Việt Nam đứng thứ 4 về tỷ lệ sở hữu tiền điện tử khi nhận thức toàn cầu đạt 93%


Theo một cuộc khảo sát toàn cầu do Consensys phối hợp cùng YouGov thực hiện cho thấy sự hiểu biết và mức độ áp dụng tiền điện tử đang tăng trưởng đáng kể trên toàn cầu, đặc biệt sau một năm thị trường ghi nhận nhiều dấu ấn lịch sử.

Nhận thức về tiền điện tử đạt mức ấn tượng

Báo cáo chỉ ra rằng nhận thức về tiền điện tử đã đạt đến 93%, trong đó hơn một nửa số người tham gia khảo sát khẳng định họ hiểu biết rõ về công nghệ này. Đáng chú ý, nhóm nam giới trẻ tuổi từ 25 đến 44 tuổi thể hiện sự quen thuộc cao nhất với tiền điện tử, duy trì xu hướng nhân khẩu học đã được ghi nhận trong những năm qua.

Quyền sở hữu tiền điện tử và sự khác biệt khu vực

Cuộc khảo sát tiết lộ rằng 42% số người được hỏi hiện đang sở hữu hoặc từng đầu tư vào tài sản kỹ thuật số. Các quốc gia như Nigeria (73%), Nam Phi (68%), Philippines (54%), Việt Nam (54%), và Ấn Độ (52%) dẫn đầu về tỷ lệ sở hữu tiền điện tử. Điều này cho thấy khu vực châu Phi và châu Á tiếp tục là điểm nóng của sự quan tâm và đầu tư vào tiền điện tử, trong khi châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng ổn định hơn ở các quốc gia như Pháp và Đức.

Vai trò của Stablecoin và những thách thức cần vượt qua

Stablecoin, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển, nổi lên như một phương tiện đầu tư phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản ngăn cản sự tham gia rộng rãi hơn. Các vấn đề như biến động giá (20%), nguy cơ lừa đảo (17%), và thiếu kiến thức khởi đầu rõ ràng (14%) là những yếu tố chính khiến nhiều người vẫn còn do dự.

Sự áp dụng của stablecoin. Nguồn: Consensys

Tiềm năng của phi tập trung hóa (Web3) và blockchain

Cuộc khảo sát cũng nhấn mạnh rằng 82% người tham gia không tin tưởng vào sự thống trị của các nền tảng tập trung như các công ty Web2. Mặc dù vậy, hiểu biết về công nghệ phi tập trung vẫn hạn chế ở nhiều nơi, ngoại trừ các quốc gia như Nigeria, Nam Phi, và Indonesia, nơi nhận thức cao hơn đáng kể.

Blockchain được nhiều người xem là giải pháp cho các vấn đề trong lĩnh vực tài chính, truyền thông xã hội và dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, một khoảng cách đáng kể về giáo dục vẫn tồn tại khi sự nhiệt tình dành cho blockchain thường vượt xa hiểu biết thực tế về các ứng dụng của nó.

Quyền riêng tư, rủi ro AI và nhu cầu cải cách tài chính

Quyền riêng tư là mối quan tâm hàng đầu với 83% số người được hỏi nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, trong khi chỉ 46% tin tưởng nhà cung cấp dịch vụ internet xử lý thông tin cá nhân một cách an toàn.

Người khảo sát muốn có nhiều quyền riêng tư hơn | Nguồn: Consenys

Đồng thời, hơn 75% người tham gia bày tỏ lo ngại về việc AI lan truyền thông tin sai lệch và tạo nội dung gian lận. Blockchain được kỳ vọng có thể giảm thiểu những rủi ro này, với 54% cho rằng công nghệ này là giải pháp khả thi.

Niềm tin vào hệ thống tài chính truyền thống

Niềm tin vào các hệ thống tài chính truyền thống tiếp tục ở mức thấp, với chỉ 47% người tham gia đánh giá chúng là hiệu quả. Các khu vực như Nigeria, Indonesia và Philippines dẫn đầu trong lời kêu gọi cải cách tài chính, đồng thời thể hiện sự quan tâm cao đến tiền điện tử như một công cụ đổi mới.

Joseph Lubin, nhà sáng lập và CEO của Consensys, nhận định:

“Khảo sát này không chỉ làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng gia tăng của quyền riêng tư dữ liệu mà còn nhấn mạnh các mối quan ngại sâu sắc về tình trạng khai thác dữ liệu và thông tin sai lệch, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng AI và các cuộc bầu cử toàn cầu.”

Báo cáo này cho thấy tiền điện tử đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái kỹ thuật số, phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu cá nhân trong thế giới trực tuyến.

Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn. 

 

 

 

Itadori

Theo Cryptoslate

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *