Chuyên mục lưu trữ: Pháp Lý

Tin tức về Pháp lý Blockchain ở Việt Nam và trên thế giới

Ứng dụng Curve Finance giả mạo lừa đảo người dùng, lọt top 100 app tài chính


Một ứng dụng giả mạo của nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) Curve Finance đã thu hút sự chú ý trên cửa hàng ứng dụng Apple, lọt vào danh sách 100 ứng dụng tài chính hàng đầu vào ngày 26 tháng 10.

Mặc dù đã bị nhiều người dùng cảnh báo là lừa đảo, ứng dụng này vẫn đang trở thành xu hướng tại các khu vực như Châu Âu, Châu Mỹ Latinh, New Zealand, Hoa Kỳ và Đông Nam Á, tiềm ẩn nguy cơ cho những người dùng thiếu cảnh giác.

Mô tả của ứng dụng, dù thiết kế kém, vẫn có thể gây ảnh hưởng đến những người dùng dễ bị tổn thương. Nội dung mô tả của ứng dụng viết:

“Curve DeFi v3 là một ứng dụng tuyệt vời. Sắp xếp các khối để tạo thành một hàng hoàn hảo và làm sạch nó!”

Bản xem trước của cửa hàng ứng dụng Apple về ứng dụng giả mạo Curve Finance. Nguồn: Apple Store

Mạo danh Curve Finance

Ứng dụng lừa đảo có tên “Curve DeFi v3” do “Tao Duong Van” phát triển, đã sử dụng logo của Curve Finance và mô phỏng chức năng của nền tảng chính thức để đánh lừa người dùng.

Ứng dụng này tuyên bố cung cấp các tính năng như hoán đổi token, staking thanh khoản và dịch vụ DeFi. Tuy nhiên, tất cả các đánh giá đều chỉ ra đây là một ứng dụng lừa đảo, với nhiều người dùng nhấn mạnh rằng nó là “scam” hoặc “hacker”.

Hình ảnh quảng cáo của ứng dụng này khẳng định rằng nó có “hơn 30 triệu người dùng trên toàn cầu”, nhằm tạo dựng sự tin cậy giả mạo và khuyến khích nạn nhân tải xuống và sử dụng.

Ứng dụng giả mạo Curve Finance đã được người dùng Babu, một kỹ sư công nghệ tài chính, nêu bật trong bài đăng trên X. Ông là một trong những người đầu tiên phát hiện vấn đề, đã gắn thẻ tài khoản chính thức của Curve Finance và cảnh báo người dùng “hãy cảnh giác và báo cáo các ứng dụng đáng ngờ!”

Hiện tại, người dùng được khuyến cáo nên báo cáo ứng dụng giả mạo và tránh sử dụng khi nó vẫn còn trên cửa hàng ứng dụng Apple.

Đây không phải là lần đầu tiên một ứng dụng giả mạo Curve Finance xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng của Apple. Vào ngày 14 tháng 2, Curve Finance đã cảnh báo cộng đồng X về các vụ lừa đảo và khẳng định rằng không có ứng dụng DeFi Curve nào được phát hành trên cửa hàng ứng dụng, sau khi phát hiện một ứng dụng giả mạo sử dụng logo của nền tảng này.

Ứng dụng trái phép đó được liệt kê do MK Technology phát triển, với đánh giá 4,6 trên 5 sao và tự quảng cáo là “ứng dụng mạnh mẽ” để quản lý người vay và khoản vay của họ.

 

 

 

Itadori

Theo Cointelegraph

Hacker trả lại 19,2 triệu đô la đã đánh cắp cho chính phủ Hoa Kỳ


Theo chuyên gia blockchain ZachXBT, hacker – người bị cáo buộc đã đánh cắp khoảng 20 triệu đô la tài sản tiền điện tử từ chính phủ Hoa Kỳ – vừa hoàn trả khoảng 19,2 triệu đô la vào địa chỉ bị xâm phạm.

Giao dịch diễn ra vào tối qua theo giờ Việt Nam, bao gồm việc chuyển 2.408 ETH và 13,19 triệu aUSDC trở lại ví kỹ thuật số của chính phủ. Tuy nhiên, số tiền hoàn trả này không tính đến bất kỳ khoản tiền nào có thể đã được chuyển đến các sàn giao dịch tiền điện tử như Switchain hoặc HitBTC.

Nguồn: ZachXBT/ Telegram

Vào thứ Năm, một ví được cho là thuộc về chính quyền Hoa Kỳ đã bị hack, dẫn đến việc đánh cắp khoảng 20 triệu đô la tài sản tiền điện tử. Ví bị xâm phạm có liên quan đến những tài sản trước đó đã bị tịch thu trong vụ hack Bitfinex nổi tiếng.

Theo báo cáo từ công ty phân tích blockchain Arkham Intelligence, số tài sản bị đánh cắp bao gồm nhiều loại stablecoin như aUSDC, USDT, và USDC, cùng với Ethereum (ETH).

Hacker được cho là đã chuyển tài sản bị đánh cắp đến một địa chỉ ví mới và bắt đầu quá trình rửa tiền thông qua các giao dịch đáng ngờ. Các nhà điều tra blockchain cho biết số tiền này đã được chuyển từ các nền tảng cho vay phi tập trung như Aave trước khi được gửi đến ví của kẻ tấn công.

 

 

 

Annie

Theo Cryptobriefing

Rò rỉ tài liệu tố cáo dự án memecoin Sharpei hợp tác với KOL kéo thảm khiến token lao dốc 96%


Một đồng meme coin trên Solana, được quảng bá bởi các KOL nổi tiếng, đã tăng vọt lên mức vốn hóa thị trường 54 triệu USD chỉ trong chưa đầy một giờ. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá đã sụt giảm mạnh chỉ trong vài giây khi một loạt ví đã bán 3 triệu USD giá trị token trong một lần giao dịch duy nhất.

Sharpei (SHAR) ra mắt vào thứ Tư và được quảng cáo với hình ảnh hoạt họa của một chú chó Shar Pei. Kết hợp với sự ủng hộ từ các influencers (người ảnh hưởng) trên Crypto Twitter – hay còn gọi là KOL – đồng meme coin này nhanh chóng đạt mức vốn hóa thị trường 54 triệu USD.

Giống chó Sharpei

Khi dự án đạt đỉnh, theo tài liệu nội bộ bị rò rỉ, tiết lộ rằng đội ngũ sáng lập đã hợp tác với hơn 50 KOL hàng đầu và lên kế hoạch hợp tác với các sàn giao dịch cùng nhiều dự án khác. Một số influencers được nhắc đến trong tài liệu đã phủ nhận mọi liên quan đến dự án này.

Tài liệu rò rỉ cũng khẳng định rằng một quan hệ đối tác chiến lược với meme coin hàng đầu BONK sẽ được thiết lập khi SHAR đạt mức vốn hóa 100 triệu USD. Tuy nhiên, điều này đã bị phủ nhận bởi các thành viên cốt lõi của Bonk là Kadense và Nom. Trong khi đó, influencer Joji, người có hơn 200.000 người theo dõi, cũng được cho là có liên quan, nhưng anh đã phủ nhận thông tin này và chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn Telegram chứng minh không có sự hợp tác nào.

Dù vậy, không phải tất cả thông tin đều sai sự thật. Một influencer khác là Yelotree, với 180.000 người theo dõi, đã được nhắc đến trong tài liệu và thực sự có đăng bài về dự án. Yelotree tiết lộ với Decrypt rằng anh đã nhận được thù lao từ ba tháng trước cho việc quảng bá, mặc dù điều này không được đề cập trong bài viết của anh, điều đáng lẽ anh phải công bố. Yelo cũng cho rằng cũng có nhiều KOL lớn khác tham gia vào dự án, nhưng nhiều người trong số đó đã xóa bài đăng của mình.

Khi sự việc tiếp diễn, SHAR giảm từ 54 triệu USD xuống còn 35,5 triệu USD. Điều này có lẽ đã gây lo ngại cho những người trong cuộc, khi token tiếp tục lao dốc 96,3%, chỉ còn mức vốn hóa thị trường 1,3 triệu USD chỉ trong hai giây sau một đợt bán tháo lớn và có tổ chức.

Biểu đồ giá SHAR | Nguồn: Dexscreener

“Một trong những vụ rug pull điên rồ nhất mà tôi từng thấy,” một trader ẩn danh chia sẻ trên Twitter.

Công ty hình ảnh hóa dữ liệu blockchain Bubblemaps phát hiện rằng 60% tổng cung token đã được mua tại thời điểm ra mắt và phân tán vào hơn 100 địa chỉ. Tất cả các địa chỉ này sau đó đã gửi toàn bộ lượng token của mình đến một ví trung tâm, và ví này đã bán toàn bộ lượng token đó với giá 3,4 triệu USD trong một giao dịch duy nhất. Công ty này xác nhận rằng đây được coi là một vụ kéo thảm (rug pull).

Phản hồi lại sự việc, tài khoản Twitter chính thức của SHAR giải thích rằng do sự lan truyền của FUD (sự sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ), và dự án “không còn đủ vốn để tiếp tục hoạt động.”

Những người sáng lập Sharpei tuyên bố sẽ cung cấp bằng chứng về việc giao tiếp với từng influencer đã được đề cập, dù họ chưa hoàn tất thỏa thuận với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới sau một ngày.

Các KOL thường được nhận một phần phần trăm trong tổng cung token để đổi lấy việc quảng bá dự án trên mạng xã hội. Ví dụ, các tin nhắn rò rỉ với Wizard Of SoHo, một KOL ẩn danh với hơn 115.000 người theo dõi, cho thấy KOL này yêu cầu 0,75% tổng cung token để đổi lấy việc quảng cáo – một đề nghị mà nhóm dự án đã không chấp nhận.

Với nhiều dự án, đây là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị – không khác gì việc người nổi tiếng đại diện cho các sản phẩm. Điều này tồn tại từ cấp độ cơ bản của những token nhỏ với các KOL ít tiếng tăm hơn nhận thanh toán cho những đồng meme coin có vốn hóa nhỏ, cho đến các token trị giá hàng triệu USD.

“KOL là một phần quan trọng trong ngành crypto và không có gì sai khi các dự án cần đến tiếp thị,” Nick Vaiman, đồng sáng lập và CEO của Bubblemaps, chia sẻ với Decrypt. “Vấn đề phát sinh khi các KOL không tiết lộ sự tham gia của họ, và không công khai họ đã mua hoặc nhận bao nhiêu token.”

Mua những token mới phát hành được quảng bá bởi KOL trên mạng xã hội là cực kỳ rủi ro, Tạp Chí Bitcoin khuyến cáo bạn đọc không nên tham gia, còn nếu tham gia thì hãy sẵn sàng mất với số tiền mình chấp nhận được.

 

 

Vương Tiễn

Theo Decrypt

Hơn 20 triệu USD stablecoin và Ethereum được rút khỏi ví của chính phủ Hoa Kỳ một cách đáng ngờ


Hơn 20 triệu đô la stablecoin và Ethereum đã được rút từ một ví do chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát vào thứ Năm, liên quan đến tài sản bị tịch thu trong vụ hack sàn giao dịch Bitfinex năm 2016. Theo phân tích blockchain, số tiền này đã được chuyển đến một địa chỉ mới chỉ được tạo ra cách đây 5 ngày, với dấu hiệu khả nghi cho thấy chúng có thể đã bị đánh cắp.

Một phần trong số này đã được chuyển đến các sàn giao dịch tức thời, bao gồm một sàn sử dụng thanh khoản từ Binance – sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới về khối lượng giao dịch.

Trước khi diễn ra các giao dịch này, công ty phân tích blockchain Arkham Intelligence đã phát hiện các giao dịch rút tiền từ giao thức cho vay Aave trong một bài đăng trên Twitter. Đây là lần đầu tiên số tiền này được chuyển nhượng sau tám tháng không hoạt động.

Dữ liệu từ Arkham cho thấy 1,25 triệu đô la stablecoin USDT đã được rút từ Aave, cùng với 5,5 triệu đô la USDC. Các quỹ này sau đó được gửi đến một ví có địa chỉ bắt đầu bằng “0x348”, kèm theo 446.000 đô la Ethereum và 13,7 triệu đô la aUSDC – một token sinh lãi đại diện cho USDC trong thị trường cho vay Aave.

Ví do chính phủ kiểm soát đã nhận hàng triệu đô la aUSDC hai năm trước. Cùng ngày, nó cũng nhận một lượng lớn token Aave tương ứng với Tether.

Nhà phân tích blockchain ẩn danh ZachXBT đã bình luận rằng các hoạt động này có dấu hiệu “đáng ngờ” và rất có thể là hành vi “trộm cắp”.

Vụ hack Bitfinex diễn ra vào năm 2016 do một cặp vợ chồng tại New York thực hiện, những người sau đó đã nhận tội về âm mưu rửa tiền. Lợi dụng lỗ hổng bảo mật của sàn giao dịch, Ilya Lichtenstein và Heather Morgan đã bị chính quyền tịch thu 3,6 tỷ đô la tài sản kỹ thuật số, theo thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2023.

Ví nhận hàng triệu đô la từ quỹ liên quan đến chính phủ vào thứ Năm đã tiếp tục sử dụng 1inch, một công cụ tổng hợp sàn giao dịch, để hoán đổi stablecoin sang Ethereum. Sau đó, nó đã chuyển Ethereum thành từng khoản nhỏ trị giá 40.000 đô la đến một địa chỉ gửi tiền cho sàn giao dịch Binance, hành động mà ZachXBT cho là đáng ngờ.

Tổng cộng, khoảng 320.000 đô la Ethereum đã được chuyển đến một sàn giao dịch, trong khi 80.000 đô la Ethereum đã được chuyển vào các ví khác. ZachXBT cũng làm rõ rằng các giao dịch đến Binance không nhất thiết gửi trực tiếp đến sàn giao dịch này, mà có khả năng đã được chuyển qua một “sàn giao dịch ký sinh” sử dụng Binance làm nguồn thanh khoản.

Ví “0x348” đã thực hiện giao dịch đầu tiên của mình chưa đầy một tuần trước. Ví này nhận được khoản tiền đầu tiên hai năm trước từ sàn giao dịch CoinSpot của Úc, sàn không hoạt động tại nhiều khu vực pháp lý khác.

Hiện tại, ví do chính phủ kiểm soát gần như đã cạn kiệt, chỉ còn lại 127 đô la giá trị của một memecoin theo chủ đề Donald Trump.

 

 

 

Ông Giáo

Theo DeCrypt

Trader Trung Quốc rửa hơn 17 triệu USD cho nhóm Lazarus trong 25 vụ hack


Một trader OTC (giao dịch phi tập trung) có trụ sở tại Trung Quốc bị cáo buộc đã rửa hàng chục triệu đô la tiền điện tử bị đánh cắp cho nhóm hacker khét tiếng Lazarus của Triều Tiên, nhóm này đứng sau một số vụ tấn công lớn nhất trong lịch sử crypto.

Theo nhà phân tích on-chain uy tín ZachXBT, Yicong Wang – một trader OTC Trung Quốc – đã thực hiện các giao dịch chuyển đổi crypto bị đánh cắp thành tiền mặt thông qua các chuyển khoản ngân hàng cho nhóm Lazarus từ năm 2022.

Danh tính của Wang được tiết lộ bởi một trong những người theo dõi ZachXBT, sau khi tài khoản của người này bị đóng băng do thực hiện giao dịch ngang hàng với Wang. ZachXBT chia sẻ trong một bài đăng trên X vào ngày 23 tháng 10: “Gần đây, họ đã liên hệ lại sau khi nhận được đề nghị từ Yicong Wang về một giao dịch lớn USDT -> CNY vào ngày 13 tháng 8, 2024, với tổng giá trị khoảng 1,5 triệu USDT, ở mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường.”

Một trong những ví liên quan đến Wang, ví “0x501”, đã tổng hợp hơn 17 triệu đô la giá trị crypto có liên kết với hơn 25 vụ hack của nhóm Lazarus, trước khi Tether đóng băng 374.000 USDT trong ví này vào tháng 11 năm 2023, theo thông tin từ nhà điều tra on-chain.

Dòng tiền của nhà giao dịch OTC Wang | Nguồn: ZachXBT/X

Nhóm Lazarus – một tổ chức tội phạm mạng được cho là có liên kết với chính phủ Triều Tiên – nổi tiếng với các vụ hack tiền điện tử lớn, trong đó có vụ tấn công Ronin Bridge trị giá 600 triệu đô la.

Nhóm Lazarus chuyển sang các chiêu trò lừa đảo xã hội trong lĩnh vực crypto – Cảnh báo từ FBI

Vào đầu tháng 9, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã đưa ra cảnh báo về việc nhóm Lazarus chuyển hướng sang các chiến dịch lừa đảo xã hội tinh vi trong không gian crypto.

Trong một thông báo phát đi ngày 3 tháng 9, FBI cho biết các tin tặc độc hại của Triều Tiên đang nhắm vào nhân viên của các công ty tài chính phi tập trung (DeFi) và tiền điện tử để đánh cắp tài sản thông qua các chiến dịch lừa đảo xã hội “phức tạp và tinh vi”.

FBI cũng cảnh báo rằng nhóm Lazarus đã thực hiện nghiên cứu về các công ty liên quan đến quỹ ETF gắn liền với tiền điện tử, đặt những tổ chức này vào nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo.

Nhóm Lazarus có đang nhắm đến hệ sinh thái Cosmos?

Bên cạnh những mục tiêu khác, nhóm hacker Triều Tiên có thể đang nhắm vào hệ sinh thái Cosmos.

Như Tạp Chí Bitcoin đã báo cáo, một phần của Module Liquid Staking (LSM) trong hệ sinh thái Cosmos có thể đã được phát triển bởi các lập trình viên Triều Tiên. Điều này gây ra mối lo ngại nghiêm trọng cho hệ sinh thái, theo Melody Chan, trưởng nhóm nghiên cứu tại Redecentralise – một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ phát triển bền vững trong không gian tài chính phi tập trung (DeFi).

Chan chia sẻ: “Nỗi lo lớn nhất là các lập trình viên này có thể thêm vào những lỗ hổng bảo mật như cửa hậu hoặc các phương thức tấn công hệ thống. Với các vấn đề hiện tại trong LSM và cảnh báo từ FBI, rõ ràng việc kiểm tra mã nguồn kỹ lưỡng là rất cần thiết.”

Nhóm Lazarus là một trong những tổ chức hacker tiền điện tử khét tiếng nhất, lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2009 và đã đánh cắp hơn 3 tỷ đô la tài sản crypto trong sáu năm trước 2023.

 

 

Gia Cát Lượng

Theo Cointelegraph

“Crypto queen” nước Nga bị cáo buộc lừa đảo hàng chục triệu đô la để tài trợ cho quân đội Ukraine


Valeria Fedyakina, được biết đến với biệt danh “crypto queen” nước Nga, bị cáo buộc đã lừa đảo các nhà đầu tư hơn 22 triệu USD qua các dự án tiền điện tử gian lận và sử dụng số tiền này để tài trợ cho quân đội Ukraine trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa 2 nước.

Theo truyền thông Nga, Fedyakina, 24 tuổi, tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số trên mạng xã hội, hiện đang phải đối mặt với các cáo buộc về tội gian lận “quy mô lớn”.

Valeria Fedyakina

Lừa đảo hàng triệu đô la từ các nhà đầu tư

Sau khi chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư, Fedyakina đã lừa đảo tiền từ họ, và đến nay mới có bốn nạn nhân đã trình báo với cơ quan chức năng.

Cô xuất hiện trên mạng xã hội với biệt danh “Bitmama”, tự PR mình là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tiền điện tử, với các văn phòng tại Dubai, Monaco, Moscow City, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Fedyakinan đã thuyết phục các nhà đầu tư giao phó hàng triệu đô la cho cô với lời hứa sẽ mang lại lợi nhuận cao.

Theo hãng thông tấn TASS, Ủy ban Điều tra Nga (RIC) đã kết thúc cuộc điều tra khi cảnh sát phát hiện Fedyakina lừa các nạn nhân bằng cách yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản tiền điện tử tại Dubai để tránh các rào cản ngân hàng.

Các nạn nhân cho biết “crypto queen” đã hứa sẽ trao cho họ khoản tiền thưởng bằng 1% số tiền mặt mà họ chuyển cho Fedyakina sau khi cô chuyển đổi nó thành tiền điện tử.

Báo cáo cho biết Fedyakina thường xuyên đăng tải các bài viết trên mạng xã hội để khoe khoang lối sống xa hoa, hứa hẹn về những khoản “lợi nhuận tức thì” và kêu gọi các nạn nhân “đầu tư cả tiền fiat lẫn tiền điện tử”.

Tuy nhiên, số tiền này đã nhanh chóng bị chuyển vào các quỹ hỗ trợ lực lượng vũ trang Ukraine để giúp họ trong cuộc chiến chống lại Nga.

“Fedyakina không hề có ý định thực hiện bất kỳ cam kết nào với nhà đầu tư. Cô ta đã lên kế hoạch sử dụng số tiền hoặc tiền điện tử mà cô ấy nhận được theo ý mình. Về cơ bản, cô ta đã đánh cắp nó.”

Ủy ban cũng tiết lộ rằng “crypto queen” đã phát tán “thông tin sai lệch về một chương trình đầu tư sử dụng tiền điện tử” thông qua các bài đăng trên mạng xã hội của mình.

Theo điều tra, một số nạn nhân đã mất một khoản tiền khổng lồ, có người cho biết thiệt hại lên tới 70 triệu USD.

Dịch vụ chuyển đổi tiền tệ bất hợp pháp

Phía cảnh sát Nga cho biết Fedyakina đã kiếm được khoảng 22 triệu USD chỉ trong hai tháng. Cô ta bị cáo buộc sử dụng nhiều loại tiền tệ, bao gồm cả tiền điện tử, để thực hiện các hoạt động phi pháp.

Cụ thể, “crypto queen” đã thực hiện các giao dịch tiền điện tử OTC và chuyển tiền quốc tế mà không qua tài khoản ngân hàng chính thức.

Fedyakina bị bắt vào tháng 9 năm ngoái khi cố gắng trốn khỏi Nga trên chuyến bay đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và bị tạm giam để chờ xét xử.

Tại thời điểm bị bắt giữ, cô đang mang thai 6 tháng. Mặc dù đội ngũ pháp lý đã xin giảm nhẹ án phạt thành quản thúc tại gia, tòa án vẫn yêu cầu cô quay lại trại giam sau khi sinh con.

Luật sư của Fedyakina phủ nhận các cáo buộc gian lận, khẳng định rằng cô ủng hộ cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

“Fedyakina chưa từng có tiền án, là công dân Liên bang Nga và đang ở trong trại tạm giam trước khi xét xử cùng cô con gái mới sinh.”

Để thể hiện lòng trung thành, đội ngũ này cho biết cô sẵn sàng quyên góp tiền cho quân đội Nga. Luật sư của cô cũng tuyên bố rằng Fedyakina là nạn nhân của một âm mưu.

 

  

Itadori

Theo Cryptopolitan

Chính thức ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia

(ĐCSVN)- Ngày 22/10, Chính phủ ban hành quyết định số 1236/QĐ- TTg công bố Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong Chiến lược quốc gia về Ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược Blockchain Quốc gia) vừa được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành, blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.


Chiến lược quốc gia về Ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ký ban hành ngày 22/10/2024  (Ảnh chụp màn hình)

Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực trong ngành blockchain đến 2030 

Theo Chiến lược, tầm nhìn đến 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ Blockchain. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; Có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, trong Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2030, ban hành kèm theo Quyết định 1236/QĐ-TTg, Chính phủ đưa ra 5 hành động cụ thể, bao gồm:

(1) Hoàn thiện môi trường pháp lý;

(2) Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain;

(3) Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Blockchain;

(4) Thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain;

(5) Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.

Trong đó, mỗi hoạt động được giao cụ thể cho các Bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ,.. chủ trì và chịu trách nhiệm.  

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia ngày 22/10/2024. (Ảnh: chinhphu.vn) 

 Hiệp hội Blockchain Việt Nam: Thúc đẩy thương hiệu Blockchain Make in Việt Nam

Đáng chú ý, bên cạnh các Bộ, Ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp, được giao chủ trì: (1) Phát triển các nền tảng Blockchain Make in Việt Nam. Xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng blockchain hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam. (2) Tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Chia sẻ quan điểm về văn bản pháp lý mang tính chất định hướng cho sự phát triển của thị trường blockchain Việt Nam, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, “Chiến lược Blockchain Quốc gia vừa được được Thủ tướng chính ban hành là một sự dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain, thể hiện sự cam kết và hành động cụ thể của Chính phủ, sự quyết liệt của đơn vị soạn thảo là Bộ thông tin và Truyền thông cũng như nỗ lực của cộng đồng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững”.

Đối với việc VBA được giao nhiệm vụ trong Chiến lược Blockchain Quốc gia, ông Trung chia sẻ, “Đây là vinh dự, ghi nhận những đóng góp của VBA trong thời gian vừa qua với các cơ quan quản lý trong việc tập hợp ý kiến, đóng góp từ cộng đồng. Đồng thời với Chiến lược Blockchain Quốc gia, VBA ý thức được trách nhiệm của mình đối với ngành công nghiệp còn rất non trẻ nhưng tiềm năng này. Chúng tôi cam kết sẽ tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng đi theo hướng nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, khai thác tối đa những lợi ích của công nghệ blockchain được thể hiện trong chiến lược quốc gia. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, việc phổ cập công nghệ blockchain toàn diện, tiếp cận đến toàn dân như mục tiêu của Chiến lược sẽ đem lại hiệu quả rõ nét cho nền kinh tế số mà Chính phủ đã định hướng”, ông Phan Đức Trung nhấn mạnh

Tính đến thời điểm hiện tại, Chiến lược Blockchain Quốc gia là văn bản có tính pháp lý cao nhất, thể hiện mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain, tận dụng ưu thế của công nghệ tiên tiến này nhằm tạo điều kiện hiện thực hóa các mục tiêu đề ra của nền kinh tế số, xã hội số. 

Ông Phan Đức Trung đại diện VBA trong một phiên góp ý với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về các quy định về Tài sản số trong dự luật Công nghiệp công nghệ số (Ảnh: PV) 

 Trước đó, ngày 8/10/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình. Đây là lần đầu tiên Tài sản số được chính thức đưa vào văn bản luật với quy định cụ thể là loại tài sản vô hình, được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Việc luật hóa định nghĩa Tài sản số là một trong những hành động hiện thực cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước thời điểm tháng 5/2025. Các cam kết này được thể hiện trong Kế hoạch Hành động quốc gia, được ban hành tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách xám của FATF hồi tháng 6/2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã có nhiều góp quan trọng, tích cực thông qua nhiều hoạt động cụ thể như chuỗi 7 hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý Tài sản ảo; Hàng chục lượt đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản đến các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến về các quy định pháp luật này như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ,… nhằm góp phần xây dựng khung pháp lý Tài sản số phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và tương đồng với thông lệ quốc tế./.

Theo dangcongsan.vn

Cựu CEO tiền điện tử mất 450.000 đô la chỉ vì kết nối WiFi nhà bạn thân


Cựu CEO của một dự án tiền điện tử mới nổi đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, khi “người bạn thân” của anh chiếm đoạt 450.000 đô la chỉ vì anh kết nối với mạng WiFi của người này. Đây là một ví dụ điển hình về xu hướng mới được gọi là “Proximity Breach” (xâm phạm gần)*, theo ghi nhận của công ty chống rửa tiền AMLBot.

Tom, tên chưa được tiết lộ đầy đủ do chính sách điều tra của AMLBot, đã rời khỏi công ty và bán cổ phần với giá 500.000 đô la. Khoản tiền này chiếm phần lớn giá trị tài sản ròng của anh khi chuyển từ Châu Âu đến một quốc gia ở Châu Á. Trong thời gian sống ở đây, Tom đã kết thân với một người dân địa phương trong hơn 1,5 năm.

Một đêm nọ, khi gặp phải trận mưa lớn, điện thoại của Tom bị hỏng. Sau khi cố gắng khởi động lại và nhập cụm từ hạt giống, anh nhận ra toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình đã biến mất.

Tom đã trò chuyện với người bạn địa phương và người này tỏ ra không biết gì về vụ việc:

“Ôi không, tôi không thể tin rằng điều đó đã xảy ra với bạn. Chuyện gì đã xảy ra vậy?”.

Trong khi đó, người bạn này đang cố gắng cho Tom thuê một trong những bất động sản của mình.

Để tìm lại số tiền của mình, Tom đã liên hệ với AMLBot. May mắn thay, công ty đã nhanh chóng theo dõi số tiền và xác định rằng nó đã được chuyển vào tài khoản Binance. AMLBot đã liên hệ với sàn giao dịch này để yêu cầu đóng băng số tiền và chuyển giao thông tin chi tiết về vụ việc.

Binance không công bố danh tính của tài khoản hoặc quy mô tài sản bị đóng băng trong những trường hợp như vậy. Thay vào đó, Tom và AMLBot phải hợp tác để tìm kiếm manh mối trước khi xảy ra vụ lừa đảo. Từ cuộc điều tra, công ty xác định rằng người bạn của Tom đã xâm phạm thiết bị của anh bằng cách dụ Tom kết nối với mạng WiFi của mình.

Hình thức lừa đảo này, được gọi là “xâm phạm gần”, đang ngày càng phổ biến. AMLBot đã ghi nhận bảy trường hợp trong ba tháng qua, trong đó có vụ một cô gái đánh cắp 13 Bitcoin và vụ một người anh trai chiếm đoạt 300.000 đô la.

Khác với kiểu lừa đảo “Pig Butcher“, trong đó kẻ lừa đảo xây dựng mối quan hệ nhằm mục đích lừa đảo, lừa đảo xâm phạm gần chỉ cần lợi dụng sự tin tưởng từ những người thân thiết.

May mắn cho Tom, kẻ tấn công không khéo léo trong việc che giấu dấu vết. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy. Bubblemaps cho biết nếu kẻ tấn công sử dụng máy trộn coin để ẩn danh người gửi và người nhận, AMLBot có thể gặp khó khăn trong việc theo dõi số tiền. Bên cạnh đó, nhiều kẻ lừa đảo thường sử dụng các sàn giao dịch tập trung không hợp tác với các công ty như AMLBot.

Trước khi tiếp nhận một vụ việc, AMLBot tiến hành đánh giá sơ bộ để xác định khả năng hỗ trợ nạn nhân. Họ không nhận các trường hợp có yếu tố như nạn nhân ở khu vực bị cấm, lực lượng thực thi pháp luật địa phương gặp khó khăn, hoặc tiền bị đánh cắp đã được chuyển đổi thành coin ẩn danh. Khi đã tiếp nhận vụ việc, tỷ lệ thành công của AMLBot dao động từ 60-75%, tùy thuộc vào tốc độ nạn nhân liên hệ.

“Thật không may, trong ngành này, chúng tôi gặp ít nhất 10 nạn nhân mỗi ngày. Đôi khi, tiền bị chuyển thành coin ẩn danh hoặc được gửi đến các giao thức riêng tư. Ngay cả khi chúng tôi có ý định tốt, vẫn có những trường hợp không thể hỗ trợ được,” một đại diện của AMLBot cho biết.

AMLBot từ chối cung cấp chi tiết về cách thức xảy ra vụ việc do lo ngại rằng hình thức lừa đảo này sẽ ngày càng phổ biến. Công ty phân tích on-chain Bubblemaps xác nhận rằng vụ tấn công có thể giúp kẻ lừa đảo kiểm soát thiết bị thực tế thay vì chỉ truy cập vào dữ liệu của Tom.

Ngoài các biện pháp bảo mật thông thường như xác thực hai yếu tố, AMLBot khuyến nghị người dùng không nên truy cập các trang web hoặc ví tiền điện tử qua mạng WiFi công cộng. Họ cũng đề xuất bật thông báo cho các giao dịch diễn ra trên tài khoản để có thể nhận cảnh báo kịp thời.

Khi đã gần như chắc chắn rằng người bạn đã chiếm đoạt tiền của Tom, AMLBot sử dụng một tài khoản giả để liên lạc với kẻ lừa đảo trên Facebook.

“Anh ta thực chất là một cố vấn bất động sản, nên tôi đã nói rằng mình đang tìm cách đầu tư vào bất động sản,” Anmol Jain, điều tra viên chính của AMLBot cho biết.

Cuối cùng, Jain đã lấy được tài khoản Telegram của kẻ lừa đảo và gây áp lực, đe dọa sẽ báo cảnh sát nếu không tuân thủ.

“Cuối cùng, tôi đã nói rằng tôi là điều tra viên của AMLBot và chúng tôi biết anh đã làm gì với Tom. Khi biết rằng Binance đã chặn tiền, anh ta rất sợ hãi và nhanh chóng khai báo trong khoảng 15 đến 20 phút.”

Đến nay, sau một tháng, 380.000 đô la đã được hoàn lại cho Tom. Đối với số tiền còn lại, kẻ lừa đảo đã tiêu hết, và Tom đồng ý nhận lại 70.000 đô la trong những tháng tới.

*Proximity Breach (xâm phạm gần) là một hình thức lừa đảo trong đó kẻ xấu lợi dụng mối quan hệ gần gũi với nạn nhân để chiếm đoạt tài sản hoặc thông tin. Thông thường, kẻ lừa đảo sẽ tạo ra sự tin tưởng từ nạn nhân, có thể là bạn bè, người thân hoặc đồng nghiệp, và sau đó sử dụng những thông tin hoặc quyền truy cập mà nạn nhân vô tình cung cấp để thực hiện hành vi gian lận.

 

 

Minh Anh

Theo Decrypt

Thúc đẩy thương hiệu blockchain Made in Vietnam

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chiến lược Blockchain quốc gia là phát triển các nền tảng Blockchain Made in Vietnam và tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng Blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Blockchain được xem là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (Ảnh minh họa)

Hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp chuỗi khối

Trong Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển Công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký ban hành, Blockchain được định nghĩa là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain góp phần quan trọng xây dựng hạ tầng số tiên tiến, bảo đảm độ tin cậy và an toàn dữ liệu, góp phần tạo lập nền tảng phát triển công nghiệp công nghệ số.

Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2025 hình thành hệ sinh thái “Blockchain+” thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong các ngành: lĩnh vực như tài chính-ngân hàng, giao thông-vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistic, bưu chính-chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.

Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và có vị thế quốc tế trong nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ chuỗi khối trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về blockchain tại các thành phố lớn để hình thành mạng lưới quốc gia; có đại diện nằm trong Bảng xếp hạng nhóm 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu về chuỗi khối dẫn đầu trong khu vực châu Á.

Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.

Cùng với đó, phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, tạo không gian hình thành hệ sinh thái công nghiệp chuỗi khối; phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực blockchain; thúc đẩy phát triển và ứng dụng blockchain; thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế…

Trong đó, mỗi hoạt động được giao cụ thể cho các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ… chủ trì và chịu trách nhiệm.

Đáng chú ý, bên cạnh các bộ, ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp, được giao chủ trì: phát triển các nền tảng blockchain Made in Việt Nam; xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng blockchain hoạt động trên Hạ tầng blockchain Việt Nam. Đồng thời, tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain

Chia sẻ quan điểm về văn bản pháp lý mang tính chất định hướng cho sự phát triển của thị trường blockchain Việt Nam, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đánh giá, việc ban hành Chiến lược là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain, thể hiện sự cam kết và hành động cụ thể của Chính phủ, sự quyết liệt của đơn vị soạn thảo là Bộ thông tin và Truyền thông cũng như nỗ lực của cộng đồng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam trong một phiên góp ý với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về các quy định về Tài sản số trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Đối với việc VBA được giao nhiệm vụ trong Chiến lược, ông Phan Đức Trung cho biết, đây là vinh dự, ghi nhận những đóng góp của VBA trong thời gian vừa qua với các cơ quan quản lý trong việc tập hợp ý kiến, đóng góp từ cộng đồng. Đồng thời với Chiến lược quốc gia về blockchain, VBA ý thức được trách nhiệm của mình đối với ngành công nghiệp còn rất non trẻ nhưng tiềm năng này.

“Chúng tôi cam kết sẽ tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng đi theo hướng nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, khai thác tối đa những lợi ích của công nghệ blockchain được thể hiện trong chiến lược quốc gia. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, việc phổ cập công nghệ blockchain toàn diện, tiếp cận đến toàn dân như mục tiêu của Chiến lược sẽ đem lại hiệu quả rõ nét cho nền kinh tế số mà Chính phủ đã định hướng”, Phó Chủ tịch Thường trực VBA nhấn mạnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chiến lược blockchain quốc gia là văn bản có tính pháp lý cao nhất, thể hiện mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain, tận dụng ưu thế của công nghệ tiên tiến này nhằm tạo điều kiện hiện thực hóa các mục tiêu đề ra của nền kinh tế số, xã hội số.

Trước đó, ngày 8/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trình. Đây là lần đầu tiên Tài sản số được chính thức đưa vào văn bản luật với quy định cụ thể là loại tài sản vô hình, được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Việc luật hóa định nghĩa Tài sản số là một trong những hành động hiện thực cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước thời điểm tháng 5/2025. Các cam kết này được thể hiện trong Kế hoạch Hành động quốc gia, được ban hành tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách xám của FATF hồi tháng 6/2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có nhiều góp quan trọng, tích cực thông qua nhiều hoạt động cụ thể như chuỗi 7 hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý Tài sản ảo; hàng chục lượt đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản đến các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến về các quy định pháp luật này như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ,… nhằm góp phần xây dựng khung pháp lý Tài sản số phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và tương đồng với thông lệ quốc tế.

Theo VĂN TOẢN (Báo Nhân Dân)

Phạm Mạnh Cường chỉnh sửa và biên soạn