Ripple công bố báo cáo quý 3 – Đây là lượng token XRP mà công ty đang nắm giữ


Theo báo cáo quý 3 vừa được công bố, công ty blockchain Ripple, có trụ sở tại San Francisco, hiện nắm giữ 4,43 tỷ XRP. Số lượng XRP mà Ripple nắm giữ đã giảm khoảng 5,24% so với quý 2. Đồng thời, tổng số token XRP bị khóa trong quỹ dự trữ của công ty cũng ghi nhận mức giảm khoảng 1,5%, từ 39,5 tỷ xuống 38,9 tỷ. Ripple đã khóa tổng cộng 55 tỷ token XRP (hơn một nửa tổng nguồn cung tối đa của XRP) trong ví escrow vào năm 2017.

Đáng chú ý, khối lượng giao dịch của token XRP đã ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ trong quý 3. Tỷ lệ XRP/BTC cũng đã tăng 27% trong cùng kỳ, mặc dù chỉ số thống trị của Bitcoin vẫn tiếp tục tăng.

Trong nửa đầu quý 3 năm 2024, XRP ghi nhận biến động thực tế tăng mạnh, đạt đỉnh giữa tháng 8 với mức tăng gấp đôi, vượt quá 110%. Giá XRP đã dao động từ 40 xu lên 65 xu trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nửa cuối quý lại chứng kiến biến động giá ổn định hơn, với biến động thực tế giảm xuống còn khoảng 60%.

Giá và biến động thực tế của XRP trong Q3 2024 | Nguồn: Ripple

Khối lượng giao dịch của XRP trong quý này vẫn duy trì ở mức cao so với hai quý trước, với khối lượng giao dịch lớn nhất được ghi nhận trên các sàn Binance, Bybit và Upbit. Đặc biệt, nửa đầu quý 3 đã chứng kiến khối lượng giao dịch đáng kể, trung bình đạt 750 triệu USD mỗi ngày, trước khi ổn định trong nửa sau và sau đó tăng trở lại vào cuối tháng 9.

Khối lượng giao dịch giao ngay của XRP trong Q3 2024 | Nguồn: Ripple

Tương tự như nửa đầu năm, phân bổ khối lượng giao dịch XRP trên các sàn vẫn tương đối ổn định trong toàn bộ quý 3. Binance, Bybit và Upbit tiếp tục chiếm hơn 65% tổng khối lượng giao dịch, với thị phần của Binance ghi nhận sự giảm nhẹ (-3 điểm phần trăm so với quý 2), trong khi Crypto.com tăng trưởng thị phần (+6 điểm phần trăm so với quý 2).

Thị phần khối lượng giao dịch XRP giao ngay trong Q3 2024 | Nguồn: Ripple

Ngoài ra, tỷ lệ khối lượng giao dịch thông qua các cặp tiền pháp định cũng tăng từ 10% trong quý 2 lên 14% trong quý 3. Đáng chú ý, phần lớn hoạt động giao dịch XRP vẫn diễn ra trong cặp USDT.

Khối lượng giao dịch giao ngay – Các cặp fiat vs stablecoin trong Q3 2024 | Nguồn: Ripple

Báo cáo cho thấy cuộc chiến pháp lý giữa Ripple và SEC là yếu tố quan trọng tác động đến giá của token XRP. Hiện tại, token này đang được giao dịch ở mức 0,51 USD, tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong bối cảnh những biến động pháp lý đang diễn ra.

Biểu đồ giá XRP 1 ngày | Nguồn: TradingView

 

Twitter (X): 

Tiktok: 

Itadori

Tạp chí Bitcoin

Chiến lược Bitcoin đã giúp MicroStrategy đạt mức vốn hóa thị trường hơn 50 tỷ đô la, vượt mặt Coinbase


Vốn hóa thị trường của MicroStrategy, công ty đầu tư nổi tiếng chuyên về Bitcoin, đã chính thức vượt qua Coinbase, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất tại Hoa Kỳ.

Theo dữ liệu từ Yahoo Finance, MicroStrategy (MSTR) hiện có giá trị hơn 50 tỷ đô la, trong khi Coinbase (COIN) đạt khoảng 46,5 tỷ đô la.

Cổ phiếu của MicroStrategy so với Coinbase | Nguồn: Tradingview

Sự thay đổi này không quá bất ngờ, khi cổ phiếu MicroStrategy đã ghi nhận hiệu suất ấn tượng với mức tăng khoảng 400% trong năm qua, đạt đỉnh cao nhất trong hai thập kỷ tại khoảng 250 đô la.

Trong khi đó, Coinbase, dưới sự lãnh đạo của Brian Armstrong, mặc dù có mức tăng trưởng ổn định nhưng khiêm tốn hơn với chỉ 40%, do sự cạnh tranh gia tăng từ các nền tảng như Crypto.com và sự giảm sút hoạt động giao dịch do sự xuất hiện của Bitcoin ETF giao ngay.

Bên cạnh đó, sự thay đổi này cũng phản ánh phản ứng của thị trường đối với báo cáo thu nhập quý 3 của cả hai công ty. MicroStrategy đã công bố kế hoạch tham vọng huy động 42 tỷ đô la để mua Bitcoin, trong khi Coinbase cho biết sẽ mua lại cổ phiếu trị giá 1 tỷ đô la. Một số chuyên gia trong lĩnh vực tiền điện tử đề xuất rằng Coinbase nên đầu tư vào Bitcoin thay vì vào cổ phiếu của chính mình.

Các công ty lớn nhất về vốn hóa thị trường đang nắm giữ Bitcoin | Nguồn: Companiesmarketcap

Tổng thể, MicroStrategy hiện đứng trong top ba công ty hàng đầu theo vốn hóa thị trường trong lĩnh vực nắm giữ, khai thác hoặc chấp nhận Bitcoin, chỉ đứng sau Tesla và PayPal.

 

Twitter (X): 

Tiktok: 

Annie

Theo Cryptoslate

DWF Labs xem xét khởi kiện cựu đối tác Eugene Ng vì cáo buộc đánh thuốc mê


Đối tác quản lý của DWF Labs, Andrei Grachev, đã tuyên bố vào thứ Sáu trên mạng xã hội X rằng công ty của ông đang cân nhắc khởi kiện đối với đối tác sáng lập đã bị sa thải, Eugene Ng, sau khi xuất hiện các cáo buộc về việc bỏ thuốc mê trên mạng xã hội.

Trước đó trong tuần, DWF Labs thông báo đã sa thải một đối tác nhưng không tiết lộ danh tính của người này, mặc dù Eugene Ng đã bị xóa khỏi trang danh sách liệt kê đội ngũ của công ty. OpenEden, công ty chuyên về tài sản thực do Ng đồng sáng lập, cũng cho biết họ đã đình chỉ một thành viên trong đội ngũ của mình nhưng không công bố tên người bị đình chỉ.

“Khi xem video từ CCTV, tôi đã vô cùng sốc khi thấy hành động của anh ta. Đó là hành vi tồi tệ nhất mà một người đàn ông có thể thực hiện, và nó cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc, không có sự khoan dung,” Grachev nói vào thứ Sáu. “Chúng tôi sẽ rút vốn và xem xét các hành động pháp lý tiếp theo đối với Eugene.”

Vào thứ Ba, người dùng X có tên Hana, quốc tịch Nhật Bản, đã đăng tải các cáo buộc rằng một đối tác tại DWF Labs đã đánh thuốc mê cô vào tuần trước.

“Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải trải qua chuyện này. Vào tối ngày 24 tháng 10, tôi đã bị một đối tác tại DWF Labs bỏ thuốc mê tại một quán bar ở Hong Kong. Tôi đã báo cáo việc này cho cảnh sát địa phương và đã thu thập video bằng chứng về việc anh ta bỏ thuốc vào đồ uống của tôi,” Hana chia sẻ, thêm rằng cô muốn cảnh báo để không cô gái nào trở thành nạn nhân tiếp theo của hắn ta nữa.

Hana còn cho biết thêm rằng một nữ bồi bàn đã mách cho cô biết đồ uống của cô bị bỏ thuốc nhiều lần bằng một chất không rõ khi cô vào phòng vệ sinh. Sau đó thì Eugene Ng liên tục hứa cô sẽ được thăng tiến trong công việc nếu về khách sạn ở với hắn ta.

Trên mạng xã hội, Hana tự giới thiệu mình là một nhà đầu tư mạo hiểm Web 2.0, đang hy vọng chuyển sang lĩnh vực web3 và đã gặp kẻ tấn công bị cáo buộc để thảo luận về các cơ hội nghề nghiệp tiềm năng.

 

Twitter (X):

Tiktok:

Thạch Sanh

Theo The Block

DOJ Hoa Kỳ truy tố CEO Gotbit vì bị cáo buộc dàn dựng âm mưu wash trading quy mô lớn


Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã truy tố Aleksei Andriunin, nhà sáng lập và CEO của công ty dịch vụ tài chính tiền điện tử Gotbit, về tội gian lận chuyển tiền và âm mưu thao túng thị trường.

Aleksei Andriunin – CEO Gotbit

Andriunin, công dân Nga đang cư trú tại Bồ Đào Nha, bị cáo buộc dàn dựng kế hoạch thổi phồng khối lượng giao dịch một cách giả tạo cho các công ty tiền điện tử của khách hàng, trong đó một số công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ. Anh ta đã bị bắt vào ngày 16/10.

Bản cáo trạng được đệ trình tại Quận Massachusetts, cũng buộc tội Gotbit và hai giám đốc Qawi Jalili và Fedor Kedrov của công ty đã bị nêu tên trong bản cáo trạng trước đó được công bố vào đầu tháng này. 

Gotbit tự quảng bá là “nhà tạo lập thị trường memecoin” và bị cáo buộc sử dụng kỹ thuật “wash trading”* để tạo khối lượng giao dịch giả mạo, nhằm giúp tiền điện tử được niêm yết trên CoinMarketCap và các sàn giao dịch lớn.

Memecoin, các token thường dựa trên meme trực tuyến, có thể tăng giá nhanh chóng nhưng cũng có xu hướng giảm mạnh không kém. Gotbit bị cáo buộc lợi dụng điểm này để thu hút khách hàng mới.

Các tài liệu của tòa án khẳng định Andriunin đã phát triển phần mềm được thiết kế riêng để thực hiện wash trading, tạo ra hoạt động giao dịch gây hiểu lầm để lừa dối các nhà đầu tư và sàn giao dịch. Bản cáo trạng cũng cáo buộc các nhân viên của Gotbit marketing các dịch vụ này cho khách hàng, nêu bật các phương pháp tránh bị phát hiện trên blockchain công khai.

Gotbit được cho là đã tạo điều kiện cho hàng triệu đô la trong các wash trading và kiếm được hàng chục triệu đô la từ những hoạt động này. Đồng thời, Andriunin bị cáo buộc đã chuyển một số tiền lớn vào tài khoản Binance cá nhân của mình.

Các cáo buộc cũng nêu bật vai trò của Gotbit trong việc nhắm đến các nhà đầu tư memecoin thông qua kế hoạch “pump & dump”. Các kế hoạch này thổi phồng khối lượng giao dịch của token để thu hút nhà đầu tư, sau đó bán hết khoản nắm giữ để kiếm lời và khiến các nhà đầu tư bị lỗ.

Các công tố viên đã trích dẫn Operation Token Mirrors, một cuộc điều tra của DOJ về việc tạo ra một token kỹ thuật số giả để quan sát các chiến thuật thao túng, như một phần bằng chứng thu thập được trong vụ án.

Nếu bị kết tội, Andriunin có thể phải đối mặt với án tù lên tới 20 năm vì tội gian lận chuyển khoản, ngoài các khoản tiền phạt, bồi thường và tịch thu. Tội danh âm mưu có mức án tối đa là 5 năm. Bản án sẽ được một thẩm phán liên bang xác định dựa trên Nguyên tắc tuyên án của Hoa Kỳ.

Wash trading là một hành vi gian lận thị trường trong đó một người mua và bán cùng một tài sản tài chính (như cổ phiếu, tiền điện tử) để tạo ra vẻ thị trường hoạt động nhưng thực tế không có sự thay đổi thực sự trong sở hữu hoặc giá trị của tài sản đó. Mục đích của việc wash trading là tạo ra cảm giác đông đúc và sôi động trên thị trường để thu hút các nhà đầu tư khác hoặc tạo ra sự biến động giá để lợi dụng từ giao dịch đó. Tuy nhiên, hành vi wash trading là bất hợp pháp và có thể bị xem xét và xử lý bởi các cơ quan quản lý thị trường tài chính.

 

Twitter (X):

Tiktok:

Đình Đình

Theo Cryptoslate

Nghiên cứu cho thấy lệnh cấm khai thác Bitcoin có thể làm tăng lượng phát thải carbon


Các nhà nghiên cứu từ tổ chức phi lợi nhuận Exponential Science và Đại học College London đã chỉ ra rằng các lệnh cấm khai thác Bitcoin có thể gây ra những hậu quả môi trường không mong muốn, dẫn đến việc tăng lượng phát thải carbon lên đến 2,5 triệu tấn mỗi năm.

Trong bài báo có tiêu đề “Những hậu quả carbon không mong muốn của các lệnh cấm khai thác Bitcoin: Một nghịch lý trong chính sách môi trường,” các nhà nghiên cứu đã xem xét cách các lo ngại về tác động môi trường của việc khai thác Bitcoin đã khiến các chính phủ cân nhắc hoặc thực hiện lệnh cấm khai thác tiền điện tử.

Tuy nhiên, những chính sách có ý tốt này có thể đã có tác dụng ngược lại, khiến các hoạt động khai thác chuyển đến các khu vực có lượng phát thải carbon cao hơn.

Nhóm nghiên cứu, bao gồm Tiến sĩ Paolo Tasca, Juan Ignacio Ibáñez, Aayush Ladda và Logan Alred, đã sử dụng dữ liệu từ Nodiens để mô hình hóa tác động môi trường của các lệnh cấm khai thác Bitcoin bằng cách đánh giá tổng lượng phát thải carbon ở các quốc gia khác nhau.

Tác động môi trường

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng các lệnh cấm khai thác ở các quốc gia giàu năng lượng tái tạo như Canada, Paraguay, El Salvador và Na Uy có thể làm tăng lượng phát thải, do đó làm suy yếu các mục tiêu môi trường của những quốc gia này.

Ví dụ, Canada, quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân và thủy điện, có thể trải qua sự gia tăng đáng kể về lượng phát thải carbon lên đến 2,5 triệu tấn mỗi năm. Paraguay, El Salvador và Na Uy cũng sẽ chứng kiến sự gia tăng lượng phát thải do các lệnh cấm tương tự.

Trong khi đó, một lệnh cấm ở các quốc gia có nguồn năng lượng tập trung vào carbon như Kazakhstan, Trung Quốc và Malaysia có thể làm giảm lượng phát thải. Kazakhstan, quốc gia chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, có thể giảm đáng kể lượng phát thải carbon lên đến 3,4 triệu tấn nếu thực hiện các sáng kiến như vậy.

Nghiên cứu cũng xem xét các lệnh cấm tiềm năng ở cấp tiểu bang tại Hoa Kỳ. Nó lưu ý rằng Kentucky, Georgia và Nebraska có thể giảm lượng phát thải với một lệnh cấm, trong khi New York và Texas có khả năng chứng kiến sự gia tăng lượng phát thải từ các hành động tương tự.

Hậu quả không mong muốn

Nghiên cứu cho thấy rằng các lệnh cấm khai thác Bitcoin ở các quốc gia có lượng phát thải thấp có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lượng phát thải carbon toàn cầu khi các hoạt động khai thác chuyển đến các khu vực có lượng phát thải cao hơn. Kết quả này mâu thuẫn với các mục tiêu ban đầu của các chính sách này.

Để giải quyết những thách thức này, các nhà nghiên cứu ủng hộ một khung quy định tinh tế hơn xung quanh việc khai thác Bitcoin. Họ nhấn mạnh rằng không phải tất cả việc khai thác Bitcoin đều giống nhau, và điều quan trọng là phải đánh giá các nguồn năng lượng được sử dụng trong các hoạt động khai thác trước khi thiết lập các chính sách quy định.

Hơn nữa, bài báo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem xét lại hiệu quả của các lệnh cấm khai thác Bitcoin hoàn toàn như một phương tiện giảm phát thải carbon toàn cầu.

Thay vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các nhà chức trách nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo cho các hoạt động khai thác ở các khu vực có lượng carbon cao và cung cấp các ưu đãi để chuyển các hoạt động khai thác đến các khu vực có lượng carbon thấp, điều này có thể phù hợp hơn với mục tiêu giảm phát thải carbon đồng thời hỗ trợ sự phát triển của lĩnh vực crypto.

Margot Paez, một thành viên tại Viện Chính sách Bitcoin, đồng tình với quan điểm này. Cô tin rằng Bitcoin có tiềm năng hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ hệ thống kinh tế hiện tại sang một hệ thống phù hợp hơn với các nguyên tắc sinh thái, cuối cùng giúp giảm thiểu các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

 

Twitter (X): 

Tiktok: 

Thạch Sanh

Theo Crypto Slate

Tỷ lệ chiến thắng của Donald Trump trên Polymarket giảm xuống dưới 58% dù cá voi cược thêm 7 triệu đô la


Một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên nền tảng Polymarket đã quyết định rót thêm 7 triệu đô la vào token ‘Yes’ của ứng cử viên Đảng cộng hòa Hoa Kỳ Donald Trump, đặt cược vào khả năng ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11. Khi các hoạt động cá cược gia tăng, sự thao túng thị trường và các rủi ro liên quan ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Hoạt động của các nhà đầu tư lớn (cá voi) trên Polymarket đã gia tăng trong những ngày gần đây, phản ánh sự kết hợp giữa những người thực sự tin tưởng vào Trump và những cá nhân có dấu hiệu thao túng thị trường. Một trong những nhà đầu tư mới nhất đã thực hiện giao dịch rút 7,03 triệu đô la từ Kraken để đầu tư vào token ‘Yes’, nâng tổng số tiền mà cá voi này đã chi cho cược của Trump lên tới 70 triệu đô la.

Một con cá voi đã rút 7,03 triệu đô la từ Kraken để đặt cược vào chiến thắng trong cuộc bầu cử của Trump | Nguồn: Nansen

Cá voi này ước tính đã chịu tổn thất chưa thực hiện hơn 700.000 đô la khi giá token ‘Yes’ giảm từ 0,66 đô la xuống còn khoảng 0,58 đô la. Trong khi tài khoản này vẫn giữ vững vị thế của mình, một số trader khác đang nỗ lực đẩy giá cược vào khả năng chiến thắng của Trump xuống thấp hơn, thậm chí một số còn chấp nhận bán lỗ, dẫn đến sự đảo chiều xu hướng và gia tăng biến động.

Tỷ lệ cược Trump – Harris cho cuộc đua bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2024 | Nguồn: Polymarket

Thêm vào đó, áp lực thị trường cũng xuất phát từ các cơ hội chênh lệch giá giữa các thị trường cá cược khác nhau. Các nhà giao dịch gần đây phát hiện rằng giá token ‘Yes’ của Kamala Harris trên PredictIt cao hơn nhiều, dẫn đến việc thao túng thị trường thêm nữa. Các giao dịch gần đây cho thấy Polymarket không còn được xem là một công cụ dự đoán đáng tin cậy cho kết quả bầu cử Hoa Kỳ.

Polymarket vẫn phải đối mặt với nhiều nghi ngờ về tính xác thực của các giao dịch, trong bối cảnh có thông tin về khả năng rửa tiền. Trong tuần qua, một nhà đầu tư đã nhanh chóng đẩy tỷ lệ cược của Trump lên tới 99%, với chi phí khoảng 3 triệu đô la. Hiện tại, áp lực giá yêu cầu mức giá thầu cao hơn rất nhiều để có thể tác động đến thị trường.

Hồ sơ các trader đặt cược vào chiến thắng của Trump khác biệt rõ rệt so với hồ sơ của Kamala Harris. Phần lớn các cược liên quan đến Trump tập trung vào các ví cá voi, trong khi cược đối thủ được phân bổ rộng rãi hơn giữa các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Một số nhà đầu tư nhỏ trên Polymarket có thể đang tham gia với hy vọng nền tảng này sẽ phát hành token gốc trong tương lai. Có tới 44% cược trên Polymarket có giá trị dưới 50 đô la, có thể được coi là cược nhỏ hoặc là hình thức farm airdrop. Ngược lại, chỉ 0,01% cược có giá trị trên 100.000 đô la mới là những cược có tác động lớn nhất đến thị trường.

Tháng vừa qua ghi nhận một làn sóng người dùng mới tham gia vào Polymarket, với tổng cộng 300.386 tài khoản mới được tạo ra chỉ trong tháng 10. Hợp đồng mở (OI)* cũng tăng mạnh, hiện đạt hơn 358 tỷ đô la trên tất cả các thị trường, trong đó khoảng 91% dành cho các vấn đề liên quan đến bầu cử Hoa Kỳ.

Các trader mới tham gia Polymarket trong tháng 10 | Nguồn: Dune Analytics

Trong số 10 nhà đầu tư hàng đầu, chỉ có ba người đang nắm giữ lợi nhuận chưa thực hiện, trong khi phần còn lại vẫn đang chờ đợi diễn biến của thị trường. Ít nhất bốn tài khoản liên kết với Fredi9999, một trong những trader hàng đầu trên Polymarket, đang cho thấy sự đan xen giữa lãi và lỗ chưa thực hiện.

Danh tính của cá voi đầu tư lớn nhất vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ đã được xác nhận là một trader người Pháp, người đã xác nhận danh tính của mình với Wall Street Journal và cho biết không có động cơ chính trị. Anh ta khẳng định chỉ sử dụng vốn cá nhân để đầu tư, mặc dù chưa có xác nhận độc lập về nguồn tiền.

Mục tiêu chính của trader này là kiếm lợi nhuận, và tài khoản Fredi9999 hiện đang chứng kiến mức lãi chưa thực hiện là hơn 1 triệu đô la. Tuy nhiên, anh ta có nguy cơ lỗ tới 30 triệu đô la nếu kết quả bầu cử diễn ra trái ngược với dự đoán của mình. Hiện tại, Fredi9999 và các tài khoản nhỏ hơn khó có thể thoát khỏi các vị thế của họ mà không gây ra sự hoảng loạn trên thị trường và làm sụp đổ tỷ lệ cược.

*OI (hợp đồng mở) là thước đo tổng giá trị của tất cả các hợp đồng tương lai đang lưu hành hoặc “chưa thanh toán” trên các sàn giao dịch, và đồng thời là một chỉ báo về sự tăng giá thị trường cũng như tâm lý của trader xung quanh một loại tài sản cụ thể.

 

Twitter (X): 

Tiktok: 

Itadori

Theo Cryptopolitan

VanEck chỉ trích lập trường lỗi thời của Bộ Tài chính Mỹ về stablecoin


Nghiên cứu viên trưởng về tài sản kỹ thuật số của VanEck, Matthew Sigel, gần đây đã chỉ trích quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ đối với tài sản số trong một báo cáo gần đây, cho rằng lập trường này thể hiện sự chống đối đối với stablecoin dựa trên những quan điểm học thuật đã lỗi thời.

Sigel cho biết Bộ Tài chính dựa vào một nghiên cứu duy nhất của Gary Gorton và Jeffery Zhang để biện minh cho việc ưu tiên các hệ thống tài chính tập trung. Ông cũng nhận định rằng phân tích lịch sử tập trung vào Hoa Kỳ của nghiên cứu này đã củng cố một “narrative tái chế” cho rằng tiền tệ tư nhân vốn dĩ không ổn định, điều này có thể gây hiểu lầm.

Ông nhấn mạnh:

“Lịch sử từ nhiều quốc gia khác cho thấy rằng tiền tệ tư nhân không nhất thiết dẫn đến sự bất ổn – khi có các cơ chế kiểm soát và cân bằng hợp lý, chúng có thể đáng tin cậy như tiền tệ do chính phủ phát hành.”

Báo cáo của Bộ Tài chính đã đưa ra những nhận xét tích cực về việc đại diện cho các tài sản thực trên blockchain, một quá trình được gọi là token hóa. Bộ cũng nhấn mạnh rằng stablecoin và token hóa có khả năng định hình lại cảnh quan tài chính.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sự ổn định của stablecoin và lập luận rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ có thể tạo ra rủi ro nếu không được quản lý đúng cách.

Lập luận đã lỗi thời

Sigel cho rằng nghiên cứu của Gorton và Zhang đang lưu hành trong một “buồng vang học thuật”, củng cố các mối quan ngại đặc thù của Hoa Kỳ mà không công nhận những tiền lệ toàn cầu. Ông khẳng định rằng stablecoin đã chứng minh khả năng hoạt động an toàn trong các khuôn khổ quy định hợp lý trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ trích sự so sánh giữa các ngân phiếu hoang dã thế kỷ 19 và stablecoin, cho rằng lập trường của Bộ Tài chính không tính đến khả năng mà các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân có thể hoạt động ổn định trong các hệ sinh thái tài chính hiện đại.

Ông nhấn mạnh rằng các stablecoin hiện đại có khả năng cung cấp dữ liệu thời gian thực và các giao dịch minh bạch, điều này khác biệt hoàn toàn so với các môi trường hỗn loạn của quá khứ, và những vấn đề cũ không còn phù hợp với chúng.

Cuối cùng, Sigel kêu gọi một cái nhìn tổng thể và toàn cầu hơn về vấn đề này. Ông tin rằng việc hiểu rõ tiềm năng của stablecoin và các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân đòi hỏi phải thoát khỏi những quan điểm chỉ mang tính chất Hoa Kỳ và dựa vào những kinh nghiệm tài chính quốc tế.

Ông cũng khuyến khích các cơ quan quản lý Hoa Kỳ nên áp dụng một cái nhìn bao quát hơn, phản ánh thực tế của một nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu ngày càng kết nối.

*Buồng vang học thuật (academic echo chamber) là một khái niệm mô tả tình trạng trong đó các ý tưởng, quan điểm hoặc nghiên cứu được lặp đi lặp lại và củng cố trong một cộng đồng học thuật mà không có sự xem xét hay thách thức từ các góc nhìn bên ngoài. Điều này thường xảy ra khi các nhà nghiên cứu hoặc học giả chỉ tham khảo và công nhận các công trình của nhau mà không đưa ra các quan điểm khác, dẫn đến việc hình thành các quan điểm chung mà có thể không phản ánh thực tế hoặc thiếu sự đa dạng trong tư duy.

Khi rơi vào buồng vang học thuật, các nghiên cứu và lý thuyết có thể trở nên hạn hẹp và không cập nhật với các phát triển mới, cũng như không xem xét đầy đủ các bối cảnh hoặc kinh nghiệm quốc tế.

 

Twitter (X):

Tiktok:

Thạch Sanh

Theo The Block

Giá ETH có thể giảm xuống còn $1.550 vào tháng 11, đây là lý do


Sau tháng Mười thiếu đi sự sôi động cần thiết, mô hình giảm giá trên biểu đồ Ethereum không còn có thể bị phớt lờ. Ethereum mở phiên giao dịch đầu tháng Mười ở mức $2.400 và bước vào tháng Mười Một ở mức $2.500. Hiện tại, các nhà phân tích dự đoán giá ETH có thể giảm $1.000.

Không có tín hiệu mua trên biểu đồ

Theo nhà phân tích tiền điện tử Peter Brandt, sự thiếu hụt tín hiệu mua cho Ethereum (ETH) thể hiện xu hướng giảm giá trên biểu đồ. Brandt cho biết ETH vẫn có một mục tiêu giảm chưa đạt được ở mức $1.551. Trong khi đó, nếu giảm đến $1.551 sẽ tương đương với mức giảm 62% so với giá hiện tại.

Ngày 31 tháng 10, Peter Brandt đăng một tweet trên X rằng: “Đáng chú ý là không có tín hiệu mua nào cho ETH. Thực tế, biểu đồ vẫn còn trong xu hướng giảm với mục tiêu chưa đạt ở mức $1.551”.

Brandt nhấn mạnh rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự thay đổi động lực trong mô hình giá của tài sản này. Ông cũng chia sẻ một biểu đồ 24 giờ của Ethereum để minh chứng cho nhận định bi quan của mình.

Nguồn: Peter Brandt/X

Một nhà phân tích khác, Kotter, cũng ủng hộ dự đoán của Brandt. Nhà phân tích này khẳng định Ethereum sẽ tiếp tục kém hơn so với Bitcoin, với biểu đồ ETH/BTC hướng tới vùng 0,0265.

Theo dữ liệu từ CoinGecko, ETH đang giao dịch ở mức $2.522, giảm nhẹ trong 24 giờ qua.

Hy vọng vẫn còn

Mặc dù vậy, không phải tất cả các nhà phân tích thị trường tiền điện tử đều thấy tình hình tồi tệ cho thị trường. Nhà phân tích tiền điện tử Mammon nhấn mạnh rằng giá Ethereum đang tiến gần đến vùng cầu quan trọng. Trong một tweet, ông cho biết “Ethereum đang tiến đến vùng cầu quan trọng này, nơi nó nên hình thành một đáy cao hơn nếu muốn tránh trở lại mức thấp của vùng…”

Nguồn: Mammon/X

Nếu Ethereum có thể hình thành một đáy cao hơn ở các vùng hỗ trợ, Mammon nhận thấy tiềm năng lớn cho một xu hướng tăng. Việc lấy lại mức nàyc ó thể tạo điều kiện cho một đợt tăng giá đáng kể, theo phân tích của ông. Một số nhà phân tích thị trường cũng đặt mục tiêu $18.000 cho Ether.

Thêm vào đó, dòng tiền đổ vào các quỹ đã quay trở lại. Trong ba ngày qua, các quỹ Ether ETF đã ghi nhận dòng tiền ròng dương. Vào thứ Năm, ngày 31 tháng 10, quỹ BlackRock Ethereum ETF (ETHA) ghi nhận dòng tiền vào $50 triệu.

Ngược lại, quỹ Grayscale Ethereum ETF (ETHE) ghi nhận dòng tiền ra $36,6 triệu, khiến tổng dòng tiền ròng chỉ còn $13,4 triệu.

Nhà phân tích tiền điện tử Michael van de Poppe cho biết dữ liệu thất nghiệp của Mỹ sẽ là yếu tố quan trọng, có khả năng ảnh hưởng đến hướng đi của thị trường rộng lớn hơn.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn là động lực lớn của thị trường tiền điện tử. Cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump, đã hứa sẽ biến Mỹ thành quốc gia thân thiện với tiền điện tử. Nếu ông đắc cử, điều này có thể mở đường cho nhiều nhà đầu tư từ Mỹ tham gia thị trường tiền điện tử.

Ethereum, là altcoin lớn nhất, vẫn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Nó có vốn hóa thị trường $300 tỷ, đứng sau Bitcoin với $1,3 nghìn tỷ. Do đó, ETH vẫn có cơ hội quay lại vùng tăng giá nếu mọi điều kiện thuận lợi. 

Bạn có thể xem giá ETH ở đây.

Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn. 

 

Twitter (X): 

Tiktok: 

SN_Nour

Theo Cryptopolitan

Cổ phiếu Metaplanet tăng hơn 1.000% trong năm nhờ chiến lược đầu tư vào Bitcoin


Chiến lược đầu tư Bitcoin của Metaplanet theo chân MicroStrategy đã mang lại lợi nhuận vượt trội và đưa công ty lên vị thế là một trong những doanh nghiệp sở hữu Bitcoin lớn nhất châu Á.

Việc Metaplanet đẩy mạnh áp dụng Bitcoin đã khiến giá cổ phiếu công ty tăng vọt lên khoảng 1.017% tính đến nay trong năm 2024, trở thành cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất tại Nhật Bản, theo CEO Simon Gerovich.

Bắt đầu sáng kiến Bitcoin vào tháng 4, công ty đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong hàng ngũ các doanh nghiệp lớn nhất châu Á về nắm giữ Bitcoin. Giá cổ phiếu đã nhảy vọt 740% chỉ trong sáu tháng, từ $190 vào tháng 4 lên $1.596 tại phiên đóng cửa thị trường thứ Sáu, dựa trên dữ liệu từ Yahoo Finance.

So sánh tỷ lệ tăng cổ phiếu tại Nhật Bản | Nguồn: Simon Gerovich

Từng phải đối mặt với khó khăn trong việc hồi sinh hoạt động kinh doanh, Metaplanet đã tự chuyển mình đầy ấn tượng bằng việc chọn lối đi riêng “đu Bitcoin”.

Công ty đã tích cực tích lũy Bitcoin qua nhiều phương thức tài chính khác nhau, bao gồm phát hành cổ phiếu và trái phiếu, theo cách tương tự với MicroStrategy nhưng có những điều chỉnh để tuân thủ quy định tại Nhật Bản.

“Chúng tôi nhận thấy Bitcoin là tài sản số hàng đầu, vô cùng phù hợp để đưa vào dự trữ của công ty,” Gerovich chia sẻ tại Hội nghị Bitcoin tháng 7 ở Nashville. “Sau đó, chúng tôi đặt ra mục tiêu là sở hữu và mua thêm nhiều Bitcoin nhất có thể theo thời gian.”

Hiện tại, Metaplanet sở hữu hơn 1.000 BTC, mua với giá trung bình là $61.800. Với mức giá hiện tại của Bitcoin là $69.900, khoản lợi nhuận chưa thực hiện của công ty đạt khoảng 8 triệu đô la.

Metaplanet có kế hoạch tiếp tục tăng cường nắm giữ Bitcoin và thúc đẩy việc sử dụng Bitcoin như một tài sản dự trữ cho doanh nghiệp, tương tự như MicroStrategy. Tuy nhiên, Michael Saylor, CEO của MicroStrategy, đặt mục tiêu xa hơn: trở thành ngân hàng Bitcoin lớn nhất thế giới.

Xu hướng gia tăng nắm giữ Bitcoin của doanh nghiệp

Lượng Bitcoin do các doanh nghiệp nắm giữ đã tăng 587% kể từ năm 2020, theo báo cáo tháng 9 của River Financial. Hiện nay, các doanh nghiệp đang sở hữu hơn 3% tổng số Bitcoin lưu hành, tương đương khoảng 683.332 BTC.

Michael Saylor của MicroStrategy khuyến khích các công ty lớn đầu tư vào Bitcoin như một cách để tăng cường vốn hóa và bảo vệ tài sản khỏi nguy cơ lạm phát. Ông đã kêu gọi Apple và Microsoft tham gia đầu tư vào Bitcoin, tin rằng việc sở hữu Bitcoin có thể là lá chắn chống lại sự mất giá của tiền pháp định.

Trong cuộc phỏng vấn trên podcast “Markets with Madison” đầu tháng này, Saylor gợi ý rằng nếu Apple đầu tư 100 tỷ đô la vào Bitcoin thay vì mua lại cổ phiếu, vốn hóa thị trường của công ty có thể tăng thêm tới 2 nghìn tỷ đô la. Tương tự, ông đề nghị Microsoft cân nhắc đầu tư vào Bitcoin để tối đa hóa giá trị cho cổ đông. Trong một bài viết gửi đến CEO Satya Nadella của Microsoft, Saylor dự đoán rằng động thái này có thể đóng góp thêm một nghìn tỷ đô la vào vốn hóa thị trường của Microsoft.

Microsoft dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu cổ đông về đề xuất đầu tư Bitcoin trong cuộc họp thường niên vào ngày 10 tháng 12 tới đây. Thành phần cổ đông Microsoft chủ yếu bao gồm các tổ chức đầu tư lớn và một số cổ đông nội bộ, trong đó có các “ông lớn” như Vanguard Group, BlackRock, State Street, Fidelity Investments và Geode Capital Management.

Dù vậy, Hội đồng quản trị của Microsoft đã khuyến nghị các cổ đông bỏ phiếu chống lại đề xuất này, cho rằng họ đã đánh giá cẩn thận tiềm năng của việc đầu tư vào Bitcoin và thấy không cần thiết phải tiến hành.

 

Twitter (X):

Tiktok:

Vương Tiễn

Theo Crypto Briefing