SWIFT, hiệp hội hợp tác liên ngân hàng toàn cầu, sẽ cho phép hơn 11.000 tổ chức tài chính thực hiện các giao dịch tài sản kỹ thuật số qua mạng lưới của mình vào năm tới.
Theo đó, các chuyên gia trong ngành đã phân tích cả cơ hội và thách thức đối với dự án này trong một cuộc phỏng vấn.
Các thử nghiệm tài sản liên ngân hàng toàn cầu của SWIFT
SWIFT đã công bố một sáng kiến mới sẽ diễn ra trên khắp Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á vào năm tới. Khi thử nghiệm trực tiếp bắt đầu, các ngân hàng tham gia sẽ có thể sử dụng mạng lưới SWIFT để thực hiện các giao dịch tài sản kỹ thuật số. Chương trình này diễn ra sau nhiều thử nghiệm khác nhau để xác định khả năng hoạt động của hệ thống trên phạm vi quốc tế.
SWIFT coi chương trình này là một bước đột phá quan trọng trong dự án dài hạn của mình: tạo ra một điểm truy cập duy nhất giữa lĩnh vực tài chính và các loại tài sản kỹ thuật số. Đây chắc chắn không phải là lần đầu tiên họ thử nghiệm một dự án như vậy, vì SWIFT đã tiến hành thử nghiệm CBDC quốc tế vào đầu năm nay. David Pinger, CEO và đồng sáng lập tại Warden Protocol, đã mô tả bước đột phá của dự án này trong một cuộc phỏng vấn độc quyền:
“Kết nối các hệ thống tài chính truyền thống với nền tảng phi tập trung sẽ đẩy nhanh việc chấp nhận tài sản được token hóa bằng cách cung cấp dòng vốn lớn từ tài chính truyền thống. Nó cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho hoạt động token hóa, thu hẹp khoảng cách cho các nhà đầu tư tổ chức, giúp tài sản kỹ thuật số dễ dàng tích hợp hơn về mặt khái niệm vào hệ thống hiện có”.
Pinger cũng liệt kê một số thách thức lớn đối với một dự án đầy tham vọng như vậy: sự không nhất quán về quy định, lo ngại về quyền riêng tư, khả năng tương tác cross-chain, v.v. Tuy nhiên, SWIFT đã lường trước những vấn đề này trong nhiều năm và tìm kiếm giải pháp. SWIFT tuyên bố các nền tảng kỹ thuật số bị phân cách (hay còn gọi là “các ốc đảo kỹ thuật số”) sẽ là mối quan tâm chính của họ trong tương lai.
Để giải quyết mối lo ngại này, SWIFT tập trung vào việc xây dựng mạng lưới ngân hàng lớn nhất và toàn diện nhất có thể. Thông cáo báo chí thậm chí còn đề cập đến những nỗ lực tích hợp các mạng lưới do ngân hàng mới nổi khác dẫn dắt vào kế hoạch tài sản kỹ thuật số của SWIFT. Will Wendt, Trưởng bộ phận Hệ sinh thái tại Oasis Protocol, cũng đã thảo luận về những lợi thế của các ngân hàng.
“Tôi tin rằng sáng kiến của SWIFT sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu bảo mật của Web3. Hiện tại, các mạng lưới Web3… minh bạch về mặt thanh toán, cho phép mọi người xem địa chỉ ví và lịch sử giao dịch. Mức độ minh bạch này có thể không phù hợp với nhu cầu của các ngân hàng truyền thống dựa vào SWIFT”.
Về bản chất, một trong những rào cản pháp lý lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu khá đơn giản: nhu cầu về quyền riêng tư. Thông tin tài chính nhạy cảm của khách hàng phải được bảo mật và Wendt tuyên bố nền tảng của SWIFT là lý tưởng để đáp ứng nhu cầu này. Anh cho biết việc tạo ra trải nghiệm người dùng liền mạch sẽ là điều cần thiết khi giải quyết những vấn đề như vậy.
SWIFT có kế hoạch triển khai chương trình thử nghiệm cho hơn 11.000 tổ chức tài chính vào năm tới. Công ty có vẻ khá tự tin vào khả năng kết nối các ngân hàng này với cả “các loại tài sản hiện có và mới nổi”, nhưng không đề cập đến bất kỳ ví dụ cụ thể nào. Nếu thành công, sáng kiến sẽ thực sự thay đổi cuộc chơi.
Đình Đình
Theo Beincrypto