Nạn nhân lừa đảo crypto ở quốc gia này khó lấy lại tiền do lệnh cấm giao dịch


Lệnh cấm hoàn toàn giao dịch crypto tại Nepal đang khiến các nạn nhân của các vụ lừa đảo khó báo cáo với cơ quan chức năng hơn, theo một báo cáo mới của Financial Intelligence Unit (FIU) thuộc Ngân hàng Trung ương Nepal. Họ đã nêu bật những thách thức mà các nạn nhân của các vụ lừa đảo liên quan đến tiền điên tử đang phải đối mặt.

Báo cáo chỉ ra rằng những kẻ lừa đảo sử dụng các kỹ thuật tinh vi như “smurfing” – chia nhỏ các giao dịch lớn thành nhiều giao dịch nhỏ để tránh bị phát hiện. Chúng cũng chuyển đổi tiền bất hợp pháp thành tiền điện tử, khiến cơ quan chức năng khó truy vết hoặc tịch thu tài sản hơn. Sự gia tăng các vụ lừa đảo nhắm vào những cá nhân với lời hứa hẹn về lợi nhuận cao từ tài sản số đã trở thành một mối lo ngại lớn.

Nguồn: X

Những kẻ lừa đảo thường dụ dỗ nạn nhân thông qua các quảng cáo khuyến khích họ chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử nhất định, để rồi số tiền này biến mất mà không để lại dấu vết. Ở một quốc gia như Nepal, nơi đầu tư tiền điện tử là bất hợp pháp, những người bị lừa thường sợ hãi khi báo cáo thiệt hại của mình vì lo ngại bị xử lý pháp luật. Điều này tạo ra rào cản cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc xác định và xử lý các hành vi gian lận liên quan đến tiền điện tử.

Nepal đã áp dụng lệnh cấm giao dịch và khai thác tiền điện tử từ tháng 9 năm 2021. Đến tháng 1 năm 2023, Cơ quan Viễn thông Nepal yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn truy cập vào các trang web liên quan đến tiền điện tử, bao gồm các nền tảng giao dịch. Chiến dịch trấn áp giao dịch trực tuyến nhằm hạn chế các vụ lừa đảo lan rộng qua mạng xã hội và quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ khiến nạn nhân khó tìm kiếm công lý hơn, do lo sợ gặp rắc rối pháp lý.

FIU kêu gọi tăng cường giám sát các giao dịch crypto để chống lại các hoạt động lừa đảo này. Báo cáo cũng đề xuất nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro khi đầu tư vào tài sản số, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, và xây dựng khung pháp lý cân bằng hơn để ngăn chặn gian lận liên quan đến tiền điện tử trong tương lai.

Nepal không phải là quốc gia duy nhất ở Nam Á áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với tài sản số. Cùng với Trung Quốc, Nga, Iran và Bangladesh, Nepal đã cấm mọi hoạt động giao dịch crypto. Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khu vực lại áp dụng các cách tiếp cận linh hoạt hơn. Ví dụ, Ấn Độ không cấm giao dịch crypto nhưng áp dụng mức thuế cao đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền điện tử, đồng thời không cho phép khấu trừ lỗ khi tính thuế.

Trong một thay đổi chính sách đáng kể, Pakistan gần đây đã quyết định hợp pháp hóa tài sản ảo, đánh dấu sự chuyển hướng khỏi lập trường chống lại tiền điện tử trước đây. Sự thay đổi này được cho là nhằm chuẩn bị cho việc phát triển tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), thay vì hoàn toàn ủng hộ các loại tiền điện tử phi tập trung như Bitcoin (BTC).

Trong khi đó, Bhutan lại có thái độ tích cực hơn đối với tiền điện tử. Quốc gia này đã tích lũy hơn 1 tỷ USD Bitcoin, hưởng lợi từ sự gia tăng giá trị của đồng coin này. Cách tiếp cận ủng hộ tiền điện tử của Bhutan tạo sự tương phản với các quốc gia láng giềng, vốn thận trọng hoặc hạn chế hơn đối với tài sản số.

Quyết định cấm giao dịch tiền điện tử của Nepal đã vô tình tạo ra rào cản cho các nạn nhân của lừa đảo, khiến họ ngần ngại báo cáo các vụ việc vì sợ hậu quả pháp lý. Trong bối cảnh các vụ gian lận liên quan đến tiền điện tử tiếp tục gia tăng, FIU kêu gọi những biện pháp quản lý tốt hơn và nâng cao nhận thức để bảo vệ người dân khỏi rơi vào bẫy lừa đảo.

 

 

 

SN_Nour

Theo Coinpaprika

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *