Việt Nam tổng điều tra tiền ảo Pi

Hôm thứ Sáu, TienMaHoa đã báo cáo về việc công an tỉnh Bắc ninh vào cuộc xác minh sự kiện offline tiền ảo Pi với 1.500 người tham gia. Hôm nay, Thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công An) cho biết trong một cuộc họp rằng cơ quan chức năng đang phối hợp với công an địa phương điều tra các hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi.

“Việc các mô hình tiền ảo như Pi hoạt động thời gian qua rất phức tạp, chưa quản lý được. Không có hoạt động kinh doanh nào có được mức lợi nhuận cao như vậy trên môi trường không gian mạng”, thiếu tướng Lê Xuân Minh nhấn mạnh.

Thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Theo ông Minh, thời gian qua có những dấu hiệu của hoạt động lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong những mô hình kinh doanh theo dạng nhị phân, đa cấp.

“Đối với hoạt động tiền ảo Pi, A05 đang phối hợp với công an ở các địa phương điều tra. Cụ thể thế nào, chúng tôi sẽ có trao đổi khi giải quyết xử lý các vụ liên quan”.

Bên cạnh đó, A05 khuyến cáo người dân thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường, hoặc mô hình đa cấp. “Các hoạt động như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, ông Minh cho biết.

Pi Network ra đời đầu năm 2019 và rộ lên tại Việt Nam từ 2021. Tiền ảo này nhiều lần bị cảnh báo thiếu tính minh bạch của một dự án blockchain, thậm chí không loại trừ khả năng lừa đảo, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng.

Theo một chuyên gia về blockchain tại TP HCM, nhiều người vẫn tin vào Pi vì cho rằng họ không mất gì, dù phải đánh đổi là tài nguyên điện thoại, nguy cơ mất dữ liệu cá nhân và phải xem quảng cáo. Bên cạnh đó, một số mong chờ Pi có thể có giá nghìn USD như Bitcoin nên “không muốn mất cơ hội”.

Tiền ảo Pi hiện chưa có giá, nhưng thời gian qua, nhiều người được cho là đã giao dịch Pi theo dạng “đồng thuận”, tức tự thỏa thuận giá với nhau. Một số cửa hàng nhận thanh toán bằng Pi. Để lách luật, người chơi Pi chia sẻ nhau cách dùng từ “trao đổi” thay cho “thanh toán”.

Hồi tháng 3, một khách sạn ở Phan Thiết (Bình Thuận) bị yêu cầu dừng thanh toán bằng Pi. Tuần trước, hơn 1.500 người tổ chức offline tại Bắc Ninh để bàn về giá cho Pi. “Một số món hàng được trao đổi tại đây dựa trên sự đồng thuận, nhưng giá trị rất nhỏ. Mọi người định giá Pi tới hàng trăm nghìn USD, nhưng không ai giao dịch món gì quá vài chục USD”, một người tham dự sự kiện tiết lộ. “Trong khi đó, mọi người phải tốn gần một triệu đồng cho phí tham dự và mua đồng phục”.

Hiện việc giao dịch tiền ảo không được phép và vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

Nguồn: T/H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *