3 điều khiến phe gấu đặt cược vào thị trường giảm
Bitcoin lại giảm khi lãi suất ngừng tăng
Ngày 15/6, Fed đã tuyên bố ngừng tăng lãi suất như dự báo của đa số các chuyên gia và thị trường. Những tưởng đây sẽ là tin vui cho crypto, nhưng mấu chốt lại nằm ở biên bản cuộc họp và bài phát biểu của ông Jerome Powell – Chủ tịch SEC. Chỉ vỏn vẹn 30 phút sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed, giá Bitcoin đã giảm 4% từ 25,867 USD xuống còn 24.819 USD.
Dù biến động này vẫn không phải lớn khi nhìn lại lịch sử những lần nâng lãi suất trước của Fed, nhưng đây có thể trở thành cơ sở để nhà đầu tư tin rằng Bitcoin khó về lại mốc 30,000 trong một vài tháng tới.
Trong cuộc họp FOMC, Jerome Powell – Chủ tịch Fed nói rằng phạm vi 5 – 5.25% chỉ là điểm dừng tạm thời. Điều này như muốn ám chỉ, những kỳ họp tới có thể đe dọa sự phát triển của crypto trong dài hạn.
Những chỉ số như PPI hay CPI khá tích cực cho thấy lạm phát đang đi đúng hướng, nhưng xét trên bình luận của ông Powell, lãi suất có thể tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Điều này khiến Bitcoin gặp nhiều khó khăn trong những kỳ họp tới của Fed. Xét trên biểu đồ Dotplot, các thành viên của Fed muốn lãi suất tăng lên mốc 5.5 – 5.75%, tức là khoảng 2 lần tăng nữa. Nhận thấy rủi ro vẫn còn hiện diện, Bitcoin giảm mạnh và khiến hơn 147 triệu USD tài sản đã bị thanh lý bởi thông tin trên.
Theo báo cáo của CoinShare, 88 triệu USD đã bị chảy ra khỏi thị trường trong tuần trước. Qua đó, nâng tổng số tài sản bị rút ra trong 8 tuần liên tiếp lên con số 417 triệu USD. Những chuyên viên phân tích tại CoinShare cho rằng, xu hướng trên xảy ra do các nhà đầu tư nhận thấy lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến họ ngày càng thận trọng trong quyết định đầu tư vào thị trường.
Ngoài ra, dòng tiền chảy ra cũng đến từ phía các thợ đào Bitcoin, khi thị trường hạ nhiệt khiến doanh thu của họ cũng vì thế giảm theo. Một số thợ đào đã quyết định giảm tải và bán ra BTC ngay từ những ngày đầu tháng 6.
Bên cạnh vấn đề sụt giảm doanh thu, các yếu tố ảnh hưởng đến áp lực bán có thể đến từ độ khó trong việc khai thác và tỷ lệ băm (hashrate) đạt đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Theo Glassnode, vào ngày 3/6, dòng tiền gửi lên sàn của giới thợ đào tăng vọt lên mức cao nhất trong ba năm trở lại.
Rào cản pháp lý ngày càng lớn tại Mỹ
Trải qua gần hai tuần với lịch trình sự kiện pháp lý dày đặc, các nhà đầu tư hẳn cảm thấy ngột ngạt với những cơ quan như SEC hay CFTC bởi họ luôn vòng vo trong pháp lý về crypto. Cáo buộc vẫn được gửi liên tục, nhưng khi đối chất trước tòa hay các bên yêu cầu pháp lý SEC thường không đưa ra quy định thuyết phục cho vấn đề liên quan đến crypto.
Gần đây nhất, Coinbase đã kiến nghị SEC đưa ra khung pháp lý dành cho crypto. Cơ quan yêu cầu hơn 120 ngày để quyết định có hay không việc chấp nhận kiến nghị của Coinbase. Gary Gensler – Chủ tịch SEC sẽ giữ nguyên lập trường của ông khi quyết không ban hành quy tắc mới. Dù ý kiến của ông Gensler không đại diện cho SEC, nhưng với tư cách là người đứng đầu cơ quan, chắc chắn vị chủ tịch sẽ quyết không để kiến nghị được thực thi.
Cho đến khi có quy định mới, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ tiếp tục phải chứng kiến nhiều cơn “đau tim” khác như khi Bitcoin giảm đột ngột vào ngày ⅚ vừa qua. Đây cũng chính là cú “đề pa” khiến Bitcoin giảm hơn 4% vào đầu tuần trước.
Đọc thêm: Động cơ thực sự của SEC và nước Mỹ
Dường như, Gary Gensler và SEC đã trở thành những thực thể phản diện trong mắt nhà đầu tư crypto lẫn các chính trị gia bảo vệ ngành công nghiệp tiềm năng này. Dù trước đó vào năm 2018, ông Gensler từng có những nhận định hoàn toàn trái ngược với bản thân ở hiện tại.
Đối đầu với SEC rất gian nan, nhưng những công ty như Ripple, Binance, Coinbase vẫn chấp nhận đương đầu để bảo vệ quyền lợi của họ. Trong tuần này, Binacne đã nhận được tín hiệu tích cực khi tòa án từ chối lệnh đóng băng tài sản Binance US của SEC. Thậm chí, SEC không thể đưa ra những lập luận thuyết phục trước nghi vấn của cơ quan này về việc Binance US chuyển tài sản ra nước ngoài.
Cuộc chiến với SEC để tìm kiếm khung pháp lý cho crypto có thể còn kéo dài rất lâu nữa, thậm chí cho đến khi ông Gensler hết nhiệm kỳ. Có lẽ cho đến lúc Mỹ phát triển được khung pháp lý riêng, dòng tiền chảy vào từ xứ sở cờ hoa mới có thể dạt dào như trước. Theo CryptoQuant, nguồn cung chảy từ Mỹ vào thị trường đã giảm kể từ tháng 4/2021 do những vấn đề pháp lý. Dù muốn hay không, nguồn tiền từ Mỹ vẫn rất quan trọng, bởi USD là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến giá Bitcoin.
Như đã đề cập trong bài viết trước, kinh tế vĩ mô cùng chính sách pháp lý tại Mỹ hiện là rào cản khiến Bitcoin không thể bứt phá và thực tế hiện đang chứng minh điều đó. Thị trường đang khát khao những xu hướng mới để dòng tiền tiếp tục được luân chuyển, có lẽ khi chúng xuất hiện Bitcoin mới thực sự có cơ hội để bứt phá.
Đọc thêm: Lý do Bitcoin liên tục có những ‘cú lừa’ trong tháng 5
Khác hẳn với Mỹ, tại Hong Kong lại giang rộng vòng tay với các công ty crypto. Không chỉ mời gọi Coinbase về lập trụ sở tại đây, Ngân hàng Trung ương Hong Kong còn yêu cầu các tổ chức hỗ trợ công ty hoạt động trong ngành công nghiệp crypto với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số. Qua đó, các công ty sẽ nhận được quyền truy cập vào dịch vụ ngân hàng.
Còn tại Châu Âu, các quy định MiCA đang dần thành hình, phía Cơ quan Tài chính của EU đang trong quá trình chuẩn bị cho việc tư vấn vào tháng 7 tới. Các vấn đề tư vấn xoay quanh MiCA như thủ tục cấp phép, quản trị, xung đột lợi ích và xử lý khiếu nại sẽ được phải nhận được sự chấp thuận của Ủy ban, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.
Dự kiến, các quy định MiCA phải mất khoảng 18 tháng để có hiệu lực hoàn toàn, điều này cho thấy các cơ quan quản lý đang từng bước chuẩn bị để quá trình phổ biến luật không gặp phải bất cứ trục trặc nào.
Stablecoin trong vòng nguy hiểm
Các stablecoin không chỉ cung cấp tính ổn định và thanh khoản, mà từ lâu chúng luôn được xem như hầm trú ẩn an toàn của nhiều nhà đầu tư mỗi khi thị trường xảy ra biến động mạnh. Do đó, những tin xấu bủa vây quanh stablecoin chắc chắn sẽ khiến thị trường khó lòng phát triển được.
Kể từ đầu năm 2023, các stablecoin liên tục “gặp hạn” khi vướng vào từ khủng hoảng ngân hàng cho đến vấn đề pháp lý:
- Tháng 2: SEC cáo buộc BUSD là chứng khoán, khiến Paxos phải ngừng đúc stablecoin này. Qua đó, nguồn cung của BUSD liên tục sụt giảm trên thị trường.
- Tháng 3: Khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ gây ảnh hưởng trực tiếp khiến USDC mất peg, do công ty chủ quản Circle không thể rút được tài sản ra khỏi nhà băng. Dù đã lấy lại peg nhưng uy tín của USDC bị suy giảm phần nào.
- 14 Tháng 6: TUSD ngừng mint stablecoin trên PrimeTrust do vấn đề của công ty đối tác.
- 15 Tháng 6: USDT mất peg (xuống 0.997 USD) do 3pool trên Curve mất tỷ lệ lý tưởng 33.33% cho mỗi stablecoin. Tỷ lệ của USDT đã bị đẩy lên 70%, cho thấy các nhà đầu tư đã đổi hàng triệu stablecoin này để lấy DAI và USDC.
Theo Paolo Ardoino – CTO của Tether, trong bối cảnh thị trường đang có những diễn biến phức tạp như hiện tại, những kẻ xấu đã lợi dụng 3pool trên Curve để lũng đoạn giá USDT. Ông Ardoino khẳng định Tether luôn sẵn sàng chi tiền để tránh ảnh hưởng xấu đến USDT.
Những tin xấu bủa vây các stablecoin khiến cho nguồn cung của chúng cũng bị ảnh hưởng. Theo DeFiLlama, marketcap của stablecoin vẫn luôn trong chiều giảm kể từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Các nhà đầu tư dường như đang chờ đợi những tín hiệu tốt hơn từ onchain của stablecoin để biết được sức mua trên thị trường, qua đó xuống tiền một cách hợp lý hơn trong mục tiêu dài hạn.
Tuy nhiên, theo quan sát của Nhà đầu tư nổi tiếng Miles Deutscher, việc stablecoin gặp biến cố thường sẽ là dấu hiệu để thị trường có tăng trưởng nhẹ. Do đó, nếu các nhà đầu tư nhắm đến mục tiêu ngắn hạn, đây có thể là thời cơ để chúng ta “hành động”.