WazirX, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu tại Ấn Độ, đã thông báo kế hoạch ra mắt sàn giao dịch phi tập trung (DEX) như một phần trong chiến lược tăng cường bảo mật cho người dùng, đặc biệt sau những sự cố vi phạm bảo mật nghiêm trọng trong thời gian qua.

Động thái này được đưa ra sau khi sàn giao dịch bị hack vào tháng 7 năm 2024 và hacker đã rút 235 triệu đô la gây ra lo ngại lớn về mức độ an toàn của các sàn giao dịch tập trung. Vụ tấn công, được cho là do nhóm hacker Lazarus Group thực hiện, đã làm nổi bật các lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn trong các hệ thống ví đa chữ ký của WazirX.

Sàn giao dịch phi tập trung giúp người dùng kiểm soát tài sản

Theo Nischal Shetty, nhà đồng sáng lập WazirX, sàn giao dịch phi tập trung (DEX) mới sẽ hoạt động song song với nền tảng tập trung hiện có, cho phép người dùng kiểm soát hoàn toàn tài sản của họ mà không phải lo ngại về các rủi ro từ bên thứ ba. Shetty nhấn mạnh:

“Với DEX, tài sản của người dùng vẫn nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp của họ, hoàn toàn không phải chịu bất kỳ rủi ro nào từ các đối tác bên ngoài.”

Ngoài việc cung cấp khả năng kiểm soát toàn diện cho người dùng, DEX của WazirX sẽ có một token riêng, được thiết kế để hỗ trợ thanh toán phí giao dịch và quản lý cộng đồng. Dự kiến, nền tảng sẽ được triển khai theo từng giai đoạn vào đầu năm 2025.

Sự cố vi phạm bảo mật và các bước ứng phó

Vụ tấn công vào tháng 7 đã khai thác lỗ hổng trong ví đa chữ ký của WazirX, cho phép hakcer chuyển tiền đánh cắp qua Tornado Cash – một công cụ bảo mật giúp ẩn danh các giao dịch. Với mức thiệt hại 235 triệu đô la, đây là một trong những vi phạm lớn nhất trong lịch sử tiền điện tử tại Ấn Độ, ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người dùng.

Trong nỗ lực đối phó, WazirX đã thực hiện một kế hoạch phục hồi khẩn cấp, bao gồm việc đóng băng 45% số dư tài khoản của người dùng và chuyển đổi số dư này thành USDT, chỉ cho phép giao dịch với 55% còn lại. Tuy nhiên, động thái này đã gặp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng và chính người dùng của nền tảng, khi họ cáo buộc WazirX “xã hội hóa thua lỗ” bằng cách buộc người dùng chịu thiệt hại do sự cố.

Sau đó, WazirX đã đảo ngược quyết định này vào tháng 8, khôi phục lại toàn bộ số dư tài khoản trước khi xảy ra sự cố và hủy bỏ các giao dịch được thực hiện sau vụ hack. Công ty cho biết, động thái này nhằm tạo ra sự công bằng cho tất cả những người dùng bị ảnh hưởng.

Quá trình phục hồi số tiền bị đánh cắp gặp phải nhiều trở ngại, đặc biệt là khi WazirX và đối tác lưu ký cũ Liminal rơi vào tranh chấp công khai về trách nhiệm bảo mật. WazirX chỉ trích Liminal vì không duy trì các tiêu chuẩn bảo mật cần thiết, trong khi Liminal lại cho rằng các hoạt động quản lý của WazirX đã góp phần vào sự cố bảo mật này. Tranh chấp chưa được giải quyết khiến cả hai bên đều phải đối mặt với thách thức trong việc giải quyết hậu quả và phục hồi sự tin tưởng từ khách hàng.

Sự chuyển hướng sang mô hình phi tập trung

Kế hoạch ra mắt sàn giao dịch phi tập trung DEX thể hiện một chiến lược rõ ràng của WazirX nhằm lấy lại lòng tin của người dùng. Việc triển khai mô hình phi tập trung là một nỗ lực nhằm giảm thiểu các rủi ro bảo mật liên quan đến các sàn giao dịch tập trung, đặc biệt khi người dùng đang ngày càng lo ngại về tính bảo mật của các nền tảng này.

Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng bước đi này có thể là tín hiệu của một xu hướng rộng lớn hơn trong ngành tiền điện tử, khi các sàn giao dịch ngày càng chuyển hướng sang các mô hình phi tập trung, mang lại quyền kiểm soát lớn hơn cho người dùng và giảm thiểu rủi ro bảo mật.

WazirX hy vọng rằng sàn giao dịch phi tập trung mới sẽ không chỉ cải thiện mức độ bảo mật mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng, giúp nền tảng này duy trì vị thế trong ngành tiền điện tử đang ngày càng phát triển.

 

Twitter (X): 

Tiktok: 

Itadori

Theo Cryptoslate

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một doanh nhân và nhà đầu tư Tiền mã hoá. Tác giả đã từng tiên phong giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại đang là Giám đốc công ty Wischain và Giảng viên công nghệ Blockchain tại Đại học Hutech, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả đã tham gia diễn giả tại hàng trăm hội thảo chất lượng và hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *