Ăn nên làm ra, Tether vẫn bị nghi ngờ

Tether – nhà phát hành stablecoin hàng đầu thị trường – đã “sống sót” qua các cuộc thiên nga đen của thế giới crypto. Tranh cãi về công ty này vẫn chưa đến hồi kết.

Đầu năm nay, Marc Cohodes – “short thủ” người California nói với báo giới mình thấy rắc rối ở Signature Bank và Binance. Ông cho rằng các công ty này gặp vấn đề tương tự ngân hàng Silvergate hiện đã sụp đổ.

Dự đoán của ông không xa sự thật là mấy.

Vào ngày 12/3, vài ngày sau bình luận của ông, Signature đã phá sản. Mới đây, SEC cũng đâm đơn kiện Binance sau khi các đối tác ngân hàng của sàn cao chạy xa bay.

Hiện tại, Cohodes nghĩ một công ty khác có thể đi theo vết xe đổ này:

“Người cuối cùng trụ lại”

“Tether là người cuối cùng trụ lại”, Cohodes nói. “Họ không thể kiểm toán bất cứ thứ gì, không thể chứng tỏ bất cứ thứ gì, không thể xác minh bất cứ thứ gì. Do đó, họ cũng sẽ chịu số phận tương tự những người đi trước”.

Với những người hoài nghi, Tether không phải cái tên xa lạ. Nhiều người băn khoăn không biết họ thật sự dự trữ USD hỗ trợ cho stablecoin của mình hay không. Từ tận năm 2021, công ty short selling Hindenburg Research đã đặt câu hỏi về sự mập mờ trong những thông báo của Tether. Không rõ công ty làm ăn với những bên nào. Tuy nhiên, Zeke Faux của Bloomberg phát hiện Tether đã cho các công ty Trung Quốc vay ngắn hạn hàng tỷ USD, cũng như cho các công ty crypto vay thêm hàng tỷ USD khác (chẳng hạn Celsius hiện đã phá sản) bằng cách sử dụng Bitcoin làm tài sản thế chấp.

marc cohodes
Short thủ Marc Cohodes. Ảnh: Global News.

Bloomberg gần đây phát hiện thêm các tài liệu xác nhận trong số các khoản dự trữ hỗ trợ USDT, Tether Holdings từng tính cả chứng khoán do các công ty Trung Quốc phát hành. Những tài liệu này do Văn phòng Tổng chưởng lý New York công bố theo yêu cầu về Quyền tự do thông tin. (Vào năm 2021, Văn phòng từng cáo buộc Tether nói dối về khoản dự trữ và che giấu tổn thất). Trong khi đó, vào tháng Bảy năm ngoái, Tether lại nói họ không đang nắm giữ thương phiếu Trung Quốc và đã lên kế hoạch giảm lượng thương phiếu đang nắm giữ xuống còn 0 trong vòng vài tháng.

New York Times đã gọi Tether là “đồng coin có thể làm đắm crypto”.

“Có mối quan hệ”, Cohodes cho biết. Ông liên kết sự sụp đổ của FTX vào năm ngoái với sự lên xuống của các ngân hàng thân thiện với tiền điện tử. Ông cũng liên kết những vấn đề đó với Binance.

Trong khi đó, Tether tuyên bố stablecoin của họ được hỗ trợ 1-1 từ nguồn quỹ dự trữ của công ty — với mỗi stablecoin USDT thì có một USD hoặc tiền mặt tương đương do Tether nắm giữ.

Một phát ngôn viên của Tether cho biết: “Báo cáo hàng quý của chúng tôi có sẵn trên trang web và lượng Tether của chúng tôi đang lưu hành và dự trữ đều hoàn toàn minh bạch”. Ông cũng cho rằng “chẳng ích lợi gì khi trích dẫn ý kiến của những short thủ chuyên kiếm tiền bằng cách short tài sản”.

Vào thời điểm đó, Tether đã gọi những lời chỉ trích của Hindenburg Research là “một cách gây chú ý thảm hại”.

Nhưng tại sao Cohodes lại bi quan về Tether?

“Bởi vì trong thị trường, họ ngồi ‘chiếu trên’ nhưng lại chưa được kiểm toán” và cũng chưa chứng minh được những tuyên bố của mình là đúng. Cohodes nói. “Việc phát hiện sai trái chỉ là vấn đề thời gian”.

Về Binance, SEC cáo buộc sàn cho phép khách hàng bỏ qua các biện pháp chống rửa tiền và quản lý sai tiền gửi của khách. Vào đầu tháng này, một hồ sơ của SEC tiết lộ rằng CZ, CEO Binance, kiểm soát nhiều công ty khác nhau có tài khoản với Silvergate và Signature Bank.

Tether cũng sử dụng Signature, Bloomberg đưa tin vào tháng Tư.

Mối dây mơ rễ má

Cohodes đã chỉ ra mối dây mơ rễ má, giải thích lý do ông hoài nghi các ngân hàng thân thiện với crypto kể trên và bày tỏ lo ngại về các sàn giao dịch và nền tảng họ từng làm việc cùng.

“Các ngân hàng mà Tether sử dụng luôn có quyền truy cập vào một số kênh ngân hàng và đối tác”, Tether nói với Bloomberg vào thời điểm đó. Đồng thời họ cho biết Tether đã thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro trước khi Signature sụp đổ để đảm bảo “các thực thể của chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng”.

Trong nỗ lực minh bạch hoá, hàng quý Tether đều phát hành một báo cáo chứng thực (attestation). Tether cho biết trên trang web rằng họ chưa từng thất bại trong việc redeem stablecoin USDT thành USD.

Nhưng mặc dù được thực hiện bởi một công ty kiểm toán, chứng thực hoàn toàn khác với kiểm toán (audit), vốn liên quan đến việc công bố dữ liệu, rủi ro hoặc các vấn đề tuân thủ luật.

Chúng hoàn toàn vô dụng trong tư cách một hình thức thẩm định “due diligence”, John Reed Stark, cựu giám đốc Văn phòng Thực thi Internet của SEC, tweet vào tháng Năm. Ông cho biết các chứng thực chỉ là cách “người chứng thực đánh giá các dữ liệu đươc xem xét có chính xác vào thời điểm đó hay không”.

Phân tích dự trữ của Tether. Nguồn: Tether (Andrés Núñez).

Không dễ short Tether

Không giống Silvergate và Signature, Binance và Tether là công ty tư nhân nên không có cổ phiếu để short.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đánh cược vào chất lượng dự trữ của Tether thông qua các công cụ phái sinh. Từ tháng Ba năm ngoái, quỹ phòng ngừa rủi ro Fir Tree Capital Management cho biết họ đánh cược vào sự thất bại của Tether. Lý do thời điểm đó, stablecoin này có 24 tỷ USD giá trị nằm trong thương phiếu lãi suất cao, mà quỹ cho rằng có liên quan đến các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Vào đầu năm ngoái, Tether bắt đầu loại thương phiếu khỏi kho dự trữ, sau đó cho biết họ đã loại gần như toàn bộ thương phiếu vào tháng Chín.

Thay vào đó, Tether chọn tăng cường tiếp xúc với Kho bạc Hoa Kỳ – và gần đây tiết lộ kế hoạch chuyển lợi nhuận sang Bitcoin. Có thể họ cũng sắp tiết lộ các báo cáo tài chính để đáp ứng yêu cầu của CoinDesk về tự do thông tin ở New York.

Bất chấp những lời chỉ trích của Tether đối với các short thủ, Cohodes cho biết mình không hề short Tether. Với những cảnh báo của mình, ông chỉ đang “cố giúp mọi người”.

Tuy nhiên, muốn short Tether cũng không phải dễ. Trong khi nhiều tên tuổi đáng gờm trên thị trường lần lượt biến mất trong nhiều năm qua, hầu hết thời gian, USDT vẫn tiếp tục duy trì giá trị 1 USD của mình – một minh chứng khá ấn tượng về sự ổn định. Và lượng phát hành của họ chỉ tăng lên theo thời gian, đạt kỷ lục hơn 83 tỷ USD trong tháng này.

Chưa ai biết điều gì tiếp theo sẽ xảy đến với crypto và USDT sẽ xử lý như thế nào, nhưng hiện tại Tether Holdings xứng đáng tận hưởng một chút khoảnh khắc chiến thắng, như họ đã đăng trên blog của mình: Tether “dẫn đầu ngành trong các vụ thiên nga đen lớn nhất vào năm 2020 và 2022, quỹ dự trữ có thanh khoản tốt, chất lượng cao và sẵn sàng redeem bất kỳ khoản tiền nào”. 

Để đánh giá chiến lược của Tether, có lẽ chúng ta nên xem bộ phim Mighty Ducks, trong đó có cảnh huấn luyện viên Orion nói chuyện về khúc côn cầu – và cuộc sống. “Đừng bất cẩn”, ông nói với các cầu thủ. “Nhưng cũng đừng quá cẩn thận”.

Bản báo cáo gần đây từ Barron’s dự đoán doanh thu Tether năm 2023 sẽ đạt 6 tỷ USD nhờ vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Nguồn cung lưu thông của Tether đã chứng kiến ​​mức tăng 25,7% kể từ đầu năm, tăng vọt lên mức cao nhất ấn tượng là 83 tỷ USD. Với thị phần khổng lồ là 64%, Tether hiện chiếm gần 7% tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *