Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược Blockchain quốc gia là phát triển các nền tảng Blockchain Made in Vietnam và tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng Blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Blockchain được xem là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (Ảnh minh họa)

Hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp chuỗi khối

Trong Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển Công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành, Blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.

Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2025 hình thành hệ sinh thái “Blockchain+” thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các ngành: lĩnh vực như tài chính-ngân hàng, giao thông-vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính-chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.

Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.

Cùng với đó, phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo không gian hình thành hệ sinh thái công nghiệp chuỗi khối; phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực blockchain; thúc đẩy phát triển và ứng dụng blockchain; thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế…

Trong đó, mỗi hoạt động được giao cụ thể cho các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ… chủ trì và chịu trách nhiệm.

Đáng chú ý, bên cạnh các bộ, ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp, được giao chủ trì: phát triển các nền tảng blockchain Made in Việt Nam; xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng blockchain hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam. Đồng thời, tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain

Chia sẻ quan điểm về văn bản pháp lý mang tính chất định hướng cho sự phát triển của thị trường blockchain Việt Nam, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đánh giá, việc ban hành Chiến lược là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain, thể hiện sự cam kết và hành động cụ thể của Chính phủ, sự quyết liệt của đơn vị soạn thảo là Bộ thông tin và Truyền thông cũng như nỗ lực của cộng đồng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.

Thúc đẩy thương hiệu blockchain Make in Vietnam ảnh 1
Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong một phiên góp ý với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về các quy định về Tài sản số trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đối với việc VBA được giao nhiệm vụ trong Chiến lược, ông Phan Đức Trung cho biết, đây là vinh dự, ghi nhận những đóng góp của VBA trong thời gian vừa qua với các cơ quan quản lý trong việc tập hợp ý kiến, đóng góp từ cộng đồng. Đồng thời với Chiến lược quốc gia về blockchain, VBA ý thức được trách nhiệm của mình đối với ngành công nghiệp còn rất non trẻ nhưng tiềm năng này.

“Chúng tôi cam kết sẽ tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng đi theo hướng nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, khai thác tối đa những lợi ích của công nghệ blockchain được thể hiện trong chiến lược quốc gia. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, việc phổ cập công nghệ blockchain toàn diện, tiếp cận đến toàn dân như mục tiêu của Chiến lược sẽ đem lại hiệu quả rõ nét cho nền kinh tế số mà Chính phủ đã định hướng”, Phó Chủ tịch Thường trực VBA nhấn mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chiến lược blockchain quốc gia là văn bản có tính pháp lý cao nhất, thể hiện mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain, tận dụng ưu thế của công nghệ tiên tiến này nhằm tạo điều kiện hiện thực hóa các mục tiêu đề ra của nền kinh tế số, xã hội số.

Trước đó, ngày 8/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trình. Đây là lần đầu tiên Tài sản số được chính thức đưa vào văn bản luật với quy định cụ thể là loại tài sản vô hình, được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Việc luật hóa định nghĩa Tài sản số là một trong những hành động hiện thực cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước thời điểm tháng 5/2025. Các cam kết này được thể hiện trong Kế hoạch Hành động quốc gia, được ban hành tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách xám của FATF hồi tháng 6/2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có nhiều góp quan trọng, tích cực thông qua nhiều hoạt động cụ thể như chuỗi 7 hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý Tài sản ảo; hàng chục lượt đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản đến các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến về các quy định pháp luật này như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ,… nhằm góp phần xây dựng khung pháp lý Tài sản số phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và tương đồng với thông lệ quốc tế.

Theo VĂN TOẢN (Báo Nhân Dân)

Phạm Mạnh Cường chỉnh sửa và biên soạn

By Phạm Mạnh Cường

Phạm Mạnh Cường là một doanh nhân và nhà đầu tư Tiền mã hoá. Tác giả đã từng tiên phong giảng dạy Blockchain ở Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện tại đang là Giám đốc công ty Wischain và Giảng viên công nghệ Blockchain tại Đại học Hutech, Việt Nam. Tác giả đã có bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính từ năm 2011 tại Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh. Tính đến nay tác giả đã có kinh nghiệm 7 năm giảng dạy cho sinh viên về công nghệ Blockchain và 8 năm đầu tư trong lĩnh vực Tiền mã hoá từ 2016. Tác giả đã tham gia diễn giả tại hàng trăm hội thảo chất lượng và hiện sở hữu hàng nghìn bài viết tổng hợp, nhận định và chỉnh sửa về Tiền mã hoá và Tiền điện tử chất lượng trên Website và ở nhiều kênh khác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *