Hacker 9x bị bắt vì nâng khống sổ tiết kiệm từ 1 triệu lên 51,2 nghìn tỷ đồng, chiếm đoạt 10 tỷ đồng tiêu xài, mua tiền ảo


Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can “siêu” hacker Dương Minh Tâm (27 tuổi – cư trú tại đường Giải Phóng, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) vì can thiệp vào một ngân hàng lớn ở TP.HCM, chỉnh sửa mã lệnh tài sản cầm cố là sổ tiết kiệm trị giá 1 một triệu đồng thành trên 51.244 tỉ đồng.

Dương Minh Tâm bị cáo buộc “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Nạp 1 triệu đồng, 7 lần rút, cuỗm hơn 10.5 tỷ đồng

“Siêu” hacker Dương Minh Tâm khai đã can thiệp vào hệ thống một ngân hàng lớn ở TP.HCM, đổi mã lệnh, chuyển sổ tiết kiệm thành hàng chục nghìn tỷ đồng, sau đó thế chấp lấy hơn 10 tỷ đồng. Số tiền này Tâm khai với công an đã rút 6,5 tỷ đồng từ tài khoản của mình để tiêu xài cá nhân, mua tiền ảo… Hiện Tâm có ý định xin khắc phục hậu quả bằng nguồn tiền vay mượn từ gia đình.

Theo cáo buộc của công an, cuối năm 2022, Tâm mở tài khoản thanh toán tại một ngân hàng lớn. Sau đó, Tâm tải app của ngân hàng về điện thoại, xác thực thông qua phương thức e-KYC (hình thức định danh, xác thực khách hàng thông qua hình ảnh, video, giấy tờ tùy thân…).

Tiếp đó, Tâm mở sổ tiết kiệm online một triệu đồng trên app rồi can thiệp vào hệ thống tài chính của ngân hàng, chỉnh sửa mã lệnh để tài sản cầm cố tăng lên hơn 51.000 tỷ.

Cũng theo cáo buộc của công an, từ ngày 23/5 đến 9/6, Tâm đã 7 lần thực hiện việc rút tiền từ hệ thống ngân hàng, chuyển về tài khoản cá nhân hơn 10,5 tỷ đồng. Trong đó có giao dịch chuyển trả ngân hàng 500 triệu đồng, còn lại chiếm đoạt.

Có thể phạt tù “siêu” hacker Dương Minh Tâm đến 20 năm

Căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật và số tiền chiếm đoạt, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của bị can Dương Minh Tâm là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm hoạt động bình thường trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý an ninh mạng, và quyền sở hữu tài sản của cơ quan, cá nhân, tổ chức cụ thể là xâm phạm hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng.

Bị can Dương Minh Tâm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, theo quy định điều 290 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt tối đa đến 20 năm tù giam.

Theo luật sư Tuấn, tội phạm và hình phạt được quy định cụ thể tại điều 290 như sau: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 173 và điều 174 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…

Cũng theo luật sư Tuấn, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên… Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Như vậy trong trường hợp của Dương Minh Tâm, số tiền chiếm đoạt lớn, hành vi đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 12 đến 20 năm. Tuy nhiên, tùy vào sự thành khẩn, khắc phục hậu quả từ đối tượng và các tình tiết giảm nhẹ khác Toà án sẽ cân nhắc khi lượng hình”, luật sư Tuấn nhận định.

Nguồn: T/H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *