Nhìn lại 15 năm đường đời Bitcoin

Sau 15 năm hoạt động, nhiều chuyên gia đang tự hỏi Bitcoin hiện nay có phản ánh chính xác tầm nhìn của cha đẻ Satoshi Nakamoto đã trình bày trong Whitepaper hay không?

bitcoin

Nhìn chung, vua tiền mã hoá vẫn có những nét tương quan chính. Chẳng hạn, Bitcoin là một blockchain PoW dựa trên sự đồng thuận giữa các node để hoạt động bình thường.

Tuy vậy, câu chuyện được đưa ra trong Whitepaper năm 2008 – Bitcoin như một dạng tiền kỹ thuật số – đang phát triển và mở rộng theo thời gian. Một số người hiện coi BTC giống như tài sản dự trữ, hay nói cách khác là một dạng vàng kỹ thuật số.

Nhưng, trọng tâm đề xuất ban đầu của Nakamoto là một khuôn khổ cho tiền kỹ thuật số, không cần phải tin tưởng vào trung gian hoặc quản trị trung tâm:

“Điều cần thiết là một hệ thống thanh toán điện tử dựa trên bằng chứng mật mã thay vì sự tin cậy, cho phép bất kỳ hai bên nào sẵn sàng giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần một bên đáng tin cậy thứ ba. Các giao dịch không thể đảo ngược về mặt tính toán sẽ bảo vệ người bán khỏi gian lận và các cơ chế ký quỹ thông thường có thể dễ dàng được thực hiện để bảo vệ người mua”, Nakamoto viết trong Whitepaper.

Nhưng Bitcoin cuối cùng sẽ trở thành gì và những người sử dụng, đầu tư nhìn nhận nó như thế nào đã bắt đầu hình thành trong những năm đầu tiên kể từ khi Whitepaper được xuất bản.

Pool khai thác và phần cứng

Sự ra đời của các pool khai thác được cho là một trong những sự khác biệt đáng chú ý đầu tiên so với kế hoạch chi tiết được đưa ra trong Whitepaper.

Satoshi ban đầu dự định để các cá nhân có thể sử dụng máy tính thông thường để khai thác Bitcoin. Điều này vẫn đúng về mặt kỹ thuật, nhưng theo thời gian, việc khai thác Bitcoin dần phát triển tập trung vào một nguyên tắc xác định: quy mô.

Quan niệm ban đầu của Satoshi đảm bảo bất kỳ ai cũng có thể tham gia xác thực và bảo mật mạng mà không cần thiết bị chuyên dụng, do đó làm cho hệ sinh thái trở nên toàn diện hơn và có khả năng chống lại sự kiểm soát trung tâm. Sự phát triển của các pool khai thác và phần cứng khai thác tiên tiến đã thay đổi động lực, dẫn đến sự tập trung hóa tăng lên.

“PoW cũng giải quyết vấn đề xác định sự đại diện trong việc ra quyết định theo đa số. Nếu đa số dựa trên một phiếu bầu một địa chỉ IP, nó có thể bị lật đổ bởi bất kỳ ai có khả năng phân bổ nhiều IP. PoW về cơ bản là một CPU một phiếu bầu”, Nakamoto viết.

Pool khai thác đầu tiên ban đầu được đặt tên là bitcoin.cz và sau đó đổi tên thành Slush Pool, được Marek “Slush” Palatinus tạo ra vào năm 2010 để giải quyết việc mọi người bắt đầu sử dụng GPU thay vì CPU để khai thác BTC. Các pool khai thác được cho là sẽ hỗ trợ thợ đào solo tìm kiếm block, ngay cả khi họ không có máy tính chơi game công suất cao.

Hoạt động khai thác bằng GPU tiếp tục phát triển trong suốt đầu những năm 2010 cho đến khi Canaan Creative phát hành bộ mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng (ASIC) đầu tiên trên thế giới để khai thác BTC.

ASIC ngày càng hoạt động hiệu quả hơn trong suốt những năm qua, đẩy giá thành của các thiết bị chuyên dụng này lên tới hàng chục nghìn đô la. Thêm vào đó, việc cung cấp năng lượng cho chúng đòi hỏi lượng điện lớn. Điều này thực sự khiến hoạt động khai thác hoàn toàn không mang lại lợi nhuận cho những thợ đào làm việc độc lập tại nhà.

Giờ đây, các tập đoàn lớn đang thống trị ngành sản xuất hàng hóa cho dù hoàn toàn là kỹ thuật số.

Các đề xuất cải tiến Bitcoin

Bỏ qua các động lực khai thác hoàn toàn khác nhau, chính cơ chế của mạng Bitcoin cũng đã thay đổi trong khoảng 10 năm qua.

Vào năm 2012, mạng Bitcoin đã giới thiệu Pay to Script Hash (P2SH) thông qua BIP 16 để đơn giản hóa các giao dịch đa chữ ký. Trước P2SH, các giao dịch đa chữ ký rất phức tạp và dễ gặp rủi ro, đòi hỏi toàn bộ tập lệnh quy đổi xác định các điều kiện chi tiêu phải được tiết lộ trước.

Với P2SH, người dùng gửi tiền đến một địa chỉ Bitcoin được tiêu chuẩn hóa đại diện cho hash của tập lệnh quy đổi, che giấu đi sự phức tạp của nó. Chỉ khi chi tiêu coin thì toàn bộ tập lệnh mới được tiết lộ và các điều kiện được đáp ứng, nhằm hợp lý hóa các giao dịch, nâng cao tính thân thiện với người dùng và cải thiện khả năng mở rộng.

Segregated Witness (còn được gọi là SegWit) là một đề xuất cải tiến Bitcoin (BIP) quan trọng khác có hiệu lực vào năm 2017. Nó giải quyết tính linh hoạt của giao dịch và nâng giới hạn kích thước block một cách hiệu quả từ 1 MB ban đầu lên 4 MB.

SegWit đã mở ra cơ hội cho một đề xuất vào năm 2021 có tên là Taproot. Taproot giúp các giao dịch hiệu quả và riêng tư hơn, đồng thời cho phép người dùng tham gia vào các loại giao dịch phức tạp hơn.

Sàn giao dịch, ETF và các công cụ truyền thống

Thị trường giao dịch Bitcoin cũng trở nên phức tạp hơn nhiều trong những năm qua, do các công ty cung cấp nhiều loại sản phẩm.

Khả năng các tổ chức lớn cung cấp sản phẩm tài chính liên quan đến Bitcoin không được đề cập trong Whitepaper. Ý định của Nakamoto là để Bitcoin hoạt động như một phương thức trao đổi phi tập trung, thay thế, có thể không phải là phương tiện để các nhà đầu tư truyền thống kiếm tiền.

Chưa kể, khái niệm mua thứ gì đó giống như quỹ hoán đổi danh mục Bitcoin (ETF) vốn có nghĩa là người dùng đang giao quyền giám sát tiền của họ cho các tổ chức tài chính lớn thay vì tự mình nắm giữ BTC.

Sự mất niềm tin vào ngân hàng của Nakamoto đã được làm sáng tỏ qua hai câu đầu tiên trong Whitepaper.

“Thương mại trên Internet hầu như chỉ dựa vào các tổ chức tài chính đóng vai trò là bên thứ ba đáng tin cậy để xử lý thanh toán điện tử. Mặc dù hệ thống hoạt động đủ tốt cho hầu hết các giao dịch nhưng nó vẫn mắc phải những điểm yếu cố hữu của mô hình dựa trên niềm tin”, Nakamoto viết.

Đầu cơ Bitcoin ETF giao ngay tuần trước được cho là bằng chứng cho thấy, bất chấp ý định ngược lại rõ ràng của Satoshi, các phân khúc của hệ sinh thái tiền điện tử đang muốn có một số kết nối với mô hình niềm tin đó. Giá Bitcoin tăng mạnh do suy đoán quỹ Bitcoin ETF sắp được phê duyệt.

Mặc dù quỹ Bitcoin ETF giao ngay chưa được phép hoạt động ở Hoa Kỳ vào thời điểm này, nhưng quỹ ETF đầu tiên đã ra mắt ở Châu Âu vào tháng 8/2023.

Các quỹ Bitcoin ETF tương lai đã được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ cho phép, trong đó ProShares Bitcoin Strategy ETF (BITO) trở thành quỹ đầu tiên đi vào hoạt động vào tháng 10/2021.

DeFi, Ordinals và những lĩnh vực khác

Tham gia DeFi với Bitcoin Ordinals là nỗ lực hợp nhất blockchain “cổ xưa” với nhu cầu đồ sưu tầm kỹ thuật số hoặc NFT giống như Ethereum.

Mặc dù vậy, không thể thảo luận về Ordinals mà không nhắc đến tiền thân của nó, Counterparty. Giao thức ra mắt vào năm 2014 trên Bitcoin và cho phép mọi người trao đổi các bộ sưu tập kỹ thuật số quý hiếm từ rất lâu trước khi NFT bùng nổ vào năm 2021. Rare Pepe, một bộ sưu tập NFT lấy cảm hứng từ meme Pepe the Frog, có nguồn gốc từ Counterparty.

Tất nhiên, NFT chưa xuất hiện khi Bitcoin mới ra đời. Tuy nhiên, bản nâng cấp Taproot năm 2021 cho phép xác minh các giao dịch đa chữ ký nhanh hơn nhiều đã mở ra cơ hội ghi văn bản, hình ảnh, SVG và HTML trên mệnh giá nhỏ nhất của bitcoin, được gọi là satoshi (Sat).

Ordinals đã đạt được thành công đáng kể. Vào ngày 1/5 năm nay, Ordinals đóng góp vào số lượng giao dịch lớn nhất của Bitcoin trong một ngày cho đến thời điểm đó.

Kỷ lục hơn 682.000 giao dịch này đã bị phá vỡ vào tháng 9/2023 với hơn 703.000 giao dịch vào ngày 15/9/2023, trong đó các dòng chữ Ordinals đồng thời đạt đến các đỉnh mới.

Khi Bitcoin còn ở giai đoạn sơ khai vào năm 2009 và 2010, trung bình chưa đến 1.000 giao dịch được xử lý mỗi ngày. Đến năm 2011 và 2012, các giao dịch thường ở mức hàng nghìn chữ số.

Đình Đình

Theo Blockworks

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *