Binance đang tập trung tăng cường cho các dự án tiền điện tử có giao dịch thanh khoản thấp giữa tin đồn thao túng thị trường…
Trong tuần qua, nhân viên tại Binance liên tục liên hệ với nhiều dự án để hỏi chi tiết về mối quan hệ của họ với các nhà tạo lập thị trường; đồng thời mời họ cân nhắc việc góp tiền cho các sản phẩm tiết kiệm của sàn. Đây là thông tin tiết lộ từ đoạn trích tin nhắn mà cộng đồng xôn xao những ngày qua. Cụ thể, Binance hỏi liệu các dự án đó có thể xem xét góp 1-5% số token đang lưu hành của họ vào tài khoản tiết kiệm để kiếm lãi hay không.
Ngoài ra, Binance cũng yêu cầu các dự án đưa lý do nếu họ không có mối quan hệ với các nhà tạo lập thị trường hoặc không muốn đóng góp vào các sản phẩm tiết kiệm của mình.
Phát ngôn viên của Binance cho biết hoạt động tiếp cận này là một phần của “sáng kiến quản lý rủi ro” đang diễn ra, nhắm mục tiêu vào số lượng nhỏ các công ty tiền điện tử có token được niêm yết trên sàn nhưng có cặp giao dịch có tính thanh khoản thấp hoặc vốn hóa thị trường nhỏ. Người này cho biết điều đó có thể khiến người dùng gặp rủi ro, “bao gồm rơi vào trường hợp thao túng thị trường”.
“Mục đích chính của việc tiếp cận quản lý rủi ro của chúng tôi là khuyến khích các nhóm dự án tăng cường bảo vệ thanh khoản của họ. Việc thu hút sự hỗ trợ của nhà tạo lập thị trường là một cách để tăng cường sự bảo vệ. Các nhà tạo lập thị trường cũng là những nhà cung cấp thanh khoản có thể sẽ đồng ý mua tài sản ở mức giá nhất định để giúp sàn giao dịch hoạt động trơn tru. Một biện pháp giảm thiểu rủi ro khả thi khác là đóng góp vào các quỹ tiết kiệm, chẳng hạn như Binance Savings. Đây là nơi người dùng có thể vay token, thông qua Margin hoặc Cho vay và giao dịch tích cực hơn để tăng tính thanh khoản cho thị trường hiện tại”, phát ngôn viên cũng nhấn mạnh việc đóng góp là tuỳ tâm.
Sản phẩm tiết kiệm
Các sản phẩm tiết kiệm của Binance sẽ mang lại lợi nhuận cho người dùng với lãi suất thay đổi tùy theo kỳ hạn. Những sản phẩm như vậy đã bị giám sát chặt chẽ về mặt pháp lý trong năm qua sau sự sụp đổ của BlockFi, C và Voyager Digital – tất cả đều đưa ra mức lãi suất cao đối với tiền gửi tiền điện tử trước khi nộp đơn xin phá sản.
Bản thân Binance hiện đang phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng tăng. Cả Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) đều đã đệ trình nhiều cáo buộc chống lại CEO Binance là Changpeng Zhao (CZ) trong năm nay. CFTC cáo buộc Binance đã vi phạm luật liên bang Hoa Kỳ và không đăng ký mở sàn giao dịch tại Hoa Kỳ, trong khi SEC cáo buộc họ gian lận, thao túng thị trường và đánh lừa khách hàng về mức độ an toàn của tài sản của họ.
Binance đã bác bỏ cả hai khiếu nại này, nhấn mạnh vẫn đang nỗ lực tuân thủ các quy tắc và hợp tác với các cơ quan quản lý.
Matt Batsinelas, nhà sáng lập Glass Markets, một nền tảng phân tích theo dõi tính thanh khoản của sàn giao dịch, cho biết một số điểm giao dịch, bao gồm cả Binance, đã & đang tìm cách giám sát chặt chẽ hơn các hành vi của những nhà tạo lập thị trường trên nền tảng của họ.
“Chúng tôi coi đây là một điều tích cực đối với các sàn giao dịch khi giám sát các nhà tạo lập thị trường nhằm đảm bảo họ đang cung cấp tính thanh khoản tốt nhất”.
Phát ngôn viên của Binance cho biết “tài sản cryptocurrency chất lượng cao” giúp bảo vệ người dùng; trong đó tính thanh khoản thị trường cũng như vốn hoá là hai tiêu chí chính mà các sàn giao dịch cần giám sát.
“Mục đích của Binance là tạo ra một môi trường giao dịch an toàn và bảo mật cho người dùng; và hiện các nhóm dự án cũng đã sẵn sàng đóng góp sức của mình vào công cuộc này”.
Xoài
Theo The Block