Dennis Porter, nhà sáng lập Satoshi Action Fund, đã công bố một bản dự thảo sắc lệnh hành pháp được soạn thảo cho Tổng thống đắc cử Donald Trump nhằm thành lập Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược thông qua Quỹ ổn định tỷ giá hối đoái (ESF).

Sắc lệnh này cho phép phân bổ ban đầu lên đến 2% giá trị tổng danh mục đầu tư của ESF trong thời gian thử nghiệm kéo dài 18 tháng. Hơn nữa, BTC trong quyền quản lý của chính phủ Mỹ sẽ được sử dụng làm nền tảng cho Quỹ Dự trữ này.

Bản dự thảo sắc lệnh vạch ra lộ trình để tích hợp Bitcoin vào ESF, một quỹ truyền thống được sử dụng để ổn định đồng USD và ứng phó với các cú sốc kinh tế vĩ mô. Đồng thời, bản dự thảo đưa ra khung pháp lý để xem Bitcoin như một tài sản dự trữ tương tự ngoại tệ, đồng thời chấm dứt việc bán đấu giá Bitcoin tịch thu được do các cơ quan Mỹ nắm giữ.

Những đề xuất chính

Một trong những điều khoản chính là Bộ Tài chính Mỹ sẽ được phép mua, nắm giữ và quản lý Bitcoin như một phần trong danh mục đầu tư của ESF.

Hơn nữa, dự thảo đề xuất Bộ Tài chính thành lập một nhóm công tác để phát triển hệ thống lưu ký nhằm đảm bảo việc quản lý an toàn số Bitcoin nắm giữ. Điều này bao gồm việc đánh giá các giải pháp cung cấp quyền truy cập trực tiếp cho Bộ Tài chính vào quỹ dự trữ, đồng thời tận dụng cơ sở hạ tầng lưu ký hiện có, chẳng hạn như hệ thống hiện đang được Dịch vụ Cảnh sát Tư pháp Mỹ (USMS) sử dụng.

Đề xuất này cũng chấm dứt việc bán đấu giá Bitcoin bị tịch thu bởi USMS. Thay vào đó, khoảng 200.000 BTC hiện đang thuộc quyền quản lý của Mỹ — trị giá 20,6 tỷ USD vào thời điểm hiện tại — sẽ được sử dụng làm nền tảng ban đầu cho Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược.

Cơ chế giám sát chặt chẽ

Bản dự thảo bao gồm các cơ chế giám sát mạnh mẽ để cân bằng giữa đổi mới và trách nhiệm giải trình. Bộ Tài chính sẽ phải công bố các báo cáo bán niên (một tài liệu nêu tóm tắt tình hình tài chính và hiệu suất hoạt động) chi tiết về các giao dịch, số Bitcoin nắm giữ và chiến lược quản lý rủi ro cho Quốc hội và Tổng thống.

Ngoài ra, Tổng Thanh tra Bộ Tài chính và Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (GAO) sẽ tiến hành các cuộc kiểm toán định kỳ, với các bản tóm tắt công khai hàng năm để đảm bảo tính minh bạch.

Đề xuất pháp lý tiếp theo

Mặc dù ESF cung cấp phương tiện ban đầu để dự trữ Bitcoin, bản dự thảo nhận định rằng đây có thể không phải là giải pháp lâu dài.

Trong vòng 24 tháng, Bộ Tài chính sẽ phải đệ trình một báo cáo toàn diện lên Quốc hội, nêu rõ những hạn chế và lợi ích của việc sử dụng ESF làm nơi lưu ký Bitcoin, các khung pháp lý thay thế để quản lý dự trữ, và các đề xuất lập pháp nhằm chính thức hóa Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược trong luật liên bang Mỹ.

Không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ

Đề xuất nhấn mạnh rằng việc tạo ra quỹ dự trữ Bitcoin sẽ không can thiệp vào sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Quy định này nhằm giải quyết mối lo ngại rằng việc tích hợp Bitcoin có thể làm phức tạp các khung chính sách tiền tệ truyền thống hoặc làm giảm niềm tin vào đồng USD.

Ngược lại, bằng cách tận dụng vị thế của Bitcoin như một tài sản toàn cầu không có chủ quyền, đề xuất này hướng tới việc giảm thiểu rủi ro kinh tế vĩ mô, ổn định đồng USD và đưa Mỹ vào vị thế dẫn đầu trong đổi mới tài chính.

Nếu bản dự thảo được thông qua, đây sẽ là bước đi lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ trong việc chấp nhận Bitcoin, với những tác động sâu rộng đến ngành crypto, chính sách kinh tế Mỹ và các thực tiễn dự trữ toàn cầu.

Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn. 

 

 

 

Ông Giáo

Theo Crypto Slate

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một doanh nhân và nhà đầu tư Tiền mã hoá. Tác giả đã từng tiên phong giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại đang là Giám đốc công ty Wischain và Giảng viên công nghệ Blockchain tại Đại học Hutech, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả đã tham gia diễn giả tại hàng trăm hội thảo chất lượng và hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *