Series “Growth of Crypto” sẽ cung cấp cho người đọc các thông tin tổng quan, hành trình và hướng phát triển của các dự án và ý tưởng crypto trên thị trường. Bài viết này sẽ tập trung phân tích tình hình hoạt động của Tether và USDT.
Key Insights:
- USDT có vị thế là một stablecoin được sử dụng rộng rãi trong thị trường. USDT đang có nguồn cung lớn nhất thị trường, chủ yếu ở blockchain Ethereum, Tron và BNB Chain.
- Sự xuất hiện của USDC và BUSD đang đe dọa vị thế dẫn đầu của USDT. Khối lượng giao dịch USDC đang có xu hướng lấn áp USDT từ giữa năm 2022.
- Tether nhiều lần sử dụng “cơ chế tập trung” của USDT nhằm bảo vệ người dùng. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại Tether có thể lạm dụng cơ chế này.
- Nhiều tổ chức đưa thông tin thiếu căn cứ về công ty Tether. Bên cạnh đó, công ty đã bị thiệt hại hơn 70 triệu USD. Tuy nhiên, Tether và USDT tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu.
- Tether tích hợp USDT trên 14 blockchain lớn. Ngoài ra, USDT còn có mặt ở hầu hết các blockchain khác nhờ công nghệ bridge.
USDT là gì?
USDT là một fiat-backed stablecoin được đảm bảo bằng USD theo tỷ lệ 1:1, do công ty Tether phát hành vào năm 2014. USDT được tạo ra với mục đích gia tăng thanh khoản của thị trường và giảm thiểu rủi ro từ biến động giá của các crypto khác. Qua hơn 8 năm phát triển, USDT đang là stablecoin có market cap (vốn hóa thị trường) khoảng 68 tỷ USD, cao nhất nhóm stablecoin.
Bên cạnh USDT, Tether còn phát triển các sản phẩm stablecoin khác như XAUT, EURT, MXNT và CNHT. Những sản phẩm trên tuy có market cap không đáng kể so với USDT, nhưng chúng đóng vai trò đa dạng hóa sản phẩm cho công ty Tether. Bài viết này sẽ tập trung vào công ty Tether và sản phẩm chủ đạo của họ là USDT.
Tiếp theo, chúng ta sẽ phân tích những con số đáng chú ý của USDT.
Tìm hiểu thêm: Phân tích mô hình hoạt động USDT
Phân tích stablecoin USDT
Market cap USDT áp đảo thị trường stablecoin
Thị trường crypto hiện nay đang rất đa dạng các loại stablecoin. Có tất cả 5 stablecoin (USDT, USDC, BUSD, DAI, FRAX) đang có market cap trên 1 tỷ USD, trong đó USDT đang dẫn đầu với market cap khoảng 68 tỷ USD.
USDT không chỉ là một trong những stablecoin được tạo ra đầu tiên vào năm 2014 mà còn dẫn đầu thị trường stablecoin từ lúc ra mắt cho đến bây giờ. Đến nay, USDT đã có “tuổi đời” hơn 8 năm và luôn là stablecoin đứng đầu về market cap. Các stablecoin khác mặc dù có nhiều cải tiến về mặt kỹ thuật nhưng khó lòng vượt qua USDT về chỉ số này.
Có thể thấy, thị trường stablecoin biến động cực mạnh trong tháng 5/2022 khi stablecoin UST mất peg. Sức ảnh hưởng của UST và Terra (LUNA) cũng lan tới các stablecoin khác khiến market cap của chúng bị giảm mạnh. Trong tháng 5, market cap của USDT giảm từ 83 tỷ USD xuống 63 tỷ USD (giảm 24%).
Mặc dù xuất hiện nhiều stablecoin khác, dominance (sự áp đảo) của USDT vẫn luôn ở mức cao nhất thị trường.
Cụ thể, USDT có market cap chiếm khoảng 75% thị trường stablecoin vào đầu năm 2021 và còn số này giảm dần còn khoảng 46% ở hiện tại. Do vậy, những biến động của USDT trong tương lai sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho toàn bộ thị trường.
USDT là một trong những stablecoin được phát triển sớm nhất thị trường crypto và hiện tại vẫn hoạt động ổn định. Mặc dù không phải là stablecoin xuất hiện đầu tiên nhưng USDT đang có vị thế dẫn đầu thị trường stablecoin và được nhiều bên tích hợp.
Cụ thể, USDT được chấp nhận giao dịch ở hơn 350 sàn giao dịch, trong khi đó USDC được hơn 310 sàn chấp nhận và BUSD được hơn 110 sàn chấp nhận.
Nguồn cung USDT chủ yếu ở Tron, Ethereum, BNB Chain và Solana
Nguồn cung của USDT đang tập trung nhiều nhất trên Tron (khoảng 30 tỷ USDT), Ethereum (28 tỷ USDT), BNB Chain (5 tỷ USDT), Solana (1.8 tỷ USDT).
Số lượng USDT tại các blockchain còn lại (Polygon, Avalanche…) đang có market cap khoảng 3.2 tỷ USD. Có thể thấy, USDT có độ bao phủ lớn trong thị trường crypto khi có mặt ở tất cả các blockchain phổ biến.
Bên cạnh việc Tether liên tục tích hợp USDT tại nhiều blockchain, người dùng có thể chuyển USDT bằng các bridge để phục phụ nhu cầu sử dụng stablecoin của mình.
Tether phát hành USDT trên Ethereum và Tron với tốc độ nhanh. Từ đồ thị trên, có thể thấy USDT trên Ethereum và Tron tăng mạnh trong giai đoạn 2020 tới hết năm 2021. Mặc dù trước đó USDT trên Tron được phát hành với tốc độ chậm hơn trên Ethereum, nhưng hiện tại số lượng USDT lưu hành tại hai blockchain này đang tương đương nhau.
Số địa chỉ ví sở hữu USDT và nguồn cung trên các sàn tập trung
Số địa chỉ ví sở hữu trên 1,000 USDT trên mạng Ethereum tăng mạnh trong giai đoạn 2020 tới cuối 2021. Qua 2022, con số này đang trên đà giảm từ hơn 380,000 ví xuống dưới 200,000 ví.
Trong khi đó, các ví sở hữu hơn 10,000 USDT, 100,000 USDT cũng giảm tương tự. Nhìn chung, chỉ số này cho chúng ta biết hành động của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
USDT Exchange Reserve
USDT đã có những con số ấn tượng như tổng cung lưu hành và khối lượng giao dịch on-chain. Vậy USDT đang ở trong trạng thái như thế nào với các CEX như Binance, Coinbase Exchange, Huobi, Gate.io? Hãy cùng tìm hiểu exchange reserve (số token được lưu trên sàn tập trung) của các stablecoin.
Tổng lượng stablecoin được lưu trữ trên các sàn tập trung đang trên xu hướng tăng, từ vài triệu USD năm 2020 lên gần 30 tỷ USD vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số này đang đi ngang ở mức 26-30 tỷ USD từ đầu năm 2022 đến nay. Có thể xu hướng giảm của thị trường crypto trong năm 2022 đã ảnh hưởng tới lượng stablecoin được lưu trữ trên sàn.
Phân tích chi tiết hơn, có thể thấy trên sàn số lượng stablecoin của BUSD đang có xu hướng tăng, USDC đang xu hướng giảm và USDT đang đi ngang. Tìm hiểu thêm tại sao BUSD tăng trưởng: Hành trình phát triển BUSD
Từ giữa năm 2021 đến nay, số lượng USDT trên các sàn tập trung biến động trong khoảng 5 tỷ USD đến 10 tỷ USD. Lý do cho sự biến động này có thể đến từ 2 nguyên nhân chính: USDT được rút ra khỏi sàn tập trung hoặc người dùng mua crypto bằng USDT.
Có thể thấy số lượng USDT được lưu trữ trên các CEX không có sự tăng trưởng rõ rệt như BUSD. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng USDT có thể đang bị chững lại.
Vị thế của USDT đang bị đe dọa?
Monthly trading volume (khối lượng giao dịch hàng tháng) của USDT trên blockchain Ethereum tăng mạnh từ năm 2017 lên hơn 250 tỷ USD vào năm 2021-2022. Có thể thấy, USDT có khối lượng giao dịch lớn và áp đảo thị trường stablecoin.
Tuy nhiên, monthly trading volume của USDT đang có tỷ lệ giảm dần trong thị trường stablecoin khi USDC và BUSD xuất hiện.
Từ giữa năm 2022, có sự chênh lệch rất nhỏ giữa monthly trading volume của USDT và USDC trên blockchain Ethereum. Thậm chí có những tháng (tháng 7, 8, 9) khối lượng giao dịch của USDC còn lớn hơn cả USDT. Điều này cho thấy USDT đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự biến động thị trường và các bên stablecoin khác.
Chỉ số stablecoin velocity (tốc độ stablecoin) được tính bằng daily volume/supply (khối lượng giao dịch hàng ngày chia cho nguồn cung). Hiểu đơn giản, velocity càng cao thì token càng được ứng dụng nhiều.
Cụ thể, USDT có velocity cao nhất là 0.3 và dao động quanh mức 0.1-0.2. Trong khi đó, USDC có mức velocity cao nhất là 0.5 và hiện tại đang vượt velocity của USDT.
Số ví bị USDT cấm và quyền thu hồi của Tether
Tether là công ty đứng sau USDT và có quyền điều hành hoạt động của USDT, điều này khiến USDT là một stablecoin tập trung. Trong quá trình hoạt động của mình, Tether và USDT bị cộng đồng nghi ngờ về rủi ro tập trung, nghĩa là Tether sẽ “nắm đằng chuôi” sản phẩm USDT.
Từ năm 2017, Tether liên tục đưa nhiều ví crypto vào danh sách những ví không thể sử dụng USDT. Đặc biệt mỗi lần có vụ hack liên quan tới USDT, công ty trên sẽ nhanh chóng xử lý theo quy trình của Tether.
Ví dụ, trường hợp cầu nối của BNB Chain bị hack khiến 580 triệu USD giá trị BNB rơi vào tay hacker, ngay lập tức, Tether đã đưa địa chỉ ví sở hữu lượng BNB đó vào danh sách đen.
Những lần tiêu biểu Tether tác động tới các ví chứa USDT:
- Tháng 7/2020, Tether đưa 39 ví Ethereum chứa hàng triệu USDT vào danh sách đen, có nghĩa là người sở hữu ví sẽ không thể gửi hay nhận USDT.
- Tháng 9/2020, Tether giúp lấy lại 1 triệu USDT sau khi một nhóm nhà giao dịch DeFi người Trung Quốc gửi nhầm stablecoin tới một địa chỉ ví clone (giả mạo) của Curve Finance.
Từ lúc thành lập tới nay, Tether đã giúp khôi phục khoảng 87 triệu USD giá trị stablecoin khi người dùng gửi nhầm stablecoin. Điều này cho thấy Tether sẵn sàng bảo vệ người dùng khi họ mắc sai lầm trong quá trình tham gia thị trường.
Mặt khác, việc Tether có khả năng ngăn cấm hoạt động của các ví blockchain với sản phẩm stablecoin cũng làm dấy lên nhiều lo lắng trong cộng đồng. Nhưng điều này tạo động lực giúp công ty Tether chuyển mình để tăng sức cạnh tranh với các stablecoin khác như USDC, BUSD, DAI…
Vậy những yếu tố nào đã giúp USDT đạt được những kết quả này? Hãy cùng tìm hiểu ở phần tiếp theo.
Chặng đường phát triển của USDT
USDT ra đời trong bối cảnh nào?
