Thị trường NFT hỗn loạn vì xung đột tiền bản quyền


Thị trường NFT đang trải qua một đợt sụt giảm hỗn loạn, căng thẳng gia tăng giữa trader và người tạo ra các bộ sưu tập kỹ thuật số vì những tranh cãi liên quan đến tiền bản quyền. Xung đột này bắt nguồn từ những quyết định gần đây của các sàn giao dịch NFT hàng đầu, bao gồm cả Blur và OpenSea, nhằm cắt giảm tỷ lệ tiền bản quyền trả cho các nghệ sĩ khi quyền sở hữu token thay đổi.

Lý do cho những thay đổi này đến từ quan điểm: Phí thấp hơn sẽ khuyến khích người dùng mua và bán nhiều hơn, nhất là khi ​​khối lượng giao dịch trên thị trường NFT giảm mạnh 95% từ mức 17 tỷ USD vào tháng 1 năm 2022, theo một báo cáo gần đây của Bloomberg

Tiền bản quyền, đạt mức cao nhất là 269 triệu USD vào tháng 1, kể từ đó đã giảm xuống chỉ còn 4,3 triệu USD vào tháng 7, do tỷ lệ thanh toán giảm từ 5% cho mỗi giao dịch xuống còn 0,6%. Khi thu nhập của giới nghệ sĩ sụt giảm đáng kể, khả năng cao họ sẽ nãn lòng, không còn cảm hứng sáng tác và vô tình làm trì trệ thêm một thị trường vốn đã trải qua thời kỳ suy thoái nghiêm trọng.

Thị trường NFT đã có một khoảng thời gian thành công từ tháng 8 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022, với tiền bản quyền tích lũy hàng tháng đạt 1,5 tỷ USD, phần lớn được thúc đẩy bởi sự phổ biến của các bộ sưu tập như Câu lạc bộ du thuyền Bored Ape của Yuga Labs Inc… Tuy nhiên, thị trường bắt đầu suy giảm và động thái ra mắt Blur vào tháng 10 đã gây ra sự gián đoạn đáng kể hơn nữa.

Theo Dune Analytics, nền tảng này đã ra chính sách khuyến khích giao dịch bằng cách giảm tỷ lệ tiền bản quyền và nhanh chóng chiếm được hơn 70% khối lượng hàng ngày trên blockchain Ethereum. Ally Zach, nhà phân tích nghiên cứu tại Messari, nhấn mạnh: “Với sự ra mắt của Blur, NFT ngày càng được tài chính hóa nhiều hơn”.

Tiến thoái lưỡng nan về tiền bản quyền

Một số chuyên gia ủng hộ việc cố định tỷ lệ tiền bản quyền vào thẳng phần mềm quản lý NFT, thay vì cho phép các sàn giao dịch điều chỉnh chúng dưới dạng các biến số thay đổi. Các thị trường như SuperRare và Art Blocks cũng đang thực hiện quy tắc này. 

Chris Akhavan, giám đốc mảng game tại thị trường NFT Magic Eden cho biết:

“Giống như tất cả mọi thứ trong web3, các quy tắc cuối cùng phải luôn được điều chỉnh thông qua bộ code, chứ không phải đặt hết vào các chuẩn mực xã hội là đủ”.

Shiva Rajaraman, Giám đốc kinh doanh của OpenSea, đã đề cập đến nhu cầu tìm cơ hội mới để người sáng tạo tương tác với cộng đồng của họ và kiếm sống, kiếm thêm nguồn thu nhập khác ngoài phí sáng tạo truyền thống. Ông ấy đề xuất liên kết NFT với doanh số bán hàng như một nguồn thu nhập tiềm năng cho các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, nghệ sĩ Matt Kane, người có bộ sưu tập NFT Right Place & Right Time được bán với giá hơn 100.000 USD vào năm 2020, đã cảnh báo rằng, sự suy giảm mức độ tương tác của người sáng tạo (do chất lượng và sự đa dạng của NFT giảm), sẽ ảnh hưởng lớn hơn bất kỳ sự gia tăng tạm thời nào về khối lượng giao dịch do chi phí giao dịch thấp hơn. Kane chia sẻ, nhiều nhà sưu tập của anh ấy là những người bảo trợ nghệ thuật. Và họ đã gửi cho anh thêm tiền bản quyền sau khi giao dịch trên các nền tảng NFT. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sưu tập đều hiểu chuyện… Kane nói:

“Công nghệ này có cả một tương lai đầy hứa hẹn là đưa chúng ta vào một nền kinh tế mới, nơi thắng lợi của một người là thắng lợi của nhiều người. Nhưng ngay bây giờ, chúng ta đang đi ngược lại với triết lý đó, khi mà thắng lợi của người này là sự thua cuộc của kẻ khác”. 

 

 

  

Xoài

Theo Cryptonews

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *