặc biệt như tính độc nhất và không thể bị thay thế.  NFT đã rất thành công trong việc làm bằng chứng cho tính khan hiếm của tác phẩm. Từ đó tạo ra giá trị và lượng cầu cho nhà sưu tầm, nghệ sĩ, các bên giao dịch.

Từ năm 2021 đã xuất hiện nhiều bộ sưu tập có giá trị cao. Nổi bật nhất trong số đó là Bored Ape Yacht Club Azuki.

Bằng việc tạo ra một sản phẩm cốt lõi, phát triển một hệ sinh thái quanh sản phẩm và tập trung phát triển cộng đồng đã giúp hai bộ sưu tập thu hút một lượng giá trị khổng lồ trong thời gian ngắn. Bored Ape Yacht Club và Azuki đều nằm trong top 10 bộ sưu tập có khối lượng giao dịch cao nhất từ trước đến nay bên cạnh nhiều bộ sưu tập lâu năm như CryptoPunks, The Sandbox, Decentraland…

Trước đây hầu hết NFT dạng sưu tầm (collectibles) giá trị nhất đều tập trung ở Ethereum. Tuy nhiên, NFT trên Solana ngày càng thu hút dòng tiền và xuất hiện nhiều bộ sưu tập có giá trị cao. Trong top các bộ sưu tập NFT có khối lượng giao dịch lớn nhất OpenSea đã xuất hiện những cái tên đến từ Solana.

Solana NFTs là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 14.8 triệu NFT được tạo ra từ Metaplex – cơ sở hạ tầng chính cho việc tạo NFT trên Solana. Giá trị NFT được giao dịch đạt hơn 3.1 tỷ USD.

Tóm lại phần lớn thị phần của Collectibles phần lớn vẫn thuộc về Ethereum. Tuy nhiên miếng bánh này đang có thu hút nhiều bên khác và ta có thể thấy những NFT collectibles đặc trưng của mỗi hệ sinh thái trong tương lai.

NFT Gaming  

Ứng dụng nổi bật tiếp theo của NFT là Gaming. Sự tăng trưởng của Axie Infinity với trend “Play-to-earn” đã thu hút một lượng lớn dự án tham gia vào lĩnh vực này. NFT được sử dụng với nhiều công dụng khác nhau từ làm nhân vật, vật phẩm, tài sản trong game.

Tuy nhiên, do chưa có một mô hình kinh tế phù hợp, các dự án game hiện tại đều chưa thể cân bằng được lượng cung và cầu của tài sản.

Ví dụ tiêu biểu có thể kể tới Axie Infinity, game mở đầu xu hướng Play To Earn và là dự án tăng trưởng FDV tốt nhất. Doanh thu hàng ngày của Axie có lúc đạt hơn 16 triệu USD/ngày, vào thời điểm hiện tại con số này dao động từ 3,000 – 5,000 USD.

Tóm lại, chưa có một mô hình GameFi nào thành công và có thể phát triển ổn định như trong thị trường truyền thống. Tuy nhiên, điều này có thể được thay đổi trong tương lai khi các dự án đang dần tập trung vào chất lượng game để có thể thu hút thêm người dùng và tạo doanh thu bền vững.

Các chain với hiệu suất ổn định và chi phí rẻ như Ronin, BNB Chain, Solana… sẽ dễ dàng thu hút người dùng hơn là Ethereum. Nổi bật trong số này là Solana khi sẽ có hàng loạt game ra mắt trong năm 2022.

Các hệ sinh thái NFT và mảnh ghép bên trong

NFT đang dần trở thành một phần thiết yếu của các hệ sinh thái. Tương tự DeFi bao gồm nhiều mảnh ghép cấu thành, NFT cũng có các mảnh ghép giúp việc giao dịch và tạo đòn bẩy cho tài sản trở nên dễ dàng hơn. Các mảnh ghép tầng dưới phải hoàn thiện và đủ thanh khoản thì các mảnh ghép tầng trên mới có thể phát triển.

Phân tích các NFT marketplace nổi bật nhất hiện tại, ta nhận thấy hầu hết khối lượng giao dịch NFT vẫn nằm trên Ethereum. Tuy nhiên Solana gần đây nổi lên như một hiện tượng với sự tăng trưởng mạnh mẽ từ sàn Magic Eden. Nhìn vào mảnh ghép NFT marketplace ta có thể nắm được sơ bộ tình hình phát triển của NFT trên mỗi hệ sinh thái.

Xét các mảnh ghép tầng cao hơn, hiện tại vẫn còn quá sớm để các mảnh ghép đó phát triển. Nguyên nhân do lượng thanh khoản hiện tại chưa đủ để các mảnh ghép phía trên có thể duy trì hoạt động một cách ổn định.

Dự phóng

  • Thị trường NFT là một thị trường tiềm năng và sẽ tiếp tục được phát triển.
  • Tuy nhiên theo bản chất sử dụng native token của blockchain để tính giá nên trong xu hướng tăng, người dùng sẽ lời kép (giá token tăng và lượng token tăng). Nhưng ngược lại trong xu hướng giảm người dùng sẽ lỗ kép (giá token giảm và lượng token giảm). Ngoài ra NFT còn đặc tính thanh khoản thấp, do đó rủi ro đầu tư là cao và không khuyến khích tham gia trong xu hướng giảm.
  • Các hệ sinh thái phát triển sẽ có những bộ sưu tập NFT độc nhất cho mình.
  • Mảng gaming sẽ phát triển theo chiều hướng bền vững hơn.
  • Các mảnh ghép tầng cao trên các hệ sinh thái sẽ có khoảng thời gian khó khăn cho đến khi lượng thanh khoản ở các tầng dưới đủ lớn.

Hạn chế và giải pháp của DAO

DAO (Decentralized Autonomous Organization) là tổ chức tự trị phi tập trung. Khác với các tổ chức truyền thống (như Facebook, Google…), Bằng cách ứng dụng các bộ quy tắc được mã hóa bằng code, chúng có thể hoạt động một cách độc lập mà không cần sự can thiệp của con người.

Tổng quan về thị trường DAO nửa đầu năm 2022

DAO là một chủ đề rất rộng, chúng hiện hữu từ những blockchain, DeFi protocols áp dụng model quản trị on-chain, cho đến các nhóm áp dụng cơ chế đề xuất và biểu quyết on-chain trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó ta có thể thấy sự đa dạng trong các nhánh phát triển của DAO trong thời gian qua.

Xét riêng ở DeFi, Governance là một use case tiêu chuẩn cho các token của dự án, dự án càng lớn thì use case này càng có giá trị. Trong số top các dự án có TVL cao nhất, các quyết định đều được đề xuất và vote bởi các thành viên nắm giữ token của dự án. Model DAO đã trở thành thứ “buộc phải có” cho những DeFi protocol phát triển.

Với việc DAO đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác như social, serviecs,… Lượng giá trị mà các DAO nắm giữ có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Bài học từ sự suy giảm của Guild DAO 

Nổi lên từ cơn sốt Play To Earn, các dự án về Guild đã từng tăng trưởng mạnh mẽ với sự khởi đầu của Yield Guild Game. Ý tưởng của Guild là tạo ra một nơi để tối ưu hoá tài sản và chia sẻ lợi nhuận cho token holder. Nói cách khác dự án kết nối người chơi với game.

Tuy nhiên hầu hết các dự án Guild ở thời điểm hiện tại đều mất hầu hết giá trị. Token YGG của Yield Guild Game mất 94.5% giá trị từ đỉnh, token MC của Merit Circle mất 93.2% giá trị, token GF của GuildFi cũng giảm 92.8%…

Nguyên nhân chủ yếu thuộc về mô hình hoạt động hiện tại của DAO không hiệu quả. DAO hiện tại (tạm gọi là Dao 1.0), mọi thứ lộn xộn và chưa phân chia rõ ràng ⇒ Từ công việc, lợi ích đều rối loạn ⇒ Không tạo ra được hiệu ứng phát triển tích cực (Positive feedback loop).

Trong tương lai hay DAO 2.0 mọi thứ sẽ được sắp xếp và hỗ trợ cho nhau. Mọi thứ hoạt động trơn tru với nhau như mô hình của công ty truyền thống, nhưng có khả năng mở rộng tuyệt vời khi bất kỳ ai tham gia cũng sẽ có quyền đóng góp trong DAO.

DAO tương lai sẽ có một framework để có thể phân bổ nguồn lực, chia sẻ doanh thu một cách hợp lý và không tạo ra mâu thuẫn trong tổ chức. Đồng thời các hạn chế của DAO ở phần trên cũng sẽ dần được giải quyết.

Dự phóng 

  • DAO là một phần quan trọng để đạt được tính phi tập trung và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
  • Các vấn đề của DAO hiện tại sẽ được giải quyết bằng các công cụ và hạ tầng phù hợp. Đây cũng là một nhánh tiềm năng để đầu tư.

Tổng kết

Nửa đầu năm 2022, thị trường crypto rơi vào tình trạng giảm sâu trong bối cảnh chunag của thị trường tài chính. Trong khi, những tác động của kinh tế vĩ mô sẽ không dừng lại sớm, sự ảnh hưởng và rủi ro đi kèm của hiện tượng “domino fall” của các tổ chức crypto lớn chưa khám phá và phơi bày ra hết, có thể, sự sụt giảm của thị trường crypto có thể tiếp tục giảm trong nửa sau của năm 2022.