Trong những tháng đầu năm 2020, nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Hoa Kỳ nói riêng đang phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra. Do vậy, Chính phủ Hoa Kỳ đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để kiểm soát dịch bệnh, cũng như phục hồi nền kinh tế. 

M:\29.jpg

Tốc độ lây lan nhanh của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Các báo cáo của các tổ chức quốc tế đều cho thấy xu hướng suy giảm của nền kinh tế thế giới. Ngày 14/4/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo “Viễn cảnh kinh tế thế giới” với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt -3% trong năm 2020 – mức sụt giảm mạnh nhất trong gần một thế kỷ, thấp hơn 6,3% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 01/2020; đồng thời dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone)… đều giảm sâu do việc thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh. 

Theo tính toán của hãng tin Bloomberg dựa trên số liệu của IMF, Hoa Kỳ sẽ chiếm 31% mức sụt giảm trong GDP của nền kinh tế toàn cầu năm 2020, cao gấp hơn hai lần tỷ trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong sản lượng kinh tế toàn cầu. IMF dự báo GDP của Hoa Kỳ sẽ giảm còn -5,9%; trong khi đó, Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo tăng trưởng -3,3%. Fitch dự báo đến cuối năm 2021, GDP của Hoa Kỳ mới có thể hồi phục như trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Thậm chí, Ngân hàng Barclays (Anh) chỉ ra GDP của Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng tồi tệ hơn cả khu vực châu Âu với mức tăng trưởng -6,4% do các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế làm giám đoạn các hoạt động sản xuất – kinh doanh và hàng triệu người thất nghiệp. Trong báo cáo của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lao dốc 11% vào cuối năm 2020, mức giảm kỷ lục kể từ năm 1946. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, Hoa Kỳ đang đứng trước một cuộc suy thoái sâu do dịch Covid-19. 

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong tháng 02/2020 – thời điểm mới chớm dịch Covid-19, doanh thu bán lẻ của Hoa Kỳ chỉ giảm 0,4% thay vì 0,5% như dự báo. Tuy nhiên sang đến tháng 3/2020, doanh thu bán lẻ đã giảm 8,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Chính phủ nước này thống kê số liệu bán lẻ vào năm 1992. Việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã làm nhu cầu một loạt hàng hóa và chi tiêu dùng giảm mạnh, dẫn đến sự trượt dốc của doanh thu bán lẻ, đặc biệt là trong các ngành không thiết yếu như xe hơi (mức tiêu thụ giảm mạnh 25,6%), nội thất (doanh thu giảm 26,8%), quần áo (doanh thu giảm 50,5%). Nếu như nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục đóng cửa thì tình hình sẽ tiếp tục tồi tệ hơn trong tháng 4 và 5. 

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tháng 3/2020 của Hoa Kỳ đã giảm 5,4%. Đây là mức suy giảm lớn nhất kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ tái định hướng sản xuất sang trang thiết bị quân đội. Tờ Wall Street Journal  cho rằng, các ngành sản xuất của Hoa Kỳ có thể bị thiệt hại 1.500 tỷ USD trong năm 2020 do dịch Covid-19.

Ngoài ra, các biện pháp cách giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế cũng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp tại Hoa Kỳ. Theo Báo cáo việc làm hàng tháng của Bộ Lao động Hoa Kỳ, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 3,5% trong tháng 02/2020 lên 4,4% trong tháng 3/2020. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong quý II/2020 tăng mạnh lên 10%. Trong khi đó, Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ cho biết, tính đến ngày 21/3 có khoảng 16,8 triệu người Hoa Kỳ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vì dịch Covid-19. 

Trong bối cảnh các dự báo kinh tế ngày càng ảm đảm, trong tháng 3/2020, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký thông qua luật về hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử kinh tế nước này với giá trị khoảng 2.200 tỷ USD, bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp cho nhiều người dân và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ.

M:\27.4-.jpg

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ thông qua việc sử dụng tổng hợp các công cụ khác nhau, bao gồm cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0 – 0,25%, áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp, hạ lãi suất cho vay chiết khấu từ 1,5% xuống còn 0,25% và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc về 0% từ ngày 26/3/2020. Ngoài ra. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed – sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty.  Ngày 09/4, Fed đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ vượt qua cuộc khủng hoảng. Chương trình trên được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình và các chính quyền bang đang chịu thiệt hại nặng nề do phần lớn hoạt động kinh tế bị đình trệ. Theo đó, các ngân hàng được cung cấp các khoản vay kỳ hạn 4 năm cho các doanh nghiệp có quy mô 10 nghìn nhân viên hoặc có doanh thu không quá 2,5 tỷ USD và sẽ trực tiếp mua trái phiếu của các bang cũng như các hạt và các thành phố đông dân nhằm giúp những nơi này chống chịu tốt hơn trước cuộc khủng hoảng y tế. Những biện pháp của Fed nhằm duy trì tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra.

Để giúp ngành nông nghiệp ứng phó với tình trạng kinh tế suy thoái do các biện pháp hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19, ngày 17/4, Hoa Kỳ công bố gói cứu trợ tài chính trị giá 19 tỷ USD. Chương trình này sẽ bao gồm các khoản hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi và trồng trọt, cũng như các nhà sản xuất bị ảnh hưởng trong đại dịch.

Xuân Linh

By Tiền Mã Hoá

Tienmahoa.net là đồng tác giả chính và chủ sở hữu của Website Tienmahoa.Net này. Tác giả có kinh nghiệm đầu tư hơn 8 năm tại thị trường Tiền mã hoá, Tiền điện tử. Bên cạnh kiến thức chuyên sâu về công nghệ Blockchain mà tác giả đã tiên phong giảng dạy tại các trường Đại học hàng đầu tại Việt Nam, qua đó có thể giải thích và tổng hợp thông tin đúng và chính xác hơn trong phạm vi hiểu biết của tác giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *