Những công ty từ các lĩnh vực đa dạng như công nghệ, y tế, năng lượng tái tạo, game và giáo dục đều đang theo đuổi một chiến lược chung: tích trữ Bitcoin.

Chiến thuật này đã mang lại rất nhiều lợi nhuận cho MicroStrategy. Kể từ khi thực hiện giao dịch mua Bitcoin đầu tiên vào năm 2020, cổ phiếu của MicroStrategy đã tăng vọt gấp 22 lần.

Hiện tại, các công ty khác đang tìm cách tái tạo thành công đó, đặc biệt là khi giá Bitcoin đang giao dịch thấp hơn 12,7% so với mức cao nhất mọi thời đại (ATH) thiết lập vào tháng trước.

Những người ủng hộ Bitcoin đang cố gắng gây sức ép với các gã khổng lồ công nghệ lớn như Microsoft, Amazon và Meta để cân nhắc đưa tiền điện tử hàng đầu này vào bảng cân đối kế toán của họ.

bitcoin
Các tổ chức nắm giữ Bitcoin, bao gồm các công ty đại chúng | Nguồn: BitcoinTreasuries.NET

Sau đây là một số công ty niêm yết đã tiếp nối MicroStrategy:

#1. Semler Scientific

Semler Scientific là công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên về các công cụ chẩn đoán và theo dõi.

CEO Eric Semler là người ủng hộ Bitcoin nhiệt thành, ghi rõ Bitcoin nổi bật trên biểu ngữ hồ sơ Twitter của mình và ghim các tweet của chủ tịch MicroStrategy Michael Saylor.

“Tại sao nhiều công ty đại chúng không áp dụng chiến lược kho bạc Bitcoin?”, Semler hỏi trên X vào tháng 12. Ông còn đi xa hơn nữa khi dự đoán “sẽ bị coi là vô trách nhiệm nếu các công ty đại chúng không sở hữu Bitcoin trong bảng cân đối kế toán của họ”.

Vào ngày 13 tháng 1, Semler Scientific đã mua thêm 237 Bitcoin với giá khoảng 23 triệu đô la (hơn 98.000 đô la/coin).

Công ty đã mua BTC bằng tiền thu được từ việc bán cổ phiếu và dòng tiền hoạt động. Hiện công ty nắm giữ tổng cộng 2.321 BTC, trị giá gần 192 triệu đô la. Công ty cho biết họ đã mua BTC với chi phí trung bình dưới 83.000 đô la.

Semler đã phát hành hơn 120 triệu đô la cổ phiếu để tạo nguồn tài chính phục vụ cho việc mua BTC, cùng với các hoạt động khác. Công ty nhấn mạnh giao dịch mua BTC đã đưa “lợi suất Bitcoin” của cổ phiếu tăng từ 72,6% lên 99,3%.

“Lợi suất Bitcoin đo lường tỷ lệ giữa lượng BTC nắm giữ và số cổ phiếu đang lưu hành, đồng thời sử dụng số lượng BTC trên mỗi cổ phiếu làm chỉ số đánh giá hiệu suất của công ty. Theo Semler, các chỉ số này giúp làm rõ hơn chiến lược đầu tư Bitcoin của công ty, mang lại cái nhìn sâu sắc cho nhà đầu tư”.

Vào tháng 7, các nhà điều hành của Semler tiết lộ hoạt động mua BTC đã cho phép công ty đang gặp khó khăn cuối cùng thoát khỏi tình trạng “zombie”. Các công ty zombie chỉ kiếm được đủ để tiếp tục hoạt động và trả nợ nhưng không có vốn dư thừa để thúc đẩy tăng trưởng và thường gần đến mức mất khả năng thanh toán.

Vào ngày 4/11, CEO Doug Murphy-Chutorian của công ty cho biết Semler Scientific vẫn “tập trung cao độ vào việc mua và nắm giữ Bitcoin”.

#2. Boyaa Interactive

Boyaa Interactive niêm yết tại Hồng Kông, là công ty holder Bitcoin hàng đầu Châu Á.

Thường được gọi là “MicroStrategy của Hồng Kông”, công ty hiện nắm giữ 3.183 Bitcoin, trị giá gần 300 triệu đô la.

Boyaa chủ yếu phát triển board game và game bài trực tuyến.

Vào tháng 12, công ty đã swap 50 triệu đô la ETH mà họ đang nắm giữ để mua thêm Bitcoin.

#3. Metaplanet

Metaplanet, một công ty đầu tư Nhật Bản, cũng lấy cảm hứng từ MicroStrategy và hiện đang nắm giữ 1.762 BTC trị giá khoảng 165 triệu đô la.

Trong một tuyên bố gần đây, CEO Simon Gerovich đã đưa ra các mục tiêu cho năm 2025, bao gồm mở rộng lượng Bitcoin nắm giữ lên 10.000 BTC.

Tương tự như MicroStrategy, giá cổ phiếu của Metaplanet đã tăng vọt hơn 2.200% kể từ khi bắt đầu mua Bitcoin vào tháng 4 năm ngoái.

#4. Remixpoint

Một công ty Nhật Bản khác là Remixpoint tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đầu tư vào tiền điện tử khi công ty mua thêm 33,34 BTC trị giá 500 triệu yên (khoảng 3,2 triệu đô la). Việc mua thêm Bitcoin này nâng tổng số Bitcoin mà Remixpoint nắm giữ lên gần 333,19 BTC (31,7 triệu đô la).

Ngoài Bitcoin, Remixpoint còn sở hữu các tài sản tiền điện tử khác như 1.391,3 ETH (4,4 triệu đô la), 6.724,5 SOL (1,2 triệu đô la), 513.060 XRP (1,3 triệu đô la), 19.468,9 AVAX (694.650 đô la) và 1,15 triệu DOGE (402.500 đô la).

Quyết định đầu tư vào tiền điện tử của Remixpoint là một phần trong chiến lược quản lý tiền mặt của công ty, nhằm phân tán rủi ro và giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự mất giá của đồng yên Nhật. Công ty đã công bố vào tháng 9 năm 2024 rằng việc đầu tư vào tiền điện tử sẽ giúp họ phòng ngừa sự biến động của đồng yên và làm giảm thiểu rủi ro tài chính.

#5. Cango

Cango có trụ sở tại Thượng Hải, chuyên cho vay mua ô tô. Công ty tham gia vào không gian Bitcoin bằng cách khai thác trực tiếp thay vì mua. Công ty đã đầu tư 400 triệu đô la để mua thiết bị khai thác Bitcoin vào tháng 11. Kể từ đó, công ty thu được 933 Bitcoin – trị giá 87 triệu đô la. Giá cổ phiếu của Cango đã tăng gấp đôi trong cùng kỳ.

#6. KULR Technology Group

KULR, một công ty chuyên cung cấp giải pháp quản lý nhiệt và năng lượng, là cái tên mới nhất gia nhập danh sách này.

Công ty khởi động chiến lược Bitcoin theo phong cách MicroStrategy cách đây chưa đầy một tháng, với giao dịch mua ban đầu là 217 Bitcoin.

Vào thời điểm đó, KULR tiết lộ họ sẽ dành 90% dự trữ tiền mặt của mình vào các giao dịch mua Bitcoin theo từng đợt.

Chưa đầy 2 tuần sau giao dịch mua đầu tiên, KULR đã mua thêm 213 Bitcoin, nâng giá trị kho dự trữ của mình lên 40 triệu đô la.

Tuy nhiên, Bitcoin đã có chút sa sút kể từ đó. Bất kỳ ai mua cổ phiếu KULR vào cùng ngày với giao dịch mua Bitcoin đầu tiên đều bị giảm 30% vào hôm nay.

#7. Genius Group

Genius Group, một công ty kinh doanh và giáo dục AI có trụ sở tại Singapore, đã áp dụng chiến lược kho bạc “ưu tiên Bitcoin”.

Hiện tại, công ty nắm giữ 372 Bitcoin trị giá gần 35 triệu đô la, mặc dù cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 27% kể từ lần mua đầu tiên vào tháng 11.

Công ty đặt mục tiêu tích hợp thanh toán Bitcoin trên nền tảng EdTech và triển khai các chương trình giáo dục blockchain.

Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.

Đình Đình

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một doanh nhân và nhà đầu tư Tiền mã hoá. Tác giả đã từng tiên phong giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại đang là Giám đốc công ty Wischain và Giảng viên công nghệ Blockchain tại Đại học Hutech, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả đã tham gia diễn giả tại hàng trăm hội thảo chất lượng và hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zh-CNenvi