Vào sáng thứ Bảy, thị trường tiền mã hóa chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với Bitcoin (BTC) vượt qua mức $60.000, được hỗ trợ bởi đà tăng đồng loạt trên các thị trường truyền thống. Trước đó, Bitcoin đã giảm khoảng 1%, xuống còn $57.600 sau khi công ty phần mềm MicroStrategy thông báo đã mua thêm 18.300 BTC với tổng giá trị $1,1 tỷ. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa lớn nhất này nhanh chóng phục hồi toàn bộ mức giảm và tăng mạnh vào cuối phiên, với mức tăng 4,4% trong 24 giờ qua, đạt mức $60.552 tại thời điểm viết bài.
Ethereum (ETH) cũng lấy lại mốc $2.400, tăng 3,5% trong cùng kỳ. Công ty phân tích blockchain IntoTheBlock lưu ý rằng doanh thu từ phí giao dịch của Ethereum đã tăng gần 60% trong tuần qua khi hoạt động trên blockchain gia tăng đáng kể.
Sự bứt phá của tiền mã hóa diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu Mỹ tăng trưởng, với chỉ số S&P 500 chỉ còn cách mức cao kỷ lục hồi tháng 7 chưa đến 1% ngay trước khi thị trường đóng cửa. Giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới, lần đầu tiên đạt mốc $2.600/ounce, trong khi sự suy yếu của đồng đô la Mỹ so với các đồng tiền lớn khác càng củng cố thêm đà tăng của các loại tài sản.
Dư địa tăng trưởng còn nhiều
Theo nhà phân tích kỹ thuật Bob Loukas, đà tăng của Bitcoin có thể còn tiếp tục khi xem xét chu kỳ giá hàng ngày của đồng tiền này. Lý thuyết chu kỳ trong phân tích kỹ thuật cho rằng giá di chuyển theo mô hình sóng, có các khoảng thời gian nhất định giữa các đỉnh và đáy cục bộ.
Theo biểu đồ mà Loukas chia sẻ trên X, Bitcoin có khả năng đã tạo đáy cục bộ dưới mức $53.000 vào ngày 6 tháng 9 và hiện đang bước vào ngày thứ 7 của một chu kỳ mới. Chu kỳ trước đó kéo dài hơn 60 ngày và đạt đỉnh vào ngày thứ 24, cho thấy vẫn còn nhiều thời gian để Bitcoin thiết lập các mức cao mới trước khi quay đầu giảm.
“Chu kỳ hiện tại vẫn còn dư địa, và có thể duy trì sức mạnh đến cuộc họp FOMC,” Loukas nhận định.
Sự kiện quan trọng cần chú ý trong tuần tới là cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào thứ Tư, khả năng cao sẽ đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang kể từ năm 2020. Các nhà phân tích vẫn đang tranh cãi về quy mô cắt giảm, với xác suất chia đều giữa 25 và 50 điểm cơ bản, theo công cụ dự đoán CME FedWatch.
Dù chính sách tiền tệ nới lỏng có thể mang lại lợi ích cho các tài sản rủi ro, thị trường vẫn lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, theo báo cáo từ công ty đầu tư crypto Ryze Labs công bố hôm thứ Sáu.
“Bức tranh lớn ở đây là tình hình kinh tế Mỹ,” báo cáo nhận định. “Nếu nền kinh tế duy trì sự ổn định và tránh được suy thoái, các tài sản rủi ro có thể tiếp tục xu hướng tăng. Ngược lại, thị trường có thể sẽ đối mặt với những biến động khó lường,” báo cáo kết luận.
Bạn có thể xem giá ETH và giá BTC ở đây.
Thạch Sanh
Theo CoinDesk