Coinbase là công ty Crypto hiếm hoi ra mắt báo cáo tài chính. Cùng phân tích BCTC Q3/2021 của Coinbase để tìm ra các insights nhé!!!
Coinbase là sàn giao dịch hàng đầu trên thị trường Crypto, và là công ty Crypto hiếm hoi ra mắt báo cáo tài chính, giúp chúng ta hiểu hơn về ngành này.
Ở bài viết này, mình sẽ không chỉ nói về Coinbase (coin), mà sẽ nói thêm về các Insight chúng ta rút ra được trong báo cáo tài chính của Coinbase, có thể là nhu cầu thị trường, tâm lý đầu tư, các CEX thu nhập như thế nào,….
Anh em tham khảo để có thêm góc nhìn trong đầu tư.
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là bảng báo cáo gồm nhiều số liệu về tất cả hoạt động của 1 công ty trong Quý hoặc trong năm, được bộ phận kiểm toán và chủ tịch công ty xác nhận.
Báo cáo tài chính bao gồm 4 thành phần chính:
- Bảng cân đối kế toán.
- Bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
- Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
- Thuyết minh Báo cáo tài chính.
3 bảng đầu tiên bao gồm nhiều số liệu, cho chúng ta biết tài chính của công ty như thế nào, kinh doanh đang lời lỗ, tăng trưởng hay giảm đi so với giai đoạn trước.
Bảng thuyết minh sẽ đi sâu vào các số liệu trên, giúp ta hiểu tại sao lại ra con số đó. Ví dụ, lợi nhuận tăng mạnh, nhưng tăng mạnh do đâu, nguồn này có ổn định không? Bảng thuyết minh sẽ cho ta biết điều đó.
⇒ Tổng lại, báo cáo tài chính cho ta biết được phần lớn về sức khỏe tài chính và hoạt động kinh doanh của 1 công ty.
Lưu ý khi đọc Báo cáo tài chính:
Báo cáo tài chính là hoạt động được yêu cầu theo pháp luật, và được báo cáo theo 1 quy chuẩn. Nhưng quy chuẩn không thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi ngành nghề, vì vậy, một số công ty có thể thay đổi số liệu mà vẫn hợp với quy chuẩn.
Vậy nên khi đọc BCTC, anh em đừng chỉ nên đọc về Doanh thu hay Lợi nhuận, mà phải tìm hiểu kỹ những thông số còn lại, nếu anh em không thể đọc BCTC, có thể tham khảo góc nhìn từ các chuyên gia, như vậy anh em sẽ có được góc nhìn khách quan hơn để tham gia đầu tư. Đừng để các“phù thủy của những con số” làm anh em lạc lối.
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về đối tượng chính trong bài này – Coinbase.
Coinbase là gì? Các sản phẩm chính của Coinbase
Coinbase (hay Coinbase Inc) là một công ty cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm bảo mật khác nhau trong thị trường tiền điện tử, bao gồm: ví lưu trữ, sàn giao dịch, staking, saving,… được thành lập bởi Brian Armstrong và Ben Reeves vào năm 2012.
Mục tiêu của Coinbase là xây dựng nên một hệ thống tài chính mở, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và dễ tiếp cận hơn cho người dùng thông qua nền kinh tế tiền điện tử – Crypto Economy.
Sự nổi tiếng của Coinbase đến từ việc tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư lớn chính thống tại USA. Coinbase cũng là sàn giao dịch CEX đầu tiên được IPO với định giá lúc lên sàn lên đến $200 B.
Các sản phẩm chính của Coinbase
Là một sàn giao dịch hàng đầu, Coinbase cũng mở rộng các dịch vụ của mình, các sản phẩm trong hệ sinh thái Coinbase bao gồm 5 sản phẩm chính:
- Coinbase Exchange: Đây là sản phẩm chính của Coinbase, hỗ trợ các hoạt động giao dịch.
- Coinbase Custody: Coinbase Custody là sản phẩm lưu kí tài sản, bảo đảm tài sản cho các quỹ đầu tư lớn trên thị trường. Trên nguyên tắc, các Quỹ đầu tư sẽ không được nắm quyền sở hữu hoàn toàn tài sản mà phải nhờ lưu ký ở một bên khác, để bảo đảm độ an toàn và bảo mật cho tài sản đó. Coinbase Custody tương tự với dịch vụ lưu ký chứng khoán của các ngân hàng.
- Coinbase Wallet: Ví phi tập trung của Coinbase, giúp người dùng kết nối vào các Protocol DeFi
- Coinbase Prime: Sản phẩm dành riêng cho các tổ chức được ra mắt vào giữa Q3 vừa rồi, bao gồm các dịch vụ Custody, Trading, Phân tích, Giải pháp tài chính, Công cụ đầu tư,… giúp các Tổ chức tham gia đầu tư vào Crypto dễ dàng hơn.
- Coinbase Cloud: Bộ sản phẩm giúp các nhà phát triển xây dựng và tích hợp với các sản phẩm Crypto một cách hiệu quả và tối ưu hơn.
⇒ Đây là một hệ sinh thái rất lớn và đặc biệt tất cả các sản phẩm đều tuân theo quy định của pháp luật, đem lại sự tiện nghi và an tâm cho người dùng.
Những thông số nổi bật trong báo cáo tài chính của Coinbase
Người dùng
Lượng người dùng hàng tháng (MTUs) của Coinbase trong Quý 3/2021 đạt 7.4 triệu người, giảm 1.4 triệu (-16%) so với Q2. Tuy nhiên, điểm tích cực là người dùng đã tham gia vào nhiều sản phẩm của Coinbase hơn, không chỉ đơn thuần là giao dịch.
Dưới đây là bảng so sánh người dùng:
Trong Quý 3, số người chỉ hoạt động giao dịch Coinbase đã giảm chỉ còn 50%, trong những những người chỉ tham gia các sản phẩm khác ngoài giao dịch đã tăng lên khoảng 20%.
Doanh thu
Đầu tiên, có thể thấy doanh thu của Coinbase đi xuống rõ rệt, từ $2,033 M xuống còn $1,234.7 M, giảm gần 40% sau nhiều quý tăng trưởng.
Doanh thu của Coinbase bao gồm 2 nguồn:
- Doanh thu từ phí giao dịch.
- Doanh thu từ phí đăng ký và dịch vụ.
Doanh thu từ phí giao dịch: Chiếm hơn 88%.
Trong Q3/2021, doanh thu từ phí giao dịch giảm mạnh ở cả người dùng cá nhân và người dùng tổ chức. Theo Coinbase, điều này xuất phát từ việc thị trường ảm đạm vào tháng 7, sau đó, trong tháng 8 và tháng 9 có sự cải thiện lại rõ rệt, tuy nhiên cũng không kéo doanh thu của Quý cải thiện.
Theo một số nguồn khác mình đọc được, dịch vụ của Coinbase trong Q3 thường xuyên thiếu ổn định, không thể giao dịch, điều này góp phần khiến doanh thu trong Q3/2021 xuống như vậy.
⇒ Sự ổn định ở các sàn CEX đóng vai trò quan trọng, khi thị trường biến động là lúc nhiều người muốn giao dịch nhất, nếu sàn CEX không đảm bảo cơ sở hạ tầng và bị lỗi vào những thời điểm này, họ sẽ mất đi rất nhiều doanh thu, đồng thời người dùng cũng sẽ đi sang sàn khác để giao dịch.
Ở điểm này, mình thấy FTX là sàn ổn định nhất, mình chưa gặp trường hợp giật lag nào ở FTX.
Doanh thu từ phí đăng ký và dịch vụ: Chiếm khoảng 12%.
Điểm tích cực là doanh thu từ phí đăng ký và dịch vụ đã tăng khoảng 40% trong Q3/2021. Dù chiếm một một tỉ lệ nhỏ trong doanh thu, nhưng điều này cho thấy việc phát triển thêm nhiều sản phẩm đã đem lại một kết quả tốt.
Doanh thu tăng phần lớn đến từ “Blockchain Rewards”, khả năng cao đến từ phần thưởng ETH 2.0 – dịch vụ mà Coinbase ra mắt gần đây. “Blockchain Rewards” cũng là phần doanh thu tăng trưởng đều trong thời gian gần đây, cho thấy được tiềm năng phát triển trong tương lai.
⇒ Tổng kết lại, doanh thu Coinbase có sự đi xuống rõ rệt sau vài quý tăng mạnh, tuy nhiên điểm tích cực đến từ các sản phẩm phụ của Coinbase.
Chi phí
Kinh doanh sàn CEX không đơn giản chỉ tạo ra cái sàn và thu phí, còn phải nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho hàng chục triệu người, cũng như chi phí cho nhân sự, các khoản này khiến Coinbase mất hàng trăm triệu USD đến hàng tỉ USD mỗi Quý.
Chi phí cho Q3/2021 của Coinbase là khoảng $1 Tỉ USD, trong đó nổi bật là “Chi phí phát triển công nghệ” và “Chi phí quản lí điều hành” chiếm hơn gần $600 M (60%).
2 khoản chi phí này tăng đều trong suốt một năm nay và không hề giảm, bất chấp thị trường ảm đạm vào Q3.
⇒ Coinbase đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, khiến các khoản chi phí cố định tăng cao.
Chi phí cố định cũng là những chi phí bỏ ra vì mục đích dài hạn, đảm bảo nhu cầu cho người dùng và không quan tâm nhiều đến ngắn hạn. Do đó, trong dài hạn, khi thị trường tăng trưởng mạnh trở lại, mình tin lợi nhuận của Coinbase sẽ tăng nhanh.
Ngoài ra, trong bảng chi phí có một dòng là “Phí giao dịch” (Transaction Expense) chiếm một phần cũng không nhỏ (16%). Anh em sẽ thắc mắc Tại sao sàn CEX mà lại tốn phí giao dịch?
Theo Coinbase, đó là chi phí giao dịch và phân phối phần thưởng từ ETH 2.0, con số lên đến gần $200 Triệu USD, cho thấy hoạt động này được hưởng ứng rất nhiều.
Điều đó cho thấy, phát triển các tính năng staking rất được lòng các nhà đầu tư, giúp họ kiếm thu nhập thụ động. Đây là điều mà Binance đang làm tốt, họ có nhiều sản phẩm staking, cả Staking cố định và Staking không cố định.
Lợi nhuận
Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không giảm nhiều do phải đầu tư vào chi phí cố định, vậy nên lợi nhuận của Coinbase trong Q3 giảm đáng kể là điều dễ hiểu, chỉ còn 400 Triệu USD, bằng 1/4 so với Quý trước đó.
Tỷ suất lợi nhuận (profit margin) của Coinbase đạt: 406/1235 = 32.8%.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế (EBITDA) của Coinbase đạt: 618/1235 = 50%.
Nếu so sánh chỉ số này với các công ty tài chính truyền thống (khoảng 10% – 20%), thì đây vẫn là 1 con số cao, dù Quý này Coinbase kinh doanh xuống cấp.
Điều đó có nghĩa, sàn giao dịch CEX là một ngành tỷ suất lợi nhuận khá tốt. Đó thậm chí là giai đoạn Coinbase bỏ ra nhiều chi phí cố định để phát triển cơ sở hạ tầng, khi hoàn tất xây dựng hoặc xây dựng ít đi, tỷ suất lợi nhuận của Coinbase hoàn toàn có thể đạt lên mức 50% – 70%.
Phân tích các hoạt động khác của Coinbase
Hoạt động Listing và Custody
Coinbase nổi tiếng là giao dịch an toàn và tuân thủ pháp luật, các dự án được hỗ trợ bởi Coinbase đồng nghĩa với việc tiếp cận được với dòng vốn lớn từ tài chính chính thống. Do đó, các hoạt động Listing và Custody của Coinbase cũng rất được quan tâm.
Trong năm 2020 và 2021, dù thị trường trải qua rất nhiều giai đoạn bùng nổ và suy thoái, nhưng việc hỗ trợ Listing và Custody của Coinbase diễn ra khá đều.
Listing chậm nhưng ổn định, ưu tiên về độ an toàn và tính pháp lý với yêu cầu khắt khe, anh em đọc thêm “04 tiêu chí quan trọng để được list trên Coinbase” để hiểu thêm. Điều này nâng tầm danh tiếng của Coinbase, các dự án được tin niêm yết trên sàn Coinbase được pump rất cao và ít bị xả sau đó.
Một điều nữa, dự án đã list Coinbase rồi thì rất ít khi bị delist.
Q3/2021 là thời kỳ bùng nổ listing trên Coinbase, đặc biệt là trong tháng 8, Coinbase tổng cộng đã niêm yết 27 dự án trong Quý 3, thuộc nhóm ngành DeFi.
Có thể sau 1 giai đoạn tháng 7 kinh doanh không tốt, Coinbase đã ngay lập tức thay đổi chiến lược listing nhiều hơn để giành lại thị phần, và thực sự Coinbase đã làm được, volume giao dịch trong tháng 8 và tháng 9 đã tăng trở lại.
Lĩnh vực đầu tư – Coinbase Ventures
Coinbase Ventures là cánh tay cho mảng đầu tư của Coinbase. Cũng như hoạt động Listing, hoạt động đầu tư của Coinbase Ventures cũng rất kỹ lưỡng, đó là lý do Coinbase đầu tư nhiều vào các dự án CeFi (18%).
Ngoài CeFi, danh mục đầu tư của Coinbase cũng phân bổ cho các nhóm ngành là xu hướng chính trong thời gian gần đây:
- Protocol + Web 3 Infrastructure: 29%.
- DeFi: 24%.
- Platform + Developer Tools: 15%.
- NFT/ Metaverse: 9%.
- Các dự án khác: 5%.
Bên cạnh đầu tư để hỗ trợ các dự án Crypto, Coinbase cũng đầu tư vào các công ty kỹ thuật, giúp Coinbase phát triển hệ sinh thái. Chẳng hạn, Coinbase đã đầu tư và mua lại Bison Trails vào năm 2021, công ty này sau đó đã phát triển 1 trong những sản phẩm chính của Coinbase – Coinbase Cloud.
Các sản phẩm mới
Trong Q3/2021, Coinbase đã ra mắt nhiều sản phẩm hay ho như Coinbase Prime, Coinbase Cloud, Coinbase Wallet. Sắp tới, Coinbase dự kiến sẽ tung ra thị trường thêm nhiều sản phẩm nữa, đa dạng hóa nhu cầu sử dụng của người dùng ⇒ Coinbase đang cố gắng bắt kịp xu hướng.
Một số sản phẩm nổi bật sắp tới của Coinbase có thể kể đến như:
- Coinbase NFT: Sàn giao dịch NFT cho phép anh em mint, giao dịch, mua bán các loại NFT trên đó. Vậy là sau Binance và FTX, Coinbase đã bắt đầu xây dựng sàn NFT của mình.
- 24/7 Customer Support: Dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7 trên điện thoại và tin nhắn sẽ được ra mắt vào Q4/2021.
- Payroll: Coinbase sẽ phát triển các dịch vụ thanh khoản, giúp người dùng nạp rút các khoản fiat một cách dễ dàng hơn.
- Nâng cấp giao dịch giao dịch: Để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, Coinbase sẽ có bản nâng cấp giao dịch UI/UX kèm với đó là nhiều tiện ích như Staking & Earn, đem lại nhiều trải nghiệm khi giao dịch trên Coinbase.
Đánh giá về Coinbase và ngành CEX
Coinbase là sàn CEX cũng như là dự án Crypto hiếm hoi công bố các hoạt động kinh doanh của mình, do đó, khó có một khuôn mẫu để so sánh với Coinbase. Ở đây mình sẽ đánh giá dựa trên những quan điểm cá nhân và suy nghĩ về Coinbase.
Đầu tiên, Coinbase đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn vào Crypto.
Dòng vốn từ các công ty lớn vào Crypto là điều rất dễ thấy, các Quỹ lớn không đầu tư nhiều cũng đầu tư ít để đa dạng hóa danh mục của họ, chống lại những biến động mà lạm phát gây ra. Việc phát triển các sản phẩm tuân thủ theo pháp luật sẽ mở ra cánh cổng để các Quỹ tham gia vào Crypto.
Thứ hai, Coinbase đang hướng đến một hệ sinh thái nhiều sản phẩm.
Đây có thể xem là xu hướng mà các CEX đang nhắm đến, giúp họ vượt trội so với phần còn lại:
- FTX: Sàn chuyên cho Trader cũng đa dạng hóa sản phẩm của họ, không chỉ là Spot và Futures, còn có Leverage token, OTC, Options,…
- Binance: Sàn chuyên cho Retail – các nhà đầu tư nhỏ lẻ, sản phẩm của Binance sẽ mang hướng đại trà hơn, dễ sử dụng hơn như Fixed Staking, Flexible Staking, NFT Marketplace, Option 1 chiều,…
- Coinbase: 1 phần sẽ đi theo hướng của Binance phục vụ các nhà đầu tư nhỏ như Staking, NFT Marketplace,… 1 phần sẽ phục vụ cho Tổ chức, phát triển các sản phẩm như Coinbase Custody, Coinbase Prime, Coinbase Cloud,…
Với hướng đi này, Coinbase, Binance và FTX đang vượt trội hơn hẳn các sàn giao dịch khác.
Cuối cùng, ngành CEX là ngành có biên lợi nhuận tốt.
Biên lợi nhuận 50% – 60%/năm là biên lợi nhuận rất cao mà rất ít ngành có thể đạt được, điều đó phản ánh sức hút của thị trường Crypto, dần dần dòng tiền sẽ đổ về đây để tìm kiếm cơ hội.
Kết luận
Trên đây là những phân tích và góc nhìn mình học được sau khi đọc về BCTC Q3 của Coinbase, anh em nghĩ sao về sàn Coinbase hay ngành CEX nói chung? Hay có token sàn nào anh em đang chú ý? Hãy để lại bình luận của anh em bên dưới để chúng ta cùng trao đổi và thảo luận.
Đừng quên đăng ký và tham gia các nhóm, channel của Coin98 Insights dưới đây để được thảo luận cùng các admin và nhiều member khác trong cộng đồng:
- Group Chat Telegram: t.me/Coin98Insights_Chat
- Channel Telegram: t.me/Coin98Insights
- Youtube: youtube.com/coin98
- Group Facebook: www.facebook.com/groups/Coin98.Net
- Twitter: twitter.com/Coin98Insights