Nhà sáng lập Vitalik Buterin đã kêu gọi một cách tiếp cận rõ ràng và minh bạch hơn đối với sự liên kết và quản trị của Ethereum. Anh nhấn mạnh rằng cộng đồng cần phải tìm ra sự cân bằng giữa phi tập trung và hợp tác, tập hợp tất cả các bên liên quan mà không làm mất đi bản chất cốt lõi của Ethereum.

Hệ sinh thái Ethereum được xây dựng trên sự tham gia của nhiều bên, bao gồm người dùng, nhà nghiên cứu, các dự án layer 2, nhà phát triển và cộng đồng địa phương. Tất cả đều có những tầm nhìn riêng về Ethereum, nhưng làm thế nào để họ đảm bảo rằng mình đang xây dựng một hệ sinh thái gắn kết, thay vì một tập hợp rời rạc?

vitalik

Để giải quyết vấn đề này, nhiều thành viên trong cộng đồng Ethereum đã đưa ra khái niệm “alignment – liên kết”. Buterin giải thích rằng khái niệm này bao gồm ba lĩnh vực chính:

  1. Liên kết giá trị: Bao gồm các nguyên tắc như mã nguồn mở, giảm thiểu sự tập trung và hỗ trợ hàng hóa công cộng.
  2. Liên kết công nghệ: Tuân thủ các tiêu chuẩn chung trong toàn bộ hệ sinh thái.
  3. Liên kết kinh tế: Sử dụng ETH làm token khi có thể.

Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn mơ hồ, gây ra nguy cơ rằng các dự án có thể bị điều chỉnh dựa trên mối liên hệ chứ không phải nguyên tắc.

Buterin đã phân tích chính sách liên kết Ethereum, đề xuất rằng sự liên kết nên được chia thành các thuộc tính cụ thể, có thể đo lường để đảm bảo tính hiệu quả. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của mã nguồn mở, cho rằng nó cho phép bảo mật thông qua việc kiểm tra và giảm thiểu nguy cơ độc quyền. Không phải tất cả code đều cần phải mở, nhưng các thành phần cốt lõi thì phải như vậy, nhằm tạo ra một cơ sở hạ tầng minh bạch và dễ tiếp cận.

Anh cũng chỉ ra rằng các tiêu chuẩn mở đảm bảo khả năng tương tác trong toàn bộ hệ sinh thái. Các dự án cần phải tương thích với các tiêu chuẩn hiện hành như ERC-20 hoặc ERC-1271; nếu có nhu cầu mới phát sinh, họ phải phát triển các ERC mới để đáp ứng.

Tiếp theo là vấn đề phân cấp và bảo mật. Các dự án nên tránh các điểm lỗi đơn lẻ và giảm thiểu sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng tập trung. Buterin đề xuất hai bài kiểm tra để đo lường điều này: bài kiểm tra “walkaway” đánh giá khả năng ứng dụng vẫn hoạt động nếu nhóm phát triển và máy chủ của họ biến mất, và bài kiểm tra “tấn công nội bộ” (insider attack) xem xét mức độ thiệt hại mà nhóm có thể gây ra nếu họ tấn công hệ thống của chính mình.

Buterin cho rằng sự liên kết không chỉ mang lại lợi ích cho các dự án riêng lẻ mà còn cho toàn bộ cộng đồng. Điều này có nghĩa là sử dụng ETH, đóng góp vào công nghệ mã nguồn mở và cam kết quyên góp một phần trăm token hoặc doanh thu để hỗ trợ hàng hóa công cộng trong hệ sinh thái Ethereum. Kết quả sẽ là một môi trường tích cực, nơi sự thành công của một dự án mang lại lợi ích cho tất cả mọi người liên quan.

Các dự án cũng nên cố gắng đóng góp vượt ra ngoài Ethereum thông qua các công nghệ cung cấp tiện ích, như cơ chế tài trợ hoặc giải pháp bảo mật máy tính. Theo Buterin, mục tiêu cuối cùng là biến Ethereum thành một nơi tự do và cởi mở hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả tiêu chí đều áp dụng cho mọi dự án. Những gì có ý nghĩa với các giải pháp layer 2 có thể không phù hợp với các ứng dụng mạng xã hội phi tập trung hoặc ví. Các ưu tiên cũng có thể thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, hai năm trước, một sản phẩm công nghệ có “training wheels” (ám chỉ những tính năng hay phương pháp hỗ trợ nhằm giúp người dùng hoặc nhà phát triển làm quen với công nghệ trước khi họ có thể hoạt động độc lập hoặc hiệu quả hơn) có thể được chấp nhận, nhưng hiện nay, chúng cần phải đạt đến ít nhất giai đoạn 1 để duy trì tính cạnh tranh.

Kết quả lý tưởng mà Buterin mong muốn là sự xuất hiện của nhiều thực thể như L2beat để theo dõi mức độ đáp ứng các tiêu chí này của từng dự án. Thay vì cạnh tranh để kết nối với những người có ảnh hưởng, các dự án sẽ cạnh tranh để đạt được sự thống nhất theo các tiêu chí rõ ràng.

Đồng sáng lập cũng nhấn mạnh rằng Ethereum Foundation nên tài trợ cho các tổ chức như L2beat, nhưng không nên kiểm soát họ, nhằm duy trì tính trung lập. Buterin lập luận rằng chế độ trọng dụng nhân tài chỉ có thể tồn tại nếu công trạng được xác định rõ ràng; nếu không, nó sẽ trở thành một trò chơi xã hội, nơi ảnh hưởng và mối quan hệ quan trọng hơn những đóng góp thực tế.

Tương lai của Ethereum vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ: liệu nó có thể giữ cho tất cả những bộ phận này vận hành đồng bộ mà không trở thành một tập hợp các lãnh địa không tương thích hay không?

 

 

Itadori

Theo Cryptopolitan

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một doanh nhân và nhà đầu tư Tiền mã hoá. Tác giả đã từng tiên phong giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại đang là Giám đốc công ty Wischain và Giảng viên công nghệ Blockchain tại Đại học Hutech, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả đã tham gia diễn giả tại hàng trăm hội thảo chất lượng và hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *