Trung Quốc được xem là trung tâm của ngành công nghiệp tiền điện tử. Hiện tại, thợ đào ở đất nước này đang tạo ra nhiều hashrate Bitcoin và Ethereum hơn bất kỳ thợ đào nào ở các quốc gia khác. Nhiều công ty tiền điện tử lớn nhất thế giới cũng đang thu được phần lớn doanh thu từ Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác, bao gồm Bitmain, Canaan, Binance, OKCoin, Tether, Huobi, OKX, Ebang và vô số cái tên khác. Đặc biệt, Ethereum còn có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc.
Trong những năm qua, chính phủ Trung Quốc liên tục gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh tiền điện tử, nhất là về mảng khai thác và giao dịch. Các công ty Trung Quốc đã bán gần như tất cả các thiết bị chạy thuật toán Proof-of-Work (PoW), còn những sàn giao dịch nổi tiếng, chẳng hạn như Binance, cũng tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc trong thời gian diễn ra lệnh cấm định kỳ của chính phủ. Vào giữa tháng 10 năm 2021, các công ty khai thác Trung Quốc đã quyết định “tắt máy” để tuân thủ lệnh cấm từ Bắc Kinh. Các nhà quảng bá thậm chí còn đổi tên NFT thành “tài sản sưu tầm kỹ thuật số” hòng xoa dịu các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Các cuộc đàn áp tiền điện tử của đất nước tỷ dân này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn hóa thị trường tiền điện tử, nhất là khi hơn 400 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi thị trường sau lệnh cấm vào năm 2021. Tuy nhiên, hầu hết các công ty tiền điện tử đều lẻn quay trở lại Trung Quốc ngay sau khi họ rời đi. Tiền điện tử là một cách sinh lợi không thể cưỡng lại để hỗ trợ người dân đại lục tránh bị kiểm soát vốn.
Tiền điện tử không bao giờ thực sự rời khỏi Trung Quốc
Binance thường nói rằng họ đang tạm ngưng cung cấp các hoạt động liên quan đến tiền điện tử cho người dân đại lục. Thật vậy, mặc dù có vô số thông báo về việc rời khỏi Trung Quốc vĩnh viễn, Binance vẫn kiếm được khoảng 1/5 doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở quốc gia này.
Ví dụ, vào tháng 5 năm 2023, Binance đã cho phép một giao dịch trị giá 90 tỷ USD diễn ra ở Trung Quốc. Một nguồn tin ẩn danh trong Binance đã xác nhận rằng, sàn giao dịch không ngại giúp một số trader VIP đổi địa chỉ VPN để giao dịch dễ dàng hơn…
Ngay cả khi một sàn giao dịch rời khỏi Trung Quốc, các kênh thanh khoản không chính thức của họ vẫn tiếp tục hoạt động. Hầu như tất cả các sàn đều tích cực duy trì thị trường P2P cho bất kỳ ai gặp khó khăn khi truy cập vào nền tảng chính thức, hoặc dành cho những người muốn giao dịch với khối lượng lớn. Các sàn hầu như đều thực hiện các giao dịch OTC thông qua ứng dụng nhắn tin, bao gồm WeChat của Trung Quốc.
Các cuộc đàn áp của Trung Quốc chưa bao giờ thực sự ngăn cản các công ty tiền điện tử hoạt động cũng như khiến người dân đại lục ngừng giao dịch crypto. Ngay cả các quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho Ethereum thông qua mạng lưới ủy quyền.
Sự bất ổn kinh tế của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử
Sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp tiền điện tử lớn đến mức đủ để ngăn chặn thị trường tăng trưởng nếu nền kinh tế tỷ dân bị đình trệ. VD như ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch COVID-19 kéo dài của Trung Quốc chắc chắn có mối tương quan với thị trường gấu kéo dài nhiều năm qua…
Các nhà đầu tư Trung Quốc lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiến hành một cuộc đàn áp khác trong tương lai. Tin tức tiêu cực về đợt IPO của Ant Group tại New York (vốn bị Tập Cận Bình tạm dừng) và các doanh nghiệp như Binance chạy trốn khỏi chính quyền Trung Quốc càng khiến lòng tin các trader lung lay. Các nhà bình luận đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể lặp lại cuộc Đại suy thoái.
Người dùng Trung Quốc cũng ngần ngại chi tiền trong bối cảnh hậu COVID-19 của Bắc Kinh. Trung Quốc đã trải qua gần ba năm phong tỏa kinh tế/ giao thông nhằm ngăn chặn đại dịch, buộc các nhà máy phải đóng cửa và công nhân phải ở nhà với rất ít sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Nhiều cư dân đại lục đã cạn kiệt tiền bạc trong ba năm qua và bắt đầu lo lắng nhiều hơn đến công việc vì họ không còn nhiều tiền tiết kiệm để đầu tư vào cryptocurrency nữa. Đây là một báo động lớn vì các sàn vẫn đang dựa vào khối lượng giao dịch từ Trung Quốc, điều đó có thể gây tổn hại cho thị trường tiền điện tử trên toàn thế giới.
Cuối cùng, thị trường bất động sản đang sụp đổ của Trung Quốc chắc chắn cũng khiến niềm tin lũng đoạn. Tập Cận Bình chỉ trích việc cho vay “liều lĩnh” và chiến lược pre-sold home (nhà trước bán – một tài sản xây dựng mới đã được bán trước khi xây nhà) đã gây ra bong bóng bất động sản. Ông chỉ đạo chính phủ ngừng hẳn các nguồn tài trợ quan trọng cho các công ty bất động sản, và điều này khiến bong bóng bắt đầu nổ.
Nhà phát triển bất động sản Evergrande đã nộp đơn xin phá sản. Một nhà phát triển khác là Country Garden đã yêu cầu gia hạn thanh toán trái phiếu Hoa Kỳ và được dự báo là sẽ vỡ nợ. Một số nhà phê bình đã gọi bất động sản Trung Quốc là “kế hoạch Ponzi thời hiện đại”. Nạn thất nghiệp của thanh niên cũng là một vấn nạn khác, với con số gây sốc là 1/5 tổng số thanh niên đang thất nghiệp tính đến tháng 6 năm 2023.
Nói tóm lại, khi Trung Quốc “hắt hơi”, tiền điện tử sẽ bị “cảm lạnh”. Đất nước này đóng vai trò rất quan trọng đối với một ngành công nghiệp hãy còn non trẻ. Bất chấp nhiều năm lặp đi lặp lại tuyên bố rằng tiền điện tử đã không còn cậy nhờ Trung Quốc, nhưng rõ ràng là không phải vậy.
Xoài
Theo Protos