Tether bắt đầu phát hành USDT vào năm 2014 trong bối cảnh vốn hoá thị trường crypto đạt mức cao nhất trong năm là 11 tỷ USD, nhỏ hơn khoảng 100 lần so với vốn hóa hiện tại. Tại thời điểm đó, chưa có nhiều stablecoin được ra mắt và khái niệm stablecoin còn khá mới mẻ với người tham gia crypto.
Bên cạnh stablecoin USDT được ra đời vào năm 2014 còn có BitUSD và NuBits. BitUSD, có giá trị tương đương 1 USD, được phát hành trên blockchain Bitshares (BTS) và được bảo chứng bởi crypto BTS. Tuy nhiên, BitUSD mất peg vào năm 2018 và từ đó không có thêm nhiều tin tức xuất hiện. Tương tự, NuBits, stablecoin với cơ chế seigniorage (chênh lệch giá phí), đã có lần mất 94% giá trị trong năm 2016, và sự kiện đã khiến stablecoin này gần như biến mất.
Năm 2014, 3 stablecoin kể trên có giá trị tương đương USD ra đời và sau nhiều năm, mô hình fiat-backed stablecoin của USDT đã chứng minh được tính ổn định của mình, trong khi 2 stablecoin còn lại đã không còn xuất hiện.
Đội ngũ Tether đã thành công trong việc duy trì và phát triển một fiat-stablecoin stablecoin USDT từ 2014 tới nay. Do vậy, việc các bên khác cũng tạo ra những phiên bản stablecoin khác dựa trên cơ chế fiat-backed là điều dễ hiểu. Ví dụ, điển hình là Circle tạo ra USDC vào năm 2018 và Binance tạo ra BUSD vào năm 2019.
Hiệu quả của mô hình USDT đã được chứng minh nhưng tương lai vẫn còn nhiều thử thách chờ đợi Tether và USDT. Trong bối cảnh có thêm đối thủ cạnh tranh như USDC và BUSD, Tether và USDT sẽ phải có thêm nhiều chiến lược để duy trì vị thế của mình và phát triển cùng với thị trường.
Tether kiên quyết bảo vệ USDT
Kể từ khi thành lập đến nay, Tether và USDT đã trải qua nhiều giai đoạn của thị trường crypto. Đồng thời, Tether cũng gặp không ít khó khăn khi cơ chế pháp lý của crypto vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, Tether và USDT không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi những tin tức tiêu cực.
Các kênh thông tin không ít lần đưa ra những bài viết không hay về Tether và USDT, tuy nhiên Tether luôn có những phản biện để bảo vệ USDT.
Dưới đây là những phản hồi của Tether thông tin tới các bên đưa tin về USDT và thị trường crypto:
- 11/2019: Tether phản hồi bài nghiên cứu của hai tác giả John M. Griffin and Amin Shams, nói rằng nghiên cứu của họ chưa đầy đủ dữ liệu cần thiết.
- 06/2020: Tether và Bitfinex phản đối những cáo buộc vô căn cứ của Toà án quận phía Nam New York nhắm tới USDT và cộng đồng crypto.
- 08/2020: Tether và Bitfinex bị cáo buộc liên quan tới việc thao túng thị trường tài chính và họ cho rằng những cáo buộc đó là vô căn cứ.
- 07/2021: Tether phản đối những bài viết thiếu chính xác của Financial Times gây ra làn sóng bài xích thị trường crypto.
- 07/2021: Tether phản hồi bài viết của Bloomberg, cho rằng bài viết đó có nguồn gốc không rõ ràng và chứa những cáo buộc đã cũ. Công ty đứng sau USDT cho rằng Bloomberg dùng bài viết đó để “câu view”.
- 10/2021: Tether phản hồi bài viết BusinessWeek của Bloomberg, nói rằng họ sử dụng những mẩu tin cũ nhằm định hướng người đọc.
- 10/2021: Tether phản hồi Hindenburg Research, nói rằng họ đã làm mất uy tín của Tether và cả cộng đồng crypto nhằm thu hút sự chú ý.
- 12/2021: Tether và Bitfinex tiếp tục bị kiện và họ phản hồi rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm về vụ việc trên.
- 12/2021: Financial Times có bài viết liên quan tới đời tư của những thành viên công ty Tether và đã bị công ty phản hồi lại quyết liệt.
- 02/2022: Tet her và Bitfinex phản đối chiến dịch của Coindesk, cho rằng nó có thể làm lộ những thông tin quan trọng của hai công ty này.
- 06/2022: Tether đề nghị điều chỉnh bài viết của Financial Times vì bài viết bao gồm những thông tin đã cũ.
- 07/2022: Tether thông báo rằng họ đang “chiến đấu” chống lại những thông tin sai lệch về thị trường crypto.
- 08/2022: Tether phản hồi về thông tin sai lệch trong bài viết của Wall Street Journal.
Qua những lần Tether phản hồi những bên cáo buộc mình, có thể thấy công ty cương quyết bảo vệ những sản phẩm của mình và thị trường crypto. Những bên như Bloomberg, Financial Times, Wall Street Journal… đã đưa ra các bài viết gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của Tether và USDT. Hơn nữa, Tether không ít lần bị kiện cáo, nhưng theo công ty thì những cáo buộc này đều vô căn cứ.
Vị trí dẫn đầu của Tether và USDT trong thị trường crypto hiện tại cho thấy rõ ràng những nỗ lực của toàn bộ đội ngũ thành viên và các đối tác của công ty.
Vụ hack 31 triệu USD và án phạt 42.5 triệu USD
Từ lúc bắt đầu hoạt động đến nay, Tether vướng vào không ít những vụ việc gây xôn xao dư luận và cả những “cuộc chiến” pháp lý không hồi kết. Vì vậy, công ty đã phải chịu những tổn thất về mặt tài chính và hoạt động bị rối loạn. Điển hình có 2 vụ việc khiến Tether bị tổn thất tổng cộng hơn 70 triệu USD.
Năm 2017, quỹ treasury của Tether bị hacker tấn công và bị chiếm đoạt gần 31 triệu USDT. Phía công ty đã có những hành động kịp thời nhằm ngăn chặn thất thoát và đưa những địa chỉ ví hacker sử dụng vào danh sách đen (blacklist). Do đó, số USDT hacker đánh cắp sẽ không thể được chuyển thành USD.
Tháng 10/2021, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (Commodity Futures Trading Commission – CFTC) đưa ra mức án phạt 42.5 triệu USD với hai công ty Tether và Bitfinex. Trong đó:
- Tether sẽ phải trả 41 triệu USD tiền phạt vì đã đưa thông tin sai lệch rằng USDT hoàn toàn được bảo chứng bởi USD.
- Công ty Bitfinex bị phạt 1.5 triệu USD vì thực hiện những giao dịch bất hợp pháp trong khi vận hành sàn Bitfinex.
Có thể thấy, công ty Tether đã tiêu tốn hơn 70 triệu USD để có thể ổn định lại tình hình hoạt động của mình. Hiện tại, một năm sau mức án phạt 41 triệu USD. Tether vẫn hoạt động bình thường và không có dấu hiệu bất ổn về tài chính, điều này được chứng minh qua báo cáo hàng quý của công ty.
USDT cross-chain
Hiện tại, thị trường crypto đang có hàng trăm blockchain với nhiều cấu trúc kỹ thuật khác nhau. Vốn hóa thị trường được phân chia cho những nền tảng đứng đầu như Ethereum, BNB Chain, Solana, Cardano…
Việc giành thế áp đảo tại một blockchain sẽ không mang tới thành công chắc chắn về lâu dài cho stablecoin. Vì vậy, các stablecoin sẽ phải có mặt ở nhiều blockchain để củng cố sức ảnh hưởng của mình.
Theo thông tin từ Tether, USDT hiện được phát hành chính ở những blockchain sau: Tron, Ethereum, Solana, Omni, Avalanche, Algorand, Tezos, EOS, Liquid, SLP, Near, Statemine, Statemint và Polygon.
Ngoài 14 blockchain trực tiếp có mặt USDT, stablecoin này còn được người dùng bridge tới các blockchain khác và sử dụng dưới dạng wrapped USDT.
Trong năm 2022, Tether liên tục thông báo sẽ tích hợp USDT với nhiều blockchain khác như Kusama, Polygon, Tezos, Near và Polkadot.
Đặc biệt, tháng 8/2022, Tether thông báo sẽ hỗ trợ USDT trên mạng Ethereum Proof-of-Stake. Có thể thấy Tether đang có những bước tiến nhanh cho USDT trong bối cảnh các stablecoin khác cũng đang “đổ bộ” tới nhiều blockchain.
Ví dụ, có thể kể tới việc USDC đang gấp rút tích hợp thêm blockchain sau tin tức bị hai sàn giao dịch Binance và WazirX hạn chế.
Tháng 9/2022, Circle thông báo tích hợp USDC vào 5 blockchain bao gồm Arbitrum, Optimism, Polkadot, Near và Cosmos. Điều này càng “tiếp lửa” thêm cho cuộc đua cross-chain của stablecoin.
Hiện tại, USDT có mặt ở khoảng 60 blockchain, trong khi USDC là 58 và BUSD là 33. Điều này củng cố vị thế của USDT so với các stablecoin khác trong xu hướng cross-chain. Tuy khoảng cách này cũng không quá cách biệt nhưng việc có mặt ở nhiều blockchain sẽ giúp một stablecoin có lợi thế dẫn trước vì đáp ứng được nhu cầu của người dùng trong hệ sinh thái.
USDT đã bao phủ gần như toàn bộ thị trường crypto, điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho bản thân stablecoin nhưng cũng đem đến nhiều thách thức từ phía pháp lý và thị trường.
Tether minh bạch hóa USDT
Theo blog từ Tether (tham khảo tại đây), ngày 13/10 công ty đã giảm tỷ lệ Thương phiếu (Commercial paper) giữ trong Tether Reserves xuống 0% và thay bằng Tín phiếu kho bạc (Treasury bills còn gọi là T-bills) nhằm gia tăng tính minh bạch, an toàn và thanh khoản cho USDT.
Tỷ lệ T-bills trong Tether Reserves là 43.5% trong tháng 7 và 54.5% trong tháng 10 (tăng 11%). Điều này cho thấy Tether đang tích cực cải thiện USDT để gia tăng tính ổn định và uy tín của stablecoin trong thị trường. Đặc biệt, sau án phạt 41 triệu USD vào năm 2021, Tether càng quyết tâm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của công ty.
Bên cạnh yếu tố biến động của thị trường, Tether và USDT đang bị những đối thủ mạnh theo rất sát, chẳng hạn như USDC, BUSD, DAI…
Hiện nay, đồng USD đang giữ vị thế số một và những chính sách tiền tệ của Mỹ với đồng USD sẽ ảnh hưởng lớn tới các đồng tiền của các quốc gia khác trên thế giới. Tương tự như thế, nếu stablecoin nào chiếm được vị thế áp đảo trong nhóm stablecoin, stablecoin đó sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường.
Tổng kết
Tether thành công phát triển USDT trở thành stablecoin đứng đầu thị trường crypto với nhiều chỉ số nổi bật. Công ty đã trải qua nhiều giai đoạn của thị trường và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng Tether luôn bảo vệ người dùng trong suốt quá trình hoạt động của mình.
Hiện tại, Tether đang cố gắng minh bạch hóa hoạt động của công ty và tập trung phát triển USDT trên nhiều blockchain hơn. Tuy nhiên, USDT cũng đang có rất nhiều “đối thủ” stablecoin khác như USDC, BUSD, DAI… và điều này sẽ khuyến khích sự cải tiến và tăng tính cạnh tranh của các stablecoin trong tương lai.