Đồng sáng lập Ethereum Vitalik Buterin đã công khai chỉ trích những phát biểu gần đây của đồng sáng lập MicroStrategy Michael Saylor về tự lưu ký (custody) Bitcoin.

vitalik

Vitalik Buterin và Michael Saylor

Trong một cuộc phỏng vấn, Saylor đã được hỏi liệu để các ngân hàng lớn và các tổ chức bên thứ ba lưu ký Bitcoin có gây ra rủi ro tập trung hóa hay không, đặc biệt là khi nguy cơ chính phủ tịch thu tiền điện tử vẫn luôn rình rập.

Đồng sáng lập MicroStrategy trả lời rằng khi “những người theo chủ nghĩa vô chính phủ tiền điện tử hoang tưởng” không chấp nhận sự cần thiết của quy định trong việc nắm giữ Bitcoin, rủi ro bị tịch thu sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, Buterin không đồng ý với ý kiến này trong một tweet sau đó.

“Tôi nghĩ những bình luận của Saylor là điên rồ. Saylor có vẻ như đang tranh luận rõ ràng về cách tiếp cận lạm quyền quy định để bảo vệ tiền điện tử”.

Đồng sáng lập Ethereum cũng nói thêm rằng cách tiếp cận như vậy không phù hợp với các nguyên tắc cốt lõi của tiền điện tử.

Tự lưu ký là gì?

Tự lưu ký là quá trình giữ quyền kiểm soát đối với khóa riêng tư, nghĩa là không có bên thứ ba nào có quyền truy cập vào ví của bạn.

Vì phương pháp này có thể gây bất tiện và đi kèm với rủi ro mất khóa hoặc bị đánh cắp mà không được bồi thường, một số người dùng thay vào đó chuyển sang lưu ký bên thứ ba. Lưu ký bên thứ ba là một bên lưu ký độc lập kiểm soát khóa riêng tư của ví nơi tiền điện tử của người dùng được lưu giữ.

Rủi ro từ việc lưu ký bên thứ ba thường được tóm tắt bằng câu nói “không phải khóa của bạn, không phải tiền của bạn”, nghĩa là bên thứ ba có toàn quyền kiểm soát tài sản và về mặt lý thuyết có thể đóng băng hoặc chiếm đoạt hoặc bị chính quyền gây áp lực phải làm như vậy.

Cuộc tranh luận về quyền tự lưu giữ

Buterin đã trả lời dòng tweet của Jameson Lopp, cypherpunk và là đồng sáng lập của nền tảng tự lưu ký Bitcoin Casa HODL, sau khi anh chia sẻ quan điểm về tự lưu giữ. Lopp nhấn mạnh tự lưu ký không chỉ cần thiết đối với những người nắm giữ Bitcoin riêng lẻ mà còn đối với tình hình tổng thể của mạng. Anh cho biết “tự lưu ký rất quan trọng đối với việc tiếp tục củng cố và cải thiện toàn bộ mạng”.

Theo Lopp, tập trung coin vào một vài ví làm tăng rủi ro mất mát và tịch thu có hệ thống, cản trở người dùng chạy các node hoặc giao dịch fork.

Anh cũng tuyên bố điều này sẽ làm giảm các động lực phát triển vì “các tổ chức không quan tâm đến tính năng mã hóa tiên tiến hơn” và “việc mở rộng không cần cấp phép bị giảm ưu tiên vì chúng ta chỉ có thể mở rộng thông qua bên thứ ba đáng tin cậy”.

Trong khi Saylor dường như không đồng ý, phong trào tự lưu ký đang đón nhận ​​động lực mới kể từ khi sàn giao dịch FTX sụp đổ vào năm 2022. Vào tháng 5, Oklahoma đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ thông qua luật bảo vệ quyền tự lưu ký Bitcoin.

Với tư cách là chủ tịch điều hành của MicroStrategy, Saylor theo đuổi chiến lược tích cực mua Bitcoin cho kho bạc của công ty. Hiện công ty nắm giữ hơn 1% Bitcoin được khai thác, với giá trị khoảng 16 tỷ đô la.

vitalik

Nguồn: Treasuries Bitbo

Đầu tháng này, Saylor đã phác thảo kế hoạch của MicroStrategy nhằm chuyển đổi từ một công ty phần mềm thành “ngân hàng Bitcoin” với mức định giá tiềm năng lên tới nghìn tỷ đô la, bằng cách phát hành chứng khoán được hỗ trợ bằng Bitcoin.

 

 

Đình Đình

Theo Decrypt

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một nhà đầu tư Tiền mã hoá và giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *