Đầu năm 2023, SEC kiện Gemini và Genesis – 2 sàn giao dịch top đầu tại thị trường crypto (theo Coingecko), với cáo buộc thiếu thanh khoản và ảnh hưởng tới nhà đầu tư. Thậm chí, vụ kiện lúc đó đã từng bị cho là dấu chấm hết cho Genesis.
5 tháng sau, SEC kiện Binance US và Coinbase với cáo buộc niêm yết bất hợp pháp những token bị cho là chứng khoán cùng 13 vấn đề pháp lý khác. Nhiều sàn giao dịch như eToro, Robinhood quyết định hủy giao dịch những token bị cho là chứng khoán nhằm tránh khỏi tầm ngắm của SEC.
Những vấn đề kể trên xảy ra do bất cập pháp lý dành cho crypto. Tuy quy định còn mập mờ, các ông lớn truyền thống vẫn không ngừng nộp đơn đăng ký mở Bitcoin ETF.
Đọc thêm về Bitcoin ETF tại đây.
Tháng 6, CEO Binance cũng đăng tweet nói về việc các ông lớn truyền thống lần lượt kéo nhau vào thị trường crypto.
Lý do năm xưa SEC từ chối Bitcoin ETF
Khởi đầu bằng việc anh em nhà Winklevoss – Founder của Gemini, nộp đơn đăng ký Bitcoin ETF vào năm 2013 khi giá Bitcoin chỉ rơi vào khoảng 1,000 USD với vốn hóa khá thấp.
SEC cũng nhận ra thị trường crypto còn rất nhỏ và dễ bị thao túng, dẫn đến việc từ chối đăng ký ETF. Một trường hợp khác tương tự Founder Gemini, Grayscale – quỹ đầu tư sở hữu bởi DCG, cũng bị SEC từ chối vào 2022 với lý do thị trường vẫn còn thiếu thanh khoản và chưa đủ tiêu chí của SEC.
Lúc này, cộng đồng lại xôn xao về thông tin ông lớn BlackRock có khả năng trở thành một trong những Spot Bitcoin ETF đầu tiên tại Mỹ.
Theo @SimonDixonTwitt – nhà đầu tư với 14 năm kinh nghiệm, việc BlackRock đăng ký thành công nhờ công lớn đến từ Coinbase và NASDAQ khi hai sàn giao dịch này trở thành đối tác giám sát giao dịch crypto của BlackRock.
Bloomberg tin rằng BlackRock có khả năng thành công cao . Cụ thể bài phỏng vấn của chuyên trang crypto Unchained với James Seyffart – nhà phân tích của Bloomberg, cho rằng quỹ đầu tư ngàn tỷ USD đã tìm được “lối đi nhỏ” giữa vô vàn áp lực đến từ SEC mặc dù ông vẫn chưa biết cụ thể đó là phương pháp nào.
Tại sao các ông lớn chọn Bitcoin ETF lúc này?
Đầu tiên,hãy nói đến sự khác biệt giữa future ETF và spot ETF. Đối với Future ETF, nhà đầu tư tham gia vào long/short Bitcoin thông qua hợp đồng tương lai và không có nhiều giá trị ảnh hưởng tới thị trường.
Và Spot ETF cho phép người dùng đầu tư trực tiếp vào Bitcoin, dẫn đến kết quả quỹ đầu tư sẽ tạo ra ảnh hưởng tới giá trị thực của BTC. Vì vậy, đây cũng chính là tham vọng của nhiều quỹ đầu tư khi tham gia Bitcoin ETF nhằm có được miếng bánh lớn nhất ở thị trường này.
Rất nhiều giả thuyết được đặt ra từ cộng đồng, nhưng có những ý kiến lại mang tính phù hợp hơn, đó là những công ty truyền thống thấy được thị trường crypto là một miếng bánh béo bở và họ muốn trở thành một phần trong đó.
Nhìn nhận về BlackRock đầu tiên, theo Coindesk, quỹ đầu tư tỷ USD này có tệp khách hàng rất lớn. Và nếu họ muốn kiếm thêm lợi nhuận từ tệp người dùng này, BlackRock phải cung cấp thêm dịch vụ để khách hàng có thể đổ tiền vào.
Coindesk kể thêm, mặc dù việc đăng ký Bitcoin ETF đã bị từ chối rất nhiều lần, con đường ngắn nhất để mang khách hàng đến với crypto vẫn là thông qua Bitcoin ETF. Vì vậy, BlackRock đang cố gắng hết sức để có thể tham gia crypto.
Việc BlackRock tham gia thị trường nhận được cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ, nhưng cũng nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Wendy O – tài khoản Twitter được CZ theo dõi, cho rằng BlackRock đang cố gắng độc quyền thị trường crypto tại Mỹ thông qua CBDC – đồng tiền mã hóa trung ương.
Để dễ hình dung, theo Wendy, Bitcoin ETF cho phép người dùng đầu tư vào Bitcoin mà không cần phải sở hữu BTC, thay vào đó, họ sẽ được cung cấp “ chứng chỉ” cho việc đầu tư. Dẫn tới hệ quả, BlackRock toàn quyền nắm giữ tài sản và giới hạn hoạt động giao dịch của người dùng. Điều này đi ngược lại với yếu tố phi tập trung cốt lõi của Blockchain.
Vì vậy, đây là một trong những lý do lần lượt nhiều ông lớn đăng ký Bitcoin ETF theo BlackRock. Có thể họ không muốn BlackRock độc tôn trên thị trường crypto tại Mỹ.
Cuối cùng, tại sao các công ty truyền thống bắt đầu tham gia ở thời điểm hiện tại?
Trả lời Blockwork, Jeff Feng – Founder của Sei Labs cho rằng các quỹ lớn đã hiểu được tiềm năng dài hạn của blockchain.
Các quỹ đầu tư lớn đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về cơ chế hoạt động của blockchain và họ nhận ra công nghệ này xứng đáng được đầu tư dài hạn.
Jeff Feng, Founder của Sei Labs
Ngoài ra, vào tháng 3/2023, CEO BlackRock -Larry Fink cho rằng việc “chứng khoán hóa” những token sẽ là tương lai của blockchain. Vì vậy, có khả năng BlackRock tham gia thị trường crypto vì SEC đang thực hiện mong muốn của BlackRock, đó là gắn mác chứng khoán lên hàng trăm token.
Đồng tình với quan điểm trên, Roger Bayston – làm việc tại quỹ đầu tư Franklin Templeton, ông cũng cho rằng việc đưa các token thành mã chứng khoán sẽ giúp các công ty truyền thống dễ tiếp cận hơn. Từ đó, thị trường crypto sẽ có thêm nguồn tiền đổ vào.
Thậm chí, theo ông Zheng – founder của quỹ ZX Square, lý do đa phần các công ty truyền thống bỏ qua vấn đề pháp lý mà tiến tới thị trường crypto đến từ hai nguyên nhân.
Lý do đầu tiên, SEC đang dần dần định nghĩa rõ ràng hơn trong việc token chứng khoán và token hàng hóa, nếu có một khung pháp lý rõ ràng hơn trong việc này, các công ty truyền thống sẽ ồ ạt tham gia vào blockchain.
Yếu tố thứ hai, các công ty truyền thống có thể làm giảm sức ảnh hưởng của luật pháp lên bản thân họ bằng việc hợp tác với các doanh nghiệp tiền điện tử.
Lấy ví dụ, BlackRock đăng ký trở thành Bitcoin ETF với tỉ lệ thành công chưa được cao do trước đây SEC đã từ chối rất nhiều doanh nghiệp lớn trở thành ETF. Vì vậy, để gia tăng tỉ lệ chấp thuận, BlackRock hợp tác với Coinbase trong việc lưu trữ tài sản BTC.