Trong báo cáo minh bạch mới nhất, Coinbase cho biết họ đã nhận được 10.707 yêu cầu từ các cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ toàn cầu trong năm qua, giảm 18% so với kỳ báo cáo trước.

Trong năm thứ 3 liên tiếp, ​​các cơ quan thực thi pháp luật và chính phủ Hoa Kỳ đã gửi số lượng yêu cầu cao nhất mặc dù năm nay có sự sụt giảm.

Bên ngoài Hoa Kỳ, số lượng các yêu cầu thực thi pháp luật từ các thị trường chính của Coinbase cũng sụt giảm đáng kể, nổi bật là Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha lần lượt giảm 33%, 45% và 35%.

Coinbase
Số lượng yêu cầu thực thi của các quốc gia | Nguồn: Coinbase

Ngược lại, yêu cầu tại Singapore tăng 221%, từ 34 vào năm 2023 lên 109 vào năm nay. Điều này báo hiệu hoạt động quản lý ngày càng nghiêm ngặt trong khu vực khi nơi này đang dần trở thành một trung tâm crypto nổi bật.

Theo Coinbase, 81% trong số tất cả các yêu cầu bắt nguồn từ 6 khu vực pháp lý chính: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Úc. Phần lớn liên quan đến các vấn đề thực thi hình sự, chẳng hạn như điều tra các hoạt động tài chính bất hợp pháp, gian lận hoặc dấu hiệu hình sự khác.

Các yêu cầu này được đưa ra dưới nhiều hình thức pháp lý khác nhau, bao gồm trát đòi hầu tòa, lệnh của tòa án, lệnh khám xét và các quy trình chính thức khác. Báo cáo nhấn mạnh công ty chỉ có nghĩa vụ phản hồi yêu cầu hợp lệ về mặt pháp lý.

Ngoài ra, công ty cũng tiết lộ quy trình đánh giá chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ mà không ảnh hưởng đến quyền của khách hàng. Công ty cho biết thêm rằng mỗi yêu cầu đều được team luật sư, nhà phân tích và chuyên gia về quyền riêng tư tận tâm xem xét kỹ lưỡng.

Theo báo cáo, mục tiêu là thu hẹp các yêu cầu quá rộng hoặc mơ hồ, từ chối các yêu cầu được coi là không đủ về mặt pháp lý và cung cấp dữ liệu ẩn danh hoặc tổng hợp khi có thể thay vì thông tin chi tiết về từng khách hàng.

Về thông tin được chia sẻ với các cơ quan chức năng, mặc dù Coinbase cung cấp một số thông tin chi tiết về khách hàng — chẳng hạn như tên, địa chỉ IP và thông tin thanh toán — để đáp ứng các yêu cầu hợp lệ, nhưng công ty tuyên bố không có chính phủ nào có quyền truy cập trực tiếp vào hệ thống của sàn.

Quyết định chia sẻ những số liệu này của Coinbase phản ánh nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch, góp phần hoàn thiện bối cảnh quản lý.

Báo cáo chỉ ra rằng việc chủ động công khai phạm vi và bản chất các yêu cầu từ chính phủ gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới các cơ quan quản lý và người dùng, khẳng định cam kết của công ty trong việc duy trì sự cân bằng giữa việc tuân thủ quy định và bảo vệ niềm tin của khách hàng.

Coinbase phản đối nỗ lực của BiT Global nhằm ngăn chặn việc hủy niêm yết WBTC

Coinbase phản đối nỗ lực pháp lý của BiT Global nhằm ngăn chặn kế hoạch hủy niêm yết wrapped Bitcoin (WBTC), lập luận vụ kiện không có căn cứ và từ chối yêu cầu lệnh cấm tạm thời (TRO) của công ty.

Theo hồ sơ của tòa án, Coinbase quyết định hủy niêm yết WBTC do lo ngại về rủi ro phát sinh từ mối quan hệ của công ty với nhà sáng lập TRON Justin Sun và thiếu sự rõ ràng về dự trữ của token này.

Giám đốc pháp lý của Coinbase, Paul Grewal, cho biết hồ sơ này là câu trả lời cho vụ kiện “hư cấu” của BiT.

“Chúng tôi nêu lý do tại sao vụ kiện này không có căn cứ và tại sao yêu cầu TRO của họ nên bị từ chối”.

Trong hồ sơ nộp lên Tòa án Quận phía Bắc California Hoa Kỳ, Coinbase đã trình bày chi tiết về quá trình xem xét nội bộ kéo dài nhiều tháng dẫn đến quyết định hủy niêm yết.

Sàn giao dịch đã trích dẫn lịch sử gian lận và thao túng thị trường được công khai rộng rãi của Sun, cùng với việc BiT không cung cấp thông tin minh bạch về cơ cấu sở hữu của công ty, là “rủi ro không thể chấp nhận được” đối với nền tảng của Coinbase và người dùng của họ.

Công ty nói thêm BiT đã không giải quyết các câu hỏi của Coinbase về quyền sở hữu cuối cùng đối với dự trữ WBTC, làm trầm trọng thêm mối quan ngại của họ.

“BiT tìm cách buộc Coinbase phải kinh doanh với một thực thể không còn tuân thủ các tiêu chuẩn của Coinbase do liên quan đến vai trò quan trọng của Sun”.

Sàn giao dịch tiếp tục khẳng định quyết định của mình phù hợp với trách nhiệm bảo vệ tính toàn vẹn của nền tảng và lòng tin của khách hàng, trích dẫn các trường hợp trước đây khi tài sản bị hủy niêm yết vì những lý do tương tự.

BiT Global, nguyên đơn trong vụ kiện, đã cáo buộc Coinbase hủy niêm yết wBTC một cách không công bằng để quảng bá cho tài sản cạnh tranh của riêng mình, cbBTC. Công ty này cũng tuyên bố quyết định như vậy sẽ gây ra thiệt hại đáng kể về mặt danh tiếng và tài chính.

Trong đơn kiện của mình, BiT lập luận việc hủy niêm yết có thể làm xói mòn lòng tin của người dùng vào WBTC và hạn chế quyền truy cập vào một nền tảng giao dịch quan trọng. Công ty còn mô tả việc hủy niêm yết của Coinbase là “tín hiệu gửi đến cộng đồng tài sản kỹ thuật số rằng WBTC kém tin cậy hơn các token khác”, động thái mà công ty cho là vi phạm Luật cạnh tranh không lành mạnh của California.

Tuy nhiên, Coinbase phản bác rằng chưa đến 1% giao dịch WBTC toàn cầu diễn ra trên nền tảng của mình, bác bỏ tuyên bố của BiT về tác hại không thể khắc phục được. Công ty này cũng chỉ ra lưu thông WBTC đang giảm trước thông báo hủy niêm yết, mà công ty này cho là do sự tham gia của Sun.

Coinbase cũng bác bỏ khẳng định của BiT rằng việc hủy niêm yết sẽ gây hại cho lợi ích công cộng nói chung. Công ty này lập luận holder wBTC vẫn có nhiều kênh để giao dịch token trên các nền tảng khác và có thể lưu trữ hoặc chuyển giao tài sản bằng Coinbase Wallet, một ứng dụng phi tập trung riêng biệt.

Vụ việc này cho thấy chính quyền ngày càng quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của Sun trong không gian crypto. Sun đã phải đối mặt với các vụ kiện từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) và được cho là đang bị điều tra về hành vi sai trái hình sự tiềm ẩn.

Phiên điều trần về yêu cầu TRO của BiT được lên lịch vào ngày 18/12. Nếu được chấp thuận, nó sẽ tạm thời trì hoãn việc hủy niêm yết wBTC của Coinbase, hiện được ấn định vào ngày 19/12.

Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn. 

 

 

 

Minh Anh

Theo Tạp Chí Bitcoin

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một doanh nhân và nhà đầu tư Tiền mã hoá. Tác giả đã từng tiên phong giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại đang là Giám đốc công ty Wischain và Giảng viên công nghệ Blockchain tại Đại học Hutech, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả đã tham gia diễn giả tại hàng trăm hội thảo chất lượng và hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *