Đợt tăng giá bùng nổ của Bitcoin lên hơn 100.000 USD đã thổi bùng sức sống cho thị trường cho vay crypto. Sau khi bị tàn phá bởi những “bê bối” trong năm 2022 và 2023, lĩnh vực này đang từng bước hồi phục trở lại.
Các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi) đang trở thành tâm điểm của làn sóng hồi sinh này. Funding rate – khoản phí mà các trader phải trả để sử dụng đòn bẩy – đã tăng gấp hơn 10 lần kể từ tháng 6 năm nay.
Khối lượng cho vay crypto đã gần gấp ba trong 9 tháng đầu năm 2024 so với năm ngoái, nhờ vào cái nhìn lạc quan mới đây về vai trò của Bitcoin trong nền tài chính chính thống. Lời hứa từ chính quyền Trump về các quy định thuận lợi càng làm tăng nhiệt cho thị trường.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thể đạt đến đỉnh cao của năm 2021, khi mà nhiều người chơi vẫn còn rất thận trọng sau những tổn thất nặng nề từ các hoạt động cho vay liều lĩnh trước đây.
Các khoản vay thế chấp bằng Bitcoin và sự thống trị của DeFi
Các nền tảng DeFi đang dẫn đầu đợt phục hồi này. Những ứng dụng “cho phép người dùng vay và cho vay trực tiếp mà không cần thông qua trung gian” này chiếm đến 31 tỷ USD khoản vay trong 3 quý đầu năm 2024, so với 5,8 tỷ USD từ các nhà cung cấp tập trung, theo Galaxy Research.
Yêu cầu thế chấp vượt mức giúp việc cho vay trên DeFi trở nên an toàn hơn. Theo DeFiLlama, tổng giá trị tài sản được khóa (TVL) trong các ứng dụng cho vay dựa trên Ethereum đã vượt qua đỉnh năm 2021.
Mauricio Di Bartolomeo, đồng sáng lập Ledn, cho biết nhu cầu đối với các khoản vay thế chấp bằng Bitcoin đã tăng vọt. Các nhà đầu tư dài hạn đang tận dụng tài sản của mình để mua nhà, khởi nghiệp, hoặc đầu tư vào các lĩnh vực khác.
“Người dùng dần nhận ra rằng họ có thể sử dụng Bitcoin làm tài sản thế chấp”, Di Bartolomeo giải thích. Đồng thời, các bàn giao dịch cũng vay một lượng vốn khổng lồ để tận dụng cơ hội chênh lệch giá và đầu cơ vào altcoin.
Dù vậy, hoạt động cho vay hiện chỉ đạt một nửa so với đỉnh cao năm 2021. Nhưng so với sự sụp đổ vào năm 2022, khi các công ty như Celsius và BlockFi phá sản, sự tăng trưởng này là rất đáng ghi nhận. Sự ra đời của các quỹ ETF crypto tại Mỹ cũng đã góp phần khơi lại sự quan tâm của cộng đồng.
Những vết thương trong quá khứ
Alex Mashinsky, đồng sáng lập Celsius, gần đây đã phải nhận tội lừa đảo. Celsius, với khoản nợ hơn 1 tỷ USD khi sụp đổ, hiện đang trong quá trình hoàn trả hơn 3 tỷ USD cho các chủ nợ. Vụ việc này là một lời cảnh tỉnh về hậu quả của việc thị trường cho vay từng trở nên “liều lĩnh” quá mức trong cơn sốt tăng giá trước đây.
Khi đó, các nhà cho vay đã cung cấp lợi suất lên đến hai con số cho các khoản vay với rất ít hoặc không có tài sản thế chấp. Three Arrows Capital, một trường hợp nổi bật khác, đã vỡ nợ với các khoản vay khổng lồ, khiến thị trường càng thêm bất ổn và các nhà đầu tư càng thêm lo sợ.
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức vẫn hoàn toàn “bài xích” lĩnh vực cho vay crypto. Jeffrey Park từ Bitwise Asset Management cho biết công ty của ông từng quản lý một quỹ dùng để cho các công ty tiền điện tử như Genesis vay vốn. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của FTX, Bitwise đã cho ngừng hoạt động quỹ này dù không hề chịu bất kỳ tổn thất nào từ các giao dịch đó.
“Vấn đề không nằm ở rủi ro mà chúng tôi phải chịu. Đơn giản là, sau bê bối của FTX, khách hàng của chúng tôi không muốn chấp nhận loại rủi ro này nữa.”
Các công ty cho vay tập trung dần lấy lại vị thế
Trong khi DeFi vẫn đang chiếm trọn spotlight của thị trường, các công ty cho vay tập trung cũng đang dần lấy lại vị thế. Galaxy Digital, do tỷ phú Michael Novogratz lãnh đạo, đã báo cáo mức tăng 20% trong danh mục cho vay kể từ giữa tháng 8.
Khối lượng cho vay trung bình trong quý 3 của công ty đạt 863 triệu USD, tăng 23% so với quý trước. Kraken cũng là một cái tên đáng chú ý, khi mà hoạt động cho vay của sàn giao dịch này đã tăng 246% so với cùng kỳ năm ngoái tính đến tháng 11.
Tim Ogilvie, Giám đốc toàn cầu của Kraken, cho biết nhu cầu đang “tăng vọt” khi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường.
Dù vậy, nguồn cung cho các khoản vay vẫn còn hạn chế. Nhiều nhà đầu tư đang đổ xô vào các ngách của thị trường đầu cơ, chẳng hạn như memecoin. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chọn những token có khả năng tăng giá đến 1.000% chỉ sau một đêm thay vì kiếm lợi nhuận ổn định từ việc cho vay.
DeFi cũng hưởng lợi từ xu hướng này. Các chiến lược chênh lệch giá, short altcoin và đầu cơ chung của thị trường đang thúc đẩy phần lớn hoạt động. Với giá trị TVL kỷ lục, các nền tảng như Aave và Compound đang phát triển mạnh mẽ, ngay cả khi một số nhà đầu tư vẫn còn e dè.
Dù thị trường chưa quay trở lại đỉnh cao chóng mặt của năm 2021, nền tảng cho một hệ sinh thái cho vay ổn định hơn đang dần hình thành. Nhu cầu đang rất cao, nhưng sự hoài nghi cũng không hề nhỏ. Liệu sự quan tâm mới này có thể duy trì mà không cần đến những điều kiện giống như bong bóng trong quá khứ hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.
Itadori
Theo Cryptopolitan