Lưu trữ cho từ khóa: lợi nhuận quỹ a16z

Quỹ đầu tư A16z có đạt lợi nhuận cao trong ba năm qua? 

Andreessen Horowitz (a16z), một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm tích cực nhất của Thung lũng Silicon, đã bắt đầu đầu tư Bitcoin từ những năm 2013. Đối với nhiều nhà đầu tư, một dự án được a16z đầu tư được xem là một dự án tốt và đáng để theo dõi. Sự thực có phải như vậy? 

Bài viết này được viết nhằm tìm hiểu về phong cách đầu tư của a16z cũng như lợi nhuận quỹ đã đạt được trong 2021, 2022 và 2023. Từ đó, rút ra kinh nghiệm đầu tư dựa trên quỹ đầu tư này. 

Danh mục đầu tư 2021

Vào 2021, không có quỹ đầu tư nào thực hiện đầu tư vào thị trường crypto khi giá đang tăng phi mã nhiều như quỹ a16z. Tổng số tiền a16z đã đầu tư trong năm 2021, bên cạnh các quỹ đầu tư khác, là 2.48 tỷ USD (lưu ý, số tiền đầu tư nêu trong bài là số tiền a16z đầu tư cùng nhiều quỹ khác, không phải chỉ mình a16z). Vì thực hiện đầu tư vào khoảng thời gian chưa phù hợp, hầu hết danh mục đều chưa tạo ra khoản lợi nhuận đáng kể cho a16z. 

Danh mục đầu tư của a16z bao phủ nhiều mảng khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu vào cơ sở hạ tầng, game, ví điện tử, data, NFT… Đây đều là những lĩnh vực được chú ý và có sự tăng trưởng tốt trong năm 2021. 

coin98
Danh mục đầu tư của a16z năm 2021. Nguồn: Coin98 Insights

Trong hạng mục cơ sở hạ tầng, Forte Labs – dự án chuyên hỗ trợ các nhà phát triển game blockchain là dự án được rót vốn lớn nhất với 725 triệu USD. Alchemy – dự án cung cấp công cụ cho các nhà phát triển Web3 cũng được đầu tư 250 triệu USD

Giao thức cơ sở hạ tầng chuỗi chéo Layer Zero cũng nhận được khoản đầu tư trị giá 120 triệu USD. Đây có thể là khoản đầu tư tốt vì Layer Zero hiện đã phát triển và gây được tiếng vang tốt trong cộng đồng. 

Solana cũng là một dự án nằm trong danh mục đầu tư của a16z với khoản đầu tư 314 triệu USD vào tháng 6/2021. Khoản đầu tư này đã giúp a16z kiếm được lợi nhuận đáng kể khi token SOL tăng từ 34 USD lên 250 USD sau 5 tháng. 

Ở mảng NFT, a16z cũng đầu tư vào RTFKT 8 triệu USD và OnChain Studios 7.5 triệu USD. Năm 2021 là giai đoạn các dự án NFT tăng trưởng nóng, đặc biệt bộ sưu tập NFT BAYC đã đạt khối lượng giao dịch 53 triệu USD vào tháng 8/2021. Đây là mảng rất tiềm năng, các nhà sáng tạo đã kiếm được hơn 1.9 tỷ USD từ doanh thu, theo a16z. 

Doanh thu từ các sản phẩm NFT. Nguồn: a16z

Sky Mavis với trò chơi nổi tiếng Axie Infinity cũng thuộc điểm nhắm của a16z. Khoản đầu tư 152 triệu USD là số tiền Sky Mavis nhận được từ a16z cùng các quỹ vào tháng 10/2021. Tuy nhiên, khoản đầu tư này đã đem lại thua lỗ cho a16z khi giá token AXS đã gần đạt đỉnh vào tháng 10/2021 trước khi giảm mạnh về 9 USD sau 2 tháng. 

Ấn Độ là quốc gia đông dân với 115 triệu người tham gia đầu tư vào crypto, theo nhiều nguồn tin. Do đó, nhu cầu giao dịch crypto tại đây là cực kỳ lớn. Sàn giao dịch crypto lớn nhất Ấn Độ CoinSwitch Kuber do đó đã gọi vốn thành công 260 triệu USD từ a16z cùng các quỹ khác vào đầu 2021. Doanh thu của CoinSwitch Kuber trong năm 2021 tăng gấp 5 lần so với 2020, do đó đây có thể được coi là một trong những khoản đầu tư thành công của a16z. 

Ngoài ra, nhiều dự án nổi bật được cộng đồng biết đến nhiều như Nansen, ví Phantom, Yield Guild Games, Royal, Matter Labs, Chia Network… cũng nhận được khoản đầu tư của a16z. Các dự án mà a16z chọn có thể được đánh giá khá tốt với sản phẩm chất lượng và đội ngũ giàu kinh nghiệm.

Tổng kết lại, năm 2021 a16z đã đầu tư vào 32 dự án. Trong đó, có 8 dự án lỗ, khoảng 3 dự án lời và 21 dự án chưa ra token. Tuy nhiên, những dự án mang lại lợi nhuận cho a16z đều được đầu tư số tiền lớn như Solana và CoinSwitch Kuber, lớn hơn nhiều so với những dự án lỗ như Yield Guild Games – được đầu tư 4.6 triệu USD, Nym Technology – được đầu tư 13 triệu USD… Do đó, khoản lợi nhuận có thể bù đắp khoản lỗ phần nào. 

Danh mục đầu tư 2022

Thị trường crypto vào năm 2022 liên tục giảm giá với nhiều FUD. Thêm vào đó, sự sụp đổ của Terra vào tháng 5/2022 cũng khiến thị trường crypto đi vào “mùa đông”. Thế nhưng điều này không làm chậm lại tiến trình đầu tư của a16z. Số dự án được a16z đầu tư vào 2022 còn nhiều hơn vào năm 2021 với 35 dự án. 

Danh mục đầu tư của a16z năm 2022. Nguồn: Coin98 Insights

Cơ sở hạ tầng tiếp tục nằm trong danh mục “ưa thích” của a16z. Layer Zero tiếp tục được a16z đầu tư 135 triệu USD vào tháng 3/2022. Light Spark – dự án chuyên về Lightning Network của Bitcoin, được đầu tư 175 triệu USD. Mysten Labs – dự án cung cấp cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư số tiền 300 triệu USD. Talos – nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cho các nhà phát triển cũng được rót vốn thành công 105 triệu USD.

Aleo – dự án chuyên về Zero Knowledge Proof cũng được đầu tư 200 triệu USD, token ALEO của dự án đã tăng từ 25 USD lên 56 USD, giúp a16z kiếm được khoản lợi nhuận đáng kể. Ngoài ra, Zero Knowledge Proof cũng là từ khóa được nhắc đến với tần suất tăng dần trong thời gian qua bên cạnh lượng giao dịch hàng ngày tăng mạnh trong năm 2023. Do đó, đây cũng là mảng tiềm năng đáng chú ý. 

Từ khóa Zero Knowledge đang được chú ý đến thời gian qua, Nguồn: a16z

Thế nhưng, cơ sở hạ tầng không phải là danh mục duy nhất thu hút sự chú ý của a16z. Sự phát triển của các Layer 1Layer 2 cũng thuyết phục a16z đầu tư thành công. 

Near Protocol – một trong những Layer 1 nổi bật nhất đầu 2022 đã được a16z đầu tư 150 triệu USD vào ngày 14/01/2022. Tiếc rằng, giá token NEAR đã đạt đỉnh vào ngày 16/01/2022 và giảm liên tục còn 3 USD sau 5 tháng. Đây có thể xem là một khoản đầu tư lỗ của a16z, nếu Near Protocol không có phát triển gì nổi bật giúp token NEAR tăng giá trong tương lai. 

Một cái tên Layer 1 thứ 2 quen thuộc với nhiều nhà đầu tư, giúp nhiều người nhận được khoản airdrop hàng nghìn USD được a16z lựa chọn chính là Aptos. Quỹ a16z đã thực hiện đầu tư 150 triệu USD vào Aptos vào tháng 10/2022. Ngay sau đó, giá token APT đã tăng từ 10 USD lên 18 USD vào tháng 1/2023, chỉ sau 3 tháng. Hiện tại, Aptos vẫn đang phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều nhà phát triển. Đây có thể được xem là khoản đầu tư tốt từ a16z. 

Bên cạnh Layer 1 thì Layer 2 cũng được a16z ưu ái khi thực hiện đầu tư 150 triệu USD vào Optimism vào tháng 3/2022. Tuy nhiên sau khi token OP ra mắt vào tháng 6/2022, giá OP đã giảm mạnh từ 3 USD còn 0.5 USD sau 1 tháng, trước khi đi ngang và tăng nhẹ lên 3 USD sau 9 tháng. Aztec Network cũng là một Layer 2 được a16z đầu tư 100 triệu USD. Dự án này chưa ra token và cũng phát triển áp dụng công nghệ zkRollup đình đám. 

NFT tiếp tục là cái tên được a16z nhắc đến nhiều khi quyết định rót vốn 450 triệu USD vào Yuga Labs vào tháng 3/2022. Đây là cái tên đứng sau những bộ sưu tập NFT đình đám như BAYC, MAYC, CryptoPunks và Meebits. Ngoài ra, quỹ a16z cũng đầu tư vào VeeFriends – dự án NFT số tiền khoảng 50 triệu USD.

Tại thời điểm rót vốn, thị trường NFT đang rất nóng khi có khối lượng giao dịch hàng tháng tính riêng trên Ethereum đạt khoảng 3 tỷ USD, đỉnh điểm đạt 5 tỷ USD vào tháng 1/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng này chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 80% so với tháng 3/2022. Do đó, thương vụ đầu tư này có thể chưa đem lại lợi nhuận cho a16z nhưng lại có tiềm năng trong tương lai, đặc biệt sau khi Yuga Labs ra mắt game metaverse Otherside – tựa game được FOMO và đánh giá rất cao. 

Khối lượng giao dịch NFT trên Ethereum hàng tháng. Nguồn: The Block

Thêm vào đó, số địa chỉ ví thực hiện mua ít nhất 1 NFT hàng tháng cũng tăng mạnh trong thời gian qua, đạt gần 1 triệu địa chỉ ví, tương đương với lượng địa chỉ ví vào 2021. Điều này cho thấy trong tương lai, thị trường NFT có thể tăng mạnh trở lại. 

Lượng địa chỉ ví mua NFT tăng mạnh. Nguồn: Crypto Slam, a16z

Bên cạnh các danh mục trên, a16z còn đầu tư vào nhiều mảng khác như gaming với khoản đầu tư 40 triệu USD vào Irreverent Labs, metaverse với khoản đầu tư 60 triệu USD vào Everyrealm, ví điện tử với khoản đầu tư 109 triệu USD vào Phantom Wallet, giải pháp liquid staking với khoản đầu tư 70 triệu USD vào Lido… 

Dù vậy, vì lựa chọn thời điểm đầu tư chưa tốt, được xem là ngay đỉnh thị trường của chu kỳ này, các khoản đầu tư trên đã khiến a16z thua lỗ khoản 40%, tính đến tháng 9/2022. Chỉ có 2 dự án mang lại lợi nhuận cho a16z trong năm nay là Aptos và Aleo. Với lượng lớn dự án chưa ra token, hiệu suất đầu tư của a16z cũng cần thêm thời gian để theo dõi. 

Danh mục đầu tư 2023

Dù 2023 chỉ mới bắt đầu, a16z đã có nhiều động thái tiếp tục đầu tư vào các dự án. Vào tháng 2/2023, Yield Guild Game – dự án gaming nhận được 13.8 triệu USD từ a16z. Alongside – dự án về nền tảng crypto cũng nhận được 11 triệu USD từ a16z. Azra Game – dự án game với 10 triệu USD và Stelo Labs – dự án bảo mật với 6 triệu USD. 

Danh mục đầu tư của a16z năm 2023. Nguồn: Coin98 Insights

Trong đó, Yield Guild Games là dự án khiến a16z thua lỗ khi giá token liên tục suy giảm từ khi đạt đỉnh vào tháng 8/2021 ở 10 USD còn 0.3 USD sau 11 tháng. 

Như vậy, có thể thấy hầu hết các dự án nổi bật trong thị trường như Solana, Layer Zero, Optimism, Aptos, Sky Mavis, Nansen, Yuga Labs, Lido… đều được a16z đầu tư với số tiền rất lớn từ 120 triệu USD đến 450 triệu USD. Có dự án giúp a16z kiếm được lợi nhuận, cũng có dự án khiến a16z thua lỗ khi đầu tư vào sai thời điểm. 

Sau năm 2022 nhiều bài học, a16z vẫn tin vào tương lai của crypto và cho rằng, quỹ a16z đầu tư vì tin vào giá trị chứ không chỉ vào những con số. So sánh với lượng người dùng Internet thì lượng người dùng Web3 sẽ có khả năng tăng lên 1 tỷ người vào 2035, theo World Bank, Dune Analytics và a16z. 

Tiềm năng phát triển của Web3 so với Internet. Nguồn: World Bank, Dune Analytics, a16z. 

Tổng kết

Hầu hết các dự án được a16z chọn lựa để đầu tư đều nằm ở vòng Series A, chiếm 37% và vòng Seed round, chiếm 32%. Vòng Series B chiếm 17% danh mục đầu tư của a16z và các vòng khác là 14%. 

Có thể dễ dàng thấy rằng, dự án lỗ chiếm phần lớn tổng danh mục đầu tư của a16z với 20%, dự án lời chiếm 5%, còn lại 75% là dự án chưa ra token. Trung bình, sau khi được a16z đầu tư, token của dự án sẽ giảm mạnh sau 4 tháng.

Bên cạnh đó, các dự án được a16z đầu tư chưa ra mắt token cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Để đánh giá khách quan hơn về hiệu suất đầu tư của a16z, chúng ta cần thêm thời gian để xem xét, đặc biệt sau khi các dự án này đã ra mắt token và được unlock hết.