Bitcoin đang chứng kiến mức độ chấp nhận gia tăng vượt bậc, với việc Mỹ thiết lập một “Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược”. Tuy nhiên, một số người ủng hộ Bitcoin lo ngại rằng dự án này đang dần xa rời tôn chỉ ban đầu.

Đầu năm nay, Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter và là người ủng hộ Bitcoin, cho rằng nếu Bitcoin chỉ trở thành một dạng “vàng kỹ thuật số” thì điều đó đồng nghĩa với sự thất bại. Ông nhấn mạnh rằng kho dự trữ Bitcoin quốc gia có thể tốt cho một quốc gia, “nhưng tôi không chắc liệu điều đó có thực sự tốt cho Bitcoin hay không”.

Dorsey lập luận rằng Bitcoin cần trở lại đúng tinh thần của whitepaper, tập trung phát triển thành một loại tiền mặt ngang hàng có thể giao dịch toàn cầu nếu muốn thành công.

Trên thế giới, nhiều nền kinh tế Bitcoin tuần hoàn đang hiện thực hóa điều đó – xây dựng các cộng đồng địa phương sử dụng Bitcoin như một loại tiền tệ, nhằm chứng minh tính khả thi của nó và định hình tương lai của BTC.

Whitepaper của Bitcoin đã đề xuất một hệ thống tiền mặt | Nguồn: Bitcoin.org

Kinh tế tuần hoàn Bitcoin và Phố Wall

Bitcoin Federation định nghĩa nền kinh tế tuần hoàn Bitcoin là một “hệ sinh thái kinh tế địa phương, nơi Bitcoin ngày càng được sử dụng như một phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán và công cụ lưu trữ giá trị”. Nói cách khác, đó là nơi Bitcoin có thể đảm nhận ba chức năng cốt lõi của một loại tiền tệ.

Trên khắp thế giới, có rất nhiều cộng đồng và nền kinh tế tuần hoàn sử dụng Bitcoin, nhưng tất cả đều chung một mục tiêu: tin rằng Bitcoin là dạng tiền tệ ưu việt và nên được dùng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ cũng như giải quyết các nghĩa vụ tài chính khác.

Cách tiếp cận này khác biệt đáng kể so với quan điểm phổ biến tại Mỹ, nơi các nhà đầu tư tiền điện tử xem Bitcoin như một tài sản dự trữ để tích trữ, giống như vàng kỹ thuật số. Tổng thống Donald Trump từng phát biểu tại hội nghị Bitcoin Nashville vào tháng 7/2024 rằng: “Đừng bao giờ bán Bitcoin của bạn”.

Trong một thuyết trình ngày 17/3 tại Viện Chính sách Bitcoin, CEO của Strategy – Michael Saylor đã ví Bitcoin như một tài sản đầu tư. Theo ông, việc nắm giữ một lượng lớn Bitcoin – chẳng hạn như chính phủ Mỹ – sẽ giúp quốc gia này kiểm soát nền kinh tế kỹ thuật số, giống như một phiên bản khác của “vận mệnh hiển nhiên”*.

Khi được hỏi liệu việc Bitcoin được một quốc gia như Mỹ chấp nhận rộng rãi có đi ngược lại với những nguyên tắc sáng lập hay không, Isa Santos, nhà sáng lập dự án Bitcoin Isla tại Isla Mujeres, Mexico, trả lời:

“Đúng vậy, nhưng đó chính là vẻ đẹp của Bitcoin. Kẻ thù của bạn cũng có thể sử dụng nó.”

Stelios Rammos, nhà sáng lập dự án Geyserfund, cho rằng dù tốt hay xấu, việc chính phủ chấp nhận Bitcoin là điều “không thể tránh khỏi”.

“Bitcoin dành cho tất cả mọi người, và nguyên tắc sáng lập cốt lõi nhất của nó chính là trở thành một loại tiền phi tập trung, không cần sự cho phép. Nếu có một nút bấm để cấm chính phủ sử dụng Bitcoin, thì nó đã không còn là Bitcoin nữa.”

Dù vậy, Rammos tin rằng cộng đồng Bitcoin vẫn giữ vững những giá trị cốt lõi, trong đó ưu tiên sự chấp nhận từ người dùng hơn là sự hỗ trợ từ chính phủ. Theo ông, Bitcoin đang ở một giai đoạn mà các Bitcoiner cần quan tâm đến cách Bitcoin được chấp nhận hơn là việc nó có được chấp nhận hay không.

“Các nền kinh tế tuần hoàn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một tương lai mà Bitcoin không chỉ được cất giữ trong các kho lưu trữ kỹ thuật số của ngân hàng lớn và chính phủ, mà còn được sử dụng bởi mọi người trong đời sống hằng ngày.”

Dù vậy, cả hai chuyên gia đều thừa nhận rằng việc chính phủ chấp nhận Bitcoin vẫn mang lại những lợi ích đáng kể. Santos cho rằng việc một quốc gia lớn như Mỹ chấp nhận Bitcoin có thể là một tín hiệu tích cực, bởi nhiều nước khác vẫn coi Mỹ là hình mẫu trong lĩnh vực tài chính.

Rammos cũng đồng tình, cho rằng việc Mỹ nắm giữ Bitcoin sẽ giúp nâng cao nhận thức về loại tiền điện tử này, tạo ra hiệu ứng lan tỏa đến toàn bộ mạng lưới và thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu.

Bitcoin làm được gì cho các cộng đồng này?

Các nền kinh tế tuần hoàn Bitcoin đang xuất hiện trên khắp thế giới, đặc biệt phổ biến tại các quốc gia đang phát triển, nơi đồng nội tệ không còn là công cụ lưu trữ giá trị đáng tin cậy.

Tại Cuba, nơi lạm phát tràn lan và mức lương quá thấp để đảm bảo cuộc sống, Bitcoin cùng các nền kinh tế tuần hoàn đã giúp người dân bảo vệ giá trị khoản tiết kiệm của họ.

Ở vùng nông thôn Peru, nơi phần lớn dân cư không có tài khoản ngân hàng hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính, Bitcoin mang đến một giải pháp giúp họ tiết kiệm tiền và thanh toán học phí cũng như các chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức nhất định. Theo Valentin Popescu, đồng sáng lập nhóm giáo dục và vận động Bitcoin Motiv tại Peru, sự biến động mạnh của Bitcoin khiến nó trở thành một công cụ tiết kiệm khó được chấp nhận trong các cộng đồng nông thôn.

Bên cạnh đó, các cộng đồng Bitcoin cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng phạm vi sử dụng ra ngoài nhóm Bitcoin expat* và những người đam mê Bitcoin – vốn đã quen thuộc với loại tiền điện tử này. Một ví dụ điển hình là tại El Salvador, nơi Bitcoin Beach từng là mô hình đầu tiên cho một nền kinh tế tuần hoàn Bitcoin. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người dân địa phương thực sự chấp nhận Bitcoin trong đời sống hằng ngày.

Các nền kinh tế tuần hoàn Bitcoin đang phát triển trên toàn thế giới | Nguồn: Geyser Fund

Ngoài những thành công và thách thức, nhiều cộng đồng này còn cung cấp các chương trình giáo dục tài chính và các sáng kiến xây dựng cộng đồng.

Santos cho biết rằng mỗi nền kinh tế tuần hoàn có những đặc điểm riêng, vì chúng cần đáp ứng nhu cầu cụ thể của cộng đồng mà chúng phục vụ. Bà cũng nhấn mạnh rằng một điểm chung của các nền kinh tế này là tinh thần tình nguyện.

Bitcoin Ekasi, một nền kinh tế tuần hoàn Bitcoin tại Nam Phi, hỗ trợ dự án cộng đồng Surfer Kids bằng cách trả lương cho huấn luyện viên bằng BTC, đồng thời khuyến khích các cửa hàng và nhà cung cấp địa phương chấp nhận thanh toán bằng coin này.

Rammos cho rằng các cộng đồng như vậy có thể giúp đưa những địa điểm ít được biết đến lên bản đồ du lịch, thu hút các Bitcoin expat muốn đến đây để tiêu tiền điện tử và thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

“Cuối cùng, chính cộng đồng địa phương sẽ hưởng lợi từ nền kinh tế tuần hoàn Bitcoin, cũng giống như cách mạng lưới Bitcoin hưởng lợi từ sự tồn tại của họ – đó là một mối quan hệ cộng sinh thực sự.”

Dù sự chấp nhận Bitcoin được thúc đẩy từ Phố Wall hay từ các khu chợ dân sinh, mục tiêu cuối cùng của những người xây dựng các cộng đồng này vẫn là đưa Bitcoin trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống tài chính toàn cầu.

Rammos kết luận:

“Sẽ đến một thời điểm – hy vọng là không quá xa – khi chúng ta không cần đến thuật ngữ ‘kinh tế tuần hoàn’ nữa. Khi đó, nó sẽ đơn giản chỉ là nền kinh tế Bitcoin, hay nói đúng hơn, chỉ đơn giản là nền kinh tế mà thôi.”

*Vận mệnh hiển nhiên (manifest destiny): là một niềm tin rằng Hoa Kỳ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.

*Bitcoin expat: là những người nước ngoài di chuyển đến hoặc sinh sống tại một nơi chủ yếu để sử dụng Bitcoin trong cuộc sống hằng ngày.

Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn. 

 

 

 

Itadori

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một doanh nhân và nhà đầu tư Tiền mã hoá. Tác giả đã từng tiên phong giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại đang là Giám đốc công ty Wischain và Giảng viên công nghệ Blockchain tại Đại học Hutech, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả đã tham gia diễn giả tại hàng trăm hội thảo chất lượng và hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zh-CNenvi